6 thg 4, 2012

Điều gì làm cho Đức Giêsu đổ mồ hôi máu?

Jos. Duy Thạch.svd

Cả ba Tin Mừng Nhất lãm đều trực tiếp kể lại sự kiện Đức Giê-su cầu nguyện trong Vườn Cây Dầu, trước giờ Tử Nạn-Phục Sinh (Mt 26,36-46; Mc 14,32-42; Lc 22,39-46). Tin Mừng Gio-an không kể lại trực tiếp nhưng cũng nhắc đến việc Đức Giê-su xin Cha “cứu con khỏi giờ này” (Ga 12,27).

Đức Giê-su có thói quen cầu nguyện trong Vườn Cây Dầu (Lc 22,39) nhưng đây là buổi cầu nguyện được diễn tả chi tiết nhất và đặc biệt nhất của Đức Giê-su. Nơi cầu nguyện quen thuộc, đối tượng cầu nguyện không lạ nhưng tâm trạng người cầu nguyện rất khác thường.

Cả bốn Tin Mừng đều ghi lại: Đức Giê-su đau đớn và phiền não. Mỗi tác giả đều dùng một cặp động từ để diễn tả tâm trạng của Đức Giê-su lúc ấy. Dường như rằng một động từ thì không thể nào diễn tả được tâm trạng của Đức Giê-su lúc ấy, nhưng ngay khi dùng cả hai động từ cùng một lúc, các tác giả vẫn không diễn tả được hết cảm xúc lúc bấy giờ của Đức Giê-su.

Một cảm giác đau đớn, lo lắng, bồi hồi, xao xuyến đến tột cùng  (“ekthambeisthai”). Thánh Lu-ca diễn tả cảm xúc ấy bằng một hình ảnh, biểu hiện tột cùng của sự đau đớn: “Mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc 22,44).

Vậy, điều gì đã làm cho Đức Giê-su phải đau đớn buồn phiền đến mức phải “đổ mồ hôi máu” như thế? Phải chăng Người run sợ trước cái chết? Lo lắng trước những đau đớn thể xác Người sắp phải chịu?

Không! Đức Giê-su hẳn không run sợ trước cái chết hay bất cứ nhục hình nào. Tin Mừng đã không cho thấy điều ấy. Đau đớn thể xác không thể làm cho Người buồn phiền và lo lắng đến như thế. Bằng chứng cho thấy biết bao thánh tử đạo đã không ngần ngại hy sinh mạng sống mình mà không lo lắng buồn phiền, trái lại còn rất hân hoan nữa. Chẳng lẽ Đức Giê-su, Thiên Chúa làm người lại sợ hãi cái chết, lo buồn vì những hình phạt thể xác sẽ xảy đến cho mình mà “đổ mồ hôi máu”?

Vậy thì điều gì làm cho Người muộn phiền đến thế? Câu trả lời thật đơn giản, chỉ nằm gọn trong một từ: “chén” (potêrion). Đức Giê-su lặp lại đến 3 lần cùng một lời cầu nguyện: “Ap-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn mà làm điều Cha muốn” (Mc 14,36).

Chén này không phải là chén rượu nho nhưng là chén mà Chúa Cha đã trao cho Đức Giê-su (Ga 18,11). Trước đó ít lâu trước giấc mơ quyền lực của hai môn đệ thân tín Đức Giê-su đã từng nhắc đến: “Các người không biết các người xin gì ! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” (Mt 20,22; Mc 10,38). Vậy, Chén ấy là chén gì mà khiến Đức Giê-su phải “ngập ngừng” như thế?

Đối với một người đang yêu, thì việc bị phụ bạc, bị chối từ tình yêu là điều đau đớn nhất. Ai đã từng yêu thì sẽ cảm nhận được hạnh phúc không thể diễn tả bằng lời được. Và ai đã từng bị phụ tình thì cũng nếm trải kinh nghiệm đau thương mà không ngôn từ nào diễn tả được. Người ta có cảm giác như con tim mình co thắt từng cơn và rơi vào tình trạn muộn phiền tột cùng.

Đức Giê-su, người trao ban tình yêu, người gieo rắc tình yêu sắp bị phụ bạc, sắp bị chối từ. Trong hoàn cảnh ấy, các môn đệ sẽ bỏ chạy hết. Có kẻ tụt cả quần áo để được thoát thân. Có kẻ mới thề sống chết với Thầy, nay lại chối Thầy trước một người tớ gái vô danh.

Lại có kẻ chung bàn với Thầy, được Thầy tín thác giao cho nhiệm vụ quan trọng: quản lý của nhóm, lại “trao nộp” (parađiđômi) Thầy để lấy 30 đồng bạc, và trở thành “đứa con hư hỏng” (Ga 17,12). Có kẻ bỏ mọi sự để theo Thầy nhưng lại quý mạng sống mình ở đời này, nên đã bỏ chạy hết. Có đám đông dân chúng đã từng được cho ăn no nê, đã từng lãnh nhận bao nhiêu lời hay, ý đẹp, đã từng tung hô Người như Vua, muốn tôn Người lên làm Vua, nay lại đứng ra tố cáo Người.

Có quan chức Rô-ma vì giữ chức quyền địa vị mà không dám hành động theo sự thật. Lại có các chức sắc tôn giáo vì lợi ích riêng tư, vì lòng ghanh tỵ mà âm mưu giết chết, xúi dục dân, kết án Người. Đức Giê-su dường như cô độc giữa một biển người đồng hương của Người.

Người Rô-ma chắc không thể tưởng tượng ra được vì sao họ lại ghét Người đến thế. Trong mắt những người đồng hương, Người tệ hại hơn cả một tên cướp.

Cảm giác bị bỏ rơi, bị đám đông tẩy chay thật khủng khiếp. Không một ai đứng ra bầu chữa cho Người. Họ khinh bỉ, gơm ghiếc và khạc nhổ vào Người như một cái gì đó rất ghê tởm.

Tất cả những thái độ xấu xa ác độc nhất của họ, Người cũng có thể chịu đựng. Nhưng điều làm Người đau đớn nhất chính là tình yêu bị chối từ. Người không muốn họ đón nhận tình yêu của Người vì Người nhưng là vì chính họ. Người khao khát được yêu họ, được mang ơn cứu độ cho họ cho đến hơi thở cuối cùng.

Câu nói cuối cùng của Người trên thập giá cũng chỉ là: “Tôi khát”(Ga 19,28). Đây cũng là niềm khao khát lúc khởi đầu cuộc rao giảng Tin Mừng mà Người từng bày tỏ với Người phụ nữ Sa-ma-ri bên bờ giếng Gia-cóp: “Cho tôi uống với” (Ga 4, 7). Thế mà tất cả đều chối từ. Người không “đổ mồ hôi máu sao được”?

Đức Giê-su đến trần gian để tìm kiếm con người, để giải thoát họ khỏi tội lỗi, khỏi ác thần nhưng giờ đây các môn đệ của Người đang đứng trước nguy cơ “sa chước cám dỗ”. Trong lời Kinh Lạy Cha, Đức Giê-su dạy các môn đệ xin: “Đừng để chúng con xa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con khỏi sự dữ” (Mt 6,13; Lc 11,4).

Và trong Vườn Cây Dầu Đức Giê-su lại dặn đi dặn lại: “Anh em hãy cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ” (Xc. Lc 22,40.46). Điều đó cho thấy rằng các môn đệ đang đứng trước nguy cơ bị “sa chước cám dỗ” của ma quỷ. Tiếc thay, cả ba lần Đức Giê-su quay lại đều thấy họ đang ngủ. Đây không phải là giấc ngủ bình thường nhưng là một giấc ngủ mang ý nghĩa thần học: “ngủ về đức tin”.

Mệnh lệnh của Đức Giê-su là: “hãy cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ”. Họ đáp trả bằng thái độ: ngủ li bì (Mt 26,45; Mc 14,41; Lc 22, 45-46).

Không cầu nguyện, không tỉnh thức đồng nghĩa với “sa chước cám dỗ”. Và thực tế là họ đã sa ngã hết. Người càng làm lớn, càng thân tín thì sa ngã nặng hơn, công khai hơn. Còn nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau khi thấy người mình yêu thương gặp đau khổ, bị sự chết đe dọa. Và cái chết ở đây là chết đời đời chứ không phải chết về thể xác.

Sau bao nhiêu năm, yêu thương, dìu dắt, dạy dỗ, bảo ban nay các môn đệ lại sắp vuột khỏi tay mình để rơi vào tay thần dữ. Đức Giê-su quả thật quá phiền não vì lo cho các môn đệ của mình.

Trong cuốn phim nỗi tiếng: “the Passion of Christ” của đạo diễn người Mỹ Mel Gibson, có một đoạn rất ấn tượng, mang tính gợi ý rất cao. Lúc Đức Giê-su bị lính Rô-ma hành hạ trước sự hả hê, la hét của dân chúng, có một tên quỷ hiện ra, trong tay bồng một đứa trẻ dị dạng: hình người mặt quỷ (http://www.youtube.com/watch?v=zrklxrt0CqM&feature=related).

Tác giả có ý nói rằng thần dữ dường như đang thắng thế vì nó đã thành công khi sinh ra những con người ác tâm với nhau, hận thù nhau đến mức tận cùng. Đức Giê-su chắc phải đau đớn lắm, muộn phiền lắm khi nhìn thấy các môn đệ của mình, nhân loại sắp lâm vào tình trạng ấy. Người nhìn thấy nhân loại đang bị hư mất mà “đổ mồ hôi máu”.

Như vậy, việc Đức Giê-su đau buồn, sầu não đến “đổ mồ hôi máu” không phải vì lo lắng sợ hãi trước cuộc khổ hình thập giá cho bằng những khao khát yêu thương bị chối từ. Chối từ yêu thương của Thiên Chúa, thiếu tỉnh thức cầu nguyện làm cho cho Con Người có nguy cơ bị hư mất đời đời.

Cái chết không phải là điều làm cho Người sợ hãi lo lắng mà là hậu quả tất yếu của sự lo lắng ấy. Nghĩa là vì phiền não lo lắng cho nhân loại được cứu rỗi nên Người quyết phải đón nhận cái chết. Cái chết, cuộc Khổ Nạn – Phục Sinh của Người sẽ giải pháp tốt nhất cho những lo buồn “đổ mồ hôi máu” của Người.

Bằng chứng là các môn đệ đã trở lại và đã làm nên những điều diệu kỳ. Giáo hội đã sản sinh ra vô số vị thánh, sống theo gương mẫu Đức Giê-su, yêu “như Thầy đã yêu” và chết như Thầy đã chết. Thế nhưng, Giáo hội cũng còn đầy dẫy những tội nhân bị “sa chước cám dỗ”, có nguy cơ bị hư mất đời đời. Nhân loại còn vô số người chưa biết yêu “như Đức Giê-su đã yêu”. Đó là một nhiệm vụ khẩn thiết cho các môn đệ của Người.

Họ phải bước vào “Vườn Cây Dầu” để cầu nguyện, lo âu, phiền não cho vấn đề cứu nhân độ thế đến “đổ mồ hôi máu” và lãnh nhận cái chết như một hậu quả tất yếu cho cuộc mưu cầu nhân sinh đời đời cho mình và cho mọi người.


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét