21 thg 1, 2013

NHỮNG THÁNG NGÀY Ở ÚC CHÂU


Giuse Nguyễn Xuân Long
Anh em trong cộng đoàn học viện gồm 10 linh mục và 9 thầy
 (thiếu 2 cha vì nghỉ home leave chưa quay lại. 
Hiện nay, một cha đã chuyển về Rome và 1 cha đã chuyển về Sydney)

Nhận được mail từ anh Trường mà lòng tôi xốn xang, tôi sẽ viết gì để “báo cáo” với cha giám học đây. Thật tình, tôi cũng muốn gửi nhiều lần nhưng lại sợ, lại ngại. Tôi sợ vì bài của tôi không được đăng, vì quả thật tôi đã từng bị khước từ nhiều lần khi gửi bài cho nội san. Tôi biết khả năng viết của tôi đến đâu. Lấp lửng và thiếu sáng tạo. Tôi ngại vì tôi không muốn mọi người biết quá nhiều cảm xúc của tôi. Ướt át và yếu đuối. Nhưng dù là vậy, tôi vẫn phải viết và phải gửi, vì tôi không muốn như lời anh Trường remind: “không gửi thì mai ngày về sẽ biết, cha giám học sẽ chảm”. Thế là, tôi đành…..

Niềm vui của sự chào đón
Cảm giác của người đầu tiên đi nước ngoài thì nhiều vô tận, mọi thứ đều mới mẻ, lạ lẫm. Ngày đó, ngày đầu tiên tôi ngồi trên máy bay, hết Tiếng Tàu (vì tôi quá cảnh bên Quảng Châu) rồi lại Tiếng Anh. Đặt chân xuống sân bay, về tới cộng đoàn… ôi quá nhiều khác lạ. Ngay cả đến bây giờ, tôi vẫn không diễn tả hết niềm vui đó, nó len lỏi cả vào những giấc mơ. Và hình như, hình như một bàn tay nào đó đang ở bên tôi, đỡ nâng tôi.
Vừa đến cộng đoàn cha Thiên gọi ra chụp hình làm kỷ niệm
Ngày đó, ngày chúng tôi đặt chân đến cộng đoàn, cũng là dịp nghỉ giữa mỗi học kỳ, và đó cũng là dịp thuận lợi để chúng tôi bước vào một hành trình khám phá. Thật vậy, nếu không trùng vào dịp nghỉ thì chúng tôi chỉ biết loay hoay từ nhà ra cổng, vì ngôn ngữ không, đường xá không, mọi thứ đều không, lại còn được nhắc nhở rằng: “cẩn thận bên này nhiều luật lắm, cái gì cũng có luật, nếu vi phạm sẽ bị phạt nặng lắm đó, thấp nhất cũng 150-200 AUD.”

4 cha con đi tham quan “Tulip Farm”
 Đón chúng tôi tại sân bay là cha Nguyên, cha bề trên nhà và đến từ tỉnh dòng Chicago. Chúng tôi thật hạnh phúc vì người đón chúng tôi là cha bền trên và là một người gốc Việt. Quả thật, nếu hôm đó người đón chúng tôi là người ngoại quốc thì chắc có thể có nhiều chuyện vui để kể. Trên đường về, cha có kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện cười ra nước mắt: “Một thầy nọ, cũng là người lớ ngớ như chúng tôi. Trước đó, không hiểu thầy mua vé và liên hệ làm sao mà khi thầy xuống sân bay thầy gọi điện nhờ người ra đón nhưng suốt cả tiếng đồng hồ chẳng tìm ra. Cuối cùng cha đi đón mới phát hiện 2 người đứng ở hai phi trường khác nhau. Ôi Chúa ơi, thế là cha phải hướng dẫn thầy đó đón xe lửa 

về cộng đoàn”. Về đến nhà, chúng tôi gặp cha Thiên, mọi người đều vui khôn tả. Chúng tôi gặp được người quen, còn cha thì gặp lại được đồ đệ (vì trước kia cha Thiên coi Hưng ở nhà nội trú). Những ngày kế tiếp là những ngày nối dài của niềm vui, cha Thiên rồi thầy Triển thay nhau dẫn chúng tôi đi tham quan và chỉ dẫn những điều cần thiết. Ôi tuyệt! À, tôi phải nói làm sao về cảm giác đó đây “tuyệt vời”.


Thách thức về ngôn ngữ
Nhờ sự hướng dẫn của đàn anh đi trước nên tôi và anh Hưng không vấp phải cú sốc văn hóa, cảm giác chán chường của một kẻ “down” mà có lẽ ai cũng gặp phải khi lần đầu tiên sống ở nước ngoài. Sau 3 tuần “đi chơi” lấy sức, chúng tôi đối diện với khó khăn đầu tiên đó là ngôn ngữ. Vì biết rằng ngôn ngữ là điều tối quan trọng cho sự hội nhập nên chúng tôi đã lao vào học, chúng tôi đã cố gắng rất nhiều, nhưng hình như nó vẫn chưa được như mong muốn.

Giờ đây, giật mình ngồi tính toán, tôi mới biết mình đã qua Úc được hơn 4 tháng và trải qua 10 tuần học tiếng Anh. Thời gian tuy ngắn những cũng có thể đủ cho một người ổn định về ngôn ngữ, nhưng đối với tôi nó vẫn còn quá ít. Tôi vẫn vụng về khi đột xuất phải trả lời những câu hỏi, dù rằng nó cũng chẳng phải là những vấn đề cao siêu, nhưng vẫn cứ phải “Pardon” rồi mới có thể bập bệ nói được.

Thách thức về thực phẩm
Cũng như những đàn anh đi trước, chúng tôi cũng gặp khó khăn với thực phẩm. Vì biết rằng mình không thể thay đổi được thức ăn, nên chúng tôi đã cố gắng ăn tất cả những thứ được dọn ra. Kết quả của sự liều lĩnh đó chính là sau mỗi bữa ăn chúng tôi phải đi vào “toilet”. Sau gần hai tuần chiến đấu với cảnh dở khóc dở cười, chúng tôi đã vượt qua.
Cũng như các nước phương tây ngoài ngũ cốc, bánh mì và sữa là thực phẩm chính của bữa sáng thì khoai tây được xem như cơm của các nước Đông Nam Á, nên phương tây không ăn cơm cả tháng hay cả năm cũng chẳng có vấn đề, nhưng gặt nỗi chúng tôi là người da vàng mũi tẹt nên vài ngày không có cơm là có vấn đề. Ngó một vòng nhà bếp, tôi hỏi anh Triển: “Ai nấu ăn cho mình? – Một cô người Ý”. Tuy nhiên khi vào bữa ăn tôi lại thấy có cơm, vui mừng khôn tả, tôi quay qua hỏi anh Triển: “Người Ý cũng nấu cơm hả? – Anh cười và nói: Anh em nấu đó.” Mặc dù, chúng tôi sống ở tỉnh dòng Úc nhưng hầu hết những người trong cộng đoàn là người Châu Á nên chúng tôi thay nhau nấu cơm mỗi ngày.

Thách thức về khí hậu
Khi ở Việt Nam, chúng tôi từng được nghe rất nhiều câu chuyện về sự nóng bức cũng như những cái rét thấu xương từ những thầy Nghệ An. Mặc dù tôi không nói ra, nhưng tôi cũng từng ước ao được một lần thử cảm giác đó, và điều mong ước đó nay đã thành sự thật. Chúng tôi đặt chân đến Úc đã là cuối mùa đông nên cũng chỉ được thưởng thức cái lạnh 4 – 50C. Ngồi trong xe từ phi trường về, tôi nói với cha Nguyên, hôm nay cũng không lạnh lắm cha nhỉ, cha trả lời: “Ừ cũng không lạnh lắm khoảng 90C à”. Tôi thầm trong bụng, trời chỉ có 90C. Liếc một vòng tôi mới nhận ra vì cha bật máy điều hòa nên tôi thấy nóng. Cha nói thêm, các cậu sướng đó, chứ qua khoảng tháng trước thì các cậu sẽ nếm mùi. Dù rằng ở thành phố thì không có tuyết nhưng do độ ẩm không khí cực thấp, có thể thấp nhất trên thế giới nên cái lạnh của nó thật kinh tởm.
Hai anh em đi học bằng xe đạp mỗi buổi sáng
Chúng tôi không được thưởng thức hết cái lạnh của mùa đông nhưng bù lại chúng tôi nếm trọn cái nóng của mùa hè. Cái nóng ở đây cũng khá khác lạ, buổi sáng chúng tôi vẫn phải mặc áo ấm đến trường nhưng khi ra về nhiệt độ đã lên tới 42 – 430C. Gió từ sa mạc thổi về làm chúng tôi ớn lạnh. Cố gắng chạy thật nhanh về nhà và ở lì trong đó. Cái nóng cũng không kéo dài cả mùa hè, nhưng chỉ một vài ngày là thời tiết dịu lại. Đôi lúc bạn đang cảm thấy oi bức khó chịu nhưng chỉ cần một đám mây đen kéo đến là bạn lại cảm thấy lạnh. Ôi kinh khủng. Trước khi tôi qua đây cha cựu bề trên cũng đã khuyến cáo rằng: “cẩn thận với khí hậu của Melbourne vì “bốn mùa trong một ngày”” và quả thật tôi đã nếm trải được mùi vị đó.

Sự hòa nhập
Một điều rất đặc biệt, dù đây là học viện của tỉnh dòng Úc, nhưng tất cả mọi thành viên trong cộng đoàn đều không phải là người gốc Úc, hầu hết đều đến từ tỉnh dòng khác nên sự hòa nhập của chúng tôi cũng không gặp nhiều trắc trở. Mọi người đều từng trải qua cảm giác của người bặp bẹ học ngôn ngữ nên chúng tôi được khuyến khích và giúp đỡ rất nhiệt tình, nhưng sự nhiệt tình của mọi người chỉ được chúng tôi đền đáp lại bằng tiếng cười. Quả thật, nếu ai đã từng nghe người Idian, Fijian, Indonesian nói đều cảm thấy sợ. Họ nói cực khó nghe. Một lần, khi tôi đang ngồi trong phòng, điện thoại reng, tôi nhấc máy và Allo. Trời, Chúa ơi, Parkass (một người Idia) gọi, anh ta nói một chàng, sau khi kết thúc tôi phải nói: O, sorry, tôi không hiểu hết điều bạn nói, bạn có thể qua phòng tôi được không? Thế là cả hai cùng cười.

Tạm kết
Tôi không chắc thời gian này có phải là thời kỳ “trăng mật” cho anh Hưng và tôi hay không, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy vui, cảm thấy vẫn còn có thể tiếp tục trong hành trình ơn gọi của mình. Chúng tôi vẫn chưa cảm nhận được cái đau khổ của người con xa xứ. Cô đơn. Chán nản.
Một lần, anh em học viện (bên Úc Châu) đi hát lễ tại giáo xứ St. Anthony, gia đình anh Toàn đã mời anh em Việt Nam dùng bữa trưa, chị đã kể cho chúng tôi nghe về những ngày đầu anh chị mới qua. Cô đơn. Tủi hổ. Bữa cơn chan với nước mắt. Chị sợ chúng tôi cũng rơi vào hoàn cảnh đó nên chị chia sẻ động viên. Ngồi lắng nghe chị kể mà tôi thấy sợ. Mặc dù, tôi cũng đã chuẩn bị tâm lý trước khi lên đường. Tôi cũng đã từng đối diện với giây phút đó dù chỉ trong giấc mơ, trước ngày tôi tuyên khấn. Giật mình tỉnh dậy, tôi thấy mình quá liều, quá ngốc, quá ngây thơ khi quyết định bước vào dòng truyền giáo. Và giờ đây, tôi lại bước chân ra đi với không một hành trang mang theo. Thế nhưng… có lẽ Chúa đang đồng hành với tôi trong bước chân non yếu này. Tôi vẫn đang trong tâm trạng vui mừng vì môi trường mới, vẫn chưa cảm nhận được sự chán chường và cô quạnh của người truyền giáo. Có thể đây là thời kì “trăng mật” của hành trình nhà truyền giáo chăng? Và liệu rằng, thời gian ngắn ngủi này có đủ để vực chúng tôi dậy khi chúng tôi đối diện với những khó khăn phía trước không?


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét