10 thg 11, 2012

Với ơn Chúa, tôi can đảm lên đường – như Phêrô



Peter Năng SVD
Trước khi Chúa đến trong đời, Phê rô là một con người như bao người khác trong vùng: ông đã và đang ra công làm việc để nuôi sống bản thân, nuôi sống gia đình bằng nghề đánh cá trên biển hồ Ga-li-lê.
Với một công việc ổn định, có một gia đình để xây dựng, vun đắp, để đi về, để nghỉ ngơi sau những ngày dài lao nhọc, và trên hết có người để yêu thương an ủi mỗi khi thất bại trên đường đời. Chắc rằng ông là người đang rất hạnh phúc.
Chúa đến, cuộc đời ông rẽ sang một hướng khác, ông không còn là người thợ đánh cá như ngày nào nữa, mục tiêu của ông giờ đây không phải là cá, nó đổi thành “người”. Ông đã từ bỏ sự ổn định quen thuộc, từ bỏ quê hương, người thân để lên đường theo Thầy Chí Thánh.

Nhưng hình như trong ông lúc này vẫn đầy những tham vọng của một con người. Ông kiên nhẫn theo Chúa với hy vọng sẽ được “gì đó” sau này. Khi sự kiên nhẫn đã cạn, ông hỏi Chúa một cách thẳng thắn rằng: “Thưa Thầy, phần con, con đã bỏ mọi sự để theo Thầy, giờ đây con được gì?”
Thế rồi ông đã nhận được câu trả lời của Chúa: “không ai bỏ mọi sự vì Thầy và vì Tin mừng mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được anh em, nhà cửa...cùng với sự ngược đãi.” Nhưng ông vẫn quyết theo Thầy dù có phải “liều mạng vì Thầy.”
Ông theo Thầy trên mọi nẻo đường, từ vinh quang đến thập giá. Ông đã cùng Thầy được người ta tung hô, thán phục, bị người ta khinh khi nhục mạ. Mọi thái cực của cảm giác ông đều chải qua.
Thế rồi Thầy chết, mục tiêu, tham vọng bị dập tắt, những lời hứa chẳng thấy đâu, chỉ còn lại là bơ vơ hoang vắng. lúc này sao ông không trở về quê hương, trở về với nếp sống cũ? Bạn chài vẫn đang chờ ông, vợ con vẫn đang mong ngóng, họ cho ông cơ hội mà. Nhưng ông vẫn “lang thang” đây đó.
Trong mắt gia đình, bạn bè, người thân có lẽ ông là người “không bình thường”. Ông vẫn bước theo con đường của Thầy dù Thầy đã không còn nữa. Chắc rằng trong giai đoạn này ông phải vất vả, khó khăn để đấu tranh giữa lời mời gọi của Thầy xưa kia và tiếng “xì xào” của dư luận, nhưng ông không sợ bởi vì ông biết rõ con đường mình đang đi nhờ sức mạnh của Thánh Thần Chúa.
Thánh Thần hằng ở với ông, giúp ông xác tín ơn gọi của mình. Trong Công vụ chương 10, ông được Chúa Thánh Thần hướng dẫn để phân định được điều cần phải làm. Thánh Thần đã thúc bách ông, ông quyết định lên đường.
Cuộc khởi hành này nhằm đem Tin Mừng vượt ra khỏi biên giới của Do thái, đến với dân ngoại, điều mà truyền thống Do thái cấm kị. “Quý vị thừa biết: giao du hay vào nhà một người khác chủng tộc là điều cấm kị đối với người Do thái.” Nhưng vì tin vào Thiên Chúa và được Người cho thấy: không được gọi ai là ô uế hay không thanh sạch cho dù họ thuộc về xã hội nào, văn hóa nào.
Vì thế ông không hề chống cãi khi được mời gọi. Ông can đảm lên đường theo sự thúc bách của Thánh Thần. Và kết quả là ông  được “sáng mắt” từ cuộc ra đi này. Bên cạnh đó những người ngoại đạo nhà Cô-nê- li-ô đã tạo cơ hội để ông cũng được hiện diện ở trước mặt Thiên Chúa với họ trong thời điểm ấy.
Cuộc lên đường của Phê-rô khởi đi từ việc ông luôn luôn lắng nghe tiếng Chúa. Ông đã đọc được ý muốn của Thiên Chúa qua thị kiến. Quả thật, một tâm hồn lắng đọng để nhận ra được lời mòi gọi của Chúa nơi Phê-rô cũng là điều mà mỗi nhà truyền giáo tương lai như tôi phải suy nghĩ.
Giống như Phê-rô, trước khi lên đường, tôi cũng phải đấu tranh nhiều, và tôi chỉ thực sự khởi hành sau khi đã nhận được sự can thiệp của Chúa. Thế nhưng trong tôi vẫn có đầy những tranh đấu nội tâm, những cản trở, những bức tường ngăn cách.
Đến bây giờ, tôi chưa hề đi truyền giáo theo nghĩa mang Tin Mừng đến cho người khác, tôi chưa hề ra khỏi biên giới theo nghĩa vượt qua lãnh thổ địa lý của một quốc gia để chung sống với một người thuộc chủng tộc khác. Nhưng tôi đã vượt ra khỏi giới hạn của vùng miền để chung sống với anh em đến từ những vùng khác nhau.
Sống trong cùng một quốc gia, là cùng một dân tộc, dù có rất nhiều điểm chung, nhưng khác nhau về địa lí, khí hậu, môi trường sống và văn hóa (văn hóa Việt Nam được chia thành 6 vùng miền khác nhau) giữa các vùng miền cũng tạo nên những sự khác biệt đáng kể giữa mỗi người chúng tôi. Đó là còn chưa kể mỗi người sống trong một gia đình với nền giáo dục khác nhau.
Điều này đòi hỏi tôi phải vượt ra khỏi cái tôi “vĩ đại” của mình để đem Tin Mừng đến cho những người tôi tiếp xúc. Đây là một bức tường to lớn cản trở tôi. Dẫu rằng tôi không được mời gọi để xóa bỏ đi mọi khác biệt nơi cá nhân mình, vì mỗi sự khác biệt đều có giá trị riêng của nó, nhưng tôi được mời gọi sống chung, sống hòa hợp giữa những khác biệt ấy, đây là điều không hề đơn giản đối với tôi.
Lý trí mách bảo tôi phải thêm cái này bớt cái kia, nhưng tôi sẽ không làm được gì nếu tôi không có sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần.
Kế đến, sống trong cộng đoàn, để góp phần vào việc Tin Mừng hóa môi trường đang sống, thiết nghĩ tôi phải loại bỏ tinh thần “so sánh” trong tôi. Vì mỗi người là một nhân vị độc lập, có giá trị như nhau trước mặt Chúa, tinh thần so sánh làm tôi nhầm tưởng mình là trung tâm của “vũ trụ”, tinh thần so sánh làm tôi nhầm tưởng mình là chuẩn mực, là thước đo của mọi sự.
Điều đó dễ dẫn tôi đến việc đặt mình cao hơn người này, thấp hơn người kia, khiến tôi không còn phải là tôi nữa. Khi đó hình ảnh, con người tôi sẽ bị bóp méo, mà Tin mừng thì không thể biểu lộ qua những gì méo mó, không thực.
Tôi cần phải lên đường từ hôm nay, phải thoát ra khỏi những điều còn đang kìm kẹp tôi, nó làm tôi khó khăn trong đối thoại, nó ngăn cản tôi đến với người khác. Lên đường đến với tha nhân, cuộc sống tôi sẽ vui tươi hơn, sự hòa đồng làm cho tôi cảm được tình người, tình anh em hơn. Khi đó tôi sẽ nhận lại được nhiều hơn những gì tôi đã cho đi.
“Khoảng lặng” là một thứ cũng rất cần thiết cho cuộc sống của tôi. Tôi cần có một gian phòng trống trong tâm hồn, nơi tôi có thể nghỉ ngơi giữa những ồn ào của cuộc sống. Trong gian phòng này Chúa có thể đến và nói chuyện với tôi, ở nơi đó Ngài sẽ tiếp sức cho tôi để tôi có thể đi trọn được con đường Ngài đã dành sẵn cho tôi.
Như Phê-rô, ông đã nghe được tiếng Chúa và mau mắn thi hành, ông đã ra đi, vượt ra khỏi biên giới, truyền thống Do thái để đến với dân ngoại và nói cho họ biết về Đức Ki-tô Phục sinh. Hôm nay tôi cũng được mời gọi, được dấn thân trong Dòng Ngôi Lời, tôi cũng phải “tĩnh” để có thể nghe được tiếng Chúa và rồi với ơn Chúa, tôi can đảm lên đường.