26 thg 10, 2013

Lời cầu nguyện đẹp lòng Thiên Chúa

Chúa nhật 30 TN. C
Deacon Tiền-Lê, SVD

Hai thái độ đối lập của những kẻ cầu xin
Đọc xong bài Tin mừng tôi cảm thấy tiếc nuối cho những thành tích và công trạng của người Pharisêu quá. Anh không trộm cắp, bất chính, ngoại tình. Anh ăn chay mỗi tuần hai lần (trong khi luật Do thái chỉ buộc ăn chay mỗi năm một lần vào ngày lễ Xá tội).
Anh lại còn dâng 1/10 thu nhập của anh cho Chúa nữa. Như vậy có thể nói anh là một con người rất hoàn hảo từ đời sống luân lý, phẩm hạnh đến việc chu toàn lề luật. Anh tỏ ra đạo đức, chu toàn lề luật (luật về thuế thập phân) và ăn chay và cầu nguyện.
Chỉ tiếc một điều anh đã thiếu khiêm nhường lúc cầu nguyện nên những gì anh làm đã trở nên vô nghĩa trước mặt Chúa. Lý do vì sao lời cầu nguyện của anh ta không được nhận lời?
Có vài lý do được nêu lên ở đây: anh thiếu khiêm nhường và tìm cách hạ bệ những người khác để tôn mình lên. Sự kiêu ngạo của anh ta thể hiện ngay cả trong tư thế cầu nguyện: “anh đứng thẳng” thể hiện một tư thế hiên ngang, muốn phô trương cho mọi người nhìn thấy anh ta.

Cùng với sự ngạo ngược của hình thức đó,  anh còn tự mãn với những thành tích đã lập được, anh ta tuyên bố: “tôi không như những người khác, và không như tên thu thuế kia”. Anh ta nổi bật hơn những người khác về nhiều mặt. Không trộm cắp, bất chính, ngoại tình.
Anh ăn chay gấp gần cả trăm lần so với luật định (luật dạy ăn chay mỗi năm một lần, còn anh ta mỗi năm ăn chay 96 lần). Anh dâng cho Chúa 1/10 thu nhập của anh (trong khi luật thuế thập phân quy định chỉ phải nộp 1/10 hoa lợi của mùa màng, chủ yếu là về ngũ cốc, các thứ rau cỏ khác không buộc).
Như vậy xem ra anh ta là người quá hoàn thiện và dày công đức, nên anh ta có quyền tự hào về những điều đó. Nhưng khốn một nỗi đó cũng là nguyên do đã làm cho anh tự thấy mình hoàn thiện, công chính mà  không cần đến bất cứ ai, kể cả Chúa.
Việc anh ta đến nhà thờ có vẻ không phải để cầu nguyện, để dâng những hoa trái của sự nỗ lực hằng ngày cho Chúa, nhưng là để báo cáo kết qu, thành tích mà thôi, hơn nữa để phô trương cho mọi người thấy anh ta hoàn thiện và đầy công đức rồi.
Quả thực anh ta đã quên đi một nguyên tắc căn bản trong khi làm mọi việc đạo đức mà Đức Giêsu đã nhắc nhớ: “Khi ăn chay anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: họ làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là họ ăn chay. Còn anh khi ăn chay hãy rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm để thiên hạn không ai thấy là ăn chay, ngoại trừ Thiên Chúa” (Mt 6,16-17).
Còn người thu thuế lại trình diện một khuôn mặt khác trong khi cầu nguyện. Anh ta đứng đằng xa, không dám ngước nhìn trời, đấm ngực và thưa với Chúa. Anh thưa với Chúa về thân phận tội lụy với tấm lòng tan nát về tình trạng của anh, để khẩn nài lòng Chúa xót thương.
Anh không hề ba hoa. Anh là một tội đồ, không có công đức gì khác ngoài việc trông chờ vào lượng từ bi của Chúa. Anh đứng đằng xa cầu nguyện, có lẽ không ai để ý tới anh, nhưng anh cũng chẳng muốn ai quan tâm tới mình, vì anh quá nhiều tội lỗi, nhất là tội phản bội dân tộc (làm nghề thu thuế).
Biết được thân phận mình như thế, anh chỉ muốn đến để trãi lòng mình với Chúa. Nói cách khác anh chỉ cần Chúa biết là đủ, đó cũng là mục đích cầu nguyện của anh.
Chúa nhận lời kẻ khiêm tốn cầu xin.
Hai hình ảnh đối lập về việc cầu nguyện tại đền thờ của người Pharisêu và người thu thuế, một người tự thấy mình hoàn hảo về mọi mặt, anh ta tự hào mình không như những người khác về những điều xấu xa tội lỗi. Anh ta đã hoàn thiện và công chính rồi, nên không cần đến Chúa nữa. 
Còn người thu thuế kia thấy được thân phận yếu đuối tội lỗi và thấy được sự vớ vấn nhố nhăng của đời mình. Anh biết mình là ai, là một con người đang mang thân phận của kẻ phàm nhân với những lầm lỗi, nên anh cần đến tình Chúa yêu thương.
Anh cần được Thiên Chúa làm cho anh nên công chính, nên hoàn thiện. Chính nhờ thái độ khiêm nhường này mà Thiên Chúa đã can thiệp để anh trở thành người công chính sau khi cầu nguyện. Qua đó Thiên Chúa đã nhấn mạnh rằng: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”(Lc 18,14).
Gương cầu nguyện
Đức Gioan Phaolô II là một mẫu gương nổi bật về đời sống cầu nguyện. Từ nhỏ ngài đã được hấp thụ tinh thần cầu nguyện từ trong gia đình. Mẹ ngài là một người phụ nữ thánh thiện đạo đức, bà luôn tỏ ra gương mẫu trong đời sống đức tin, đặc biệt là trong việc chuyên chăm cầu nguyện.
Bà cầu nguyện sáng, tối với gia đình và hướng dẫn các con cầu nguyện. Đức Gioan Phaolô II còn ảnh hưởng đời sống hy sinh và cầu nguyện từ cha ngài. Sau khi mẹ và anh trai qua đời, cha ngài vẫn luôn là người mẫu mực về đời sống cầu nguyện.
Ngài thú nhận, có những đêm ngài thức giấc và nhín thấy cha ngài đang quỳ cầu nguyện. Thuở ngài đang còn là một học sinh, nhiều lần bạn bè thấy ngài cầu nguyện lâu giờ sau khi tan trường. Ngài là một linh mục thánh thiện, đạo đức và nổi bật với đời sống cầu nguyện khi còn là một cha sở ở Ba lan.
Trong biến cố ngày tấn phong giám mục phụ tá giáo phận Cracovia (1958), ngài đã cầu nguyện liên tục 8 giờ tại nhà nguyện của dòng tu Ursuline. Mặc dầu bận trăm công ngàn việc trong cương vị mục tử Giáo hoàng, nhưng hằng ngay ngài vẫn danh 7 giờ đồng hồ để cầu nguyện và chầu Thánh thể. Ngài thường xuyên lẫn chuỗi Mân côi.
Ngài thú nhận là rằng: ngài đã nhận được rất nhiều ơn lành từ Đức Maria. Cụ thể năm 1981, chính Đức Mẹ đã giữ gìn mạng sống cho ngài khi bị Ali (người Thổ Nhĩ Kỳ) ám sát. Ngài đã tỏ lòng mến yêu Đức Maria cách đặc biệt.
Khi kiệt sức nằm tại bệnh viện, ngài không ngừng gọi tên Đức Maria: “Lạy Mẹ Maria, mẹ của con”, sau ca phẩu thuật lúc ngài tĩnh lại, điều đầu tiên ngài hỏi là: “chúng ta đã đọc kinh sáng chưa?” Một năm sau vụ bị ám sát ngài đã đến Fatima và dâng viên đạn ngài bị bắn kết lên triều thiên của đức mẹ tại Fatima.
Trong cuộc đời, ngài đã thăm viếng nhiều nơi Đức Mẹ đã hiện ra. Như vậy chúng ta thấy nổi bật nơi hình ảnh vị cha chung một thời của Giáo hội Công giáo là đời sống cầu nguyện và tinh thần phó thác. Ngài đã trở thành một người có nhân đức trỗi vượt nhờ đời sống cầu nguyện. Ngài cầu nguyện với tình thần phó thác và khiêm nhường.
Bài học
Khiêm tốn, chân thành trong cầu nguyện là yếu tố cần thiết để được Thiên Chúa nhận lời. Cầu nguyện không phải là lúc để ta phô trương những thành tích, công đức của ta, nếu làm được điều gì thì hãy chân thành dâng lại cho Chúa, trong tâm tình tri ân, khiêm hạ. Ta chẳng là gì cả, chính Chúa đã làm và ban phát cho ta.
Cầu nguyện không phải là bắt Chúa phải theo ý mình mà để thánh ý Thiên Chúa định đoạt cho ước nguyện và cuộc đời mình. Lời cầu nguyện đẹp nhất là lời cầu nguyện được kết bằng ý hướng: Lạy Chúa, con đã làm tất cả để danh Chúa được tỏ hiện. Xin chúc lành cho ước nguyện của con nếu điều đó đẹp lòng Chúa.
Cầu nguyện đúng cách sẽ tạo ra một sức mạnh vạn năng: thánh giáo phụ Clêmentê thành Alexandria đã khẳng định: tôi biết có một người mạnh hơn cả Thiên Chúa. Người đó bắt Thiên Chúa phải nói “có” khi Ngài đã nói “không”. Dĩ nhiên đây là một lối nhấn mạnh đến sức mạnh từ lời cầu nguyện.
Cầu nguyện đúng cách sẽ làm biến đổi bản thân và ước nguyện của chính chúng ta. Xin cho tất cả mỗi người chúng ta luôn biết khiêm tốn cầu nguyện và được nên công chính nhờ đời sống cầu nguyện chân thành của mình. Amen.

<

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét