14 thg 12, 2013

Lệnh truyền và lời tường thuật

Chúa nhật III mùa vọng A
Deacon Tiền Lê, SVD
Khi nói tới sự khiêm nhường của Gioan Tẩy giả, bản dịch Kinh thánh ngày xưa dùng hình ảnh: “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”. Cùng một ý tưởng ấy, thánh sử Gioan lại diễn tả cách khác: “Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi” (Ga 1,30).

Việc Gioan ngồi tù hôm nay là để chứng thực cho những gì ông đã giảng dạy: “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (Ga 3,30). Tôi muốn ví Gioan Tẩy giả như một MC trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Khi nhân vật chính Giêsu xuất hiện thì vị MC đó đã lui vào bóng tối để nhường lại sân khấu cho người được giới thiệu thi hành nhiệm vụ của mình.
Sống chết vì chân lý
Có lẽ chúng ta không mấy ngạc nhiên khi nghe tin Gioan phải ngồi tù. Bởi vì chúng ta đã từng nghe, biết về hình ảnh một Gioan thẳng thắn, cương trực, không có thói quen gia giảm chân lý cho vừa lòng người khác; lại cũng chẳng bao giờ thấy điều ác mà chẳng mạnh mẽ chỉ trích, lên án.

Người ta kể lại rằng trong chuyến du lịch từ Galilê về Rôma, để thăm gia đình người anh trai, vua Hêrôđê Antipa đã quyến rũ vợ của anh mình. Khi trở về, nhà vua đã bỏ vợ chính để cưới người chị dâu này. Hành động trái đạo lý của nhà vua đã bị Gioan chỉ trích một cách nghiêm khắc: “người không được phép lấy vợ của anh mình”. Kết quả Gioan bị Hêrôđê tống giam vào ngục Machaerus, trong vùng núi gần Biển chết.
Việc ngồi tù vốn là một hình phạt quá sức đối với một con người của hoang địa suốt đời sống trong tự do của đất trời sa mạc như Gioan. Thế nhưng điều trăn trở lớn nhất của ông lúc này (khi bị cầm tù) là: “Liệu Người có phải là Đấng phải đến hay không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11,3).
Lệnh truyền và lời tường thuật
Đức Giêsu mạc khải về mình cho Gioan Tẩy giả
Đức Giêsu không giới thiệu về mình bằng một mớ lý thuyết, ngài dạy các môn đệ của ông Gioan: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy, tai nghe: người mù xem thấy, kẻ què được đi, người phong được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe tin mừng” (Mt 11,4-6). Đó là tất cả những mặc khải về Đấng phải đến, Người đã chứng thực sứ mạng của Đấng cứu thế bằng mạc khải của hành động, của việc làm cho Gioan. Cũng như Gioan đã chứng thực đời mình sống chết vì chân lý. Ngài đã xác tín cách mạnh mẽ về “Đấng phải đến”, qua những gì Đức Giêsu đã làm được các môn đệ Gioan thuật lại cho ông. Đó là một kinh nghiệm quý báu chứng tỏ về giá trị của “chứng nhân hơn là thầy dạy” (Đức Phaolô VI).
Đức Giêsu nói về Gioan Tẩy giả
Gioan tẩy giả là ai? Đức Giêsu đã đưa một hình ảnh rất gần gủi và quen thuộc với người Do thái để nói về Gioan: “một cây sậy đung đưa trước gió”. Nhưng ở đây rõ ràng Gioan không phải như thế, một Gioan mạnh mẽ, cương trực và thẳng thắn, không phải yếu mền như cây sậy bị cuốn theo chiều gió, hay là người không có lập trường: “gió chiều nào che chiều đó”.
Gioan không “ba phải” ngài là người kiên định và chính trực sẵn sàng bảo vệ chân lý đến cùng, dầu phải ngồi tù.
Vậy họ xem gì nơi Gioan? “một người mặc gấm vóc lụa là chăng? nghĩa là họ đang muốn tìm kiếm hình ảnh một con người thuộc về cung điện nhà vua với sự sa hoa và quyền lực theo kiểu thế gian chăng?
Gioan không như thế, ngài là kẻ đã mạo phạm, đã cả dám ngăn cản vua không được làm điều bất lương. Ngài chính trực công minh, không vị nể và run sợ trước cường quyền và sức mạnh của thế gian.
Vậy, Gioan là ai? Đức Giêsu đã trích lời Kinh thánh nói về ông: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, Người sẽ dọn đường cho con đến” (Ml 3,1). Gioan là vị ngôn sứ đặc biệt nhất vì ngài là điểm nối kết của hai thời đại Cựu ước và Tân ước.
Với vai trò này Gioan đã trở nên cao trọng nhất trong số những phàm nhân sinh ra từ lòng mẹ. Ngài là vị ngôn sứ trực tiếp loan báo và là kẻ dọn đường cho Đấng cứu thế đến. Sứ điệp cao trọng làm cho người loan tin trở nên vĩ đại.
Sự cao quý của các kitô hữu thời Tân ước
Chúng ta thấy Gioan là một người rất cao trọng, được Chúa Giêsu hết lời khen ngợi. Trong số phàm nhân không một ai cao trong như ông!“Thế nhưng kẻ nhỏ nhất trong nước trời còn cao trọng hơn ông” (Mt 11,11). Đây là một mạc khải mang tính cách so sánh và bí nhiệm về nước trời.
Điều đó một mặt nói lên giá trị cứu cánh của thời Tân ước do Đức Giêsu mang lại, nhưng đồng thời khai mở mặc khải về mầu nhiệm tình yêu mà Thiên Chúa sẽ thực hiện nơi Đức Giêsu.
Cựu ước mạc khải cho chúng ta một vị Thiên Chúa đầy uy quyền, thánh thiện, toàn năng cao cả, công chính và xa cách ngàn trùng với nhân loại. Hình ảnh một vị Thiên Chúa gần gủi, yêu thương con người bằng mối tình thập giá, chỉ được thể hiện một cách sinh động nơi Đức Giêsu ở thời Tân ước.
Đó chính là mạc khải trọn vẹn về tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại mà Gioan chưa thể hình dung trong cuộc đời ngôn sứ của ngài. Bằng chứng là sứ điệp mà Gioan rao giảng chỉ là những lời đe dọa, sự hủy diệt:
Ai đã bảo cho các anh trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống?”; hoặc “cái rìu đã đặt sát gốc cây, bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa”“tay Người cần nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân, thóc mẩy thì sẽ thu vào kho lẫm, thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi” (Mt 3,7.10.12).
Khi thời đại Đức Giêsu khai mở thì một người kitô hữu bình thường như chúng ta vẫn có thể cảm nhận một cách sâu sắc về mối tình trọn vẹn mà Thiên Chúa đã dành cho nhân loại qua sự đau khổ, cái chết và phục sinh của Người Con Một.
Chính nhờ mạc khải tràn đầy hy vọng cho tất cả mỗi người tín hữu chúng ta hôm nay. Mạc khải về danh giá của một công dân nước trời so với công dân trần thế.
Bài học:
Chúng ta học tính thẳng thắn, thật thà, cương trực nơi Gioan Tẩy giả, để cuộc đời chúng ta không bị lung lay, khuất phục bởi sự giả dối và quyền lực của thế gian.
Chúng ta noi gương kiên định, sẵn sàng hy sinh, sống chết vì chân lý, vì điều đã xác tín vào Thiên Chúa như Gioan, để trở thành người cao trọng trong nước trời.
Xin cầu chúc cho tất chúng ta cso một niềm xác tín thật mạnh mẽ để đón mừng mầu nhiệm Giáng sinh thật sốt sáng và ý nghĩa.

<

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét