20 thg 10, 2013

Làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Ngài

Chúa Nhật Truyền Giáo (Mt 28,16 - 20)
Deacon TiềnLê, SVD
Tin mừng hôm nay vừa là một lời mời gọi nhưng cũng là một mệnh lệnh mà Đức Giêsu truyền cho các môn đệ của ngài. “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và dạy bảo họ tuân giữ mọi điều thầy đã truyền dạy cho anh em” (Mt 28,19-20). Quả thực đây là lời ủy thác cao quý về một sứ mạng thiêng liêng dành cho bất cứ ai muốn trở thành cư dân của nước trời. Sứ mạng ấy cao cả, nhưng cũng đầy thách đố: “Thầy sai anh em đi, như chiên con đi vào giữa bầy sói, đừng mang theo túi tiền, bao bị hay dày dép” (Lc 10,3-4).

1.         Sự cần thiết phải loan báo Tin mừng
Theo số liệu thống kê của bộ truyền giáo năm 2012 số người Công giáo là 1,2 tỷ người trên tổng dân số thế giới là hơn 7 tỷ người. Đặc biệt trong số đó có khoảng hơn 2 tỷ người chưa bao giờ biết đến Giáo hội Công giáo, biết đến Tin mừng là gì? Như vậy, việc truyền bá Tin Mừng của Chúa luôn là một nhiệm vụ cấp bách, bởi vì: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít” (Lc 10,2).
Tại sao việc loan báo Tin mừng là một nhiệm vụ khẩn thiết? Khi đứng trước tin bão khẩn cấp sắp đổ bộ vào một địa danh nào đó, người ta dùng hết khả năng để phòng tránh những thiệt hại do bão tố gây nên, đặc biệt là về nhân mạng con người. Như một quy luật sinh tồn người ta ai cũng muốn bảo vệ sự sống mình bằng mọi giá. Sự sống thể lý nay còn mai mất mà con người còn bận tâm đến thế, thì chắc chắn sự sống linh hồn lại càng khiến con người phải ưu tư hơn nhiều. Nhưng đâu là con đường để con người có thể đạt tới sự sống vĩnh cửu? Đức Giêsu hôm nay, mời gọi các môn đệ tham dự vào sứ mạng mà Ngài đã nhận lãnh từ Chúa Cha. “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,18-19).
Như thế sứ mạng của chúng ta là làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Đức Kitô.

2.         Loan báo Tin mừng một nhiệm vụ khó khăn ở mọi thời đại
Theo nhận định của Đức cố Giáo hoàng Phaolô VI: “Thời đại hôm nay người ta không cần thầy dạy, nhưng là cần chứng nhân hơn”. Trước xu thế phát triển của thời đại khoa học công nghệ, kinh tế, kéo theo lối sống và nhận thức của con người cũng thay đổi rất nhiều. Con người của thời đại hôm nay muốn gì và họ đã có thái độ như thế nào đối với cuộc sống mai hậu, thực sự họ có ngưỡng vọng tới một hạnh phúc thiên đường xa xăm, mờ ảo nào đó chỉ hiện hữu trong nhận thức và trong niềm tin tôn giáo của một nhóm người nào đó hay không? Nếu có thì đâu là cách thức để dẫn họ tới thế giới vĩnh cửu đó? Rao giảng Tin mừng và làm phép rửa ư? Nói như thánh Phaolô: “Làm sao tôi có thể rao giảng khi không có kẻ tin. Làm sao tôi có thể làm Phép rửa khi không có người đón nhận”. Quả thực với tâm thức của con người ngày nay, các môn đệ của Đức Kitô không thể đặt để niềm tin nơi họ bằng một sự cài đặt vài câu lệnh đã lập trình sẵn: thuyết giảng, rửa tội và trao ban các bí tích. Chúng ta không thể phủ nhận quy luật nhận thức cũng như con đường đi tới niềm tin nơi mỗi người là sự tiệm tiến, tính hợp lý và cảm tình với đối tượng đức tin. Đức tin cũng chịu ảnh hưởng từ những khía cạnh của quy luật tâm lý lây lan, tức là bằng gương sáng: “Lời nói lung lay gương bày lôi cuốn” (tục ngữ Việt nam). Tất nhiên chúng ta không bao giờ được phép suy ngược với tinh thần của Giáo hội, đức tin trước hết là một ân ban. Đó là một quà tặng nhưng không cho mỗi người đến từ Thiên Chúa: “không ai có thể đến được với ta. Nếu Cha ta không ban ơn ấy cho họ”. Tuy nhiên bên cạnh đó mỗi người cũng được Thiên Chúa, thông qua Giáo hội của Ngài mời gọi phải nỗ lực tìm kiếm và không ngừng làm cho đức tin ngày càng được lớn mạnh.
3.         Ai là người phải thực hiện lệnh truyền của Đức Giêsu và thực hiện như thế nào?
Chúa Giêsu đã trao ban sứ mạng rao giảng Tin mừng và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Ngài cho các môn đệ, nhưng ai là môn đệ của Ngài? Tất cả những ai đã lãnh nhận bí tích Thanh tẩy và đã gia nhập vào Giáo hội Công giáo đều được mời gọi tham gia sứ mạng đem Tin mừng đến cho những người khác. Thiết tưởng trong thế gian có bao nhiêu người Kitô hữu thì cũng có bấy nhiêu con đường và cách thức dẫn đưa người khác đến với ơn cứu độ của Thiên Chúa. Tuy nhiên tính sinh động và thiết thực từ tầm ảnh hưởng của nhân cách, đạo lý sống của mỗi người Kitô hữu đối với tha nhân là điều không thể phủ nhận . Mahatma Gandi, một nhà lãnh đạo tinh thần của Ấn độ vào những năm 50 của thế kỷ 20 đã khuyên một kitô hữu Công giáo cách chân thành thế này khi anh ta muốn bỏ đạo: “anh hãy cố gắng khám phá những gì đã được mặc khải trong Kinh thánh và hãy cố gắng trở thành một Kitô tốt thì cuộc đời anh sẽ rất hạnh phúc”. Đặc biệt ông đã chia sẽ một cách chân thành rằng: Khi một số nhà truyền giáo của Giáo hội Công giáo đến loan báo Tin mừng tại Ấn độ, khi họ hỏi ông: làm thế nào để người Ấn độ tin nhận Tin mừng Kitô giáo? Ông đã trả lời: “Các ngài hãy trở nên những bông hồng. Vì một bông hồng xinh tươi và thơm hương, thì không cần phải mời mọc, vẫn thu hút được sự ngưỡng mộ và say mê của mọi người”. Đó là nhận định về phương cách truyền giáo của một người ngoài Kitô giáo. Vậy người trong cuộc chúng ta nghĩ gì và làm gì trong công cuộc thực hiện sứ mạng truyền bá Tin mừng?
Gương thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu: Ngài là một trong ba nữ thánh được Giáo hội tôn phong là thánh tiến sỹ. Ngài được Đức giáo Hoàng Piô XI đặt làm quan thầy các xứ truyền giáo vào năm 1927. Điều kỳ lạ nơi vị thánh bé nhỏ này là suốt đời giam mình trong dòng kín, thế nhưng ngài lại được đặt ngang tầm với các vị đại thánh, lỗi lạc trên mọi hành trình truyền giáo, như thánh Phanxicô Assisi, thánh Phanxicô Đệ xan. Công trạng lớn lao nhất của thánh nữ cho công cuộc truyền giáo của Giáo hội không gì khác ngoài những lời cầu nguyện và hy sinh cho các nhà truyền giáo của Giáo hội trên thế giới. Ngài đã thú nhận trong truyện: “Một tâm hồn” rằng ngài rất ao ước được đi truyền giáo, nhưng đó chỉ là những mơ ước mà không bao giờ trở thành hiện thực vì đời sống linh đạo của một nữ tu dòng kín. Việc chuyên tâm cầu nguyện và sự hy sinh liên lĩ như một lời mời gọi thực hiện sứ mạng cao cả, ngài đã trở nên vĩ đại trong những bổn phận tầm thường của đời sống tu trì. Đó chính là mẫu gương tuyệt đỉnh cho sứ mạng truyền giáo của mỗi người chung ta hôm nay.
Khánh nhật truyền giáo giúp mỗi người chúng ta ý thức lại và ý thức hơn về ơn gọi, sứ mạng truyền giáo mà mỗi chúng ta đã lãnh nhận ngày chịu phép Thánh tẩy. Tin mừng hôm nay mạc khải cho chúng ta ba điều:
-                  Thứ nhất: Mọi quyền hành trên trời dưới đất đã được trao cho Đức Giêsu: quyền ấy có thể được hiểu trong bối cảnh tinh thần của ngày khánh nhật truyền giáo hôm nay đó là quyền trao ban phép rửa và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Đức Giêsu.
-                  Thứ hai: Đức Giêsu mời gọi tất cả mọi người tham gia vào công cuộc loan báo Tin mừng. Như vậy việc rao giảng và làm chứng cho nước trời là bổn phận của tất cả những ai là công dân của Giáo hội, chứ không phải là bổn phận của một nhóm người chuyên trách như các nhà truyền giáo hay các tu sỹ hoặc giáo sỹ. Đó là bổn phận chung của mọi kitô hữu.
-                  Thứ ba: Đức  Giêsu đã hứa “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Nghĩa là công cuộc loan báo Tin mừng ở bất cứ thời đại nào cũng sẽ gặp khó khăn thách đố, nhưng chúng ta hãy an tâm vì luôn có Chúa Giêsu đồng hành và có Chúa Thánh Thần hướng dẫn.  

·                 Xin cho tất cả chúng ta luôn biết nỗ lực cộng tác vào sứ mạng loan báo Tin mừng mà Chúa đã ủy thác cho Giáo hội. Để sau cùng tất cả mọi người đều được hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa. Amen. 

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét