Suy niệm Lời
Chúa
(Lc 21, 25-28.34-36)
Rafael
Ngọc Long SVD
Lịch sử không ngừng
xoay và thời gian cũng không ngừng trôi như một quy luật bất biến của nó. Thu
qua rồi Đông lại tới báo hiệu một mùa Giáng Sinh nữa sắp về. Tuy nhiên, cái gì
cũng có cùng đích của nó, kể cả thời gian, vì Đức Kitô, Đấng là chủ của thời
gian, là khởi đầu và là cùng đích mọi sự đã đến, đang đến và sẽ đến với toàn
thể nhân loại để hoàn tất những gì đã được mặc khải nơi Người.
Hôm
nay, Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, khởi đầu một năm Phụng Vụ mới như nhắc nhở
chúng ta hãy nhìn về thời điểm cùng đích của thời gian ấy. Mùa Vọng là mùa mong
đợi, mùa hy vọng, mùa dọn mình chuẩn bị đón mừng lễ Giáng Sinh, kỷ niệm ngày
Chúa Giêsu đến lần thứ nhất. Đồng thời cũng là thời gian chuẩn bị chờ đón ngày
Chúa Giêsu ngự đến lần thứ hai trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết,
là ngày kết thúc lịch sử nhân loại. Trong ý nghĩa đó, Chúa Nhật I Mùa Vọng hôm
nay mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức và sẵn sàng chờ đón Chúa đến lần thứ hai
này.
Khi
từ giả các môn đệ để đi chịu nạn, Đức Giêsu đã trấn an các ông: “Thầy ra đi để
dọn chỗ cho anh em, và khi Thầy dọn chỗ cho anh em xong rồi, Thầy sẽ trở lại
đón anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó”.
Trước
lời hứa trở lại của Chúa, người ta đem ra nhiều lý luận và suy đoán viễn vông.
Khi nào nó xảy đến, và xảy đến như thế nào, chúng ta không biết được. Nhưng có
một điều chân thật là lịch sử con người chúng ta đang tiến tới một chỗ nào đó.
Có một số người như các triết gia Khắc Kỷ thì coi lịch sử là một vòng tròn. Họ
tin rằng cứ mỗi ba ngàn năm thì vũ trụ lại một lần bị thiêu đốt, rồi sau đó bắt
đầu lại và lịch sử lại tái diễn. Thời gian qua chúng ta vẫn nghe rằng
23/12/2012 là ngày kết thúc lịch sử loài người theo lịch của người Mayza, phía
đông Mehicô. Người ta giải thích ngày đó là kết thúc một chu kỳ và sau đó lịch
sử lại bắt đầu lại. Nói như thế có nghĩa là lịch sử chẳng đi tới đâu và loài
người cứ bước đi loanh quanh như một cối xay vĩnh cửu.
Còn
người Kitô hữu chúng ta thì tin rằng lịch sử có một cùng đích và tại cùng đích
đó Đức Kitô sẽ là Chúa tể mọi loài. Lịch sử loài người đang tiến vào cùng đích
ấy theo kế hoạch của Thiên Chúa, như vậy người Kitô hữu không sống trong tình
trạng bất biến nhưng sống trong tình trạng mong đợi. Chúng ta phải sống trong
bóng của cõi vĩnh cửu, với một xác tín mạnh mẻ rằng, chúng ta là những con
người luôn sẵn sàng đứng trước mặt Thiên Chúa.
Đó
chính là thái độ tỉnh thức mà Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ phải có trong thời
gian chờ đợi này. Để con cái mình không quên chân lý quan trọng đó, Giáo Hội
luôn nhắc lại cho chúng ta trong mỗi Thánh Lễ: “Chúng con loan truyền việc Chúa
chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho tới khi Chúa lại đến”. Chúa lại
đến để đưa lịch sử loài người đến cùng đích của nó. Tất cả loài người đều phải
trình diện trước mặt Chúa, cũng như mỗi người phải trình diện trước Thiên Chúa
khi kết thúc cuộc đời lữ hành trần thế của mình, và như vậy thì lời kêu gọi
tỉnh thức được đưa ra cũng có giá trị cho mỗi một người chúng ta.
Vậy
tỉnh thức là gì? Tỉnh thức là một thái độ tinh thần, không có ngăn cách với đời
sống hiện tại mà là một phần của đời sống hằng ngày. Nó không có gì khác
thường, không phải từ bỏ các hoạt động hằng ngày để theo đuổi một cái gì đó xa
vời. Tỉnh thức là sống cho ra sống, biết vì sao mình sống, sống có chủ đích,
sống có ý nghĩa chứ không phải sống lây sống lất theo kiểu bèo dạt mây trôi.
Thật
sự sống trên cõi đời có lắm điều chúng ta phải lo, phải đối diện, nào là chuyện
cơm áo gạo tiền, nào là chuyện gia đình, chuyện xã hội… làm cho chúng ta không
còn thời gian để nghĩ đến ý nghĩa của cuộc đời, nghĩ đến những chuyện tâm linh
xem ra xa rời thực tế. Cuộc đời cứ thế trôi đi không có điểm dừng để rồi chúng
ta không có cơ hội để nhìn lại hành trình sống của mình. Sống vẫn cứ sống và
khi cứ chìm đắm trong những lạc thú của trần gian, chúng ta rất dễ quên rằng
cuộc đời chỉ là tạm bợ, con người chỉ là phận lữ khách.
Chúng
ta cũng thường ít quan tâm đến ngày và đêm đang không ngừng gặm nhấm cuộc đời
chúng ta. Dù chúng ta đẹp hay xấu, giàu hay nghèo, khôn hay dại thì chúng ta
cũng không thoát khỏi cái chết, thoát khỏi ngày kết thúc của cuộc đời. Cho nên,
tỉnh thức là luôn luôn tâm niệm rằng, cuộc đời mình sẽ kết thúc một ngày gần
đây, để rồi mình luôn có một sự chuẩn bị cần thiết làm hành trang cho mình đi
về thế giới bên kia.
Nói
như Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận trong tác phẩm “Năm Chiếc Bánh
và Hai Con Cá” rằng: “Hãy sống như ngày hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc
đời”. Sống như thế chúng ta sẽ không bao giờ sợ bị bất ngờ và dù có bất ngờ đi
nữa thì chúng ta cũng đã sẵn sàng.
Tỉnh
thức còn có nghĩa là lo việc phải lo, làm việc phải làm. Đêm 15/4/1912, chiếc
tàu Titanic, là niềm tự hào của sức mạnh con người, đang trên đường vượt biển
từ Liverpool của Anh sang Mỹ thì dụng vào một tảng băng và chìm, làm hơn 1.500
người chết giữa biển khơi. Đó là một tai nạn đường biển khủng khiếp nhất trong
lịch sử loài người. Cách đây vài năm, có một bài báo nhắc lại thảm họa này và
nêu ra một câu hỏi cho độc giả suy nghĩ:
“Lúc
tàu Titanic đang chìm, nếu chúng ta có mặt ở đó, liệu chúng ta còn tiếp tục lo
dọn dẹp bàn ghế trên tàu không? Thoạt nghe câu hỏi ai cũng bảo hỏi gì mà kỳ
cục. Nghe còi báo động thì một người có đầu óc bình thường thì ai mà đi dọn dẹp
bàn ghế. Một người còn tỉnh táo thì ai mà còn mãi mê quét dọn lau chùi. Tuy
nhiên, nếu tiếp tục đọc bài báo đó thì sẽ thấy tác giả có lý để đặt ra một câu
hỏi như thế khi nhận định về tình trạng hiện thời, để rồi mỗi người phải đặt
vấn đề cho chính mình. Khi chiếc tàu chìm, liệu chúng ta còn mãi mê thu xếp đồ
đạc trên tàu mà quên rằng mạng sống của mình sắp kết thúc. Khi chiếc tàu cuộc
đời đang chìm, liệu chúng ta có miệt mài kiếm sống đến nỗi quên mất cả sự thực
là mình sắp mất mạng không. Mãi lo những việc tạm bợ, mà quên đi việc chính yếu
trường tồn của cuộc đời, đó chẳng phải là thái độ khôn ngoan của một con người.
Có
một người đàn ông kia sống rất hạnh phúc và đầy đủ. Tuy nhiên ông vẫn cảm thấy
lo sợ cho cuộc đời mình. Một hôm ông quyết định đi tìm một ai đó chỉ cho ông
biet phải làm thế nào để chắc ăn về cuộc đời mai sau. Theo hướng dẫn, ông tìm
đến một vị tu sĩ thánh thiện. Khi gặp vị tu sĩ đó, ông hỏi: “Thưa thầy, nếu
biết rằng chỉ còn sống một ngày nữa thôi thì thầy sẽ làm gì?
- Đưa
tay vuốt chùm râu, vị tu sĩ trả lời: “Có gì đâu, sáng dậy đọc kinh, uống ly trà
rồi đi tưới cây, làm công việc trong ngày rồi tối về đọc kinh đi ngủ”.
-
Không phải, đó là những việc thường ngày thầy vẫn làm mà. Con hỏi ngày cuối đời
của thầy cơ mà.
-
Đúng vậy, ngày thường và ngày cuối đời có gì khác nhau đâu.
Một
mùa vọng nữa lại đến, Giáo Hội lại mời gọi chúng ta tỉnh thức, nhìn lại cuộc
sống của mình để khỏi bị ngã quị trước những lo lắng sự đời, trước những cám dỗ
và những cạm bẫy làm chúng ta xa lìa Chúa.
Chúng ta phải tỉnh
thức để đón Chúa đến như người chủ nhà tỉnh thức canh chừng không cho kẻ trộm
khoét vách nhà mình. Tỉnh thức như người đầy tớ đợi ông chủ đi ăn tiệc cưới về,
và như năm cô trinh nữ khôn ngoan cầm đèn cháy sáng đón rước chàng rể. Đồng
thời, chúng ta cũng cần phải kiên trì và gia tăng đời sống cầu nguyện, để đón
nhận những ơn lành của Chúa, để có sức chiến đấu với ma quỉ, thế gian và xác
thịt, để ngày Chúa đến là niềm vui cho chúng ta, cho dù Ngài đến vào lúc ta
không ngờ, vào giờ ta không biết. Amen.
◊
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét