8 thg 4, 2013

Đức Kitô phục sinh


 Anthony Xuân Thành, SVD
Khái niệm Phục Sinh đã có thấp thoáng trong Cựu Ước. Sách Macabê II đã nói đến chuyển người thứ hai trong bảy anh em tử đạo nói với vua trước khi chịu chết: “Người cất mạng sống đời này của chúng ta, nhưng Vua cả vũ trụ sẽ cho chúng ta sống lại, chúng ta chết để bênh vực các luật của Người, Người sẽ hoàn lại cho ta sự sống còn mãi đời đời” (2 M:7,9).
Chuyện ông Giuđa Macabê quyên tiền gửi về Giêrusalem để dâng lễ đền tội cho các tử sĩ cùng nói lên niềm tin vào sự Phục Sinh của con người. Sách Macabê II viết “Ông Giuđa quyên được khoảng hai ngàn quan tiền, và gửi về Giêrusalem để xin dâng lễ đền tội; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì cho rằng người chết sẽ sống lại.
Thực thế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết quả là việc dư thừa và ngu xuẩn. Nhưng vì ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức”. (2M 12,43-45).
Sách Đaniel cũng nói: “trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ trổi dậy: Người thì để hưởng phúc trường sinh, kẻ thì để chụi ô nhục và bị ghê tởm muôn đời. Các hiền sĩ sẽ chói lọi như bầu trời rực rỡ, những ai làm cho người người nên công chính, sẽ chiếu sáng muôn đời như những vì sao?” (Đn 12,2-3).

Ở thời Đức Giêsu, trong nước Do Thái có nhóm Sa đốc không tin Phục Sinh, trái với giới Biệt phái. Thánh Luca đã tường thuật lại cuộc đối thoại giữa vài người trong nhóm Sa- đốc với Đức Giêsu về vấn đề này:
“Có mấy người thuộc nhóm Xa đốc đến gặp Đức Giêsu. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. Mấy người ấy hỏi Đức Giêsu: "Thưa Thầy, ông Môsê có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình.
Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. Người thứ hai, rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ? " (Lc 20, 27-33).
Nhóm Sa đốc nêu ra câu chuyển giả định này để cho rằng quan niệm Phục sinh là vô lý. Để giải quyết vấn nạn này Đức Giêsu đáp: "Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng.
Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại. Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Môsê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Ápraham, Thiên Chúa của tổ phụ Ixaác, và Thiên Chúa của tổ phụ Giacóp. Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống." (Lc 20,34-38).
Đức Giêsu đã nói về thực tại con người sống lại sau khi chết và Ngài còn dùng bằng chứng từ lời ông Môsê gọi Thiên Chúa trong Kinh Thánh Cựu Ước để xác định sự sống lại là có thực. Vả lại, sự chết đi và sự sống lại chỉ có trong quan niệm loài người, còn đối với Thiên Chúa thì tất cả đều đang sống. có khác nhau chăng là về tình trạng sống mà thôi.
Bây giờ, sau khi chụi tử nạn, Đức Giêsu phải sống lại ngay sau ba ngày để xác minh lời nói về Phục sinh của Ngài là đúng sự thực và cũng để xác minh Ngài đích thị là con Thiên Chúa. Thánh Gioan tông đồ đã tường thuật về sự sống lại của Đức Giê su như sau:
“Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Simôn Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến. Bà nói: "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu. Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào.
Ông Simôn Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết. Sau đó, các môn đệ lại trở về nhà.
Đức Giêsu hiện ra với bà Maria Mácđala (Mt 28: 9-10; Mc 16: 9-11 ): Bà Maria Mácđala đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giêsu, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân.
Thiên thần hỏi bà: "Này bà, sao bà khóc? " Bà thưa: "Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!" Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giêsu đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giêsu. Đức Giêsu nói với bà: "Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?" Bà Maria tưởng là người làm vườn, liền nói: "Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về."
Đức Giêsu gọi bà: "Maria! " Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri: "Ráp-bu-ni! " (nghĩa là "Lạy Thầy"). Đức Giêsu bảo: "Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: "Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em"." Bà Maria Mácđala đi báo cho các môn đệ: "Tôi đã thấy Chúa", và bà kể lại những điều Người đã nói với bà. (Ga 20, 1-18).
Thế là, Đức Giêsu đã Phục sinh và xuất hiện trước hết với Maria Magddala, người nữ, theo thánh Marcô, trước kia đã được Đức Giêsu chữa cho khỏi bầy quỷ. Sau đó, vào lúc xế chiều ngày hôm ấy, Đức Giêsu đã xuất hiện giữa các môn đồ đang ở trong nhà, cửa cài chặt chẽ. Tuy nhiên, hôm ấy vắng mặt Tôma, vì thế, Tôma không chụi tin.
Thánh Gioan tông đồ ghi lại tình huống đó như sau: “Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tôma, cũng gọi là Điđymô, không ở với các ông khi Đức Giêsu đến. Các môn đệ khác nói với ông: "Chúng tôi đã được thấy Chúa!" Ông Tôma đáp: "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin."
Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em." Rồi Người bảo ông Tôma: "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin." Ông Tôma thưa Người: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!" Đức Giêsu bảo: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” ( Ga 20, 24-29).
Quả thực, Tôma là con người có đầu óc khoa học thực nghiệm. Kinh qua thực nghiệm rồi, Tôma mới xác nhận là thực. Tôma có thể được coi như đại diện cho những con người có óc khoa học thực nghiệm trong các thế hệ sau này.
Thánh Luca  lại tường thuật về sự xuất hiện của Đức Giêsu giữa các môn đồ sau khi đã Phục sinh như sau: “Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: "Bình an cho anh em! " Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. Nhưng Người nói: "Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây? "
Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: "Ở đây anh em có gì ăn không? " Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.
Những lời chỉ bảo sau hết cho các Tông Đồ (Mt 28: 16 -20; Mc 16: 14 -18; Ga 20: 21 -23; Cv 1:6-8). Rồi Người bảo: "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm." Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và Người nói:
"Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này (Lc 24,36-48).
Tiếp nhận lệnh truyền này, về sau, hầu hết các môn đệ trong nhóm Mười hai đã lấy cái chết để làm chứng cho Thầy mình là Đức Giêsu Kitô. Riêng, đối với thánh Phêrô, tông đồ trưởng, mặc dầu vốn là người nhút nhát đã từng chối Đức Giêsu ba lần ở dinh thượng tế, sau biến cố Đức Giêsu Phục sinh và về trời, Ngài đã trở nên bạo dạn, mạnh mẽ nhờ ơn Thánh Thần, luôn luôn nhắc lại việc Đức Giêsu Phục sinh rao giảng. Và chung cuộc, Ngài đã chịu đóng đinh ngược trên đồi Vatican để minh chứng những lời giảng của mình là có thực.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét