27 thg 11, 2012

ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH TRONG ĐỀN THỜ



Peter Văn Bàng,SVD

Trong ca dao tục ngữ Việt Nam có câu: Cá không ăn muối cá ươn, con “không nghe lời” cha mẹ trăm đường con hư. Cha mẹ là những đấng sinh thành nên chúng ta, nên các ngài biết được tính nết, sở thích hoặc thói quen của con cái mình. Vì vậy, những lời cha mẹ dạy bảo, hướng dẫn cho con cái đều là điều hay điều đẹp để mong sao con mình ngày cành khôn lớn và thành người hơn. Vì thế, tục ngữ lại có câu: Con ơi muốn nên thân người, lắng tai nghe lấy những “lời mẹ cha”. Lời cha mẹ là lời của người phàm, nhưng lại có tác dụng và ý nghĩa như thế. Huống gì là Lời của Thiên Chúa thì có tác dụng và ý nghĩa gấp bội. Lời của Thiên Chúa là Lời vĩnh cửu, Lời mang lại bình an, Lời hằng sống và Lời sáng tạo. Nên đối với Thiên Chúa, thì hình hài, tạng phủ chúng ta Ngài đều thấu suốt. Do vậy, Ngài thấu suốt tâm can từng con người, và biết được con cái của Ngài ngày đêm đang mong đợi điều gì, đang khát khao tìm kiếm điều gì. Do đó, hôm nay Đức Giêsu đã chỉ dẫn cho các môn đệ của Ngài, cũng như anh (chị) em chúng ta cách thức để trở nên người con tốt, người anh em tốt trong vương quốc của Ngài.
Nhân dịp Đức Maria và các chị em của Đức Giêsu đến thăm Ngài, các môn đệ vội vàng đến báo cho Đức Giêsu. Nhưng Ngài lại nói: Ai là mẹ tôi, ai là anh chị em tôi? Những ai nghe lời tôi và đem ra thực hành, đó là anh chị em tôi, là mẹ tôi (Mt 12,48-50).
Đức Giêsu nói như thế không có nghĩa là Ngài lãnh đạm với thân mẫu của Ngài, cũng chẳng phải coi nhẹ mối giây liên hệ gia đình huyết thống, nhưng Ngài muốn nhấn mạnh đến sứ mạng thi hành thánh ý của Thiên Chúa để trở nên những anh chị em tốt trong Nước Trời. Đồng thời, Ngài cũng muốn xây dựng một gia đình thiêng liêng ngay ở trần gian. Và gia đình đó, những người đầu tiên chính là Đức Maria và các môn đệ của Ngài. Có thể nói rằng, chính Đức Maria là người đầu tiên lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành.
Hôm nay, Giáo hội mừng lễ kính nhớ việc Đức Mẹ Dâng Mình trong đền thờ. Nhìn lại trong Kinh Thánh, chúng ta không tìm thấy chỗ nào nói rõ về việc Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Nhưng chúng ta có thể khẳng định rằng, suốt cuộc đời, Đức Mẹ đã dâng mình cho Thiên Chúa. Việc xác định Đức Mẹ dâng mình không chỉ qua việc cử hành thánh lễ hằng năm, nhưng còn thấy được qua cuộc sống của Mẹ.
Vì Mẹ đã dâng môi miệng của Mẹ, để rồi miệng Mẹ thốt lên lời xin vâng. Lời xin vâng đó đã mở ra cho nhân loại một niềm hy vọng tràn đầy ân sủng, đó là Ngôi Hai xuống thế làm người và ở cùng nhân loại. Mẹ đã dâng tấm lòng của Mẹ, để rồi Mẹ không chỉ suy đi nghĩ lại Lời Chúa trong lòng, mà còn để Ngôi Lời được ngự trong cung lòng của Mẹ. Mẹ đã dâng đôi tay của Mẹ, để rồi khi sinh hạ Hài Nhi, Mẹ dùng đôi tay để nâng niu và lấy tả mà bọc Hài nhi trong đêm đông giá lạnh. Mẹ đã dâng đôi chân của Mẹ, để rồi cùng với Giuse đưa Hài Nhi trốn chạy sang Aicập. Mẹ dâng đôi mắt của Mẹ, để dùng đôi mắt chiêm ngắm cảnh con mình phải chịu biết bao nhục hình, rồi chết trên thập giá. Như thế, toàn thân của Mẹ đã dâng cho Thiên Chúa và suốt đời hy sinh phục vụ Thiên Chúa.
Như thế, việc Mẹ dâng mình cho Thiên Chúa là một điều hiển nhiên, và là người dâng mình tiên phong trong nhân loại. Hành trình cuộc sống của Mẹ đã thuộc trọn về Chúa qua việc cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa.
Mẹ là người đầu tiên trong nhân loại dâng mình cho Thiên Chúa nên Mẹ thấy giá trị và ân phúc lớn lao của việc dâng mình. Do đó, Đức Mẹ có một vai trò rất lớn trong đời dâng hiến của anh em chúng ta. Anh em chúng ta đang sống cuộc đời dâng hiến, thiết nghĩ rằng chúng ta hãy khám phá hồng ân hiến dâng của chúng ta từng ngày. Đời dâng hiến không chỉ dừng lại ở việc bố mẹ dâng con cho Đức Mẹ, cũng không dừng lại nơi những lần chúng ta tuyên khấn. Nhưng đời sống ơn gọi theo Chúa cần được dâng hiến trong từng giây, từng phút, trong từng lời nói và trong từng việc làm.
Chính Đức Mẹ là mẫu gương của đời dâng hiến. Cả cuộc đời, trong từng biến cố, trong những lúc vui buồn Mẹ đã hiến dâng cho Thiên Chúa. Vì Mẹ đã xin vâng và để cho Thiên Chúa thực hiện chương trình của Ngài. Cuộc đời dâng hiến của Mẹ đã nói lên được rằng, Mẹ không chỉ là Mẹ của Đức Giêsu Kito về mặt nhân tính, mà còn là Mẹ về mặt Thiên Tính, cho nên Mẹ đã xứng đáng lãnh nhận danh hiệu Theotokos (Mẹ Thiên Chúa). Vì thế, Mẹ trở nên món quà tốt đẹp và giá trị để dâng cho Thiên Chúa. 
Nhân ngày lễ kính nhớ Đức Mẹ Dâng Mình trong đền thờ, mỗi người chúng ta nên nhìn nhận lại, suy xét xem đời dâng hiến của chúng ta đã thực sự trở nên của lễ tốt đẹp cho Thiên Chúa chưa? Nếu chưa, chúng ta hãy xin Mẹ hướng dẫn và gìn giữ chúng ta, đồng thời đây cũng là cơ hội tốt để chúng ta đưa ra quyết tâm mới hầu sống xứng đáng là của lễ đẹp trước mặt Thiên Chúa. Amen.


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét