26 thg 10, 2013

Thái độ cầu nguyện

Anthony Thịnh
Bài Tin mừng hôm nay, CGS dạy chúng ta hai bài học hết sức quan trọng trong đời sống hằng ngày của người kitô hữu. Bài học thứ nhất, đó là chúng ta phải biết tôn trọng người khác, cho dù họ là ai, cho dù họ là người thế nào đi nữa, ta cũng phải biết tôn trọng họ. Đừng nghĩ mình giỏi giang, đạo đức mà khinh chê người khác. Bài học thứ hai, là phải biết nhận ra mình cũng chỉ là người trần mắt thịt, với những bất toàn và tội lỗi. Nghĩa là phải có thái độ khiêm tốn trước mặt Chúa khi chúng ta cầu nguyện. Hai bài học này được gói gém trong dụ ngôn mà chúng ta vừa nghe CGS kể trong bài Tin mừng.
Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người Pharisiêu và một người thu thuế. Người Pharisiêu được cho là người đạo đức và tuân giữ lề luật cách chu đáo, còn người thu thuế là hạng người tội lỗi và bị khinh chê. Người Pharisiêu đứng thẳng, đầu ngước cao và cầu nguyện với Chúa thế này: Con ăn chay mỗi tuần 2 lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập. Con không tham lam, không bất công, không ngoại tình như người khác, hoặc như tên thu thuế kia. Câu nói “hoặc như tên thu thuế kia” chính là mấu chốt của vấn đề. Người Pharisiêu này so sánh ông ta với người thu thuế tội lỗi kia. Ông ta kéo người thu thuế tội lỗi kia vào cuộc để làm nền, làm bình phong cho ông được nổi lên. Tin mừng cho biết ông lên đền thờ cầu nguyện với Chúa, nhưng thực ra những gì ông ta vừa kể, không phải là những lời cầu nguyện, nhưng đúng hơn đó là những thành tích vẻ vang mà ông ta đến khoe với Chúa. Lại còn theo dáng vẻ bên ngoài mà khinh chê và đánh giá người khác. Có khi nào chúng ta cầu nguyện với Chúa giống như cách cầu nguyện của ông Pharisiêu này không? Coi chừng chúng ta là những Pharisiêu thứ hai. Điều mà CGS nhấn mạnh ở đây chính là ông ta đã để cho lòng căm ghét chen vào, để rồi công khai lên án những người khác, và liệt người khác vào hàng những người tội lỗi cần phải loại trừ. Cho nên CGS nói: người này ra về nhưng không được ơn công chính, nghĩa là không được tha thứ và cứu độ.

Trong khi đó, người thu thuế chỉ đứng xa xa chứ không dám tới gần TC, không dám ngước mắt nhìn TC, vì nhận thấy bản thân tội lỗi và bất xứng quá! Rồi anh ta đấm ngực sám hối ăn năn, và xin Chúa thương tha thứ. Một thái độ cầu nguyện hết sức khiêm tốn đáng để chúng ta bắt chước. Một thái độ diễn tả lòng tin tưởng vào tình thương vô biên của TC đáng để chúng ta noi theo. Chính vì thế mà CGS nói: người này ra về thì được nên công chính, nghĩa là được tha thứ tội lỗi và được cứu độ. 
Ít nhiều trong cuộc sống, ai trong chúng ta cũng bị cám dỗ về lối sống kêu ngạo, tự hào về các việc đạo đức mình làm và ganh ghét với người khác. Mặc dù không nói ra cách công khai, nhưng qua giao tiếp hàng ngày, qua điệu bộ cử chỉ bên ngoài, ít nhiều chúng ta cũng muốn đem mình ra so sánh với người khác, nhất là những người nghèo, những người tội lỗi, để cho thấy mình nổi bật hơn họ, thấy mình đạo đức, khá giả hơn họ. Chúng ta thừa biết, khiêm tốn, tự hạ là một nhân đức quý giá. Nhưng thử hỏi, trong cuộc sống có được mấy người sống khiêm tốn? Sống khiêm tốn cách thật sự, đòi hỏi chúng ta phải biết nhìn nhận thân phận yếu đuối, tội lỗi của mình để cầu xin TC và anh chị em thương tình tha thứ và giúp đỡ. Sống khiêm tốn là một trong những yếu tố cần thiết, để Chúa thấy vậy mà tỏ tình yêu thương, hầu ban ơn cứu độ cho chúng ta. Nói thì nói vậy, nhưng không dễ sống khiêm tốn đâu. 
Người ta kể lại câu chuyện thế này: Bên Ai Cập, ngày kia, anh thanh niên đến gặp vị hiền triết và hỏi: Thưa ngài, tôi không hiểu tại sao, những người đáng kính như ngài lại ăn mặc quá đơn giản như vậy? Chẳng lẽ không cần chưng diện một chút sao? không phải để khoe khoang, nhưng còn vì mục đích khác nữa chứ?
Nhà hiền triết mỉm cười và cởi chiếc nhẫn đang đeo ở tay, đưa cho anh thanh niên và nói: Tôi sẽ trả lời câu hỏi của anh, nhưng anh hãy cầm chiếc nhẫn này ra khu chợ bên kia đường, đổi lấy một đồng tiền vàng giúp tôi trước đã. Cầm chiếc nhẫn đen đúa của nhà hiền triết đưa, chàng thanh niên tỏ vẻ nghi ngờ lắm! không biết thế này là thế nào đây. Nhưng rồi anh ta cũng phóng nhanh ra chợ. Đem chiếc nhẫn đến hàng rau, hàng cá, hàng thịt, không ai đồng ý mua chiếc nhẫn với cái giá một đồng tiền vàng.
Quay về trình bày lại là không ai đồng ý mua với cái giá đó. Nhà hiền triết mỉm cười bảo anh thanh niên. Bây giờ anh cầm ra tiệm vàng ở cuối đường kia, đưa chiếc nhẫn nhưng đừng yêu cầu giá bán, cứ lắng nghe ông chủ tiệm vàng trả giá bao nhiêu. Người thanh niên làm theo lời vị hiền triết, và sau đó quay về, mặt hớn hở và nói. Ở chợ rõ ràng là họ chẳng biết giá trị của chiếc nhẫn này. Người chủ tiệm vàng đã đồng ý mua chiếc nhẫn với giá một ngàn đồng vàng. Nhà hiền triết mỉm cười và nói: Đó chính là câu trả lời của tôi.
Thật thế, chúng ta không thể đánh giá con người mà chỉ dựa vào hình thức bên ngoài. Chiếc nhẫn đen đúa, nhưng giá trị của nó đến không ngờ. Người thu thuế tội ngập đầu ngập cổ, nhưng nơi tâm hồn anh ta vẫn còn lóe lên đức tính khiêm tốn đáng để ta bắt chước. Chúng ta chỉ có thể nhận ra được những giá trị nơi người khác, nếu chúng ta nhìn thấu được tâm hồn họ.
Hôm nay, CGS dạy chúng ta phải biết yêu thương và tôn trọng người khác. Đừng tỏ thái độ khinh chê và coi thường những người nghèo, người tội lỗi. Nhưng phải biết sống khiêm tốn nhìn nhận mình cũng là con người dễ sa ngã, đầy khiếm khuyết và tội lỗi. Có như vậy chúng ta mới không dám dò xét, không dám lên án người khác. Chúng ta không thể tự sức mình mà có thể sống khiêm tốn cách chân thành trước mặt Chúa và mọi người được. Vì sống khiêm tốn đòi hỏi nhiều hy sinh, đôi khi bị thiệt thòi, và lắm lúc quá sức chịu đựng của con người. Chính vì thế, chúng ta phải biết đến với Chúa, xin Ngài thương ban ơn giúp sức để chúng ta sống Lời Chúa dạy hôm nay. Amen. 

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét