30 thg 11, 2012

Kẻ cô đơn trên con đường thập tự


Jos. Duy Thạch SVD
Cách đây hơn hai ngàn năm có một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện trên trái đất này. Ngài đã được tiền báo sẽ là vị vua mới và vĩ đại nhất của dẫn Do thái, Đấng sẽ giải thoát dân Do thái khỏi ách nô lệ.
Ngài đã sinh ra trong khung cảnh đơn sơ hết sức, nhưng cũng không kém phần long trọng trong tiếng ca hát chúc tụng của các Thiên Sứ và nhóm mục đồng. Ngài cũng được các nhà khôn ngoan nhất Đông Phương đến triều bài và dâng những lễ phẩm quý giá như dâng cho một vị Vua. Ngài đã có những bài giảng hùng hồn thu hút dân chúng, đã làm nhiều phép lạ và nhiều lần được dân chúng tung hô. Cuối cùng, Ngài đã được dân chúng đón rước vào thành thánh Giê-ru-sa-lem như một vị Vua. Trước câu hỏi của Phi-la-tô Ngài cũng thừa nhận Ngài là Vua (Mc 16,2).
Tuy nhiên, tất cả những ưu thế ấy không giúp cho Ngài tránh khỏi nỗi cô đơn trên con đường thập tự. Nỗi cô đơn ấy bắt nguồn từ một lẽ sống và một lối sống theo xác tín nội tâm của riêng Ngài, một sứ vụ Ngài lãnh nhận từ Chúa Cha. Một lẽ sống, một lối sống mà nếu không theo Ngài sẽ không còn là chính mình.
Sự cô đơn của Ngài bắt đầu ngay từ lúc Ngài chào đời trong nơi thanh vắng, lúc nhân loại đang say giấc ngủ. Lẽ ra, trong suốt những tháng ngày trên dương thế với ưu thế “lợi khẩu” và tài làm phép lạ của mình, Ngài đã có thể giải quyết nỗi cô đơn ấy một cách dễ dàng. Thế nhưng, Ngài đã không làm thế và cứ thế nỗi cô đơn của Ngài cứ lớn dần theo năm tháng. Dường như, suốt cuộc đời thi hành sứ vụ công khai, Ngài không nhận được một sự đồng cảm nào.
Người trong gia đình
Khởi đầu, từ sự chất vấn của chính Mẹ Maria: "Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy ? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con !"(Lc 2,48). Câu trả lời của Ngài lộ rõ một sự cô đơn lạc lõng nào đó: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha Mẹ không biết con có bổn phận lo việc nhà Cha con sao?” (Lc 2,49). Quả thế, Mẹ Maria không hiểu và chỉ biết suy đi nghĩ lại trong lòng, còn thánh Giu-se thì không nói nên lời. Rồi đến bà còn thân thuộc không ai tiếp đón Ngài đến nỗi Ngài phải buông lời chua chát: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi” (Mt 13,57; Mc 6,4). Hơn thế nữa, những người bà con thân thuộc của Ngài cũng đã có lần tìm cách đưa Ngài về vì “họ nói rằng Người đã bị mất trí” (Mc 3,21).

Dân của Ngài
Dân chúng thì không biết Ngài là ai. Sau bao nhiêu năm Ngài hiện diện giữa họ, nhưng họ vẫn không biết Ngài là ai. Trước câu hỏi: “Ngài là ai?” không có một câu trả lời chính xác nào. Tất cả chỉ là những lời đồn đoán về Ngài: Gioan, Êlia, hay một ngôn sứ nào đó.
Và dầu họ có theo Ngài nườm nượp từ khắp đất nước cũng không phải vì yêu mến cho bằng vì ‘được ăn no nê”: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê(Ga 6,26). Sự hiểu biết mù mờ thiếu xác tín về Ngài đã dẫn đến việc họ bị xúi dục và đồng lòng kết án Ngài sau này.

Bạn bè, anh em họ, sứ giả của Ngài
Gioan Tẩy Giả, Người đã từng giới thiệu cách chắc nịch đến hai lần trước mặt bàn dân thiên hạ rằng: “Đây là chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29; 1,36) cũng có lúc đã bâng khuâng: “Không biết Ngài có phải là Đấng phải đến không?”(Mt 11,3; Mc 14,62) hay là mình đã giới thiệu sai chăng? Bởi hành động của Ngài quá khác với những gì mình đã giới thiệu và mong chờ. Và đã cử các môn đệ đi đến xác định cho rõ (Mt 11,3; Lc 7,19-20).

Các môn đệ thân tín của Ngài
Sự cô đơn của Ngài càng ngày càng kịch tính hơn khi chính những kẻ Ngài tuyển chọn riêng, ở với Ngài, hiện diện với Ngài gần như mọi nơi mọi lúc, vẫn không hiểu một chút gì về tâm tư, nguyện vọng của Ngài. Đó là điều mà nhiều lúc Ngài cũng phải bất ngờ: Ngài nói với các ông : "Cả anh em nữa, anh em cũng ngu tối như thế sao? Anh em không hiểu sao?” (Mc 7,18); Ngài gọi các ông là “những kẻ kém tin” (Mt 6,30;8,26; 14,31;16,8; Lc 12,28). Khi thấy Ngài đi trên mặt nước đến với họ, họ tưởng là ma và cảm thất hốt hoảng (Mt 16,24-33; Mc 6,45-52).
Không đến nỗi bi quan như thế, cũng còn một chút an ủi là đã có lần Phê-rô tuyên xưng: “Thầy là Đấng Ki-tô con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Tuy nhiên, đó cũng là một phần nổi của tảng băng “ngu muội” của các ông mà thôi, bởi phút nông nỗi phản ứng trước lời tiền báo về cuộc thương khó của Đức Giê-su liền sau đó chứng tỏ rằng Phê-rô chẳng hiểu chút gì về Ngài. Lời tuyên xưng đó chỉ do “Cha của Thầy” đặt lên môi miệng của Phê-rô mà thôi (Mt 16,17).
Nói về tính ngây ngô của các môn đệ của Ngài trước lời tiền báo về cuộc Khổ nạn – Phục sinh của Ngài thì còn nhiều chi tiết lý thú nữa. Cứ mỗi lần Ngài tiên báo về  bí mật ấy thì y như rằng các môn đệ lại đáp lại bằng một thái độ ngược lại hoàn toàn. Lần thứ nhất, như vừa kể, vị Tông đồ trưởng Phê-rô phản ứng và không chấp nhận điều ấy xảy ra cho Ngài (Mc 18,31-33, Mt 16,21-23). Lần thứ hai, trong khi đi đường Ngài lại thông báo bí mật ấy, các môn đệ không hiểu (Mc 9, 31-33; Mt 17,22-23) nhưng không hỏi lại mà lại bàn luận với nhau xem ai là người lớn nhất trong nhóm (Mc 9,33-35; Mt 18,1-5; Lc 9,46-48). Lần thứ ba cũng thế, ngay sau khi Ngài tiền báo về cuộc “khổ nạn-phục sinh” (Mc 10, 32-34; Mt 20,17-19; Lc 18,31-34) thì hai môn đệ thân tín, bà con của Ngài lại đến và xin cho được ngồi hai vị trí quan trọng khi Ngài “được vinh quang” (Mc 10,35-40; Mt 20,20-23).
Sứ điệp quan trọng nhất, tiền báo riêng đến ba lần, nhưng không một môn đệ nào có khả năng lãnh hội. Hay nói đúng hơn họ cũng không muốn lãnh hội vì họ đang say đắm trong giấc mơ quyền lực của mình. Họ nuôi chí, dệt mộng vàng ngay từ khi được Ngài mời gọi. Sau ba năm tầm sư học đạo xem ra giấc mơ quyền lực của họ càng lớn dần hơn và họ nghĩ chắc giấc mơ sắp thành hiện thực. Cảm giác “mộng vàng tan mau” của hai môn đệ trên đường về Emmaus đã bộc lộ rõ sự say mê quyền lực và thất vọng ê chề này của nhóm môn đệ (Lc 14,13-33; Mc 16,12-13).
Sự không hiểu, không thể chấp nhận “Mầu nhiệm Khổ nạn-Phục sinh”, đã dẫn đến một bi kịch nghiệt ngã của tình thầy trò: Một người môn đệ được tín nhiệm giao cho túi tiền của cộng đoàn môn đệ lại “nộp Thầy” với giá 30 đồng bạc và kết thúc cuộc đời trong tuyệt vọng. các môn đệ thân tín khác thì tìm đường trốn chạy và có kẻ tụt cả quần áo lại để chạy bán sống bán chết nhằm thoát thân (Mc 14,52). Đau đớn nhất, vị Tông Đồ Trưởng, người từng thề sống chết với Ngài: "Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy" (Mt 26,35), lại chối Ngài 3 lần.
Trong vụ án Đức Giê-su do tác giả Tin Mừng thứ tư tường thuật lại có một chi tiết hết sức bi hài và chi tiết này diễn tả sự xa cách giữa Đức Giê-su và các môn đệ một cách rõ ràng nhất. Khi Đức Giê-su bị Thượng tế Cai-pha chất vấn về các môn đệ và giáo huấn của Ngài trong tư dinh vị Thượng tế, Đức Giê-su trả lời: ‘Tôi đã nói công khai trước mặt thiên hạ; tôi hằng giảng dạy trong hội đường và tại Đền Thờ, nơi mọi người Do-thái tụ họp. Tôi không hề nói điều gì lén lút. Sao ông lại hỏi tôi? Điều tôi đã nói, xin cứ hỏi những người đã nghe tôi. Chính họ biết tôi đã nói gì." (Ga 18,20-21).
Và cũng chính lúc ấy ngoài sân dinh của vị Thượng tế, Phê-rô đã chối dứt khoát rằng ông không phải là môn đệ của Đức Giê-su đến 3 lần (Ga 18,17.25.26). Dường như Phê-rô đang chối bỏ thân phận môn đệ của mình, chối bỏ tương quan mật thiết bấy lâu giữa ông với Đức Giê-su. Tuy nhiên, đó lại là lúc Phê-rô nói thật nhất về mối tương quan giữa ông cũng như tất cả cả môn đệ khác với Thầy mình: Ông cũng như tất cả mọi môn đệ khác thật sự không biết Đức Giê-su là ai.
Đức Giê-su trong tư thế người bị nạn không phải là Thầy uy lực quyền năng của các ông. Ông đã cản bước Thầy khi Thầy tiền báo cuộc thương khó lần thứ nhất và đến bây giờ tâm trạng ông vẫn vậy. Ngài không phải là vị vua như các ông mong đợi. Họ bỏ rơi Ngài, chối từ Ngài chính là biểu lộ cảm xúc thật của lòng mình.

Giữa dòng nhân loại thân quen
Ngài bỗng cảm thấy cô đơn đến rợn người. Giữa đám dân chúng Ngài yêu thương vì “họ lầm than vất vưởng như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9,36), “sợ họ xỉu dọc đường” (Mt 15,32; Mc 8,3), sợ họ không được ơn cứu độ (Lc 19,42)…, Ngài cảm thấy như chỉ có mình Ngài. Người ta đưa chứng gian để kết tội Ngài nhưng không một “luật sư” nào biện minh cho Ngài. Người ta chấp nhận tha cho một tên cướp, một tên nổi loạn hơn là tha cho Ngài. Người ta ghét Ngài hơn ghét một tên cướp.
Cũng nên lạc quan lên một tý vì trên con đường thập tự cũng còn nhiều người phụ nữ đi theo và một số phụ nữ vừa đấm ngực vừa khóc thương Ngài (Lc 23,27). Tuy nhiên, theo Đức Giê-su thì họ lại khóc nhầm mất rồi: thay vì  phải “khóc cho phận mình và cho con cháu” (Lc 23,28) thì họ lại tội nghiệp cho Đức Giê-su. Đây là điều mà nhiều người đạo đức mọi thời vẫn nhầm tưởng mỗi khi suy niệm về mầu nhiệm khổ nạn-phục sinh. Họ cảm thấy tội nghiệp cho Đức Giê-su mà quên đi rằng họ phải “khóc cho phận mình và con cháu”. Vậy là, cả trong tình huống này tâm tình suy nghĩ của họ và của Đức Giê-su vẫn không gặp nhau. Ngài vẫn cô đơn một mình.
Còn nỗi đau nào hơn nỗi đau của kẻ si tình bị phụ tình. Còn nỗi cô đơn nào hơn nỗi cô đơn của kẻ không được bất kỳ ai đoái hoài. Đức Giê-su đã đến gieo mầm yêu thương nhưng giờ đây Ngài đang phải đón lấy sự hận thù, ghen ghét tột cùng của nhân loại. Ngài sống và làm chứng cho sự thật thì lại bị tòa án giả dối kết tội; vị chứng nhân của lòng trung thành lại gánh chịu sự phản bội của người môn đệ. (Xem thêm: Điều Gì làm Cho Đức Giê-su đổ mồ hôi máu? http://dongngoiloi.blogspot.com/2012/04/ieu-gi-lam-cho-uc-giesu-o-mo-hoi-mau.html, 27.11.2012).

Cha của Ngài
Nỗi cô đơn của Ngài lên đến tột bậc khi Ngài cảm thấy như chính Cha cũng bỏ rơi Ngài: “Giờ thứ chín, Đức Giê-su kêu lớn tiếng: "Ê-li, Ê-li, lê-ma xa-bác-tha-ni", nghĩa là "Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con? "(Mt 27,46).
Tác giả Theophile Ngô Hoàn Cầu cho rằng câu này chính “là câu mở đầu của Thánh Vịnh 22 mà phần kết là tâm tình tin tưởng, tạ ơn và nghĩ tới muôn người. Và đây là Thánh vịnh duy nhất nói đến ơn cứu độ cho dân ngoại và cho kẻ chết”. Và ông đặt vấn đề “phải chăng qua Thánh Vịnh này, Đức Giê-su cầu nguyện cùng Chúa Cha?”. [Ngô Hoàn Cầu, Đọc Sách Tin Mừng, Đọc Mát-thêu, (Nha Trang, 2011), tr. 39].
Tác giả W. Barclay trưng dẫn ba lối giải thích cho câu này. Thứ nhất, Đức Giê-su lặp lại Thánh vịnh 22 như một hình ảnh của chính tình cảnh của Ngài lúc bấy giờ và như là một bài ca của lòng tín thác. Lối giải thích này xem ra không vững lắm vì theo tác giả thì không ai đọc thơ trên thánh giá dù cho đó là Thánh vịnh. Thứ hai, đây là thời điểm sức nặng của tội lỗi nhân thế đè nặng trên con tim (the heart) và hữu thể (being) của Đức Giê-su, là thời điểm khi một người vô tội gánh tội cho chúng ta, và án tử hình Ngài mang vì chúng ta là một sự chia cắt khỏi Thiên Chúa như hậu quả của tội. Thứ ba, đây là lúc Đức Giê-su chứng tỏ nhân tính nhất. Trong kinh nghiệm nhân loại, khi cuộc sống lâm vào nguy khốn thì chúng ta cảm giác là Chúa quên mình. Đức Giê-su chìm vào trong tình trạng khốn khó nhất của nhân loại. (Xc. W. Barclay, The Gospel of Matthew, Wesminster, 1975).
Tuy nhiên, phải khẳng định một điều rằng Đức Giê-su chưa từng có ý định phàn nàn về kế hoạch của Thiên Chúa và Ngài tự nguyện chấp nhận tất cả để thi hành thánh ý Chúa Cha: "Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha." (Lc 22,42). Dẫu vậy, với nhân tính đầy đủ trọn vẹn, Đức Giê-su vẫn không tránh khỏi cảm giác cô đơn, đau khổ trong giây phút phải gánh lấy tội lỗi nhân trần trên thân thể tinh tuyền, trong giây phút đối diện với sự tàn ác dã man và phản bội của nhân thế.

Nỗi niềm riêng
Phải chăng số phận của tất cả những kẻ dám sống theo niềm xác tín của mình đều lâm vào tình trạng bi đát như vậy? khi suy niệm về nỗi đơn của Đức Giê-su tôi bỗng thấy rợn người khi nghĩ đến thân phận của người môn đệ.
Tôi đã chọn theo Ngài nhưng sao vẫn thấy mình chưa đủ xác tín để dám đối diện và đón nhận nỗi cô đơn như Ngài. Làm sao tôi có thể đủ cản đảm để bước qua dư luận để chỉ sống theo xác tín của lương tâm mình? Tôi đã từng đối diện với một nhóm người xỉ vã và tẩy chay mình và tôi kinh nghiệm được cảm giác ấy khủng khiếp đến mức nào. Đâu là ranh giới của một lối sống trung thành với xác tín của bản thân và một lối sống lập dị?
Thật không dễ để có được một xác tín lành mạnh chân thật và thật khó hơn nhiều để giữ xác tín của mình mỗi ngày trong mỗi môi trường hoạt động. Đức GM Paul Nguyễn Thái Hợp đã có lần dí dõm về quan điểm tiêu cực của xã hội ngày nay như sau: “Giữa một thế giới mà ai ai cũng cởi truồng thì kẻ mặc quần chính là kẻ khiêu dâm”. Thật khó để tiếp tục vẫn “mặc quần” giữa một xã hội “trần truồng”. Thật khó để sống chân thật giữa một xã hội giả dối.
Cái khó nhất là trong tình tương thân tương ái, tương quan huynh đệ cộng đồng, phải làm sao để không mất lòng người, không làm đổ bể tương quan huynh đệ. Thông điệp “Bác ái trong chân lý” (Caritas in veritate, 7.7.2009) là lý tưởng mà Đức Thánh Cha Bê-nê-đic-tô thứ XVI muốn gửi đến cho con người trong xã hội ngày nay. Trong lời giới thiệu thông điệp, Đức Thánh Cha đã viết như sau:
“Tình yêu trong chân lý là động lực chính cho sự phát triển chính thực của mỗi người cũng như của toàn thể nhân loại... Chỉ vơi tình yêu được lý trí và đức tin soi sáng, loài người mới có thể vươn tới những mục tiêu phát triển mang tính nhân bản và nhân hóa... Công lý là một thành phần toàn vẹn của tình yêu “trong việc làm và trong chân lý” (1Ga 3,18). Mến thương ai thì muốn điều thiện hảo cho họ, và cố gắng mang lại điều thiện hảo cho họ”.
Quả thế, Đức Giê-su đã đến làm chứng cho sự thật bằng tình yêu thương tuyệt đối dành cho nhân loại. Có điều, Ngài đã trả giá bằng chính mạng sống của Ngài. Là môn đệ của Đức Giê-su tôi cũng không có con đường nào khác ngoài con đường làm chứng cho sự thật bằng chính con tim mình. Để có thể tiến bước trên con đường thập tự thiết nghĩ tôi phải cần một quả tim mới để yêu thương hết mình và cần một lá gan mới để can đảm đón nhận nỗi cô đơn đau, khổ tột cùng như Đức Giê-su.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét