23 thg 10, 2012


Dung mạo Đức Maria theo trình thuật truyền tin (Lc 1,26-38)
Thánh Luca là tác giả để lại nhiều dữ liệu nhất về Đức Maria trong tất cả các các tác giả sách Tân Ước. Ngài có nhiều đoạn trình thuật về những biến cố cụ thể trong cuộc lự hành đức tin của Mẹ Maria. Cả năm biến cố trong “Mầu nhiệm 5 sự vui” của Kinh Mân Côi đều nằm trong số những trình thuật của thánh Luca. Đó là: Biến cố truyền tin; biến cố Đức Maria đi viếng chị họ Elisabet; Đức Mẹ sinh Đức Giê-su trong hang đá; Đức Mẹ dâng Đức Giê-su trong đền thánh và Đức Mẹ tìm gặp Đức Giê-su trong đền thánh. Trong mỗi biến cố ấy, thánh Luca đều phác họa lên những nét đẹp rất riêng về Đức Mẹ Maria. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài suy niệm này chỉ xin được dừng lại ở những nét đẹp của Đức Maria trong trình thuật “Truyền Tin” (Lc 1,26-38). Đây cũng là bài Tin Mừng mà Phụng vụ Giáo Hội chọn đọc trong ngày lễ Đức Mẹ Lễ Mân Côi.
Phải nói rằng “biến cố Truyền Tin” là biến cố hết sức trọng đại cho cuộc đời Đức Maria cách riêng và cho Giáo Hội nói chung bởi lẽ chính qua biến cố ấy mà Thiên Chúa thực hiện lời hứa cứu độ từ ngàn đời, đánh dấu bằng việc Nhập Thể, nhập thế của Ngôi Hai Thiên Chúa. Dĩ nhiên, có rất nhiều ý nghĩa thần học được nói đến trong trình thuật “Truyền Tin” nhưng ở đây chỉ xin để ý đường nét làm nên chân dung tuyệt với của Đức Maria.
Trong trình thuật này, chân dung Đức Maria vẽ lên với ít nhất sáu đường nét (ưu phẩm):
1.   Mẹ là thiếu nữ Sion, đại diện cho dân thánh (c.28a)
Khởi đầu cho biến cố “Tuyền tin” thiên cứ vào nhà của Đức Maria và chào rằng: “Mừng vui lên”. Đây là cụm từ đượng Kinh Thánh Cựu Ước sử dụng ít nhất 3 lần (Xp 3,14; Dcr 9,9; Ge 2,21) khi mời gọi Thiếu Nữ Sion hãy vui lên vì thời Đấng Mê-si-a đã gần đến. Lời mời gọi này nhắm đến niềm vui cánh chung khi Thiên Chúa cứu độ dân Ngài. Sau này, các giáo phụ thường xem Đức Maria chính là thiếu nữ Sion ấy, người đại diện cho toàn dân Ít-ra-en để đón nhận lời mời gọi của thiên sứ và mở ra kỷ nguyên cứu độ cho dân Ít-ra-en và toàn thể nhân loại.
2.   Mẹ là Đấng đần ân sủng (c.28b)
Đức Maria chắc hẳn đã không khỏi ngỡ ngàng vì tên gọi mới mà thiên sứ đặt cho mình: “Đấng đầy ân sủng”. “Đấng đầy ân sủng” là cụm từ được bản dịch Vulgata sử dụng. Đây là tên gọi rất đẹp và rất đặc biệt. Theo nguyên ngữ “kêkharitômênê” có nhiều nghĩa khác nhau như: duyên dáng, dễ thương, vừa lòng Thiên Chúa… Động tính từ “kêkharitômênê” được chia ở thì hoàn thành cho thấy Đức Maria đã, đang và sẽ là người tràn đầy ân sủng Chúa ban và đẹp lòng Thiên Chúa trong mọi việc.
3.   Đấng được Thiên Chúa ở cùng (c.28c)
Lời của sứ thần “Thiên Chúa ở cùng bà” vừa diễn tả thực tiễn vừa là lời chúc. Thiên Chúa ở cùng là một ân sủng nhưng cũng kèm theo một trách vụ. Trong Cựu Ước khi các ngôn sứ nhận lãnh một trách vụ thì đồng thời họ cũng được bảo đảm là Thiên Chúa ở cùng họ. Như thế, Thiên Chúa ở cùng Mẹ để Mẹ đủ sức mang trọng trách làm Mẹ Đức Giê-su, Con Thiên Chúa làm người. Đức Chúa ở cùng nên Mẹ mới tràn đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng thì Mẹ mới dám can đảm đón nhận sứ mạng và Đức Chúa ở cùng thì Mẹ mới đủ sức cho sứ mạng tương lai. Đức Giê-su được mệnh danh là Đấng Emmanuel nghĩa là Thiên Chúa ở cùng nhân loại. Đó là phúc phận của nhân loại mà Mẹ Maria là thành viên đầu tiên được diễm phúc ây, được Thiên Chúa ngự trị trong cung lòng mình.
4.   Mẹ dẹp lòng Thiên Chúa (c.30)
Cụm từ này xác nhận lại tên gọi “Đấng đầy ân sủng” mà sứ thần đã gọi Đức Maria trước đó. Mẹ đẹp lòng Thiên Chúa, vừa lòng Thiên Chúa hay Thiên Chúa ưng ý về Mẹ. Đức Maria thực sự đẹp lòng Thiên Chúa không phải do chính công đức của Mẹ nhưng trên hết là do ân sủng mà Thiên Chúa ban cho. Thiên Chúa đã chọn lựa và đã làm cho Mẹ trở nên xứng đáng để mang thai Con Thiên Chúa làm người. Mẹ sống ân sủng Chúa ban trong cung cách lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa một cách triệt để.
5.   Mẹ là Nữ Tỳ Thiên Chúa (c.38a)
Đây chính là tước hiệu mà Đức Mẹ tự nhận về mình trước thiên sứ, trước một sứ mạng cao cả Thiên Chúa trao ban cho Mẹ. Truyền thống Giáo Hội dựa vào điểm này để tôn vinh sự khiêm hạ của Mẹ Maria hay nói đúng hơn là Mẹ đã nhìn nhận đúng thân phận và vị trí của mình. Trong “năm mầu nhiệm vui” của Kinh Mân côi, khi suy gẫm mầu nhiệm thứ nhất: “thiên thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai” thì lời cầu xin là: “cho được ở khiêm nhường”. Có thể hơi khập khiểng khi lấy lời cầu nguyện của Kinh Mân Côi minh giải cho ý tưởng của Kinh Thánh. Tuy nhiên, quả thật truyền thống Giáo Hội đã thừa nhận sự khiêm nhường của Đức Maria trong lời bộc bạch: “Tôi là tôi tớ Chúa” và đã lấy đó làm mẫu gương cho đời sống khiêm nhường của mình.
6.   “Xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói” (c.38)
Sau khi nhìn nhận mình là “tôi tớ” là nữ tỳ, Đức Maria đã thưa lên cùng Chúa: “Xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói”. Đây là câu nói khá lạ lùng vì mạch văn đang kể lại cuộc đối thoại giữa Đức Maria và sứ thần nhưng trong câu này thì Đức Maria lại thưa lên cùng Thiên Chúa. Điều này chứng tỏ rằng Đức Maria đặt mình trong tương quan với chính Chúa trong cuộc gặp gỡ này. Cuộc đối thoại của thiên sứ và Đức Maria kết thúc, giờ đây Đức Maria đã sẵn lòng hướng lên Thiên Chúa, mở lòng đón nhận sứ mạng Ngài trao gởi mặc cho những uẩn khúc trong lòng và khó khăn trước mắt.
Đây là đoạn văn cao trào và cũng là đoạn kết tuyệt vời nhất của trình thuật về biến cố “truyền tin” cho Đức Mẹ. Đức Mẹ khiêm tốn xin Thiên Chúa thi hành thánh ý Ngài trên cuộc đời Mẹ. Đó là ưu phẩm tuyệt vời nhất của Đức Mẹ. Ưu phẩm ấy có tên là “Xin Vâng”. Ngoài Đức Giê-su, Ngôi Hai Thiên Chúa là cội nguồn và kiểu mẫu duy nhất cho sự vâng lời khi Ngài vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá thì chỉ có Đức Maria, thụ tạo duy nhất có được bản “copy” vâng lời giống với bản chính, rõ ràng, sáng sủa nhất.
Sự xin vâng của Mẹ Maria có ý nghĩa đặc biệt không phải cho riêng cuộc đời Mẹ nhưng khi đặt trong viễn ảnh Mầu Nhiệm Cứu Độ. Chính sự xin vâng ấy đã khởi đầu cho hành trình làm người của Con Thiên Chúa. Qua đó, Thiên Chúa thực hiện lời hứa, biểu lộ lòng thành tín của Ngài thực thi công trình cứu độ của Ngài trên nhân loại. Mẹ xin vâng không phải vì chính Mẹ nhưng mang lấy vận mạng của toàn nhân loại.
Tạm kết
Qua trình thuật về Biến Cố Truyền Tin, thánh Luca đã phác họa nên bức tuyệt tác chân dung Đức Maria. Đó là một bức chân dung sắc sảo với nhiều đường nét tinh vi và sự kết hợp hài hòa của nhiều gam màu sáng tối. Mẹ Maria là thiếu nữ Sion, đại diện ưu tú của Ít-ra-en và của nhân loại với rất nhiều nét đẹp: là “Đấng đầy ân sủng”; “đẹp lòng Thiên Chúa”; “Được Chúa ở cùng”; “là nữ tỳ khiêm hạ”.  Và vượt trên tất cả những ưu phẩm ấy, Mẹ chính là mẫu gương của cuộc đời Xin Vâng. Mẹ không chỉ thưa xin vâng trong thời điểm truyền tin nhưng còn xin vâng bằng trọn cuộc đời Mẹ. Nếu Đức Giê-su chịu lưỡi đồng đâm thấu cạnh sườn khiến máu cùng nước chảy ra thì Mẹ cũng chiu cùng cảnh “gươm sắt thâu qua lòng” như vậy. Mẹ đã đồng hành cùng Chúa trên con đường thập tự và hiện diện dưới chân thập giá.
Nhìn ngắm lại chân dung tuyệt mỹ của Mẹ Maria trong biến cố truyền tin là cảm nghiệm hồng ân Thiên Chúa ban cho nhân loại đồng thời cũng khám phá, suy gẫm  về  sự đáp trả lại lời mời gọi của Thiên Chúa cho mỗi con người trên đường lữ thứ trần gian.
Xin gửi gắm nơi Mẹ những yếu đuối mọn hèn mong manh của phận người nhưng hằng ước ao noi gương Mẹ sống trọn cuộc đời xin vâng. Nguyện xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho chúng con được trọn vẹn ơn nghĩa với Chúa cho đến trọn đời.

Lễ Đức Mẹ Mân Côi 2012
Duy Thạch SVD