25 thg 6, 2013

Phép lạ



LinhThiêng SVD
Đoạn Tin Mừng (Mc 16, 15-20) nói về lệnh truyền của Chúa Giê su đối với các tông đồ “hãy đi rao giảng” và việc các ông thực hiện lệnh đó sau khi Chúa về trời. Quá trình hoạt động của các tông đồ Chúa đã thực hiện nhiều phép lạ để minh chứng những gì các ông rao giảng.
Vậy đối với người môn đệ của Đức Kitô hôm nay có còn khả năng để làm phép lạ như các tông đồ xưa hay không? Nói đúng hơn là Chúa có còn thực hiện các phép lạ lớn lao qua những ai tin Chúa trong thời đại chúng ta hay không?
Để trả lời câu hỏi này tôi thiết tưởng phải hiểu phép lạ theo một nghĩa rộng, không nên bó buộc nó trong nghĩa hạn hẹp là những làm những điều kỳ diệu khác thường theo kiểu hô biến phép thuật, khác xa với quy luật tự nhiên…
Đối với tôi phép lạ là làm những việc hữu ích cho người khác và cho mình, mà những việc đó ít người dám làm vì sợ. Nói cách khác những công việc mà con cái thế gian cho là tầm thường, là ghê tởm, và họ né tránh không dám ra tay còn những ai có đức tin dám thực hiện bằng tất cả lòng yêu mến thì đó là phép lạ.

Mọi phép lạ của Chúa chỉ xuất phát từ tình yêu để chữa lành thể xác và tâm hồn, nên mọi công việc mà người tông đồ của Chúa cũng phải xuất phát từ mục đích này. Phép lạ chính là tìm mọi cách để giúp đỡ, để biến đổi một con người từ buồn chán tuyệt vọng thành một người vui vẻ bình an.
Nói cách khác phép lạ chính là thay đổi lối nghĩ, thay đổi con tim theo hướng tích cực. Theo một mức độ nào đó thì phép lạ chính là sống theo Tin Mừng. Rao giảng Tin Mừng và phép lạ phải đồng hành với nhau, nếu không đó chỉ là một mớ lý thuyết.
Tôi là người may mắn được đi đây đó trước khi vào dòng nên cũng được chứng kiến nhiều phép lạ mà những người theo Chúa thực hiện: đó là những tháng ngày tôi làm việc tại Phước Long (Bình Phước), nơi đây có dịp tiếp xúc với nhiều tu sĩ dòng “liên hợp quốc” (vì rất nhiều dòng tu làm việc chung) tại Trung tâm cai nghiện ma túy Trọng Điểm, nay là bệnh viện Nhân Ái.
Tại bệnh viện này, các bệnh nhân là những người bị HIV giai đoạn cuối, nên thân mình lở loét hôi hám. Sống chung với các bệnh nhân này nguy cơ nhiễm bệnh rất cao, nên hầu hết người ta chỉ tiếp xúc với bệnh nhân vì bắt buộc của công việc, nếu có cơ hội thì tránh càng xa càng tốt.
Tuy nhiên, các tu sỹ tình nguyện lên công tác ở đây lại gặp gỡ các bệnh nhân một cách thân mật, giúp đỡ họ cách tận tình. Hàng ngày họ phải bồng bế, tắm rửa giặt đồ cho bệnh nhân… họ làm những công việc này cách say mê không chút e dè sợ sệt, xem các bệnh nhân như là những người thân của họ.
Ngoài những việc chăm lo phần xác, các tu sỹ ở đây còn quan tâm đặc biệt tới đời sống tinh thần: động viên các bệnh nhân để họ vui sống, quên đi nỗi hận mình- thù người và thù đời. Nhờ đó nhiều bệnh nhân đã vui lòng chịu đựng bệnh tật, không oán thán kêu trách, nhiều người đã dọn mình sẵn sàng đón nhận cái chết trong bình an.
Biến đổi những con người đã một thời sống bất cần đời, sẵn sàng cướp giật, đâm chém, trả thù.v.v thành những con người dám tha thứ quá là không đơn giản, nhất là khi những người này không thấy tương lai nữa vì ngày đời của họ đang ngắn dần do căn bệnh AIDS quái ác.
Tuy nhiên, bằng tất cả sự yêu thương chân thành và tận tình phục vụ, các tu sỹ đang công tác tại bệnh viện Nhân Ái đã làm được những điều phi thường. Đây chính là những phép lạ mà Chúa đã dùng bàn tay của các chứng nhân của Ngài để chữa lành những tâm hồn đau khổ tan nát trong một thế giới vô thần- vô tâm và ích kỷ.
Là tu sỹ của một dòng truyền giáo tôi cần phải can đảm ra đi để rao giảng Lời Chúa, và để lời giảng đi vào lòng người, tôi cần cố gắng học tập cách làm của các tu sỹ tại bệnh viện Nhân Ái, đó chính là biến mình thành “khí cụ bình an của Chúa” để Ngài có thể dùng biến đổi thế giới hôm nay theo tinh thần mà thánh Phan-xi-cô đã thể hiện qua lời Kinh Hòa Bình.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét