4 thg 11, 2012

Sống cùng, sống với



Joan Nguyễn SVD
Trong Tin mừng (Mt 28,19) “ Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”. Một cuộc ra đi nào cũng đòi hỏi phải có sự từ bỏ, từ bỏ quê hương đất nước, từ bỏ ngôn ngữ và phong tục tập quán của mình, chúng ta phải sống với một nền văn hóa khác, một tập quán khác và một  ngôn ngữ khác.
Tôi cũng đã có một chút kinh nghiệm về điều này. Trước đây khi kết thúc chương trình triết học, tôi được chia đi giúp năm cho người đồng bào ở Kontum. Khi nhận được thông tin là sẽ giúp ở đó, tôi hết sức lo lắng vì tôi chưa đến đó bao giờ.
Tôi còn nghe nói là giúp cho người đồng bào nữa thì tôi lại càng lo lắng thêm. Tôi sợ văn hóa của họ khác với của mình, ngôn ngữ của họ tôi lại càng không biết nữa.

Thế rồi những nỗi sợ hãi và lo lắng ấy cũng đã đến, cũng chính là ngày tôi đặt chân lên vùng đất mới lạ này, tôi thấy tâm hồn mình nặng nề và chán nản. Sống được ít lâu, tôi nghe mọi người kể một vài câu chuyện, trước đây tôi đã sợ nay lại càng sợ hơn.
Họ kể rằng: ở đây có những phong tục cũng rất đáng sợ, khi người mẹ có thai và sinh con ra nếu như người mẹ không may bị chết đi thì đứa con nhỏ đó cũng được chôn theo với mẹ nó. Những phong tục được xem như man rợ và cổ hủ, nhưng vẫn còn được lưu truyền cho tới ngày nay. Có nhiều vùng, họ không thích người kinh và họ giết rất nhiều người kinh rồi.
Trong đầu tôi, tôi luôn phải suy nghĩ là mình sẽ làm gì đây vì thời gian còn quá dài mới kết thúc thời hạn giúp năm ở đây. Tôi nghe họ nói chuyện với nhau nhưng không hiểu họ nói chuyện gì, có phải họ đang nói về mình hay không vì đôi khi tôi thấy họ nhìn tôi rồi họ nói và cười rất vui vẻ.
Lúc mới lên đây, tôi không quen thức ăn của họ nên bị bệnh đường ruột. Còn về thánh lễ thì tôi tham dự hằng ngày nhưng vì không biết ngôn ngữ của họ nên tôi không thể nào cảm được là tôi đang tham dự một bữa tiệc ly, một phép lạ mà Thiên Chúa đã ban cho nhân loại.
Tôi nghe như vịt nghe sấm. Sau cùng, tôi nghiệm ra được một điều. Nếu tôi không hòa nhập được với họ thì tôi sẽ tự đào thải mình vì đây là quy luật của cuộc sống. Tôi xin Chúa biến đổi tôi trở thành như họ chứ tôi không đòi hỏi họ trở thành giống như tôi.
Khi xác định được mục đích của mình, tôi bắt đầu lao vào một cuộc sống mới, một chấp nhận mới theo định luật. Văn hóa của họ, tôi sống. Ngôn ngữ của họ, tôi học. Thức ăn của họ, tôi ăn dù trước đây luôn luôn dè dặt và lo sợ.
Thế rồi, thời gian thấm thoát trôi qua, tôi trở thành người như họ từ lúc nào không biết. Có nhiều người nói với tôi là giờ chẳng khác gì người dân tộc cả. Tôi không nói và chỉ cười mà thôi. Tôi nghĩ.
Tôi cũng đã có một chút gì là kinh nghiệm về câu nói “ Tin mừng vượt qua mọi ranh giới”. Mặc dù, tôi không đi ra nước ngoài nhưng vẫn ở tại quê hương đất nước Việt Nam. Tôi cảm thấy rằng dù ở bất cứ nước nào hay bất cứ một dân tộc nào, vấn đề cốt lõi là chúng ta có dám dấn thân để sống cùng và sống với họ hay không mà thôi.