5 thg 11, 2011

Những ngày đại hội vùng ASPAC, 25-30/10. Bagio-Philippines


Quang Phan, SVD

Phần 1
Phần 2

Đại hội vùng Aspac (châu Á Thái bình dương) năm nay được tổ chức tại tỉnh Baguio của Philippines với chủ đề “Phúc cho anh em: Đối thoại và chứng nhân trong bối cảnh liên văn hoá của châu Á Thái bình dương.”

Sự hiện diện của cha Tổng Quyền Pernia trong đại hội nói lên sự quan tâm sâu xa của ngài đối với tương lại SVD trong vùng này. Theo thống kê mới nhất, 75% hội viên SVD khắp nơi trên thế giới thuộc về vùng châu Á Thái bình dương. 85% bài sai đầu tiên của Hội dòng cũng xuất phát từ vùng Aspac này. Được biết ngài chưa bao giờ vắng mặt trong bất cứ đại hội nào của Aspac (Aspac Zonal Assembly).


Ngoài ra đại hội còn qui tụ các bề trên giám tỉnh/miền từ 16 tỉnh dòng và 3 miền, các điều phối viên ban ngành, cả thảy 28 anh em. Trong những ngày sống, cầu nguyện và làm việc với nhau trong bối cảnh như thế, anh em mới cảm nghiệm một cách thực tế tính đa dạng quốc tế và liên văn hoá của hội dòng SVD, như chủ đề của đại hội đề cập đến.

- Ngày đầu tiên 23/10. Tất cả anh em tập trung tại Christ the King College. Tại cộng đoàn Christ the King mình gặp hai cha Cương và Nhiệm đang theo học và trú ở đó. Được biết trong khuôn viên Christ the King, có một toà building khá lớn, nguyên có thể chứa được 100 học sinh thủa ơn gọi SVD ở Philippines còn phong phú trong những thập niên 1960. Hiện nay thì cả toà nhà đó đóng kín rêu rong và xuống cấp vì chẳng còn ơn gọi. Nghe đâu cả Tỉnh dòng miền Trung (PHC) và cộng đoàn Christ the King không ai muốn nhận trách nhiệm quản lý vì gánh nặng tài chánh cho việc trùng tu, và cũng chẳng biết phải dùng vào mục đích gì. Phải chi mà bứng được cái building đó đem về cho tỉnh dòng Việt Nam ta hỉ! Được biết cả ba tỉnh dòng SVD của Phi (Bắc, Trung và Nam) hiện chỉ còn 29 đại chủng sinh đang theo học ở đại chủng viện Tagaytay.

- 24/10. Tất cả anh em SVD về dự đại hội vùng Aspac cùng lên xe bus hướng về Baguio, một thành phố nghỉ mát đi về phía Bắc của Manila, độ chừng 6 tiếng đồng hồ xe bus. Baguio có ở độ cao 15000 mét trên mặt biển. Khí hậu mát mẻ phong cảnh đường lên Baguio cũng giống như Đà Lạt nhưng với diện tích lớn hơn Đà lạt. Nhà cửa ở Philippines cũng lè tè nhạt nhẽo, kiến trúc không có gì ấn tượng lắm. Cơ sở hạ tầng đường xá thì đúng là họ ăn đứt Việt Nam. Có lẽ nhờ không bị rút ruột rút gan nhiều như ở ta.

- 25/10. Trong thánh lễ khai mặc đại hội. Cha Tổng quyền chia sẻ về hình ảnh Nước Trời giống qua dụ ngôn của hạt giống nhỏ và men trong bột. Là một tôn giáo thiểu số ở Á châu với giàu truyền thống lâu đời của nhiều văn hoá và tôn giáo, có lẽ hình ảnh men trong bột phù hợp với vai trò truyền giáo của Kitô giáo. Bé nhỏ khiêm nhường nhưng có hiệu quả làm dậy bột. Trong các giờ phụng vụ đầu ngày, cả đại hội đều đọc kinh cầu cho Tổng Tu Nghị thứ 17 tới của Hội dòng.

Sau giờ ăn sáng, đại hội bắt đầu. Cha Bill Burt điều phối viên của vùng Aspac trong bài phát biểu khai mạc nhấn mạnh, “Chúa không gọi những người có chuyên môn, nhưng những ai Ngài gọi, Ngài làm cho họ trở nên chuyên môn”. Cha Bill chia sẻ hình ảnh của người Samaritan để nói lên những tố chất mà một ngươi truyền giáo nên có. Có ba thứ mà người Samaritan nhân hậu đã dùng khi cứu nạn nhân không cùng chủng tộc với mình: Dầu xoa bóp, con lừa để chuyên chở và quán trọ. Mục đích của dầu là để xoa dịu vết thương và cái đau; con lừa là để gánh vác sức nặng của trách nhiệm; nhà trọ là biểu tượng của hiếu khách và cũng là nơi mà gánh nặng được trút bỏ. Trong mỗi nhà truyền giáo, khi tiếp xúc với những con người từ nền văn hoá khác, ở chúng ta có chăng ba tố chất đó.

Sau bài phát biểu của cha điều phối viên là bài phát biểu của cha Tổng quyền, với chủ đề “Những thách đố và cơ hội trong đời sống tu sỹ ngày nay”. Nhận định về những thách thức, cha Tổng quyền cho rằng trong hai chục năm qua, hiện tượng toàn cầu hoá đã tạo ra một môi trường thuận lợi cho chủ nghĩa thế tục hoá, một lối sống không còn quan tâm tới hay khước từ những giá trị siêu việt. Thay vào đó là lối sống hoàn toàn lấy giá trị thế tục làm cứu cánh.

(a) Một trong những hậu quả của trào lưu thế tục hoá ta có thể thấy được là sự sút giảm của ơn gọỉ ở thế giới tây phương và bắc Mỹ. Theo thống kê ơn gọi, cứ mỗi 1000 ơn gọi trong hội dòng thì chỉ có ba người là có gốc sanh ra ở tây phương (western born). Bên cạnh đó là sự thiếu vắng sức sống năng động và ý chí dám chấp nhận may rủi ở các nhà truyền giáo trẻ hôm nay.

Chúng ta đang nhìn thấy hiện tượng gia tăng ơn gọi ở lục đía Á châu và Phi châu. Nhưng sự gia tăng này cũng có tính chất tạm thời, chỉ là vấn đề của thời gian.

Giới trẻ ngày nay năng nổ tham gia các phong trào như bảo vệ sự sống và cổ võ công lý và hoà bình. Vì thế tôn giáo không còn là phương thế duy nhất để họ chuyển tải năng lực nhiệt tình cũng như sự rộng rãi của họ nữa. Họ thích phong trào giáo dân hơn là đời tu. Vì thế đời tu không còn là sự lựa chọn duy nhất để có một cuộc sống ý nghĩa.

Xã hội chúng ta đã biến đổi một cách triệt để. Chúng ta đang đối diện với một thứ tôn giáo hậu tôn giáo (post religion religion). Công đồng Vatican II kêu gọi đối thoại với thế giới bên ngoài, nhưng thế giới bên ngoài kia không còn là thế giới mà ở thời điểm đó Vatican II đang nghĩ đến.

(b) Những thách thức của đa văn hoá. Trung tâm văn hoá ngày nay không còn là đơn cực như Mỹ hay Tây phương nữa. Quyền lực trước đây ở phía bắc Mỹ và Tây phương hiện đang chuyển về vùng nam địa cầu. 75% dân số công giáo nằm ở vùng Nam địa cầu. Hậu quả của việc đa văn hoá cực này đưa đến đảo lộn và văn hoá độc tôn bị thay đổi. Tây phương và bắc Mỹ không còn là cách duy nhất để hiểu đời tu.

Nếu nhà tu hiểu theo cách cũ: Cộng đoàn – cầu nguyện – vâng phục – khiết tịnh
thì ngày nay: Cộng đoàn – cầu nguyện – cách xử dụng tiền bạc – khó nghèo.

Vì thế, truyền giáo cũng thay đổi hướng đi từ đơn văn hoá đến đa văn hoá

(c) Cơ hội. Hoàn cảnh trên đã đưa tới việc hợp tác và nối mạng lẫn nhau giữa các tu sỹ và với giáo dân. Ta đã nói về tính quốc tế (international) và liênvăn hoá (intercultural) như là những giá trị chứng nhân cho tính phổ quát (universal) của Nước Trời. Nước Trởi có tính bao gồm, cởi mở đón nhận tất cả cũng như tính cá biệt ở mọi người. Liên văn hoá không tự nó xảy ra, mà cần có môi trường mà trong đó nó được khuyến khích, chăm sóc và nuôi dưỡng

- Liên Dòng (inter congregational). Trong một thế giới bị chia rẽ, việc kết hiệp liên dòng có thể tạo ra một tiếng nói mang tính ngôn sứ (prophetic voice). Việc hợp tác liên dòng có thể giải quyết được những nhu cầu mà nếu tự đứng một mình ta không giải quyết được. Làm việc liên dòng có hiệu quả đắc lực hơn nỗ lực của từng dòng riêng rẽ cộng lại. (ở VN chúng ta có học viện liên dòng là một ví dụ).

- Hợp tác với giáo dân (inter vocational). Do thiếu ơn gọi tu sỹ, ngày nay giáo dân đã tích cực hơn trong vai trò quản lý cũng như phụng vụ. Công đồng Vatican II khuyến khích các phong trào giáo dân và đoàn thể như các hội đoàn và dòng ba. Việc hợp tác này nhắc nhở giáo sỹ cũng như giáo dân trách nhiệm hơn trong ơn gọi của mình. Chúng ta thực thi những ơn gọi liên (intercultural, inter-religióu, inter congregational, inter vocational) này không phải là để đối phó với một sự khủng hoảng, mà vì đó là ơn gọi của chúng ta. Và mỗi người chúng ta phải ăn rễ sâu vào trong ơn gọi riêng của mình.

Sau bài phát biểu của cha Tổng quyền, tất cả anh em chia thành 4 nhóm thảo luận với ba câu hỏi: (1) toàn cầu hoá và chủ nghĩa thế tục ảnh hưởng đến sứ vụ của bạn như thế nào; (2) kinh nghiệm của bạn (thách thức và cơ hội) trong đối thoại và hợp tác ở các lãnh vực: liên tôn, liên văn hoá, liên dòng, và liên ơn gọi là gì?; (3) vùng Zone (cơ cấu/bố trí) hữu ích gì cho những điểm trên?

26/10. Hôm nay các bề trên giám tỉnh và miền dòng từng người báo cáo tình hình của từng tỉnh/miền. Các bề trên báo cáo theo từng tiểu vùng (sbzone): bắt đầu là tiểu vùng Indonesia (4 tỉnh, 1 miền); India (4 tỉnh, 1 miền), Philippines (3 tỉnh); Úc và Papua New Guinea (2 tỉnh); sau cùng là vùng đũa (China, Viet, Japan, miền Korea: 3 tỉnh, 1 miền). (Ba năm trước, trong cuộc họp về đào tạo aspac tổ chức ở Flores – Indonesia (2007?), cha Tổng Quyền có nhắc là từ chopstic (đũa) không nên dùng, vì có hàm ý miệt thị. Không hiểu sao trong aspac vẫn dùng, có lẽ vì không kiếm được từ nào khác khi nhắc đến tiểu vùng này, nằm rải rác các quốc gia khác nhau. Các tiểu vùng khác ngoài trừ Úc và PGN đều chung một quốc gia).

Bên cạnh những ưu điểm về tiềm năng nhân lực, dường như có một quan tâm về sự giảm sút tính liên văn hoá và quốc tế ở các tỉnh/miền dòng. Do hoàn cảnh chính trị ví dụ như ở Indonesia, India và Vietnam các nhà truyền giáo từ bên ngoài không còn dễ dàng nhập vào các vùng đó. Úc, PNG, Philippines, Japan và China (Taiwan) vẫn là những tỉnh dòng mạnh về tính đa văn hoá của các nhà truyền giáo. Nhưng ơn gọi ở các tỉnh dòng đó không mạnh về con số ơn gọi địa phương.

- 27/10. Nguyên ngày hôm nay đại hội nghe báo cáo từ các điều phối viên của 8 ban ngành: Bible Animation, Communication, JPIC, Mission Animation/Secretary, Formation, MER, Brothers, và SVD-University. Nhìn chung các ban ngành vẫn làm việc có tính cách độc lập, ít liên kết với nhau. Tiểu vùng ‘đũa’ (Viet, Kor, JPN và China) xem ra hơi yếu về mảng này, có lẽ một phần do vị trí địa lý và đa dạng về ngôn ngữ khác nhau nên tính kiên kết cũng không đuợc mạnh mẽ. Các tiểu vùng India và Philippines và Indonesia nhờ lợi thế cùng quốc gia và ngôn ngữ nên sự liên kết khá hơn. Riêng bốn chiều kích đặc trưng, truyền thông, tông đồ kinh thánh, JPIC truyền giáo, có ý kiến là mỗi tỉnh dòng và vùng nên có một cơ cấu tốt hơn để bốn chiều kích này làm việc với nhau, thay vì làm việc rời rạc riêng rẽ. Đại hội đã đưa điểm này vào kiến nghị 
(còn tiếp).  

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét