23 thg 11, 2013

Vẽ lại dung mạo Đức Giêsu nơi đời sống thánh hiến

Deacon TrungHiếu, SVD
 Khi được hỏi: “Đối với tôi, Đức Giêsu là ai?”, câu hỏi tưởng chừng như rất dễ. Dễ vì đã có sẵn một đáp án nơi cửa miệng của Phêrô và được chính Đức Giêsu xác nhận.
Dễ vì Đức Giêsu chính là Đấng tôi đang bước theo, Đấng mà tôi đang rao giảng, đang học hỏi, đang họa lại trong cuộc đời tôi. Dễ vì tôi có cả một kho kiến thức để đưa ra đáp án đúng.
Thế nhưng, câu hỏi không chỉ dừng lại như một vấn nạn của tri thức. Mà đúng hơn, nó đòi tôi nhìn lại mối tương quan mà tôi đang có đối với Đức Giêsu.

Vì, biết một người là biết người đó trong mối tương quan. Và, chỉ trong mối tương quan cụ thể và sâu sắc, người ta mới biết nhau một cách thật sự. Sống đời thánh hiến là đi sâu vào mối tương quan với Đức Giêsu và họa lại hình ảnh của Ngài trên cuộc đời mình và trong cuộc đời nay.
Sống giữa một thế giới đang biến đổi không ngừng, con người đang trở thành nạn nhân của sự căm thù và chết chóc, người tu sĩ được mời gọi để họa lại hình ảnh của một Đức Giêsu hiền hòa và nhân ái.
Ngài hiền hòa nơi đôi bàn tay chữa lành các bệnh tật, nơi cái nhìn cảm thông và tha thứ cho tội nhân, nơi con tim biết chạnh lòng xót thương những ai đau khổ… Sự hiền hòa phải tỏa lan nơi những người đang sống đời thánh hiến: một ánh nhìn cảm thông và thương xót, một đôi tay biết xoa dịu nỗi đau, một con tim biết đau nỗi đau của đồng loại.
Nhìn về mẫu gương Giêsu để cảnh giác chính mình, vì có đôi khi, người tu sĩ cũng là nạn nhân của sự căm thù và giết chóc. Và thay vì loan truyền một khuôn mặt hiền hòa và nhân ái, người tu sĩ gieo rắc lòng hận thù và tang thương.
Người tu sĩ hôm nay cũng phải học nơi Đức Giêsu để thắp lên ngọn lửa hy vọng trong thế giới này. Hy vọng về một đời sống tốt đẹp hơn, giàu tình nghĩa hơn, nhiều yêu thương hơn.
Hơn bao giờ hết, con người hôm nay lâm vào hoàn cảnh bế tắc vì thiếu niềm hy vọng. Những bế tắc, khổ đau đang giết chết con người. Nhu cầu yêu thương và được yêu thương đang bị quên lãng.
Vật chất và nhu cầu hưởng thụ vật chất khiến con người hôm nay không còn có khả năng quan tâm đến người khác… Giữa tất cả những điều đó, người tu sĩ phải vẽ lại dung mạo của Đức Giêsu như nguồn hy vọng vô biên về một thế giới của tình thương và chân lý.
Để có thể làm được điều đó, người tu sĩ phải lại gần Đức Giêsu và hân nóng lại niềm hy vọng qua cách sống có trách nhiệm, biết quan tâm và đồng cảm với tha nhân, biết nhiệt thành trong sứ vụ và biết xả thân cho lý tưởng.
Nét thánh thiện nơi Đức Giêsu cũng cần được phác họa lại trên đời sống của các tu sĩ.
Thực vậy, nếu mọi Kitô hữu đều được mời gọi để trở nên thánh thiện “như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” thì “những người thánh hiến, nhờ ‘sự thánh hiến mới và đặc biệt’, có sứ mạng làm cho lối sống của Chúa Ki-tô toả rạng qua chứng tá của các lời khuyên phúc âm, nhờ đó họ nâng đỡ lòng trung thành của toàn thân thể Chúa Ki-tô.
Đó không là một khó khăn, đúng hơn là một thách đố cho tính độc đáo và cho sự đóng góp đặc thù của các đoàn sủng đời thánh hiến, đồng thời cũng là đoàn sủng của linh đạo chia sẻ và của sứ vụ cổ võ sự thánh thiện của Giáo hội.” (Huấn thị “Xuất phát lại từ Đức Kitô”)
Tuy nhiên, để vẽ lại dung mạo của Đức Giêsu nơi đời sống của mình, các tu sĩ cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách đố liên lỉ. Huấn thị “Xuất phát lại từ Đức Kitô” nêu ra một số những khó khăn:
“Vì số tu sĩ suy giảm và lớn tuổi trong các Hội dòng, liệu đời sống thánh hiến còn là chứng tá khả thị có khả năng thu hút người trẻ nữa không?
Nếu thiên niên kỷ thứ ba là thời đại đề cao vai trò giáo dân, các hiệp hội và các phong trào giáo hội, đâu là chỗ đứng dành cho các hình thức cổ truyền của đời sống thánh hiến?
Đối diện với những khủng hoảng tôn giáo hiện nay ảnh hưởng trên một phần lớn trong xã hội, những người thánh hiến, nhất là hôm nay, buộc phải tìm kiếm những hình thức hiện diện mới và đặt ra cho mình không ít những vấn nạn liên quan đến ý nghĩa căn tính của mình và tương lai.
Những người thánh hiến cũng cảm nghiệm những đe doạ của sự tầm thường trong đời sống thiêng liêng, của việc trưởng giả hoá lần lần và não trạng tiêu thụ.
Việc điều hành phức tạp các công việc mà những yêu cầu của xã hội và luật lệ mới của Nhà nước quy định, cùng với các cám dỗ tìm kiếm hiệu năng và duy hoạt động, có nguy cơ làm lu mờ tính độc đáo của Tin mừng và làm suy yếu các động cơ thiêng liêng.
Tình trạng các dự phóng riêng tư chiếm ưu thế hơn các dự phóng cộng đoàn có thể xói mòn sự hiệp thông tình yêu giữa anh em, chị em.”
Giữa những khó khăn, thách đố ấy, “Giáo hội đặt kỳ vọng nơi sự dâng hiến liên tục của đoàn con cái nam nữ được tuyển chọn, niềm khao khát nên thánh và lòng nhiệt thành phục vụ nhằm cổ võ và nâng đỡ nỗ lực sống thánh thiện nơi mọi ki-tô hữu, và nhằm gia tăng việc tiếp đón người thân cận, nhất là những người túng thiếu. Làm như thế, tình yêu Chúa Ki-tô sẽ được chứng thực giữa mọi người”.
“Đối với tôi Đức Giêsu là ai?” câu hỏi không phải để trả lời, nhưng là để chiêm ngắm và dấn bước. Chiêm ngắm để thấy được khuôn mặt đích thực của một Vị Thiên Chúa Làm Người, sống như con người, phục vụ con người, yêu thương con người và trao ban chính mình cho con người.
Từ đó, dấn bước theo Người qua bậc sống thánh hiến. Thánh hiến chính mình để rạng ngời khuôn mặt của Đấng Chịu Đâm Thâu, rạng ngời khuôn mặt của Mẹ Hội Thánh.
Trả lời cho câu ấy, chính Đức Giêsu cũng đã khuyên: “Cứ dấu này người ta nhận ra anh em là môn đệ Thầy là anh em hãy yêu thương nhau.”
<


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét