2 thg 12, 2012

Tôi trở thành chứng nhân


petloan@

Rất sớm trong đời, tôi được dạy phải trở nên hoàn thiện, nên giống các vĩ nhân mà sử sách đã ghi chép. Rất nhiều những gương sáng được trưng ra để tôi soi vào đó mà sống.
Người ta kể cho tôi nghe những kỳ công mà các vị anh hùng đó đã thực hiện, thật hoành tráng, quá vĩ đại, không một tỳ vết hay chỉ một chút sai chạy. Người ta sẵn sàng thần thánh hóa các vị bằng cách thêu dệt những truyền thuyết về thời thơ ấu của các vị.
Người ta kể một cách say sưa với những hình ảnh sống động đến rợn người. Tô vẻ xong những hình ảnh diệu kỳ đó, những người thầy của tôi đều có một điệp khúc kết giống nhau: “Đó là tấm gương mà em phải noi theo.”

Tôi chăm chú như muốn nuốt lấy từng lời. Tôi chiêm ngắm họ bằng ánh mắt ngưỡng mộ vô cùng, và thầm ước ao được nên giống họ. Tôi thần tượng hóa những con người này, và tôi nghĩ trên đời này chỉ những con người như thế mới đáng được ghi danh. Sống như vậy mới đáng sống.
Với ý chí một nam nhi, tôi không muốn trở thành một kẻ vô danh giữa đám đông vô danh. Tôi nghĩ rằng họ đã không chịu học hành gì cả, hay chỉ học cho qua chuyện chứ không bận tâm gì đến ‘hành’. Học mà không hành!
Tôi quyết tâm làm một cuộc cách mạng, tôi muốn chứng tỏ rằng tôi là người hiểu biết và khôn ngoan vì trong vô vàn những người đi học, được nêu gương bởi các bậc tiền bối, tôi là người dám sống như họ.
Nghĩ là làm, tôi cố bắt chước tiền nhân lên kế hoạch để làm nên những kỳ công xuất chúng. Tôi bắt đầu nghiên cứu kỹ hơn đường đi nước bước của họ. Tôi đã tìm đọc tất cả những sử sách ghi chép về các thần tượng của tôi và chọn ra một mẫu gương để ‘noi theo’.
Dĩ nhiên là rất khó để có thể gạt qua một bên một số thần tượng của mình hầu chỉ chọn một để theo. Nhưng cuối cùng một đấng anh hùng đã được chọn. Vì đã hiểu quá rõ về ngài, tôi dễ dàng lên một chương trình chi tiết để trở thành một ‘ngài’ thứ hai.
Tôi hăng hái thực hiện ngay ý định cao cả của mình. Tôi cố gắng hết sức để dõi theo đường đi nước bước của bậc tiền bối của tôi.
Tuy nhiên, ngay từ bước đầu tôi đã cảm nếm sự thất bại. Mọi sự không xảy ra như sử sách đã ghi! Tôi bắt đầu nghi ngờ chính mình, tôi nghĩ tôi chưa thực hiện đúng như những gì vị anh hùng của tôi đã làm.
Tôi giận mình đã thiếu cẩn trọng trong các bước thực hiện chương trình. Một lần nữa tôi bắt đầu lại với một quyết tâm mạnh mẽ hơn. Có một vài chi tiết tôi mới khám phá ra, tôi quyết đưa vào kế hoạch ngay.
Một hành trình nữa lại được bắt đầu. Lần này đương nhiên là tôi cẩn trọng hơn, tỉ mỉ hơn và triệt để hơn. Thế nhưng, bao nhiêu lần cố gắng là bấy nhiêu bận tôi thất bại. Và sau ‘một số lần’ thất bại tôi, quyết định đổi mẫu gương để theo.
Lịch sử lặp lại, tôi đi hết thất vọng này đến thất vọng khác. Thử nghiệm qua hết một lượt như thế, tôi đi đến kết luận: những người thầy của tôi đã gạt tôi, không có một đấng anh hùng nào trong cuộc sống này cả.
Các thần tượng sụp đổ, lần lượt tường “tên” một.
Tôi chợt hiểu ra rằng những vị anh hùng tôi được kể là những siêu nhân, họ đến từ một thế giới khác, họ có những khả năng siêu đẳng. Họ chẳng có một chút yếu đuối, sai lỗi nào cả. Họ chưa một lần thất bại, cũng không một phút yếu lòng trước những cám dỗ của thế gian.
Những điểm chung của họ là: không yếu đuối, không sai lỗi, không thất bại, nhưng mạnh mẽ, sáng suốt và luôn thành công.
Tóm lại, tôi không giống như họ, hay không được may mắn sinh ra từ một thế giới thần tiên như họ. Tôi còn những giới hạn. Có lần đang trên hăng hái với kế hoạch hoàn hảo của mình, tôi bị cảm lạnh vì mắc mưa.
Lần khác, tôi không về nhà đúng giờ để thực hiện chương trình vì được mời xem phim “Tây du ký” miễn phí, một ân huệ quá lớn. Từ đó, tôi nhận thấy rằng tôi đã theo đuổi những kế hoạch quá sức, chúng chỉ dành cho những siêu nhân hay các vị thần linh.
Sau khi rút ra kết luận đó, tôi quyết định không bỏ công theo đuổi những hình ảnh lý tưởng của tôi nữa.
Những thần tượng sụp đổ đồng nghĩa với việc những kiến thức tôi học được đều là ảo tưởng. Những gì sách sử ghi đều chỉ là những thứ hoang đường nhằm lừa gạt trẻ con. Một lần nữa tôi nhận ra rằng mình may mắn vì ngộ ra rằng mình không còn bị gạt như bạn bè trang lứa.
Tôi quyết định gác bút nghiên để tự mình khám phá cuộc sống. Tôi đi học chỉ vì ba mẹ tôi bắt buộc. Những giờ học trở nên trò đùa ngớ ngẩn mà tôi phải tham gia, thật là mất giờ, tốn công! Để tỏ ra ngoan ngoãn, tôi phải ngồi yên và ra vẻ chăm chú.
Tuy nhiên, tôi là một diễn viên tồi, và những vai diễn của tôi thiếu sự hoàn hảo, các vở kịch tôi đóng cứ lòi xòi thế nào ấy. Tỏ vẻ tập trung được một lúc tôi lại dỏng tai nghe tiếng chim hót. Rán chăm chú được một đỗi, mắt tôi lại du ngoạn đâu đó ngoài cửa sổ với những cành cây đung đưa.
Vở kịch tôi đóng có một hồi kết không mấy thú vị. Tôi ở lại lớp với những lời phê hết sức ấn tượng: Sức học sa sút trầm trọng. Ù lỳ và lơ đểnh trong việc học. Thiếu ý thức cầu tiến.
Thực ra người ta phải nhận xét theo trình tự ngược lại thì đúng hơn: Vì không muốn ‘tiến’ trong con đường ‘sai lầm’ đó, nên tôi mới bỏ bê việc học và học lực xuống dốc chỉ là một kết quả tất yếu.
Thế đấy, những vị thầy của chúng tôi thường nhấn mạnh mặt nổi trước nên chúng tôi cũng hay “vác đọt chạy” mà không cần hiểu ngọn nguồn, gốc rể gì ráo.
Một tiến trình tương tự xảy ra với tôi khi tôi ‘dấn bước’ đi tu.
Tuy nhiên, những tình tiết có vẻ ly kỳ hơn và cách người ta truyền đạt thực sự tinh vi hơn rất nhiều. Những điều người ta tô đậm nơi những vị ‘anh hùng’ mới này được bao phủ bởi một lớp vỏ bọc ân sủng.
Tôi không phủ nhận ân sủng và quyền năng của nó, tuy vậy, vấn đề là tôi không học được gì nhiều nơi những mẫu gương thay vì các chứng nhân. Các chứng nhân giúp tôi xác tín vào cuộc sống hơn là những mẫu gương không tì vết.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét