31 thg 12, 2012

Chúa lạc hay lạc Chúa?

Jos. P.D. Thạch, SVD

Hằng năm Thánh Gia đều đi dự Lễ Vượt Qua tại Giê-ru-sa-lem theo truyền thống của Dân Ít-ra-en. Lễ Vượt Qua, hay còn được gọi là Lễ Bánh Không Men (Lc 22,1), được cử hành vào một tuần trong mùa xuân, vào ngày 14 tháng Nisan.
Lễ Vượt Qua cùng với Lễ Lều và Lễ Ngũ Tuần là 3 Lễ mà những người Do thái ngoan đạo ao ước cử hành tại kinh thành Giê-ru-sa-lem (Đnl 16,16; Xh 23,14-15).
Là một gia đình thánh thiện, Thánh Gia có thói quen đi dự lễ này hằng năm cùng với nhiều người đồng hương Na-gia-rét. Lộ trình từ Na-gia-rét đến Giê-ru-sa-lem khoảng 100 km (60 dặm) theo đường chim bay, nhưng đi bộ qua các núi đồi thì cũng khoảng 140 km.
Mọi chuyện vẫn bình thường cho đến năm Đức Giê-su lên 12 tuổi.

Sau khi dự lễ, Đức Giê-su quyết định ở lại Giê-ru-sa-lem một mình. Theo trình thuật của Lu-ca, đây là quyết định của riêng Người chứ không phải Người bị lạc mất cha mẹ hay do cha mẹ Người lơ đễnh. Người ở lại Giê-ru-sa-lem bởi Người phải lo việc của Cha mình (2,49).
Chính vì thế mà không lạ gì khi một số nhà chú giải cho rằng, tuổi 12 mà Luca muốn đề cập là một độ tuổi trưởng thành đủ để thi hành các nghĩa vụ tôn giáo. Tuy nhiên, nên biết rằng sau đó Đức Giê-su lại về với cha mẹ mãi cho đến khoảng tuổi 30 thì Người mới bắt đầu sứ vụ rao giảng.
Tại sao Đức Giê-su lại ở lại Giê-ru-sa-lem? Đó chính là thắc mắc mà Đức Maria đã đặt ra sau ba ngày rong ruổi, lo lắng tìm kiếm Đức Giê-su. Họ tìm kiếm Người vì nghĩ rằng Người bị lạc. Họ lo cho an nguy của Người.
Thường khi trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem, người ta chia thành hai nhóm. Nhóm những người phụ nữ đi chậm hơn nên thường xuất phát trước, còn nhóm những người đàn ông thường khởi hành sau ít lâu. Tuy nhiên, thường khi đến đêm, thì họ lại gặp nhau tại một điểm dừng chân nào đó.
Chính vì thế mà có thể, thánh Giu-se tưởng rằng Đức Maria đã dẫn Đức Giê-su đi trước, còn Đức Maria thì nghĩ rằng Đức Giê-su đi sau với cha. Đến lúc gặp nhau ở điểm nghỉ chân thì ông bà mới biết rằng Đức Giê-su không về chung.
Họ phải đi ngược lại, vừa đi vừa hỏi thăm mãi sau ba ngày thì họ mới tìm thấy Người trong khu vực đền thờ, đang ngồi nghe giảng và đặt câu hỏi cách sôi nổi.
Khi thấy người trong vị thế an bình như thế, Đức Maria chợt hiểu ra rằng Người thật sự không bị lạc, ở lại là chủ ý của Người. Đức Maria liền nêu nghi vấn của mình và của cả thánh Giuse: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!" (2,48).
Thay vì trả lời câu hỏi của Đức Maria hoặc là giải thích lý do ở lại của mình Đức Giê-su lại đặt câu hỏi: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?" (2,49).
Đây là lần đầu tiên Đức Giê-su nhắc đến Cha mình. nhắc đến Cha có nghĩa là mặc khải bản tính Thiên Chúa của Người. Bên cạnh đó, Người còn nhắc đến ý nghĩa sứ mạng của Người: bổn phận thi hành công việc của Cha.
Đây là một câu hỏi giả thiết rằng cha và mẹ phải biết chuyện ấy rồi chứ! Cha mẹ vẫn còn chưa biết ư? Câu hỏi ấy cũng ngụ ý một sự khẳng định. Đó là một sự việc hiển nhiên. Đức Giê-su có một phận vụ thi hành công việc của Cha Người và Đức Maria và Thánh Giuse cũng nên biết điều ấy.
Tuy nhiên, quả thật điều ấy là một vấn đề “hóc búa” đối với thánh Giuse và Đức Maria. Họ không thể hiểủ nổi lời Người nói. “Không hiểu” là một trong những chủ đề quen thuộc khá nổi bật trong Tin Mừng Luca. Đức Maria và Giuse là những người đầu tiên không hiểu lời Đức Giê-su nói và sau này các môn đệ cũng vậy (x. 9,45;18,34).
Như vậy, xem ra người bị lạc không phải là Đức Giê-su nhưng là chính cha mẹ Người bởi lẽ Đức Giê-su biết Người đang ở đâu và đang làm gì. Đức Maria và thánh Giuse lạc mất Chúa bởi họ vẫn chưa hiểu tâm ý của Người, chưa nắm bắt được ý nghĩa sứ mạng của Người. Họ cho rằng mình phải đi tìm Người nhưng chính Người lại đang muốn tỏ mình ra cho họ, giúp cho họ gặp được Người.
Người là Con Thiên Chúa mặc lấy xác phàm và Người đến trần gian chính là để thi hành ý của Cha mình.
Cuộc tìm kiếm của Đức Maria sau đó không còn là cuộc tìm kiếm của người mẹ tưởng con mình đi lạc nữa nhưng là tìm ý Chúa nơi con người của Đức Giê-su con mẹ. Đó là một cuộc tìm kiếm gay go và lâu dài hơn, cuộc tìm kiếm bằng cả cuộc đời. Cuộc tìm kiếm ấy đòi hỏi một hành động “khắc cốt ghi tâm”, “giữ trong tim tất cả những lời ấy, những điều ấy” (2,51).
Đó chính là phẩm tính độc quyền của Đức Maria. Mẹ không những luôn cất giữ trong tim lời Chúa và những kỷ niệm về Chúa mà còn luôn “suy đi nghĩ lại trong lòng” nữa (2,19).
Cuộc đối đáp giữa Đức Maria và Đức Giê-su cho thấy rằng Đức Maria và thánh Giuse nhiều lúc không hiểu lời Đức Giê-su nói và nhiều biến cố trong thời thơ ấu của Người tựa như biến cố các người chăn chiên đến viếng thăm Hài Nhi Giê-su (2,8-19).
Tuy nhiên, gia đình ấy vẫn là gia đình em đềm hạnh phúc, mẫu mực, tâm đầu ý hợp. Nơi gia đình ấy có một người con (Đức Giê-su) vẫn hằng vâng phục cha mẹ, ngày càng khôn ngoan và thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta; một người Cha (thánh Giuse) hằng luôn tảo tần trong công việc và luôn làm theo lời sứ thần Thiên Chúa bảo; một người mẹ (Đức Maria) vẫn hằng đón nhận từng biến cố và tuân hành ý Chúa trên cuộc đời Đức Giê-su.
Tưởng rằng mình lạc mất Chúa là một cảm tưởng thường xảy ra trong cuộc đời các ki-tô hữu. Đức Giê-su vẫn hiện diện, vẫn đồng hành với mỗi một người. Tiếc rằng chẳng có mấy ai thực sự gặp được Người.
Hiểu ý Chúa là điều không dễ dàng tý nào bởi ngay chính Đức Maria là mẹ Người, và ngay các tông đồ rất gần gũi với Người vẫn không hiểu được ý Người. Tuy nhiên, không phải là không có cách để gặp gỡ Người.
Đức Maria chính là người đã khám phá ra bí quyết ấy.
Đó là miệt mài tìm kiếm ý Chúa, giữ mãi trong tim lời Người, suy đi nghĩ lại trong lòng tất cả những kỷ niệm về Người. Vấn đề không phải là hiểu hết mầu nhiệm Thiên Chúa, điều đó là không thể, nhưng là thái độ miệt mài tìm ý Chúa, trung thành với sự tìm kiếm ấy, thì chắc chắn vẫn sẽ gặp được Người.
Thiên Chúa vẫn tỏ mình, bao lâu con người còn nghĩ đến Ngài thì họ vẫn có cơ may gặp được Ngài.
Lễ Thánh Gia 2012  

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét