25 thg 4, 2013

Tiết Độ là cần thiết


Thuần Chánh SVD
Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, không phải nghèo mà rất nghèo. Thời tôi còn nhỏ, người ta vẫn thường nói quê tôi là một vùng đất mà chó ăn đá, gà ăn sỏi. Trời chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã lũ.
Vì thế, người ta đã gán câu ca dao rất mang màu nghèo cho vùng đất này: “Ai về vùng đất quê tôi, gạo khoai thì ít nước nôi thì nhiều”!
Tôi còn nhớ rõ ràng rằng ngày tôi học cấp II, ngày nào cũng thế, buổi sáng đi học, buổi chiều về đi hái rau má. Ngày nay người ta ăn ráu má vì nó có chất làm mát, còn thời tôi ăn ráu má vì nó thay thế cơm.
Không phải dễ dàng để hái rau má, vì ai cũng đi hái cho nên phải đi xa, tìm những cánh đồng xa làng vì ở đó ít người đến hái. Hái xong, đem về nhà, thái nhỏ, bỏ vào tô canh nóng, ăn phụ với cơm cho no.
Ngày nay người ta ăn khoai ăn mì vì thèm, còn hồi đó tôi ăn khoai ăn mì vì thiếu cơm, ngày nào cũng khoai trộn với cơm, cơm trộn với mì. Có những bữa tôi chỉ xin mẹ tôi cho riêng tôi một bát cơm không xáo trộn với khoai, không trộn mì.
Bởi vì ngày nào cũng ăn cho nên ơn đến tận cổ. Đặc biệt là dịp này, người ta gọi đây là “Giáp Hạt”, vì lúa ngoài đồng đang chuẩn bị chín, thì trong nhà không còn gạo nữa. Vì mùa thu hoạch từ hồi tháng 10, đến nay là 5 tháng.
Thời gian này những người nghèo thường phải đi vay lúa về ăn. Vay 50 kg thì phải trả 70 hoặc 80 kg. Nhiều lúc trong làng không có vay phải đi xa mới vay được lúa, cho dầu người ta lấy lãi rất cao, không vay ăn thì chết đói.
Mặc dầu không còn lúa để ăn nhưng mẹ tôi thường để một vài kg lúa lại trong sập với quan niệm là năm sau sẽ không thiếu. Tuy nhiên, năm nào cũng vậy, cứ đến thời gian mùa Phục Sinh là hết lúa.
Vui mừng vì Chúa Phục Sinh nhưng buồn vì thiếu ăn!
Vì thế, những bữa cơm có thịt là xa xỉ, không nghĩ tới. Tôi chỉ ao ước có cơm mà ăn cho no. Những ngày lễ như Lễ Phục Sinh, Lễ Noen, Lễ Lên Trời… đều có thịt cho nên tôi cứ trông cho những ngày đó mau đến.
Những lúc thiếu thốn và cơ cực như thế thì tôi lại không có khái niệm gì về tiết độ trong ăn uống. Nhưng mà những lúc như thế thì không tiết độ cũng không có mà ăn!
Khi vào Nhà Dòng, tôi được ăn ngon hơn, cơm dư gạo thừa thì mới dạy cho phải giữ tiết độ trong ăn uống. Nhưng có lẽ ý thức về tiết độ cũng không ăn nhằm gì lắm. Tôi vẫn cứ ăn, ăn no và thật no vì ở nhà không có mà ăn!
Thời gian mới vào Dòng, đối với tôi, cơm chỉ cần với nước mắm cũng ăn được 4 chén hoặc 5 chén. Vì thế, tôi tăng ký rất nhanh, 50 rồi 55 rồi 60 rồi 65 rồi 70.
Từ đây tôi bắt đầu nghĩ đến việc kìm hãm sự ăn uống, không lúc nào tôi dám ăn thật no nữa. Sự kiêng ăn này không phải là tiết độ nhưng là một sự thương lấy thân mình, vì tôi tăng cân nhiều quá.
Hơn nữa, có lần tôi đọc trên báo thấy người ta phỏng vấn một người Nhật về lý do tại sao họ sống lâu. Lý do trả lời nghe rất đơn giản nhưng lại rất khó thực hiện. Họ cho rằng không lúc nào họ ăn no, lúc nào cũng ăn làm sao mà trong lòng còn muốn ăn thêm một chút nữa là dừng lại, tức là họ ăn vừa đủ.
Từ đó, tôi thầm nhủ rằng tôi phải thực hiện điều này. Tuy nhiên, những lúc ngon miệng, tôi vẫn cứ ăn cho thỏa. Vậy là tiêu chí kiêng ăn để giữ cân và sống lâu theo người Nhật của tôi vẫn chưa đạt được.
Dịp Tĩnh Tâm tháng Tư này với chủ đề về Tiết Độ trong Ăn Uống làm cho tôi không những nghĩ về cách ăn cách uống của tôi, nhưng còn là tiết độ trong những chuyện chi tiêu, những ước muốn của tôi.
Tiết độ không chỉ có trong Kitô giáo nhưng còn có cả trong các tôn giáo khác. Tập được đức tiết độ trong ăn uống thì có lẽ sẽ tập được nhiều nhân đức khác, vì nó đòi hỏi sự kiên trì và nhẫn nại.
Hơn nữa, khi làm chủ được trong ăn uống thì nó cũng giúp là làm chủ được các đòi hỏi khác, vì người ta thường nói “ăn nó thì rực mỡ”! Khi ăn uống nhiều chất, thì thân thể phát triển, con người khỏe mạnh, thì nó cũng đòi hỏi nhiều về sinh lý, về nhu cầu sinh dục.
Vì thế, Phật Giáo đặc biệt rất coi trọng việc tiết độ trong ăn uống. Họ không những ăn chay trường mà còn ăn món “diệt dục” – tàu hũ.
Nhìn lại cuộc đông đúc người trong Nhà Dòng, tôi nghĩ rằng mình cần phải tự nhủ rằng mình phải góp phần vào việc tiết kiệm cho nhà Dòng. Nhưng tôi cũng chưa thực sự làm được. Tôi vẫn đang lãng phí nước, điện, các đồ dùng. Điều này còn vi phạm đến cả lời khấn khó nghèo.
Những lúc Cha Quản lý mời gọi về sự ý thức tiết kiệm lòng tôi lại bừng cháy lên như các môn đệ trên đường Emmau khi được gặp Chúa Giêsu, nhưng sau đó là hết sức sống giống như hạt giống gieo trên sỏi đá!
Lạy Chúa xin giúp con biết làm chủ mình trong việc ăn uống, chi tiêu và cả ước muốn nữa. Vì khi con biết trung thành trong việc nhỏ thì con cũng biết trung thành trong việc lớn.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét