2 thg 12, 2011

Hội nhập văn hóa trong công cuộc truyền giáo tại Việt nam


Peter Loan SVD
Nhìn lại lịch sử giáo hội Việt Nam chúng ta có thể thấy việc truyền thông Tin Mừng bằng đường lối ‘du nhập văn hóa’ từ trước đến nay đem lại kết quả không mấy khả quan, thậm chí còn có những kết quả tiêu cực. Có thể nói nhiều nhà truyền giáo một thời đã mang não trạng của một thứ thực dân văn hóa hay nói đúng hơn là một thứ “thực dân thần học”.
Tin Mừng Kitô giáo đã có lịch sử hàng ngàn năm ngụp lặn trong một nền văn hóa thượng tôn lý trí, và một nền văn minh khoa học kỹ thuật phát triển nhanh chóng của Âu Châu. Do đó, khi được truyền đi bất cứ đâu, Tin Mừng đều mang theo cả nền văn minh và văn hóa Âu Châu với não trạng tự tôn, coi thường các nền văn hóa khác.
Não trạng này đã trở thành rào cản lớn cho công cuộc hội nhập Tin Mừng vào một dân tộc khi các tín hữu bị tiêm nhiễm một tư tưởng là đã được tiếp nhận một nền “văn minh Kitô giáo” ưu việt và phổ quát.
Đón nhận Tin Mừng trong một trào lưu như thế, người tín hữu Việt Nam không còn nghĩ đến một Đức Kitô tóc đen da vàng mủi tẹt để thay thế cho một Đức Kitô mắt xanh mủi lỏ nữa. Nói như thế không hàm ý phủ nhận bao công lao vất vã của các bậc tiền nhân đã nỗ lực “canh tân phụng vụ,” “sửa đổi lễ nghi” hay “cải cách mục vụ”... cho giáo hội Việt Nam mà lâu nay vẫn thấy nói đến.

Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy việc hưởng ứng bao giờ cũng tỏ ra khá mau mắn và rầm rộ, nhưng rồi cũng chỉ là sôi nổi nhất thời, nhiều khi hời hợt vụ hình thức và thiếu ý thức trách nhiệm trong lãnh đạo và tổ chức.
Đọc lại giáo huấn của Công đồng Vatican II chúng ta càng thấy nhu cầu hội nhập văn hóa trong công tác rao giảng Tin Mừng càng bức thiết hơn.
Giáo hội dạy “Tương tự như chương trình Nhập Thể, các Giáo Hội trẻ trung, khi đang được bén rể trong Chúa Kitô và xây dựng trên nền tảng các Tông Đồ, qua một cuộc trao đổi kỳ diệu, thu nhận tất cả những sự phong phú của các Dân Tộc đã được trao cho Chúa Kitô và truyền thống, từ lẽ khôn ngoan và nền đạo lý, từ những nghệ thuật và khoa học của dân tộc mình, tất cả những gì có thể góp phần vào việc tuyên xưng vinh quang của Tạo Hóa, làm rạng ngời ân sủng của Đấng Cứu Thế và vào việc tổ chức tốt đẹp đời sống Kitô hữu” (AG 22a).
Bởi lẽ Giáo Hội không bị ràng buộc cách độc quyền vào một nền văn hóa nào (x. GS 58c) nhưng Thiên Chúa đã nói theo văn hóa riêng của từng thời đại (x. GS 58a) và “Giáo Hội đã sử dụng những tài nguyên của các nền văn hóa khác biệt để phổ biến và giải thích cho muôn dân sứ điệp của Chúa Kitô trong khi rao giảng, để tìm tòi và thấu hiểu sâu xa hơn, để diễn tả sứ điệp ấy cách tốt đẹp hơn trong các lễ nghi phụng vụ và trong cuộc sống muôn mặt của cộng đoàn các tín hữu” (GS 58b).
Như vậy, sẽ không còn một thứ thần học trên trời rơi xuống, và cũng không có thứ thần học áp đặt của các nền văn hóa lớn. Thần học thấm nhuần triết học Descartes chỉ phù hợp với não trạng và tâm thức người Pháp chứ không thể ăn sâu vào óc thực tế và tâm tư thâm trầm của người Việt.
Công đồng bắt buộc chúng ta phải làm thần học cho người Việt Nam với tâm tình Việt Nam, phong hóa Việt Nam, dựa trên nền văn hóa lúa nước và làng xã, văn hóa Á Đông thấm nhuần Khổng Mạnh và Phật giáo.
Hội nhập văn hóa trong công tác truyền giáo hay viết thần học cho người Việt Nam là một việc cấp thiết nhưng không đơn giản, nó đòi hỏi phải có sự cố gắng của cả một tập thể giáo hội địa phương và một sự liên kết làm việc chặt chẻ.
Nhà thần học phải tìm ánh sáng Lời Chúa, ánh sáng của Chúa Kitô trong văn hóa dân tộc, trong phong tục và tinh thần của người Việt Nam để làm sáng tỏ sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân tộc trước khi Kitô giáo đến.
Tiếp đó, với tinh thần rất Việt Nam của mình, nhà thần học nói lên cảm nghiệm đã đón nhận chân lý của Chúa Kitô như thế nào đồng thời trình bày chân lý Kitô giáo bằng những phạm trù tư tưởng của người Việt cũng như bằng quan niệm thông thường của giới bình dân. Để làm được điều này giáo hội Việt Nam cần một bước đổi mới có tính cách đột phá nhưng theo một kế hoạch suy cứu lâu dài và sâu rộng.
Một lần nữa nhìn lại những cố gắng trên thực tế hay trên lý thuyết về việc hội nhập văn hóa, chúng ta có thể có những cảm nhận bi quan vì Công đồng dạy cách đây gần 50 năm, Hội đồng Giám mục Việt Nam quyết tâm cách đây hơn 30 năm, nhưng tình hình vẫn chưa mấy biến chuyển.
Tuy nhiên, nếu Tin Mừng là hy vọng Phục Sinh thì đây chính là thời điểm “ôn cố tri tân,” lượng giá quá khứ, rút tỉa kinh nghiệm, nắm bắt tình hình, phân tích thực tế và định hướng tương lai. Ở đây người viết xin được nhìn lại đôi nét chính yếu trong quá trình HỘI NHẬP VĂN HÓA của CÔNG CUỘC RAO GIẢNG TIN MỪNG tại Việt Nam và gợi mở đôi điều khiêm tốn cho một định hướng truyền giáo lớn lao.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét