13 thg 9, 2013

Chúa nhật 24 Thương niên - Năm C



Deacon Lê Sơn SVD
LÒNG THƯƠNG XÓT VƯỢT QUA SỰ E DÈ VÀ TÍNH TOÁN
Không ngại ngùng, không e dè Đức Giêsu nhập cuộc, ngồi ăn uống, giao du với quân thu thuế và phường tội lỗi: “ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”(Lc 15,3). Sự đồng bàn tưởng chừng như thỏa hiệp của Đức Giêsu đối với những người tội lỗi đã khiến các bậc thầy thông luật và Pharisêu phải phản ứng ra mặt. Lập tức Người dạy cho các ông một bài học thế nào là lề luật và lòng thương xót của Thiên Chúa, thông qua các dụ ngôn: đồng bạc mất và con chiên lạc.
Lòng thương xót vượt lên trên cả sự e dè và mọi tính toán
Đức cố hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận trong một lần giảng tĩnh tâm cho các hồng y, giám mục trong giáo triều Rôma, ngài đã chọn đoạn Tin mừng về dụ ngôn con chiên lạc để nói về lòng thương xót của Thiên Chúa đối với những người tội lỗi. Sau khi phân tích và chứng minh tình yêu của Thiên Chúa thông qua hình ảnh người chủ chăn sẵn sàng bỏ lại 99 con chiên để rồi không e ngại vượt lên mọi khó khăn nguy hiểm trong rừng sâu, nước độc, trong sa mạc khô cằn để tìm cho kỳ được con chiên lạc. Tìm được rồi, người đó vui mừng vác chiên lên vai trở về, mời bạn bè hàng xóm đến chung vui vì đã tìm được con chiên lạc.

Khi đọc và phân tích dụ ngôn này ngài nói: thoạt đầu, xem ra Chúa Giêsu không biết làm kinh tế, không biết tính toán. Bằng chứng là vì một (con chiên lạc) mà bỏ chín mươi chín (99 con chiên khác). Như vậy theo logic kinh tế thì cái một kia phải lớn hơn, con số 99 còn lại vì ngài đã hy sinh bỏ lại số kia chỉ để đi tìm cho kỳ được “một con” kia. Quả vậy kinh tế thì phải tính toán so đo, còn tình yêu và lòng thương xót thì vượt lên trên mọi dự trù, hạch toán hơn thiệt.
Tại sao chỉ một con chiên lạc mà nó lại quan trọng trong mắt của người chủ chăn đến thế? Có người lý luận rằng: nếu biết tính toán và làm kinh tế giỏi thì người chăn chiên này không cần mất thời gian đi tìm con chiên kia làm gì, vì đã có tới 99 con chiên khỏe mạnh kia, chỉ cần chăm bẳm và nuôi dưỡng đàn chiên đó thật tốt nó sẽ sinh sôi nẩy nở hàng trăm, thậm chí hàng ngàn con khác, chứ mất đi một con thì thấm vào đâu?
Tuy nhiên, dầu đàn chiên có tăng lên ngàn vạn thì trong số đó cũng không thể nào tìm được một con chiên có thể thay thế cho con đã mất, bởi vì nó là nó, nó có một giá trị rất riêng, độc nhất vô nhị trong mắt của người chủ, dầu cho nó có thể không béo tốt, không khỏe mạnh, nhưng chính nó phải hiện hữu, vì nó luôn mang một giá trị bất khả thay thế.
Cũng vậy trước mặt Thiên Chúa, mỗi con người là một nhân vị độc nhất vô nhị, không ai có thể thay thế và hiện hữu trước mặt Thiên Chúa thay cho người khác được, vì mỗi nhân vị đều được giá máu của con Thiên Chúa cứu chuộc. Đó là lý do vì sao hình ảnh Đức Giêsu được bài Tin mừng hôm nay ví như người chủ chăn ra công đi tìm cho kỳ được con chiên đã lạc mất. Thái độ chủ động đi tìm kiếm con chiên lạc nói lên sự quảng đại về lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân.
Con chiên lạc chính là những kẻ đang lầm đường lạc lối, những người đang lạc xa đường cứu độ của Thiên Chúa, những kẻ đang chìm đắm trong tội lụy. Họ là những con người sẽ được Thiên Chúa tôn quý vui mừng vác lên vai và cả triều thánh thánh vui mừng vì họ đang sống đang hiện hữu trong Giáo hội và cùng với đoàn chiên của Giáo hội họ đang nuôi dưỡng và chăm sóc.
Thoảng một chút nghịch lý trong dụ ngôn đồng bạc mất
Tôi đọc đi đọc lại, suy gẫm, tìm kiếm tính hợp lý của dụ ngôn và đặt câu hỏi tại sao chỉ bị đánh rơi một đồng bạc, với mệnh giá bằng khoảng 4 đồng xu Rôma, tương đương với một ngày công thời bấy giờ của một người làm công. Như thế thì có gì đâu mà phải cất công tìm kiếm, thắp đèn, quyét nhà, lục lọi. Công phu quá. Cần gì. Bà còn có tới cả 9 đồng cơ mà. Một con số quá lớn so với con số nhỏ nhoi bà đã mất, một đồng. Càng phi lý hơn khi tìm được đồng bạc, bà ta lại còn mời bạn bè hàng xóm đến chung vui.
Tôi suy đoán, đã mời thì phải có gì để mọi người có thể hiểu và cảm thấu được niềm vui của mình chứ? Tiệc mừng? Chẳng lẽ mời đến vui suông? Không ai rảnh hơi để đi nghe một kẻ huênh hoang phi lý một niềm vui không đâu vào đâu, không có gì to tát cả. Vậy chắc hẳn bà rất vui vì thế bà muốn chia sẻ niềm vui của bà cho những bạn bè hàng xóm?
Lý do? Tôi đặt hai giả sử để tìm tính hợp lý của niềm vui của bà trong dụ ngôn này: thứ nhất, đối với bà đồng bạc bị mất đó có một ý nghĩa quan trọng, có lẽ nó là công sức của bà phải lao động cực nhọc để có nó, mặt khác nó mang một giá trị trong việc nuôi sống bản thân bà lúc ngặt nghèo đói kém? Cũng có thể bà đang dự tính làm một việc gì đó, với kinh phí là mười đồng, nếu mất đi một thì chắc chắn công việc bà muốn thực hiện sẽ không thành, vì thế nó quan trọng nên bà phải tìm cho kỳ được.
Lý do thứ hai: trong truyền thống làm dâu của người phụ nữ Palestin thời bấy giờ: người ta kết một vòng trang sức bằng mười đồng quan, gọi là vòng bạc để đội lên đầu khi về làm dâu cho nhà chồng. Nếu thế thì đồng bạc mất qủa thật quan trọng đối với bà. Bây giờ nó không còn là đồng bạc dừng lại ở mệnh giá của việc bà phải chi tiêu mua bán nữa, nhưng lại là yếu tố quan trọng quyết định ý nghĩa trong cuộc đời của bà, vì nếu thiếu nó thì cả chín đồng kia trở nên vô nghĩa và cuộc đời bà sẽ không thực hiện được giấc mơ làm dâu, vì không có vòng bạc để đội lên đầu thì bà hết cơ hội lấy chồng?
Với lý do này ta thấy việc bà cất công tìm kiếm là hoàn toàn hợp lý. Nhưng, ở tầng sâu của dụ ngôn này chính là để nói về thái độ kiếm tìm những kẻ lầm đường lạc lối của Đức Giêsu. Lòng thương xót của Chúa đối với các tội nhân vượt ra ngoài mọi tính toán, mọi sự hợp lý và đôi khi chấp nhận cả nhưng phi lý mà trí tuệ, tình cảm thông thường của con người không thể cảm thấu hay lý giải được.
Niềm vui xuyên thấu trời và đất
Dụ ngôn con chiên lạc, thì chuyện xẩy ra ở ngoài đồng. Còn chuyện đồng bạc mất diễn tả chuyện xẩy ra trong nhà. Nhưng cả hai cùng diễn tả một thái độ và những đặc tính chung của cả hai chủ nhân. Người chăn chiên, tìm được chiên lạc vui mừng, mời bạn bè hàng xóm đến chung vui. Người phụ nữ cũng mời hàng xóm bè bạn đến để chia sẻ niềm hạnh phúc khi tìm thấy đồng tiền bị mất.
Cả hai dụ ngôn đều dẫn tới một kết thúc khá giống nhau. “cũng thế trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi sám hối ăn năn”. Từ chuyện con chiên lạc cũng dẫn tới hình ảnh người tội lỗi. Từ đồng tiền bị đánh rơi cũng liên tưởng tới hình ảnh những người đang xa lìa Giáo hội, đang lạc xa đường cứu độ của Thiên Chúa. Tất cả đang được Thiên Chúa tìm kiếm và mời gọi trở về với Ngài, vấn đề là mỗi chúng ta có nhận ra tình yêu và lòng xót thương của Thiên chúa để sẵn sàng trở về mỗi khi lầm đường lạc lối, hay sa lầy trong bóng đêm tội lỗi hay không. Câu trả lời thuộc về mỗi người chúng ta.
<

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét