14 thg 12, 2013

Niềm Vui Vỡ Òa

  Peter Future, SVD.
Chúa Nhật thứ III Mùa Vọng, trong phụng vụ gọi là “Chúa Nhật của niềm vui”. Vì thế, áo màu hồng cũng như âm hưởng các bài đọc hôm nay toát lên một niềm vui. Niềm vui vì được Thiên Chúa tuyển chọn mỗi người đều là sứ giả đi công bố ơn cứu độ của Thiên Chúa. Niềm vui trọn vẹn khi chúng ta thực sự đáp trả lại lời mời gọi của Thiên Chúa và sống trong ân tình của Ngài.

Như chúng ta biết, niềm vui và niềm hy vọng Kitô giáo căn cứ trên những biến cố lịch sử, được ngôn sứ Isaia loan báo và Chúa Giêsu thực hiện. Nhìn suốt con đường dài đó mới thấy tại sao niềm vui được vỡ òa ngay từ hôm nay.
Trong bài đọc 1, ngôn sứ Isaia mời gọi dân của Chúa rằng:
“Vui lên nào, hỡi sa mạc đồng khô cỏ cháy,
vùng đất hoang, hãy mừng rỡ trổ bông,
hãy tưng bừng nỡ hoa như khóm huệ,
và hân hoan múa nhảy reo hò”.
Đây là sứ điệp diễn tả về niềm vui, sứ điệp mời gọi mọi người cùng reo vui múa nhảy. Nhưng sứ điệp đó được loan ra ngay trong hoàn cảnh dân Chúa đang bị lưu đày. Thật là nghịch lý, đang sống trong cảnh mất nước và lưu đày làm sao vui được?

Vậy mà lời ngôn sứ vẫn mời gọi “vui lên” bởi vì Đức Chúa đây rồi Ngài sẽ đến để cứu dân người. Ngài sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt của dân người. Và rồi sẽ không còn đau khổ, sẽ không còn khóc than, lúc bấy giờ người què sẽ nhảy như nai, và người nghèo được nghe công bố Tin Mừng cứu độ.
Những lời đó để nâng đỡ những đầu gối rụng rời, những bàn chân mỏi mệt, những tâm hồn suy sụp. Lời của ngôn sứ Isaia đã thổi một luồng sinh khí mới để dân Chúa khám phá ra sự kỳ diệu của Thiên Chúa. Sự hiện diện rất gần gủi, sự hiện diện cứu độ, diện giải thoát. Lời sấm đó đã trở thành hiện thực, khi Chúa đến với dân và cho dân sau này được hồi hương để trở về quê cha đất tổ.
Tiếp đến, Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy Gioan Tẩy Giả đã tránh sống kiểu xa hoa của cung điện với lụa là gấm vóc. Mà ngài sống đơn sơ khó nghèo trong hoang địa khắc nghiệt chịu cảnh ngục tù. Gioan đã hiến dâng cả cuộc đời cho sứ mạng dọn đường cho Đức Giêsu. Và sau khi hoàn tất sứ mạng, Gioan rút lui để nhường lối cho Đức Giêsu. Như Gioan đã xác quyết: “Đấng đến sau tôi, tôi không đáng xách dép cho Người” (Mt 3,11).
Ông thật là một ngôn sứ đúng nghĩa, qua cách sống cũng như sự chính trực của ông. Gioan đã can đảm hoàn tất vai trò “tiền hô” cho Đấng Cứu Thế. Cho nên, Chúa Giêsu đã khen ngợi rằng: “Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả” (Mt 11,11).
Chúng ta có thể nói Gioan là đèn soi, còn Đức Kitô là ánh sáng thật. Gioan là tiếng kêu, và Đức Kitô là Lời Hằng Sống. Gioan là ánh trăng trong đêm trường mong đợi, và Đức Kitô là Mặt Trời Công Chính chiếu soi muôn dân.
Khi Đức Kitô xuất hiện, Thánh Gioan biết rằng nhiệm vụ tiền hô, nhiệm vụ ngôn sứ của ngài đã hoàn tất. Tựa như vầng trăng đã lu mờ trước sự xuất hiện của Vầng Thái Dương Rực Rỡ Huy Hoàng soi chiếu muôn loài.
Chứng nhân, ngôn sứ là người dọn đường, là người giới thiệu Chúa, đồng thời là người can đảm để làm chứng cho Đức Kitô dù phải chịu thua thiệt, phải hy sinh, dù ngay cả đến mạng sống của mình.
Gioan là ngôn sứ đích thực. Ông không sợ quyền lực, không hùa theo kẻ có quyền lực. Trước điều sai trái, ông không im lặng để được an toàn cho bản thân, để được xã hội ưu đãi, nhưng ông lên tiếng làm chứng cho sự thật, cho lẽ phải. Ông không thể làm ngược lại với Giao Ước và lương tâm của mình.
Gioan đã kiên quyết ngăn cản vua Hê-rô-đê không được lấy chị Hê-rô-đi-a làm vợ. Chính vì lòng can đảm thi hành vai trò chứng nhân mà Gioan đã bị bạo chúa Hêrôđê bắt giam và bị giết chết.
Tất cả mọi người chúng ta đều được mời gọi để trở nên ngôn sứ, chứng nhân ngay trong mọi môi trường, trong cộng đoàn của mình đang sống. Chúng ta có nhiệm vụ phải làm chứng cho Chúa, bằng chính đời sống yêu thương và phục vụ. Chính cung cách sống của mỗi chúng ta là lời rao giảng hùng hồn nhất về Đức Kitô và giúp người khác nhận biết Đức Kitô dễ dàng hơn.
Đời sống của chúng ta phải toát lên niềm tin yêu mạnh mẽ vào Chúa Kitô. Chúa không đến trong những thành công rực rỡ. Chúa không đến trong uy quyền.
Thánh Gioan Tẩy Giả là mẫu gương cho chúng ta về điều này. Ông luôn xác định rõ vai trò của mình là sứ giả dọn đường cho Ðấng Cứu Thế. “Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi
Là Kitô hữu, chúng ta có nhiệm vụ phải làm chứng cho Chúa, bằng chính cuộc sống yêu thương, bác ái của chúng ta. Chúng ta phải sống sao cho người khác nhìn vào, họ nhận ra chúng ta là môn đệ của Chúa.
Chúng ta không chỉ làm chứng bằng lời nói, mà còn làm chứng bằng cả cuộc sống của mình, có như vậy làm chứng của chúng ta mới là chứng thật và có sức thuyết phục, vì:  
“Lời nói như gió lung lay,
Gương bày như tay lôi kéo”
Chúng ta đã đi hơn nữa chặng đường Mùa Vọng. Chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp cộng đoàn giáo xứ chúng ta sửa đổi, canh tân đời sống, xứng đáng để đón Chúa ngự đến, và xứng đáng là nhân chứng giới thiệu Chúa cho nhiều người khác nữa. Amen.



Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét