27 thg 4, 2013

CHÚA NHẬT V PHỤC SINH


Suy niệm Lời Chúa
 (Ga 13, 31-33a.34-35)
Deacon Peter Bàng SVD


LỜI TỪ BIỆT LÀM THAY ĐỔI THẾ GIỚI
Một lời trăn trối đã làm biến đổi lòng người, hàn gắn tình anh em và vun xây một đại gia đình trong yêu thương.
Chuyện đã xẩy ra cách đây gần mười lăm năm, tại ngôi làng thân thương của tôi. Trong làng tôi, hai ông bà có năm người con, cả năm người con đều được hai ông bà chăm sóc chu đáo, học tập đàng khoàng. Đến lúc trưởng thành, từng người đều đi lấy chồng lấy vợ.
Bốn người con lớn được ông bà xây cất nhà cửa đàng hoàng, còn lại người con út ở với ông bà để chăm sóc ông bà. Mọi chuyện rất đầm ấm khi người con út chưa lấy vợ. Nào ngờ, sự tham lam và ghen tị đã chui vào phá tan tình cảm anh em và lòng hiếu thảo đối với cha mẹ khi người con út lấy vợ.

Chỉ vì của cải, các anh chị trước bảo rằng bố mẹ đã dành mọi của cải cho người em út. Rồi các anh chị lớn tố cáo nhau, bố mẹ cho mày cái này cái kia, nhưng lại không cho tao… chuyện tưởng chừng là vậy. Nhưng còn có các tập tiếp theo éo le hơn, đau đớn hơn. Các anh chị bắt ông bà phải chia đất bằng nhau cho từng người một, vì ông bà có một khu đất khá lớn.
Chuyện nội bộ như thế nào thì tôi không được rõ lắm, nhưng tôi thấy hậu quả là anh em đã chửi bới, đánh đập nhau và kiện tụng cha mẹ ra chính quyền để xét xử. Thời gian đó ông bà đau khổ, tủi nhục với làng xóm; con cái thì giận hờn và không nhìn mặt nhau.
Khoảng năm – sáu năm sau bà mất, tiếp năm sau là ông mất. Tôi nghe người ta nói lại rằng, trước khi mất, ông đã gọi năm người con lại và dăn dò rằng: Các con yêu mến của bố, suốt đời mẹ và  bố đã sống trong đau khổ và tủi hổ chỉ vì các con thiếu đoàn kết và yêu thương.
Chính vì thế, trước khi lìa đời bố muốn các con ở lại hãy sống yêu thương nâng đỡ nhàu, bỏ qua những lỗi lầm xúc phạm lẫn nhau nhé. Các con thực hiện điều đó thì bố ra đi an vui và sẽ nhớ đến các con!
Thật ngỡ ngàng và khâm phục, sau đám tang của bố, năm anh em sống đoàn kết yêu thương nhau, làm ăn khá giả và sống đạo rất tốt! Người ta bảo rằng, nhờ lời từ biệt của người bố mà anh em họ đã thay đổi như thế.
Bài Tin Mừng hôm nay, trước khi tiến đến cuộc thương khó, Đức Giêsu đã để lại lời từ biệt cho các môn đệ, đó là: Anh em hãy yêu thương nhau (Ga 13,34). Trước khi chết, người ta thường để lại những lời nhắn nhủ với những người thân cận.
Những lời nhắn của người sắp ra đi thường làm biến đổi cuộc đời của những người ở lại. Cách đây hơn hai ngàn năm, lời từ biệt của Đức Giêsu không những vang vọng trong nước Do Thái, mà còn lan tỏa đến tận cùng cõi đất. Lời từ biệt của Đức Giêsu cũng được gọi là điều răn mới. Không phải mới ở nội dung, nhưng là mới ở cách thức.
Chính trong Cựu ước đã xuất hiện điều răn này, đó là: "Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình" (Lv 19,18). Nhưng sang Tân ước, Đức Giêsu đã từng giải thích lại ý niệm về "người thân cận". Theo Ngài, người thân cận không chỉ là đồng bào ruột thịt ở trong nước Do Thái mà thôi, nhưng là bất cứ người nào và dù ở đâu. Chính vì thế, mỗi khi tôi giúp đỡ ai, là lúc tôi làm cho người đó trở thành "người thân cận" của tôi (Lc 10,29.36).
Trong Tin Mừng Gioan (thứ Tư), danh từ evntolh (điều răn) xuất hiện 10 lần trong đó có 9 lần gắn liền với đề tài “tình yêu”. “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến anh em, anh em hãy yêu mến nhau” (Ga 13,34). Qua đó, ta thấy điều răn yêu thương trong Tin Mừng thứ Tư mang 3 đặc điểm: là điều răn của Đức Giêsu, đây là điều răn mớihãy yêu thương nhau như Đức Giêsu đã yêu.
Thứ nhất, đây là điều răn của Đức Giêsu, vì chính Đức Giêsu đã nhận được từ Chúa Cha (Ga 12,49). Điều răn đó trở thành điều răn của Đức Giêsu và Người ban điều răn ấy cho các môn đệ. Như thế, Đức Giêsu vừa là người sở hữu vừa là người ban điều răn yêu thương.
Hai là hãy yêu như Đức Giêsu đã yêu. Đây là điểm quy chiếu Kitô học quan trọng trong điều răn mới. Từ “như” (kaqwvj) ở đây có nghĩa thần học, diễn tả nền tảng, nguồn gốc và nguồn mạch tình yêu của các môn đệ. Như thế tình yêu thương lẫn nhau của các môn đệ chỉ có thể tồn tại trong, nhờ và với  tình yêu của Đức Giêsu.
Cuối cùng là Điều răn mới. “Điều răn mới” trong Tin Mừng Gioan vừa tiếp nối, vừa mới mẻ so với điều răn yêu thương trong Lv 19,18. Tiếp nối vì có cội nguồn trong tình yêu của Chúa Cha và mới mẻ vì đối tượng của tình yêu đã thay đổi. Từ này “Yêu mến Thiên Chúa” trong Cựu ước (Đnl 6,5) trở thành “yêu mến Đức Giêsu” trong Tin Mừng Gioan (Ga 14,15-26), và “Yêu thương người thân cận” trong dân Ít-ra-en (Lv 19,18) trở thành “yêu thương lẫn nhau” trong cộng đoàn các môn đệ Đức Giêsu.
Sự mới mẻ cũng thể hiện ở chủ thể ban điều răn. Chủ thể của “điều răn mới” là Đức Giêsu chứ không phải là Thiên Chúa như trong Cựu ước. Sự mới mẻ này đánh dấu giai đoạn mới trong lịch sử cứu độ.
Từ câu chuyện và tìm ý nghĩa lời trăn trối của Đức Giêsu, chúng ta có thể thấy được giá trị của tình yêu. Có thể nói rằng, nếu thế giới này thiếu vắng tình yêu thì sẽ đi đến đảo lộn. Con người sống thiếu vắng tình yêu thì sẽ dẫn đến lo sợ, đau khổ và hận thù.
Chính vì thế, Đức Giêsu, Thiên Chúa mà chúng ta tin, chúng ta tôn thờ đã để lại một lời trăn trối bất hủ và cần thiết cho nhân loại, cho mọi nơi và mọi thời. Bởi thế, điều răn yêu thương của Đức Giêsu là một lời từ biệt làm thay đổi thế giới.
Tại sao chúng ta phải yêu thương? Thưa rằng, thế giới và nhân loại này được dựng nên bởi và do Tình Yêu. Nguồn gốc phát xuất của thế giới và nhân loại là tình yêu, do đó vũ trụ và nhân loại sống cần phải có tình yêu. Yêu thương là nguồn nhựa sống, là mạch máu chủ đạo cho thế giới và con người. Con người không chỉ sống yêu thương mà còn có bổn phận xây dựng, nâng cấp tình yêu cho đúng với Tin Mừng và hợp với thời đại.
Chính vì thế, trong Lễ Hiện Xuống ngày 17 tháng 5 năm 1970, tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã công bố một "nền văn minh tình thương".
Con người chỉ được coi là văn minh khi con người bước ra khỏi sự độc ác, ghen ghét và hận thù; khi mọi người biết sống yêu thương chia sẻ và nhìn nhận người khác cũng như mình; bất chấp những khác biệt về chủng tộc, màu da, tôn giáo, quan điểm chính trị hay xã hội…
Xây dựng một nền văn minh dựa trên tình thương đó là bổn phận cấp bách của con người nói chung, và cách đặc biệt cho người Kitô hữu hôm nay. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nêu gương cho chúng ta một nền văn minh tình thương bằng hành động là, sống vì người nghèo, cho người đau ốm tàn tật, với những người đang bị xã hội loại bỏ và sống yêu thương đến môi trường. 
Đức Giêsu đã coi tình yêu thương giữa các Kitô hữu là một dấu chỉ để mọi người nhận ra họ là môn đệ đích thực của Ngài. Nói cách khác, có thể định nghĩa môn đệ là những người biết yêu thương nhau. Yêu thương nhau vốn là nét đặc trưng của các tín hữu thời Giáo hội sơ khai và của mọi thời, nhằm phản ánh tình yêu của Đức Giêsu cho thế giới.
Bản chất của người môn đệ là yêu thương.
Nhưng trong thực tế các Kitô hữu ngày nay vẫn chưa sống trọn vẹn điều răn mới này. Có biết bao tranh chấp, đã và đang xảy ra trên thế giới, giữa những anh chị em Kitô hữu với nhau. Không những vậy, ngày càng có nhiều người rời bỏ cộng đoàn Kitô hữu vì, như họ nói, họ không cảm nghiệm được tình yêu trong đó do tình trạng bè phái, quan cách và quyền lực giữa các thành viên.
Thay vì một tinh thần hăng say dấn thân lên đường như trong sách Công vụ trong bài đọc một (Cv 14,24-26), họ lại chỉ cảm thấy sự cô lập, não trạng bảo thủ và né tránh. Chẳng phải vì chúng ta sống thiếu yêu thương bác ái, hay họ bỏ đi là do thế gian lôi kéo mạnh hơn chúng ta sao?
Hay chẳng phải họ rời bỏ là vì cộng đoàn, giáo xứ của chúng ta thiếu cởi mở, thiếu yêu thương và đón nhận sự khác biệt sao? Phải chăng, dấu ấn Kitô hữu chưa thực sự thấm nhuần và in vào đời sống chúng ta, chưa đưa chúng ta vượt lên trên những bất đồng và dị biệt về nhiều mặt?
Anh chị em hãy yêu thương nhau. Chúa Giêsu phục sinh vẫn muốn nhắc lại mãi điều răn này cho từng Kitô hữu chúng ta. Tình yêu không chỉ vắng bóng trên thế giới, mà đôi khi còn vắng bóng cả trong tâm hồn từng người, nơi các cộng đoàn dòng tu, giáo xứ chúng ta ngày hôm nay.
Vì thế, gia đình, giáo xứ, dòng tu, các hội đoàn và các hội thánh Kitô giáo trên khắp thế giới được mời gọi sống yêu thương như lời chứng cho nhân loại hôm nay thấy một Thiên Chúa Tình Yêu. Giữa một thế giới bị phân hoá và đỗ vỡ, thì tình yêu nơi những Kitô hữu cho thấy sức mạnh hiệp nhất của Chúa Phục Sinh.
Yêu thương chính là nguồn suối chảy đến từng người trong thế giới, là những bóng mát cho những nơi đang sống trong cảnh khô hạn và chói chang của dối trá và tham lam, và yêu thương sẽ làm con người cảm nhận được sự bình an, hạnh phúc và liên đới với nhau trong niềm hy vọng. Đặc biệt, yêu thương chính là dấu chỉ để nhân loại nhận ra anh (chị) em là môn đệ của Thầy (Ga 13,35).

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét