5 thg 6, 2013

Yêu như Thầy đã yêu!

Pet SVD
 Những thảm án cuồng yêu liên tiếp trong những ngày qua đã khiến dư luận bàng hoàng:
Chiều 13/4, ở q. Bình Thạnh, xảy ra vụ chém người yêu: Ghen tỵ vì người yêu có bạn trai mới, Đặng Văn Khuyến (28 tuổi) sinh lòng thù hận, cầm mã tấu chặn đường chị Lê Thị Thúy Hằng (24 tuổi). Quá hoảng sợ, nạn nhân chạy vào quán cơm nằm sát đường nhưng vẫn bị đuổi theo và chém gục.
Vào khoảng 17h ngày 20/4, ở xã Hiệp Hòa, Kinh Môn, Hải Dương, chị Vũ Thị Thúy (SN 1987), sau khi dự đám cưới người yêu cũ là anh Trần Văn Chung, lúc anh Chung ra xe để tiển chị Thúy về, đã tự tay phát nỗ quả mìn đặt sẵn dưới xe để được cùng chết với người yêu. Tuy nhiên, chị Thúy đã tử vong còn anh Chung may mắn thoát chết.

Khoảng 20h cùng ngày 20/4, tại Đà Nẵng, anh Nguyễn Phước Thành, 33 tuổi, đã tẩm xăng đốt cháy người yêu là chị Phan Thị Hải Yến, 24 tuổi, vì lý do ... không được đáp trả tình yêu. Chỉ Yến đã tử vong sau đó một ngày.
Từ đó, cả tuần nay, báo tuổi trẻ đã dành nguyên 1 trang để thực hiện diễn đàn “Vũng xoáy cuồng yêu”. Người ta liên tục đăng tải các bài viết về cách yêu, phải yêu thế nào cho đúng và đem lại hạnh phúc thật cho nhau.
Vâng, tình yêu quá quen thuộc với mọi người, từ già đến trẻ, ai cũng yêu, nhưng không phải tất cả đều biết yêu. Do đó, phải yêu thế nào cho đúng và đem lại hạnh phúc thật sự là câu hỏi mà ai cũng muốn có câu trả lời thỏa đáng.
Các nhà tâm lý bảo khi yêu thì phải tin tưởng, cảm thông, chia sẻ... với nhau trong cuộc sống; Các nhà luân lý thì dạy: phải tôn trọng lẫn nhau, những gì mình không muốn người khác làm cho mình thì đừng làm cho người khác, ... Còn cha ông ta thì gói gọn tất cả trong câu tục ngữ “thương người như thể thương thân”.
Vâng, tất cả đều đúng và hữu ích theo từng khía cạnh của nó. Còn Tin Mừng hôm nay khẳng định với chúng ta một câu trả lời rất đơn giản: “Hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em”.
Câu trả lời đơn giản đó đã có sức mạnh tác động đến hàng tỉ người trên thế giới qua bao nhiêu thế kỷ bởi vì nó bao gồm một lời chứng và một nhân chứng. Lời chứng đó là hãy yêu thương nhau, còn nhân chứng là chính Đức Giêsu. Đức Giêsu đã sống yêu thương trước khi Ngài nói hãy yêu như Thầy đã yêu.
Nhưng chúng ta cũng có thể tiếp tục hỏi yêu như Thầy đã yêu là yêu như thế nào? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cùng nhìn lại cách hành xử của Đức Giêsu trong tương quan với các hạng người khác nhau.
- Đối với các môn đệ thân tín: Khi đồng bàn, Ngài trở nên người đầy tớ phục vụ họ, lấy nước rửa chân cho từng người trong họ. Khi bị Phêrô phản bội, chối bỏ, Ngài không lên án, trách cứ nhưng sẵn sàng thứ tha và sau đó còn đặt Phêrô lên làm thủ lãnh Giáo hội.
- Đối với những người đau khổ, thì Ngài quan tâm nâng đỡ và chữa lành. Một lần khi mọi người đang chen lấn đông đúc trong đền thờ, Ngài đã kịp nhìn thấy một người bại liệt ở giữa đám đông đó và dừng lại để chữa cho anh. Ngoài ra, nhiều lần Ngài đã không ngại ngần đụng chạm và chữa lành cho các bệnh nhân phong hủi, một việc làm ngoài sức tưởng tượng của con người thời bấy giờ.
- Đối với những người tội lỗi, bị mọi người coi là cặn bã của xã hội, Ngài vẫn tin tưởng vào khả năng biến đổi của họ. Ngài sẵn sàng đạp lên dư luận để vào nhà ông Gia-kêu, đồng bàn với những người tội lỗi để cảm hóa họ. Ngài đã tin tưởng gọi mời một tên thu thuế, phản quốc, và bốc lột đồng bào như Máthêu làm Tông Đồ.
- Đặc biệt đối với những kẻ thù nghịch, muốn gài bẫy, bêu xấu, hảm hại, và giết Ngài, Ngài không thù hận hay loại trừ, nhưng luôn tìm cách giúp họ tìm ra đường ngay nẻo chính. Khi các thượng tế và kinh sư đã tìm cách bắt bẻ và bêu xấu Ngài vì Ngài phá luật, dám chữa bệnh trong ngày Sa-bát, còn các môn đệ Ngài thì không chịu ăn chay, Ngài không thù hận và trả đũa như người đời thường làm.
Tin Mừng nói rằng Ngài đau lòng và buồn rầu vì họ chậm tin. Hơn nữa, Ngài đã dùng các hình ảnh như chú rể trong ngày cưới, áo mới áo cũ, người bệnh và thấy thuốc để giúp họ hiểu chân lý. Rồi một lần kia, khi mang đến trước mặt Ngài người phụ nữ phạm tội ngoại tình và xin Ngài cho ý kiến “ném đá hay không ném đá”, các Kinh Sư và Pharisiêu muốn gài bẫy để tố giác Ngài.
Ngài biết quá rõ âm mưu của họ, tuy nhiên, Ngài đã không vạch mặt, bêu xấu họ để trả thù, nhưng Ngài đã im lặng và ngồi xuống. Ngài đã im lặng để lương tâm con người lên tiếng, Ngài dừng lại để lòng nhân của con người bước đi. Nhưng họ vẫn không tĩnh ngộ, Ngài ngước lên và nói: “Ai trong các ông sạch tội, thì ném đá chị này trước đi.”
Đây không phải là một sự phản đòn mà là một lối mở. Ngài không muốn họ bị chìm sâu trong ghen ghét và bất nhân, nhưng muốn họ hồi tâm, nhìn nhận tội lỗi của mình để được cứu thoát. Và cuối cùng, khi sắp tắt thở trên cây thập giá, Ngài đã tha thứ cho kẻ giết Ngài đồng thời xin Chúa Cha tha cho họ vì họ lầm chẳng biết việc họ làm.
Như vậy, Yêu như Thầy đã yêu là quên đi những lỗi lầm quá khứ của nhau, vợ thôi chì chiết chồng, chồng thôi đay nghiến vợ vì những chuyện đã qua, anh em thôi khích bác nhau về những yếu đuối cá nhân để khỏi làm vơi cạn tình huynh đệ; bạn bè thôi đục khoét những vết thương lòng của nhau kẻo làm rạn nứt tình bằng hữu.
Yêu như Thầy đã yêu là không xa lánh loại bỏ những người vì lỗi lầm mà bị xã hội loại bỏ, xa lánh, đồng thời tin tưởng vào khả năng biến đổi của họ và giúp họ mạnh dạn đứng lên, bắt đầu lại.
Yêu như Thầy đã yêu là không tìm cách trả thù, loại trừ và hãm hại nhau nhưng mở lòng ra để đối thoại và tha thứ cho nhau trong tinh thần xây dựng.
Nếu ai trong chúng ta cũng yêu như Đức Giêsu đã yêu thì sẽ không còn cảnh bạn bè xa lánh nhau, vợ chồng ly tán, và nhất là sẽ bớt những thảm án cuồng yêu. Thay vào đó gia đình sẽ trở thành tổ ấm, lối sẽ xóm rộn tiếng cười, xã hội sẽ đượm thắm tình yêu thương.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét