25 thg 10, 2013

Kinh Mân Côi

Deacon Pháp SVD
 Lịch sử kinh Mân Côi
Việc cầu nguyện với một tràng hạt đã có nguồn gốc rất xa xưa. Vào những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, các tu sĩ trong vùng sa mạc Ai Cập có thói quen dùng những hạt cây hay những hòn sỏi nhỏ để đếm kinh - kinh này là Kinh Lạy Cha. Dần dần người ta kết những hạt khác thành chuỗi Mân côi gọi là Rosary.
Thế kỷ XII, các tu sĩ có thói quen đọc 150 Thánh vịnh mỗi ngày trong giờ Kinh Phụng vụ. Vì 150 Thánh vịnh dài, có nhiều người không thể đọc được, nên người ta đọc 150 kinh Lạy Cha thay thế.
Dần dần những kinh Lạy Cha thay thành 150 kinh Kính Mừng, và thánh Đaminh gọi đó là “Thánh vịnh Đức Mẹ.” thời này, kinh Kính Mừng chỉ có một nữa đầu. Cũng trong thế kỷ XII, Đức Mẹ hiện ra trao truyền tràng hạt Mân côi cho Thánh Đaminh để cải hoá bè rối Albigensê đang tung hoành ở phía nam nước Pháp.

Sang thế kỷ XIII, đời Đức Urbanô IV, Thánh Danh "Giêsu" được thêm vào. Thời đó người ta đọc 150 kinh Kính Mừng cùng với 150 kinh Lạy Cha, nghĩa là mỗi kinh Kính Mừng một kinh Lạy Cha.
Đến thế kỷ XIV, người ta chia 150 kinh Kính Mừng thành từng chục (10) mỗi chục một kinh Lạy Cha. Thế kỷ XV, 150 Kinh Kính Mừng được chia thành 3 chuỗi 50. Cũng trong thế kỷ này, Chân phúc De Rupe thêm phần suy niệm các mầu nhiệm trong khi lần chuỗi. Từ nay tràng kinh Mân Côi gọi là "Vòng hoa hồng".
Chân phúc Alanô nhiệt thành phổ biến kinh Mân Côi mà Đức Mẹ đã trao truyền cho Thánh Đaminh.
Năm 1521, Cha Albertô Castello, O.P., sửa lại mỗi kinh Lạy Cha với một mầu nhiệm. Và đến Năm 1569, Đức Piô V thêm phần thứ hai kinh Kính Mừng với kinh Sáng Danh, và ấn định kinh Mân Côi như chúng ta đọc ngày nay.
Ý nghĩa kinh Mân Côi
Chuyện kể rằng, trên một chuyến xe lửa đi Paris, có một chàng thanh niên mặt mũi sáng sủa, trên tay ôm một chồng sách dày, ngồi đối diện với một cụ già, đang cầm chuỗi Mân côi lâm râm đọc kinh. Chàng trai cảm thấy khó chịu cho nên nói: “Bác ơi! Thời buổi này mà bác còn đọc thứ kinh của đàn bà trẻ con ấy nữa à!” Cụ già ngước mắt nhìn anh và trả lời: “Cám ơn cậu, cậu có vẻ thông thái lắm, cậu giải thích cho tôi nghe đi.”
Thế là chàng trai có dịp khoe về mình: anh đang học năm cuối đại học Bách khoa ; anh khuyên cụ già bỏ mấy thứ dị đoan lẩm cẩm đi, vì rồi đây khoa học sẽ xây dựng một thế giới mới chứ không phải những tôn giáo ảo tưởng của người xưa. Và chàng trai hăng say thuyết cho cụ suốt nửa tiếng.
Cụ già chăm chú nghe anh nói, đến khi sắp xuống xe, còn mời anh khi nào rảnh đến nhà hướng dẫn thêm cho cụ và trao cho cậu một tờ danh thiếp. Chàng trai bỗng thấy mình như từ trên trời rơi xuống, vì trên danh thiếp ghi tên nhà khoa học mà anh suốt đời thán phục: "Louis Pasteur,Viện Hàn Lâm Pháp"
Có thể nói, thời đại chúng ta, có những người đạo đức xem nhẹ kinh mân côi. Họ cho rằng, điều quan trọng của kitô hữu là hiểu và sống Lời Chúa, là thực thi công bằng bác ái Phúc Âm. Không sai, nhưng chưa chính xác, vì họ chưa nhận ra nơi lời kinh đơn giản này có một sức mạnh tìm ẩn
Sức mạnh tìm ẩn, vì nhờ thế mà Thiên Chúa gìn giữ con người
Cha thánh Đaminh, cũng nhờ việc đọc kinh Mân Côi mà ngài đã dẹp được bè rối. Đức Piô V, nhờ cỗ võ đọc kinh Mân Côi mà đã thắng được quân Thổ Nhĩ Kỳ. Những câu chuyện của Đức Mẹ tại Pha-ti-ma, Lộ Đức, La Vang, cho chúng ta thấy, nhờ vào kinh Mân Côi, Con người được Chúa gìn giữ trong bình an trước hoàn cảnh khốc liệc cuộc sống.
Một điều nữa mà chúng ta không thể phủ nhận, vào thời đất nước còn đói khổ, các cha thiếu, nhà thờ không có thánh lễ, đời sống đạo của phần đông giáo dân nguội lạnh, chỉ còn lại vài cụ già vào nhà thờ với chuỗi mân côi, miệng oan oan với những lời kinh, nhờ thế, nhà thờ vẫn tồn tại.
Qua đó, chúng ta thấy rằng, tuy những lời kinh rất đơn sơ, nhưng nhờ thế mà TC lại ban ơn cho con người chúng ta, để chúng ta vững bước trong đời sống đức tin. Vì khi chúng ta đọc kinh Mân Côi là chúng ta cùng với ĐM khẩn cầu Thiên Chúa, như thời ban sơ, ĐM cùng các Tông đồ cầu nguyện trong ngày lễ Ngũ Tuần, để đón nhận Thánh Thần mà ra đi loan báo Tin Mừng phục sinh.
Sức mạnh tìm ẩn, vì qua kinh Mân Côi đem lại cho chúng ta ơn cứu độ
Khi chúng ta suy niệm các mầu nhiệm Mân côi, chúng ta ngày càng được gắn bó sâu sắc hơn vào những biến cố chính trong công cuộc cứu độ. Ngày này qua ngày khác, chúng ta chiêm ngưỡng và học theo gương Ðức Kitô nhập thể trong ngày lễ Truyền Tin, theo gương Ðấng Giáng Sinh tại Belem, Đấng bôn ba ra giảng về Nước Trời, Ðấng Hiến tế chính đời mình trên Thập Giá và sống lại vinh quang và chiêm ngưỡng đức Maria trên thiên quốc như một hứa hẹn cho tương lai của giáo hội và nhân loại.
Như thế, có thể nói khi chúng ta chiêm ngắm các mầu nhiệm là chúng ta suy niệm cuộc đời của Đấng Cứu Thế, và nhờ thế mà đem lai cho chúng ta ơn cứu độ.
Kinh Mân Côi như Lời ca tụng Mẹ
“Mừng vui lên hởi đấng đầy ân sủng”, đây là lời chào của sứ thần gửi đến ĐM mang nhiều ý nghĩa. Thứ nhất, lời chào như là lời chúc mừng, loan báo niềm vui cho thiếu nữ Sion được diển tả trong sách Aica (4,21), mà Đức Maria là hình ảnh.
Thứ hai, lời tung hô Mẹ “đầy ơn sủng” như là một ơn đặc biệt mà TC dành cho mẹ, bởi vì không một phàm nhân nào đầy ơn sủng cả, chỉ có TC mới đầy ân sủng. Thế nhưng, Đức Maria được đầy ơn sủng, vì nơi Mẹ lúc nào cũng luôn luôn mở lòng mình ra để đón nhận ơn Chúa một cách vô điều kiện
Đầy ân sủng: không hiểu ân sủng theo kiểu thần học, mà đối tượng được TC sủng ái, yêu thương. Đối với con người thì Đức Maria xứng đáng, nhưng đối với TC thì điều đó không có nghĩa gì, nhưng ở đây, vì Bà là đối tượng được TC sủng ái.
Như thế, qua kinh Mân Côi, chúng ta sẽ chìm sâu vào tình yêu và ân sủng cứu độ của Thiên Chúa, sẽ nhận ra lời Ngài kêu mời chúng ta giữ một vị trí riêng biệt trong lịch sử cứu độ và tìm được sức mạnh mới để hoàn tất vị trí ấy của mình trong lịch sử.
Nếu được như vậy, chúng ta có thể đi đến kết luận : Kinh Mân Côi góp phần biến đổi trần gian.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét