26 thg 4, 2013

Phương thế cầu nguyện


F.x.v. Thiện Trí SVD
Trước tiên, tôi xin chia sẻ một câu chuyện: Có một người hành khất bị dị tật ngay từ lúc mới sinh, mặt mày lem luốc, áo quần tả tơi, hằng ngày lê lết từ vỉa hè này đến vỉa hè khác để xin chút cơm dư gạo thừa để lót dạ qua ngày.
Nhưng lạ thay, người hành khất này có giọng ca ngọt ngào, thánh thót như một tài tử chuyên nghiệp.
Lần nọ, anh ta nằm trên chiếc xe tự đẩy, một tay vừa đẩy di chuyển bánh xe, tay kia cầm cái ca để xin, vừa di chuyển vừa hát, tới một nhà có vẻ sang trọng, nghe tiếng hát chủ nhà với vẻ mặt rạng rỡ, dáng vẻ quý phái liền ra đón chào anh ta và nghe anh ta hát.
Thế nhưng, hát hết bài thứ nhất, bà chủ chẳng cho đồng nào; hát bài thứ hai; rồi bài thứ ba cũng vậy. Lúc đầu anh ta mừng rỡ, ai ngờ hết sức thất vọng. Sau khi ca ba bài xong, anh ta bỏ đi.
Ngay lúc đó, bà chủ lập tức gọi anh ta lại và cho anh ta một khoản tiền và anh ta ngạc nhiên hỏi sao bà không cho tôi lúc tôi hát. Bà ta trả lời: Sở dĩ tôi không cho anh, vì tôi thích giọng hát của anh, nếu tôi cho anh ngay lúc đó, anh đã đi và không còn hát cho tôi nghe nữa.
Giống như câu chuyện trên, lắm lúc tôi cũng trách Chúa, tại sao con xin điều này điều nọ mà Chúa không cho. Trong khi đó, Chúa đã từng nói với tôi: “Ai xin thì sẽ được, ai gõ cửa sẽ mở cho!” Chằng lẽ tôi xin con cá, cái bánh mà Chúa lại cho tôi con rắn, hòn đá sao!?

Có lẽ Chúa vẫn còn yêu thích những lời thỏ thẻ, thì thầm của tôi. Nếu Chúa cho tôi ngay, tôi sẽ tự hào tự đắc và bỏ chạy đi chơi và quên Chúa mất.
Do đó, tôi phải tập tính kiên nhẫn trong cầu nguyện. Cầu nguyện, ngoài sự kiên trì ra, tôi còn phải có phương cách nào khác để xứng hợp khi tiếp cận với Chúa. Về phương pháp, Chúa đã dạy tôi cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha.
Ngoài ra, Ngài còn chỉ cho tôi tâm tình, ý hướng, thái độ và cách thế cầu nguyện. Về thái độ phải có khi cầu nguyện là Tha Thứ. Vì không thể đến với Chúa mà trong tôi còn vướng mắc, bất hòa với anh em: “nếu anh em dâng lễ vật mà chưa làm hòa với anh em, thì hãy đề lễ vật lại đó về làm hòa với anh em rồi tới dâng lễ vật” (x. Mt 5, 23).
Do đó, đến với Chúa tôi cần bỏ hận thù với anh em; phải có lòng thành thật và tha thiết tìm kiếm Chúa.Kế đến, khi cầu nguyện tôi phải có lòng tin, vì “mọi sự đều có thể đối với người tin” (Mc 9, 23). Khi cầu nguyện tôi phải trở nên người con hiếu thảo, hoàn toàn tin tưởng phó thác vào Chúa. Đức tin vượt trên những gì là cảm thấy và hiểu biết.
Hơn nữa, lời cầu nguyện trong niềm tin không chỉ dừng lại ở miệng lưỡi: “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” nhưng còn hãy sẵn sàng vâng theo thánh ý Chúa.
Lắm lúc, tôi cầu nguyện nhiều, nhưng mấy khi tôi tự vấn mình xem thử lời cầu nguyện có hợp với thánh ý Chúa không. Chẳng hạn, tôi xin Chúa cho tôi trúng vé số 1 tỷ đồng, tôi sẽ dâng cúng cho nhà thờ 100 triệu, qua đó cho thấy nhu cầu hưởng thụ cho cá nhân tôi vẫn cao hơn chuyện dâng cúng, như thế là không xứng hợp với thánh ý Chúa.
Hay khi tôi bị bệnh ung thư “thập tử nhất sinh” tôi cầu xin Chúa cho khỏe hẳn. Lẽ ra, tôi phải xin cho con biết chấp nhận khổ đau và theo ý của Chúa thì đúng hơn là xin cho tôi được bình phục hoàn toàn.
Ngoài ra, khi cầu nguyện tôi cũng cần có thái độ khiêm nhường, vì khiêm nhường tôi mới nhận ra con người khiếm khuyết, bất toàn của tôi, và do đó tôi phải cần đến ơn trợ lực của Chúa.
Tuy nhiên, một cám dỗ lớn với tôi là đôi lúc tôi tỏ ra “lười” cầu nguyện, vì cứ nghĩ Chúa đã biết hết tất cả rồi cần gì phải lắm lời nhiều chuyện nữa. Tôi không cần nói ra, Ngài cũng thấu tỏ hết mọi sự. Nhưng không, mọi sự đều mang lại lợi ích cho tôi, Chúa vẫn là Chúa với sự tròn đầy, viên mãn.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét