11 thg 3, 2012

Tinh thần đạo đức học của Immanuel Kant so với Kitô giáo


Quốc Huy.svd
Dẫn nhập
Có thể nói rằng chưa có tư tưởng hệ nào thống trị cả một thời đại như triết học của Immanuel Kant đã thống trị tư tưởng thế kỷ XIX. Với tư tưởng triết học mang tính cách mạng, tầm cỡ như cuộc cách mạng Copernicus, Kant đã đánh thức cả thế giới ra khỏi “cơn ngủ mê trong giáo điều”. Cụ thể, năm 1781, với tác phẩm thời danh Phê bình lý trí thuần túy, ông gây ra cho mọi người một sự ý thức hoàn toàn mới mẻ bằng vấn nạn: “Tôi có thể biết gì? - Was kann ich wissen?”.
Nghĩa là khả năng của lý trí con người tới mức nào trong việc hình thành cái biết? Trong tác phẩm này, ông chủ trương giới hạn hay nói đúng là hủy bỏ cái biết của con người, “Tôi muốn hủy bỏ cái biết để nhường chỗ cho cái tin.” Hủy bỏ ở đây không phải là phá bỏ hoàn toàn nhưng hủy bỏ theo nghĩa biện chứng, tức là cái bị hủy bỏ vẫn tồn tại nhưng được nâng lên một ý nghĩa đích thực của nó. Và ông đi đến kết luận con người chỉ biết hiện tượng chứ không biết sự vật tại thân.
Phê bình lý trí thuần túy có thể nói là một kỳ công vĩ đại của Kant và của nhân loại nói chung. Ai cũng công nhận tính sâu sắc và khó hiểu của tác phẩm này. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đây, thì hẳn ta đã là nạn nhân của cái thế “Cây to che khuất cả rừng”, bởi nhiều tác giả khác, đặc biệt là Hegel, đã nghiên cứu và khẳng định rằng những tư tưởng triết học trong Phê bình lý trí thực hành mới là phần trụ cột trong hệ thống triết học của ông.

Kant là triết gia đầu tiên đã đề tài hóa cái làm như là một chủ đề cung cấp cho triết lý của ông, đóng vai trò như một phương tiện để trở thành hệ thống. Với các tác giả trước, Decartes chẳng hạn, cái làm chưa cung cấp phương tiện để trở thành hệ thống như Kant đã làm, đại để ông cho rằng ta không biết gì về tiêu chuẩn đạo đức nhưng cứ kiên trì thực hiện sẽ có ngày tìm được lối ra.
Trong Phê bình lý trí thực hành, Kant đưa ra một mô hình đạo đức mà vẫn hoàn toàn dùng lý trí để điều hành mọi hoạt động và hành vi, bởi ông quan niệm: “Con người trưởng thành là con người dám vận dụng lý trí để tri thức.” Đạo đức học theo Kant là đạo đức bổn phận chứ không phải theo bổn phận.
Theo ông, hành động theo bổn phận là hành động do người khác đặt ra cho mình, còn hành động vì bổn phận là hành động vì ý thức được rằng đó là việc phải làm thì mới yên lương tâm. Đạo đức là tự mình ban bố luật cho mình theo tiếng gọi của lương tâm chứ không lệ thuộc vào bất cứ điều gì khác. Với tư tưởng đó, chủ thể đạo đức theo Kant thoát khỏi vòng luẩn quẩn của thường nghiệm, vươn lên thành chủ thể tự do, là tinh thần tuyệt đối.
Trong nội dung bài viết này, tôi không có tham vọng đi cho hết những công trình vĩ đại trên, nhưng chỉ gói gọn vào việc đưa ra những quan điểm và nhận định mối tương quan giữa đạo đức học theo Kant và Kitô giáo. Để từ đó, thấy được những ưu cũng như khuyết, điểm tiệm cận cũng như sự lệch chuẩn so với tinh thần Kitô giáo. Hy vọng qua những suy tư về mối tương quan này, bản thân sẽ tìm được những điều bổ ích cho cuộc sống và lý tưởng đang theo đuổi.

1.           Tính cao thượng trong đạo đức học của Kant và quy luật thực hành đạo đức trong Kitô giáo

1.1.            Tính cao thượng trong đạo đức học của Kant

1.1.1.       Hành động như một chủ thể tự do
Trong cuốn Phê bình lý trí thực hành, Kant đã đưa ra những mô hình mang tính đạo đức, tức là cái cung cấp cho chúng ta tính chất đạo đức. Theo ông, một hành động được gọi là đạo đức nếu hành động đó khởi phát từ lòng thành[1], một cái gì đó có trong bản chất tâm hồn. Nói cách khác, ta hành động theo quy luật đạo đức trong chính mình thúc bách, đòi hỏi chứ không phải hành động theo luật lệ hay quy tắc đạo đức từ bên ngoài.
Và hơn nữa, khi thực hiện hành vi đạo đức, ta phải gạt bỏ mọi tình cảm và những dự tính thường nghiệm bị phôi pha bởi dục vọng và tư lợi. Vì khi hành động theo cảm giác như thế thì cảm giác sẽ ảnh hưởng và chi phối quyết định của lý trí. Lúc đó chủ thể không có tự do.
Khi phê bình những học thuyết đạo đức xây dựng trên thường nghiệm, Kant viết: “Cảm tình riêng tư, thích hay không thích của từng người, thường chỉ cho mỗi người biết đâu là hạnh phúc của mình, nhưng ngay nơi cùng một người, những tình cảm nào cũng thay đổi theo hoàn cảnh và nhu cầu: bởi vậy một quy luật mà chủ quan cho là nhất thiết, thì khách quan xét lại cho là không nhất thiết, hơn nữa luật đó còn thay đổi tùy theo mỗi người… Như vậy, những quy luật xây dựng trên những nguyên tắc đó thì không thể gọi là quy luật phổ thông.”[2]
Vậy, bao lâu ta còn hành động vì những mục tiêu thường nghiệm, nghĩa là hành động để được lợi ích này hay ưu đãi kia thì hành động đó chưa phải là hành vi mang tính đạo đức mà chỉ hành động để thỏa mãn mục đích hay ước vọng nào đó của con người mà thôi.
Trong thực tế ta thấy rất nhiều người thực hiện việc đạo đức này việc tốt kia cốt vì những mục tiêu thường nghiệm. Đó là tâm lý chung của con người. Vì thế, có thể nói quy luật đạo đức của Kant rất cao thượng vì khi thực hiện hành vi đạo đức, chủ thể dám tự mình thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của thường nghiệm tầm thường, dám đi ra khỏi khỏi những ao ước được thỏa mãn chi phối chính mình để hoàn toàn tự do. Đạo đức của Kant khám phá tính cách chủ thể của con người.

1.1.2.       Hành động tuân theo lý trí cách tuyệt đối
Đối với Kant chỉ có một nền tảng duy nhất cho sinh hoạt đạo đức xứng với bản chất tự do của con người, đó là lý trí thuần túy. Nói cách khác, nếu trong việc hướng dẫn sự quyết định của các hành vi của mình, con người nhìn vào sự kiện thực nghiệm thì nhất định con người sẽ không hành động theo lý trí: nhìn vào dữ kiện trần gian, con người dễ bị lái bởi những dục vọng và những tình cảm riêng tư. Cho nên việc trong phán quyết hành vi đạo đức, con người tuyệt đối phải tránh sự tham gia của cảm năng và của tâm tình, để chỉ nhìn “những mệnh lệnh tuyệt đối của lý trí.[3]

1.2.              Quy luật thực hành đạo đức trong Kitô giáo
Trong Tin Mừng Matthêu chương 6, Chúa Giêsu dạy mọi người một nguyên tắc căn bản khi thực hành những việc đạo đức như bố thí, ăn chay, cầu nguyện là “làm thật kín đáo.” Một nguyên tắc có vẻ giản đơn nhưng xét kỹ thì vô cùng ý nghĩa và cao thượng. Một ý nghĩa lớn nhất có thể dẫn ra đây là là sự vượt thắng nhu cầu tầm thường của con người: nhu cầu được khen ngợi, được biết đến, được tôn trọng… những nhu cầu mà Kant xếp vào loại thường nghiệm đáng được bỏ qua khi thực hành đạo đức.
Ý nghĩa thứ đến là con người xem Thiên Chúa là tối tượng tuyệt đối mà mình hướng đến để thực hiện những việc đạo đức chứ không dừng ở bất cứ đối tượng nào khác.
Đến đây ta thấy có một sự tương đồng giữa quan điểm của Kant và tư tưởng Kitô giáo trong vấn đề đạo đức là khi thực hành đạo đức, chủ thể được đòi hỏi phải có sự vượt thắng chính bản thân mình, vượt thắng những ảnh hưởng của những cảm tính thường nghiệm tầm thường để chỉ tuân theo lý trí, tuân theo tiếng gọi của lương tâm và vươn lên để khẳng định con người là chủ thể hành động dù sống trong thế giới hiện tượng.
Có lẽ vì được lớn lên trong môi trường với những người có tầm ảnh hưởng sâu sắc trên cuộc đời của mình là những người theo phái Mộ Đạo (Mẹ của ông và vị hiệu trưởng trường Đại học Fréderic, mục sư Schults) mà Kant có tư tưởng đạo đức phần nào chịu ảnh hưởng của nền giáo lý Kitô giáo.

2.   Tính cách tự do trong đạo đức của Kant và sự tự do trong Kitô giáo

2.1.              Tính cách tự do trong đạo đức học của Kant
Chúng ta biết rằng tự do đóng một vai trò không thể thiếu trong bất kỳ lãnh vực nào của con người. Tự do là món quà vô cùng quý giá mà Thượng Đế đã tặng ban cho con người. Nếu vì bất kỳ lý do nào (chủ quan hoặc khách quan) mà con người đánh mất tự do thì họ sẽ sử dụng mọi biện pháp có thể, thậm chí cả mạng sống để dành lại cho kỳ được.
Trong đời sống hoạt động của con người, một việc làm chỉ có ý nghĩa thực sự khi nó được thực hiện trong sự tự do. Việc sinh hoạt đạo đức cũng không thể nằm ngoài quy luật chung đó. Nghĩa là, trong đời sống sinh hoạt đạo đức của con người, yếu tố tự do chiếm một vị trí hết sức quan trọng. Với Kant, chính tự do là yếu tố quyết định một hành vi đạo đức có được gọi là đạo đức (theo nghĩa thuần túy của nó) hay không. Ông chủ trương: “Tự do và quy luật thực hành tuyệt đối không thể có cái này mà không có cái kia.”[4]

2.1.1.           Không có quy luật đạo đức sẽ không có tự do
Quy luật đạo đức chi phối mọi hành động
Quy luật đạo đức ở đây chính là lẽ phải. Chính lương tâm tôi tự nhận ra và tôi buộc mình phải hành động theo lẽ phải đó cho dẫu việc làm đó có thể gây thiệt hại cho chính bản thân tôi. Tôi làm như thế là chính vì lẽ phải, vì tôi ý thức đó chính là bổn phận mà tôi phải thi hành. Như thế, các hành vi của tôi đều được chi phối bởi quy luật đạo đức.
Quy luật đạo đức chỉ cho ta biết ta tự do
Theo Kant, chính quy luật đạo đức đã giúp tôi ý thức tuyệt đối là tôi tự do. Tự do bởi lẽ tôi có quyền hoặc làm hoặc không làm; tôi làm theo sự mách bảo của lương tâm (quy luật đạo đức) hay xuôi lòng theo sự chi phối của bản năng. Tôi hoàn toàn có quyền tự do chọn lựa. Kant viết: “Chính quy luật đạo đức được đặt ra trước mắt ta và dẫn ta tới quan niệm tự do, xét như tự do được biểu tượng như một nguyên tắc quyết định cho ý chí ta, một nguyên tắc không bị chi phối bởi một điều kiện khả giác nào hết, nhưng hoàn toàn độc lập với những điều kiện khả giác.”[5]
Nghĩa là khi ta chuẩn bị hành động một điều gì thì quy luật đạo đức luôn hiện diện một cách trực tiếp trong ta; đồng thời ta đứng trước một sự lựa chọn mà không bị chi phối bất kỳ một sự kiện khả giác nào.  Chính những bằng chứng đó đã minh chứng cho ta biết là ta hoàn toàn tự do.                                                                 
Sự ý thức về trách nhiệm giúp ta thấy mình tự do
Nói đến tự do là nói đến chọn lựa. Đời sống mỗi con người là một chuỗi dài của những lần chọn lựa. Như ta đã thấy ở trên, quy luật đạo đức luôn hiện diện cách trực tiếp khi ta bắt đầu một hành động. Quy luật đạo đức giúp ta ý thức về những việc mình cần phải làm. Có những người vì nhát đảm, sợ thiệt thòi cho bản thân mà lẫn tránh bổn phận. 
Như thế, đâu phải là tự do mà thực sự là một thứ nô lệ, nô lệ bản năng. Vậy một khi ta làm vì bổn phận, làm vì nhận thấy đó là trách nhiệm của mình thì ta thực sự tự do. Kant đã cho rằng, khi quyết làm một việc vì ý thức ta có bổn phận phải làm việc đó thì ta nhận thấy mình tự do.[6]

2.1.2.                             Không có tự do sẽ không có đạo đức
Như đã trình bày ở trên, mọi thứ đều trở nên vô nghĩa đối với con người nếu họ không có tự do. Có tự do, mọi hành động của ta mới mang lại giá trị thực sự. Khi hành động mà không có tự do, tức là ta bị ép buộc (hay gượng ép) thì tự nó đã giúp ta thấy rõ một sự vô lương tâm nào đó từ phía sau rồi. Phải có tự do mới có đạo đức. Một hành vi (tự nó thật tốt đẹp) nhưng nếu không được thực hiện trong sự tự do thì không thể được coi là hành vi đạo đức. Tuy nhiên, ta cũng cần hiểu tự do ở đây là như thế nào.

Tự do là hoàn toàn tự mình quyết định
Tự do ở đây không chỉ dừng lại ở nghĩa tầm thường như tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do đi lại, tự do dân chủ… tức là những tự do chỉ nằm trong lãnh vực khả giác. Tự do mà Kant bàn tới là thứ tự do mang tính siêu hình. Theo ông, tự do là không bị chi phối bởi bất kỳ một giá trị bên ngoài nào như dư luận hay thậm chí cả gương tốt của người khác nữa. Vậy thì tự do là một việc làm của ý chí hay nói đúng hơn là ý chí thuần tuý.
Tự do chỉ là tự do khi sự quyết định của chủ thể hành động xảy ra trước khi tiếp cận với những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Giả như một hành động bị (hay được) những điều kiện thường nghiệm thúc đẩy thì còn gì là tự do? Tự do được bắt đầu bằng chữ “tự”, nghĩa là tự mình, tự chọn lựa, tự quyết… Kant nói: “Tự do là hoàn toàn tự mình quyết định, không bị chi phối bởi tự ái hay tư lợi, bởi tâm tình hay dư luận.”[7]

Giá trị của tự do trong đời sống đạo đức
Trong thế giới này, mọi sự vật và sự việc đều mang trên mình những giá trị riêng của nó. Nghĩa là nó có một cái giá mà theo như Kant thì người ta có thể thay đổi bằng một sự vật tương đương. Tuy nhiên, có những cái vượt trên tất cả mọi giá và không có vật tương đương nào có thể thay thế được thì người ta gọi đó là phẩm giá. Phẩm giá chính là cái cao quý nhất của con người. Khi ta có khả năng ý thức được phẩm giá của con người thì ta biết tôn trọng mình và tôn trọng tha nhân.
Vậy thì cái gì có thể giúp ta ý thức được phẩm giá của con người? Xin thưa, đó là khi ta ý thức mình hành động trong tự do. Khi ta ý thức mình hành động tự do là khi ta ý thức mình cũng như tha nhân là những người thuộc về cộng đoàn cứu cánh tại thân, nghĩa là tự nó có ý nghĩa. Chính nhờ sự ý thức này mà ta biết tôn trọng mình, tôn trọng tha nhân, đồng thời ta cũng tránh được tình trạng lạm dụng, coi bản thân mình cũng như tha nhân là những phương tiện để ta đạt được mục tiêu của chính mình.

2.2.            Tự do trong Kitô giáo
Trên đây, trong đạo đức học của Kant, chúng ta đã thấy được tự do và đạo đức gắn bó mật thiết với nhau như hai mặt của một vấn đề, chúng bổ túc và hòa quyện vào nhau. Trong Kitô giáo, cụ thể là trong sách Thánh, chúng ta sẽ thấy một cách rõ ràng hơn về sự tự do trong viêc thực hành đạo đức và trong ý nghĩa và chung cục của đời người.
Thiên Chúa luôn tôn trọng tự do của con người. Thánh Augustino kinh nghiệm được điều này, ông thốt lên: “Khi dựng nên con, Chúa không cần đến con, nhưng Chúa không thể cứu con nếu con không cộng tác.” Hơn nữa, chính Thiên Chúa đã đặt để vào trong tâm hồn con người Thần Khí của Người để chúng ta được làm con cái Thiên Chúa và để hướng dẫn chúng ta bước đi theo sự thật và chân lý. Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên:‘Áp-ba! Cha ơi!’[8]
Chính vì thế, con người hoàn toàn có quyền tự quyết và chịu trách nhiệm trong mọi sự lựa chọn của mình. Chúng ta sử dụng tự do để chọn lựa giữa Thiên Chúa và ma quỷ, giữa Thần khí và tính xác thịt, giữa sự công chính và tội lỗi…Và như thế, việc thực hành đạo đức đối với tha nhân và với chính mình cũng hoàn toàn đến từ chủ thể tự do.
Vậy chúng ta phải sử dụng tự do thế nào cho đúng? Thánh Phaolô dạy chúng ta biết sử dụng tự do để yêu thương và phục vụ: “Quả thế, thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ nhau.[9] Bởi vì theo thánh Phaolô, tự do Kitô giáo là yêu thương phục vụ nhau: “Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Ki-tô.[10]
3.   Đạo đức bổn phận của Kant và đạo đức vượt trên bổn phận theo Kitô giáo
Có thể nói Kant đã đưa ra một mô hình đạo đức mang tính cao thượng và đầy ý nghĩa. Đạo đức của ông không phải là đạo đức tôn giáo nhưng là tiếng nói của lương tâm, điều mà đòi hỏi một cách vô điều kiện và tự buộc mình. Đạo đức vì bổn phận. Tuy nhiên, quy luật đạo đức vẫn còn sự giới hạn của nó. Bởi, trong cuộc sống thường nhật, ta có thể đặt vấn đề: đâu là bổn phận của tôi?
Thực tế, ta có thể bỏ qua nhiều việc cần phải làm mà lương tâm vẫn cảm thấy bình thản chỉ vì đó không phải là bổn phận của tôi. Đây chính là điều mà quy luật đạo đức của Kant chưa thể đạt đến trong khi tinh thần Tin Mừng của Đức Kitô đã đạt được. Đó là tình yêu. Tình yêu sẽ làm cho con người ta vượt qua ranh giới của bổn phận. Tình yêu sẽ giúp cho con người quên đi mọi khó khăn nguy hiểm, kể cả mạng sống để làm cho đối tượng được hạnh phúc mà không cần đến bất cứ một điều kiện nào.
Hơn nữa, các việc thực thi đạo đức vì bổn phận sẽ làm cho chủ thể hành động của nó có xu hướng mất dần liên chủ thể tính. Chúng ta biết rằng con người luôn luôn là con người có tương quan. Vì chính nhưng mối tương quan với chính mình, với tha nhân và với Thiên Chúa, con người mới tồn tại được và tồn tại có ý nghĩa. Và trong những tương quan đó, chúng ta cần phải vượt lên trên hai chữ “bổn phận” để đi đến tình yêu.
Đó là cái hồn của mạc khải đạo đức Kitô giáo. Mạc khải đó cho thấy rằng việc đạo đức có giá trị thực sự khi người ta sống tốt mối tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính mình. Với Thiên Chúa, chúng ta sống trong tinh thần của một người con thảo; với tha nhân ta sống trong tinh thần của một người anh em; với chính mình, ta là một chủ thể tự do.
Chính trong tương quan tốt đẹp như thế, con người luôn luôn có thể vượt qua bổn phận, nghĩa là dám quên đi tất cả, kể cả mạng sống vì Chúa, vì tha nhân và vì chính mình. Có thể nói, đây là những yếu tố cần phải bổ sung vào trong đạo đức học của Kant.
4.   Giản lược Kitô giáo theo Kant
Trong Phê bình lý trí thực hành, Kant một lần nữa khẳng định lý trí vẫn là cái duy nhất điều hành nếp sống của con người. Con người trưởng thành là con người dám vận dụng lý trí để tri thức. Ông đánh giá Kitô giáo, đỉnh cao của mọi tôn giáo (lời ông), đã có công lôi ra ánh sáng những dụ ngôn, những hình ảnh của những cái mà Kant đề ra bằng lý trí thuần túy. Ông giản lược Kitô giáo thành những quy luật đạo đức với mục đích giải thoát con người khỏi gông kềm của tôn giáo giáo điều và nghi lễ.
Thử đặt ra một câu hỏi cái cốt lõi mà Kant đã giản lược đó có thể biểu lộ hết những tinh túy của Kitô giáo hay không? Thưa không vì vô hình trung đã đánh mất nhân thân của Đức Kitô. Mà con người của Đức Giêsu là một yếu tố không thể thiếu trong niềm xác tín của con người.
Nói về nhân thân của Đức Giêsu, Nguyễn Khắc Dương chia sẻ cảm nghiệm: “Sự hấp dẫn của Chúa Giêsu hình như do chính con người và cuộc đời của Ngài (từ việc sinh ra trong máng cỏ qua ba mươi năm sống âm thầm lặng lẽ, ba năm đây đó, trà trộn với quần chúng, rồi bị chết oan) nhiều hơn là do đạo lý Ngài truyền dạy. Bởi vì xét về mặt luân lý đạo đức thì các bài dạy của Ngài cũng chẳng có gì là cao siêu tuyệt vời, nhưng điều làm cho tôi cảm mến Ngài chính là con người và cuộc sống (gồm cả cái chết của Ngài)”[11]
5.   Phần phúc theo quan điểm của Kant và Kitô giáo
Trong Tin Mừng, chúng ta thấy Đức Giêsu cực lực lên án lối sống giả hình của phái Pharisêu vì những người này không hiểu thế nào là tương quan tôn giáo. Họ lầm lẫn tai hại rằng nhờ những việc đạo đức họ thực hiện hay luật lệ họ tuân giữ có thể mang đến cho họ tư cách để “giao thiệp” với Thiên Chúa.
Nhưng hạnh phúc mà con người khao khát không phụ thuộc vào công trạng mà chủ thể đạo đức thực hiện mà phụ thuộc vào ân sủng. Sự công chính là phẩm giá để con người xứng đáng “giao thiệp” với Thiên Chúa. “Con người được Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ lòng tin vào Đức Giêsu Kitô.”[12] Câu chuyện về người thu thuế và người tội lỗi cùng lên đền cầu nguyện trong Tin Mừng Luca[13] là một ví dụ cho thấy rõ ơn công chính hóa mới thực sự là phần phúc mà Thiên Chúa ban cho con người.
Hay trong thư của thánh Phaolô, ngài viết: “Thưa anh em, lòng tôi những ước mong và tôi cầu xin cho dân Do Thái được cứu độ. Quả thế, tôi làm chứng cho họ là họ có lòng nhiệt thành đối với Thiên Chúa, nhưng lòng nhiệt thành đó không được sáng suốt. Họ không nhận biết rằng chính Thiên Chúa làm cho họ nên công chính, và họ tìm cách nên công chính tự sức mình. Như vậy là họ không tuân theo đường lối Thiên Chúa làm cho người ta nên công chính.” [14]
Chúng ta có thể tìm thấy men Pharisêu này trong một phần tư tưởng đạo đức của Kant khi ông cho rằng hạnh phúc là điều mà con người xứng đáng được hưởng khi đã hoàn thành việc đạo đức. Chủ thể đạo đức với lý trí thực tiễn đòi hỏi Thượng Đế phải hiện hữu để Ngài bảo đảm phần phúc mà chủ thể đáng được hưởng. Với tư tưởng như thế, Kant chủ trương nhờ công trạng, con người có thể “giao thiệp” với Thiên Chúa.
Có thể nói đây là một điểm mâu thuẫn nhất trong tư tưởng đạo đức của Kant. Mâu thuẫn vì trước đó ông đã chủ trương một hành động được xem đạo đức chỉ khi nó được thực hiện vì bổn phận mà không vì bất cứ yếu tố thường nghiệm nào, nhưng sau khi thực hiện hành động đạo đức, chủ thể hành động lại có quyền đòi hỏi. Đây chẳng phải là mâu thuẫn sao!
Hơn nữa, nếu xét như Kant thì cái quyền đòi hỏi vô hình trung nằm sâu trong con người và có thể chi phối hành động của ta. Mà một khi hành động đạo đức bị cái quyền đòi hỏi này chi phối thì hành động đó làm sao được gọi là đạo đức vì quyền được đòi hỏi có thể đã là mục tiêu chính cho hành động của ta rồi. Có thể nói đây là một điểm trong tư tưởng đạo đức của Kant làm ông “xa” Kitô giáo nhất.
Kết luận
E. Kant là một triết gia, một nhà tư tưởng lớn trong lịch sử triết học thời Cận đại. Nhờ trí thông minh và bằng một lối suy tư táo bạo, ông đã để lại cho hậu thế một kho tàng tư tưởng hết sức quý báu trong lãnh vực lý trí thuần tuý lẫn lý trí thực hành. Trong lãnh vực lý trí thực hành, ông đề ra một quy luật đạo đức hết sức độc đáo. Một quy luật mà qua đó, con người ta ý thức mình cần phải làm gì với sự mách bảo của lương tâm và thực hiện một cách hoàn toàn tự do.
Chính sự tự do là yếu tố quyết định một việc làm của ta có được gọi là việc làm đạo đức hay không. Hay nói cách khác, để có một việc làm đạo đức, ta cần phải ý thức mình làm vì sự tốt đẹp của hành động, làm vì bổn phận mà không vì bất cứ một yếu tố thường nghiệm nào khác.
Qua mối tương quan giữa đạo đức học của Kant và Kitô giáo đã trình bày ở trên, phần nào chúng ta thấy được đạo đức học mà Kant chủ trương là độc đáo, đã, đang và sẽ còn mang tính thiết thực và giá trị ở một chừng mực nội tại của nó. Đồng thời, chúng ta cũng thấy được những điểm ưu cũng như khuyết, những điểm tiệm cận cũng như sự lệch chuẩn của hệ thống đạo đức của Kant so với tư tưởng Kitô giáo.
Một điều, với bản thân, là vô cùng ý nghĩa khi tìm hiểu đề tài này, ngoài kiến thức mà tôi nhận được, chính là việc nhận ra và ý thức hơn nữa ý nghĩa liên chủ thể tính của mình. Theo tôi, con người chỉ tồn tại và tồn tại ý nghĩa khi ý thức được mối tương quan giữa mình với mình, giữa mình với tha nhân và giữa mình với Thiên Chúa.
Từ việc ý thức được mình sống trong tương quan, ta dễ dàng hơn trong việc vượt qua mọi rào cản để đạt đến tình yêu, là cái hồn trong mặc khải Kitô giáo trong việc thi hành đạo đức. Đây là điều vô cùng ý nghĩa trong bước đường tôi đang đi.


[1] Trần Thái Đỉnh, Triết học Kant (Hà Nội: Văn Hóa Thông Tin, 2005), tr. 194.
[2] Ibid., tr. 203-04.
[3] Trần Thái Đỉnh, Triết học Kant (Hà Nội: Văn Hóa Thông Tin, 2005), tr. 185.
[4] Trần Thái Đỉnh, Triết học Kant (Hà Nội: Văn Hóa Thông Tin, 2005), tr. 234.
[5] Trần Thái Đỉnh, Triết học Kant (Hà Nội: Văn Hóa Thông Tin, 2005), tr. 235.
[6] Ibid., tr. 236.
[7] Trần Thái Đỉnh, Triết học Kant (Hà Nội: Văn Hóa Thông Tin, 2005), tr. 240.
[8] Gal 4, 6.
[9] Gal 5, 13.
[10] Gal 6, 2.
[11] Nguyễn Khắc Dương, Hồi ký Nguyễn Khắc Dương, tr.49.
[12] Rm 3, 22.
[13] Lc 18, 9-14.
[14] Rm 10, 1-3.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét