7 thg 12, 2013

Vị ngôn sứ khiêm nhường và mạnh mẽ

Chúa Nhật II Mùa Vọng A
Deacon Tiền Lê, SVD
Sử gia, đồng thời là nhà chú giải Kinh thánh Josephus kể lại rằng: sau khi hoàn thành đền thờ Giêrusalem, nhà của Đức Chúa xong, vua Salomon đã cho xây dựng một con đường bằng đá đen gọi là “xa lộ hoàng gia”.

Con đường này là một trục lộ chính dành cho dân cư trong thành để họ có thể đi lại dễ dàng mỗi khi tiến về thành thánh dâng lễ tế và gặp gỡ Đức Chúa tại đền thờ.
Theo Josephus có hai lý do để Salomon xây dựng con đường này (mặc dầu kinh phí để làm con đường này là rất tốn kém): thứ nhất để thể hiện sự giàu có sa hoa của triều đại ông trị vì; thứ hai bởi vì ông muốn có một con đường bằng phẳng để khuyến khích mọi người siêng năng về đền thờ để thấy được sự nguy nga tráng lệ nhà của Đức Chúa do ông xây dựng.
Gioan Tẩy giả kẻ dọn đường
Hôm nay, Gioan Tẩy giả đến với chúng ta trong tư cách là kẻ mời gọi dọn đường. “hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để người đi” (Mt 3,3). Khi nối kết hai sự kiện của hai kẻ làm đường, Salomon (trong câu chuyện trên) và Gioan tẩy giả kẻ được nói đến như người dọn đường cho Đức Chúa.
Chúng ta thấy có sự giao thoa về mục đích giữa Gioan và Salomon. Cả hai cùng hướng tới cuộc gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa. Tuy nhiên, con đường mà Salomôn thực hiện là để khuyến khích con người đến với đền thờ, nơi đó có Thiên Chúa ngự trị; còn con đường mà Gioan kêu gọi là con đường Thiên Chúa đến với con người.

Như thế con đường mà Gioan nói tới ở đây rõ ràng không phải là con đường thể lý, nhưng là con đường tâm linh. Vì thế lời mời gọi sửa đường của Gioan là việc chỉnh sửa lại lối sống, tu chính lại những lệch lạc trong đời sống của mỗi người chúng ta cho phù hợp với đường lối của Thiên Chúa.
Gioan vị ngôn sứ mạnh mẽ
Chúng ta bắt gặp hình ảnh một Gioan thẳng thắn tố cáo những sai trái, những lệch chuẩn đạo đức xã hội của đủ mọi hạng người lúc bấy giờ. Ngài đã chỉ trích nặng lời với nhóm Pharisêu và Sa đốc là: “Hỡi nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh trốn cơn thịnh nộ sắp giáng xuống” (Mt 3,7).
Tại sao Gioan lại tỏ ra nặng lời với các bậc vị vọng của người Do Thái như thế? Bởi họ là những kẻ được mệnh danh là các nhà đạo đức, nhưng thực tế họ chỉ là những người chủ trương nghi lễ bề ngoài, vì thế Gioan đòi hỏi họ phải “phải sinh hoa quả xứng với lòng hối cải”.
Chúng ta học tính cương trực, thẳng thắn lên án những điều sai trái, những gì làm lu mờ chân lý lẽ phải của Gioan. Dẫu biết rằng sự thật thì mất lòng, nhưng chúng ta được mời gọi để làm chứng cho sự thật.
Nếu chúng ta chưa đủ can đảm để lên án, cảnh cáo những điều ác, những gì là vô đạo, bất công trong xã hội, nơi những người khác thì ít nhất đừng bao giờ tỏ ra thỏa hiệp với những gì sai trái và bất công đó.
Nhiệm vụ của mỗi người chúng ta là hãy canh tân, hoán cải và chỉnh sửa lại đời sống của mình để chuẩn bị đón mừng Chúa đến. Chúng ta thấy trong hoang mạc của những điều xấu xa đê tiện như thế thì Gioan đã nổi bật như một ngọn đèn cháy sáng giữa những điều tối tăm của tội lỗi, bất chính.
Ngọn đèn ấy soi tỏ mọi chỗ ẩn khuất gồ ghề của những gian trá, xảo quyệt của thế gian. Mỗi người chúng ta là một ngọn đèn chiếu sáng một gốc khuất của bóng đêm tội lỗi của thế gian.
Gioan – vị ngôn sứ khiêm nhường
Tất cả những việc Gioan làm không để dự phóng cho tương lai của mình. Lẽ thường khi thu hút được rất nhiều người đứng về phía mình thì dễ bị cám dỗ là làm cho mình được nổi nang: “Người ta từ Giêrusalem và khắp miền Giuđê và khắp vùng ven sông Giođan kéo đến với ông. Cả những người Pharisêu và Sađốc cũng đến để xin ông chịu phép rửa” (Mt 3,5-7).
Chúng ta bắt gặp một thái độ khiêm tốn đến lạ lùng nơi Gioan, từ cách ăn mặc đến thái độ và lời giảng khi nói về Đức Giêsu.
Ngài mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Khi người ta đến xin phép rửa, ông nói: “phép rửa của tôi bằng nước để dục lòng hối cải còn Đấng đến sau tôi sẽ rửa anh em trong Thánh Thần và trong lửa”. Tôi không xứng đáng cởi quai dẹp cho Người.
Quả thực, Gioan đã xóa tan kỳ vọng về cái nhìn của tất cả mọi người dành cho ông. Giữa một thời đại vắng bóng ngôn sứ hơn bốn trăm năm kể từ ngày ngôn sứ Malakhi, dân tộc Do thái khao khát một vị ngôn sứ đến từ Đức Chúa để giúp họ đi trong đường lối của Người.
Cùng với niềm mong chờ Đấng cứu tinh xuất hiện đang cháy bỏng của dân tộc Do Thái thì việc Gioan xuất hiện làm cho họ lầm tưởng và tin rằng: “Ông chính là Đấng chúng tôi trông chờ”. Gioan có nhiều cơ hội để tôn vinh mình.
Sự khiêm tốn của Gioan đặt nền tảng trên sự trung thực. Sứ vụ của Gioan là kẻ dọn đường. Còn Đức Giêsu là Đấng phải đến. Kẻ dọn đường, không bao giờ cao trọng hơn vị chính khách.
Chúng ta học tập sự khiêm nhường nơi Gioan bằng thái độ trung thực nhìn nhận ơn gọi và sứ mạng của mình. Chúng ta khiêm tốn nhìn nhận những lầm lỗi yếu đuối để hoán cải trở về với Chúa.
Chúng ta cần phải canh tân đời sống cho phù hợp với con đường của Đức Chúa. Khi chúng ta sống trong lẽ phải, trong sự thật, trong nẻo chính đường ngay thì Chúa sẽ đến với chúng ta bằng chính lộ của Người.
Bài học
Có người lý luận thế này: Sở dĩ cuộc sống của tôi ổn định, phát triển về mọi mặt, bởi vì tôi đã sống công chính rồi. Vì thế Chúa mới ban cho tôi thành đạt, may mắn và hạnh phúc.
Ápraham Lincoln, một trong bốn vị tổng thống tài đức của nước Mỹ, giữa thế kỷ XIX có một quyết định thế này: “Tôi quyết định chọn ngày 30 tháng 04 năm 1863 để kêu gọi toàn bộ công dân nước Mỹ ăn chay, hãm mình và cầu nguyện, với lý do tạ ơn vì nước Mỹ đã nhận được biết bao nhiêu ân huệ từ Thiên Chúa”.
Trong lời mời gọi ăn chay hãm mình cầu nguyện ông nêu lý do:
“Chúng ta đừng mộng tưởng những thành công mà chúng ta đạt được là do công trạng, tài sức con người của chúng ta tạo nên. Trước một quốc gia phát triển về mọi phương diện như thế, không ai được phép gạt bỏ Thiên Chúa ra ngoài cuộc sống của chúng ta, để chỉ tôn vinh công trạng của loài người.
Chính Thiên Chúa đã sáng tạo nên con người và cũng chính Ngài đã ban cho chúng ta tất cả. Vì thế, cần phải khiêm tốn hạ mình trước Đấng Toàn Năng để xin Ngài tiếp tục yêu thương và tha thứ những lỗi lầm của đất nước chúng ta.
Khi chúng ta kiêu hãnh về sự phát triển của đất nước, cũng chính là lúc chúng ta xúc phạm đến Thiên Chúa vì thiếu sự khiêm tốn hạ mình trước Đấng Quyền Năng. Phải thành tâm nhìn nhận những thiếu sót hạn hẹp của mình để biết rằng chúng ta luôn cần đến sự yêu thương và tha thứ của Thiên Chúa.”
Đó cũng chính là lời nhắc nhở rất có giá trị cho tất cả mỗi người chúng ta. Nhiều lúc trong cuộc sống chúng ta dễ bị ngủ quên trong sự thành công, trong những gì chúng ta có, kể cả lòng đạo đức.
Chúng ta thường cậy sức mình mà quên đi sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi biến cố của cuộc đời. Vì thế chúng ta luôn cần một thái độ khiêm tốn để nhìn nhận ơn lành của Thiên Chúa ban. Khiêm tốn nhìn ra sự yếu đuối lầm lỗi, của con người để trở về với Thiên Chúa.
Khiêm tốn, từ bỏ những bất chính, tội lỗi của mình để thống hối ăn năn. Đó là cách thức hiệu quả nhất trong việc thực hiện lời mời gọi của thánh Gioan Tẩy giả hôm nay.
Xin cho tất cả chúng ta chuẩn bị tâm hồn thật xứng đáng để đón mừng ngày Chúa đến với mỗi người chúng ta trong ngày lễ Giáng sinh sắp tới.         

<

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét