Josef Vũ Thiên Trường, SVD
Trời se lạnh, những cơn gió đông se se thổi, báo hiệu sự giao thời của đất trời. Dù thời tiết không quá lạnh nhưng cũng phần nào giúp tôi nhận ra được “mùa đông không lạnh” cũng đã đến: một mùa hy vọng, chờ đợi Ngôi Hai lại xuống.
Hành trình tâm linh tháng này của tôi là cảm nghiệm sự bị khước từ.
Trong cuộc sống, con người có rất nhiều hy vọng: Hy vọng được yêu thương, hy vọng được thành đạt, hy vọng được sung sướng, hy vọng giàu có,…
Trong cuộc sống của tôi, tôi cũng mong muốn riêng cho bản thân mình: một đời tu thánh thiện, một con đường học vấn suông sẻ, sự thanh thản trong đời sống cộng đoàn, một gia đình bình yên, một cuộc sống đầy sự yêu thương, yêu và được tha nhân quý mến …
Mọi mơ ước chỉ là ước mơ mà thôi và không phải hy vọng nào cũng xảy ra, không phải mơ ước nào cũng thành hiện thực. Nếu đạt được mơ ước thì chắc chắn vui mừng sẽ luôn hiện trên gương mặt, còn nếu bị khước từ thì như thế nào? Tôi sẽ cảm thấy ra sao?
Dụ ngôn “người Cha nhân hậu” (Luca 15, 11-32) phần nào đã giúp tôi cố gắng tập trung hơn vào ngày tĩnh tâm. Mỗi lần khi đọc lại bản văn này, tôi lại cảm thấy có một cảm giác rất quen thuộc bởi vì cuộc sống của tôi ngày ấy cũng như người con hoang đàng.
Thế nhưng, lần đó tôi không được chào đón như người cha đã làm. Ngày ấy, khi tôi biết mình không đậu đại học như bố tôi hằng mong ước đó là lần tôi cảm thấy bị khước từ mạnh mẽ nhất.
Trước khi đi xem công bố điểm thi, tôi cảm thấy rất nôn nóng chờ đến lượt mình nhận phiếu điểm thi và niềm hy vọng dâng trào trong tôi. Một ngày thời tiết rất đẹp, giống như tâm trạng tôi trước lúc biết điểm thi: rất vui vẻ và hồn nhiên.
Thế nhưng, khi cầm tờ giấy báo điểm trên tay, dường như mọi thứ đều trở nên yên lặng bởi vì toàn thân tôi chẳng còn chút cảm giác gì nữa hết. Tôi như lặng đi khi thấy kết quả báo rớt. Tôi đi về nhà mà lòng nặng trĩu.
Trong đầu tôi luôn tự đặt những câu hỏi và câu trả lời cho những người thân tôi khi tôi báo điểm thi rớt. Tôi thật sự không muốn về nhà lúc này, bởi tôi biết gia đình tôi sẽ không vui khi tôi báo kết quả.
Tôi đạp chiếc xe đạp đi vòng vòng trên đường, hết đường này rồi quẹo qua con đường khác (từ nhà tôi lên chỗ nhận phiếu điểm chỉ mất có 5 phút đi xe đạp). Tôi không biết mình sẽ đi về nhà như thế nào? Cuối cùng, chuyện gì đến thì cũng sẽ đến.
Tôi lấy hết can đảm đạp xe về nhà, tôi suy nghĩ rất nhiều lời để giải thích với ba mẹ của tôi về điểm thi: “Con đã cố gắng rồi, nhưng không được, con xin lỗi ba mẹ.” Hay “tại đề thi năm nay khó quá, con không thể đạt được điểm chuẩn, năm sau con sẽ thi lại”…
Tôi bước vào nhà, mọi người vồn vã, quay quanh tôi hỏi điểm thi của tôi và ba tôi cũng thế. Nhưng khi tôi đưa phiếu điểm không đậu thì mọi người cũng không con vui nữa.
Ba tôi quay mặt bước đi lên lầu, tôi biết ba tôi rất buồn. Ông không nói lời nào và cũng không để cho tôi biện hộ một lời nào hết.
Rồi những ngày sau đó trôi qua, ba tôi và tôi giống như “hai thái cực” không ăn chung, không nói chuyện với nhau. Tôi dường như cảm thấy chính mình không còn là con của ba tôi nữa hay sao.
Những ngày đó trôi qua thật khủng khiếp, trong đầu tôi chỉ nghĩ tới việc là mình chết đi cho rồi, chứ sống như thế này làm sao chịu được. Không khí ảm đạm trong ngôi gia đình tôi. Đâu có cảnh “lấy nhẫn xỏ vào tay cho cậu, lấy áo đẹp mặc cho cậu, giết bê béo mừng con ta nay đã trở về,..”.
Mọi người đã đặt hy vọng vào tôi quá nhiều, nhất là ba tôi. Hơn nữa, những gì tôi làm đều muốn làm vui lòng ba tôi. Sau này tôi mới hiểu được: nỗi buồn của ba tôi lúc đó là vì lo cho tương lai của tôi, sự bất an trong lòng ông khi thấy tôi không có một tương lai tươi sáng.
Cảm giác bị khước từ mang lại nhiều đau khổ, nhất là bị người mình yêu thương nhất khước từ. Dường như bao nhiêu mong muốn dự tính cho tương lai cuộc sống sẽ tan biến mất khi gặp sự khước từ đó. Cho dù trước đó có những ngày hạnh phúc, và tất cả những gì làm sau này cũng trở nên vô nghĩa.
Đã hơn 2000 năm trôi qua, cứ mỗi năm Chúa xuống thế làm người, mọi người đều hân hoan chào đón. Càng về sau này, Giáng Sinh lại mang tính chất của một ngày lễ hội của Thế giới nhiều hơn.
Kitô giáo hay các tôn giáo khác, tất cả mọi người đều vui mừng. Bên cạnh đó, niềm tin về chính sự kiện này đã không còn. Thậm chí, ngay cả những người công giáo cũng không cảm thấy được ý nghĩa của ngày Lễ Giáng Sinh.
Một ý nghĩa thương mại, kinh tế thay thế cho ý nghĩa của mầu nhiệm nhập thế: là mùa cuối năm với những chiêu bài khuyến mãi kích thích mọi người mua sắm.
Khi con người không đón nhận Thiên Chúa trong cuộc đời họ thì Thiên Chúa xuống thế làm người có ích gì. Thiên Chúa yêu thương con người nhưng con người lại khước từ Thiên Chúa.
Những hang đá không có Hài Nhi Giêsu, những hình ảnh trang trí lễ hội, những cây thông trơ trọi giữa ánh đèn chớp, những hình ảnh mơ hồ về Thiên Chúa ở trong tôi... Mùa Vọng đang đi qua, có lẽ, tôi cũng phải tìm ý nghĩa Giáng Sinh cho chính hang đá của mình.
Một mùa Giáng Sinh mà không có Chúa Sinh ra thì thật uổng phí cho cuộc đời của tôi.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét