13 thg 11, 2013

Tốt gỗ hơn tốt nước sơn

Joseph GiaHoàng, SVD
Kinh tế xã hôi ngày càng phát triển, ăn no mặc ấm không còn là nhu cầu bức thiết mà con người hướng đến nhu cầu làm đẹp. Nhiều loại quần áo thời trang ngày càng được ưa chuộng vì nó làm tôn lên vẻ đẹp của con người.
Nhưng, với chiếc áo bên ngoài, có lẽ chúng ta không thể hiểu hết được những gì thuộc về bản chất bên trong. Tục ngữ Việt Nam có câu: “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, với ý muốn nhắn nhủ chúng ta quan tâm đến cái chất bên trong hơn là hình thức bên ngoài.

Hình tượng “chiếc áo không làm nên thầy tu” nói lên mong muốn đề cao chất lượng hơn mẫu mã. Chất lượng của một hộp bánh được đánh giá không ở cách trang trí bên ngoài mà chính là sự thơm ngon, bỏ dưỡng bên trong.
Như nước sơn chỉ là thứ bảo vệ và làm cho gỗ đẹp hơn, bền hơn, chiếc áo cũng chỉ là lớp ngụy trang giúp con người che dấu những khuyết điểm để tự tin, vươn lên và thành công trong cuộc sống. “Cái nết đánh chết cái đẹp”, cái nết nó tạo nên tính cách của con người, nó là cái lề đưa chúng ta đến với người khác.
Nếu con người chỉ nhìn nhận nhau qua chiếc áo đẹp bên ngoài thì tình thân hữu, sự bác ái, yêu thương chắc hẳn sẽ không tồn tại. Cái bản chất là cái cốt để từ đó chúng ta xây dựng mọi thứ khác.
Y phục phải xứng với kỳ đức”, nếu chúng ta là một người có đủ đức độ, chúng ta sẽ biết mình phải khoác lên mình chiếc áo nào cho hợp và cho đẹp.

Tuy nhiên, khi đề cao vai trò của cái thực, chúng ta không thể phủ nhận hoàn toàn cái danh. Con người chúng ta luôn mong ước đạt đến sự hoàn hảo. Chúng ta không thể hoàn thiện mình nếu chỉ quan tâm đến việc trau dồi kiến thức, tu luyện nhân đức mà không chú ý đến vẻ bên ngoài.
Một người có ngoại hình dễ nhìn sẽ được người khác yêu mến hơn nếu biết rèn luyện mình thành người tốt. Hãy hoàn thiện mình từ cả hai cái đẹp nội dung và hình thức.
Là những người tu sỹ, chúng ta mặc trên mình chiếc áo dòng, chúng ta phải làm gì để xứng đáng với ơn gọi này? Đời sống đạo đức sẽ đưa chúng ta đến gần Thiên Chúa và gần tha nhân hơn.
Vì vậy, người tu sỹ không thể sống thiếu đạo đức và tình yêu. Hơn nữa, chúng ta không thể đánh mất mình qua việc lợi dụng danh phận để làm hại người khác.
Bên cạnh việc tu thân tích đức chúng ta cũng cần có chiếc áo dòng, đó là “bảo bối” giúp chúng ta nhìn nhận con người của mình và sống đúng với những gì mình chọn lựa và theo đuổi.
Tóm lại, để trở thành một người có ích cho xã hội, cho quê hương, đất nước, chúng ta phải là những con người đẹp về nội dung bên cạnh một hình thức dễ nhìn. Mỗi con người là một sáng tạo của Thiên Chúa, trong Ngài không có gì là xấu cả.
Vì vậy, chúng ta hãy tự tin để rèn luyện mình thành người hoàn thiện. Hơn nữa, là người Kitô hữu, chúng ta được mời gọi “nên hoàn thiện như Cha các con trên trời là Đấng hoàn thiện”.

<

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét