27 thg 1, 2014

Ai bền đỗ đến cùng…

Deacon Tuấn, SVD
Chúa Giêsu đã tiên báo cho các tông đồ về những nghịch cảnh, những bách hại mà các ông sẽ gặp phải và Ngài cũng căn dặn các tông đồ rằng: khi đối diện với những nghịch cảnh, những bách hại đó thì đừng lo sợ, vì Thiên Chúa sẽ luôn ở cùng, Ngài sẽ dạy bảo cho biết phải làm gì, phải nói gì.

Và để đảm bảo cho sự kiên trung đó của các môn đệ, Chúa Giêsu khẳng định rằng: “Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét; nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ".
Lời tiên báo của Chúa Giêsu đã trở thành sự thật, trải qua dòng thời gian, hằng triệu các tín hữu đã đi vào dấu chân nhân chứng của các tông đồ. Tại quê hương Việt Nam chúng ta, từ cuối thế kỷ 16 đến  đầu thế kỷ 19 đã có hàng ngàn người đổ máu minh chứng cho đức tin.

Họ can đảm hy sinh mạng sống mình để làm chứng cho Tin Mừng. Trong số những con người hiên ngang đó có 117 vị đã được GH phong lên hàng hiển thánh (19.6,1988) do ĐTC Gioan Phaolo II.
Mừng kính 117 vị thánh tử đạo tại Việt Nam là dịp tốt để chúng ta nói lên lời tri ân các ngài, là cơ hội tốt để chúng ta suy ngẫm về cuộc đời và học hỏi tấm gương anh dũng hy sinh của các ngài. Sử sách có ghi lại rằng: Trong 117 vị thánh tử đạo tại Việt Nam có: 8 vị Gm; 50 vị Lm; 15 thầy giảng và 44 giáo dân thuộc đủ mọi thành phần xã hội.

Để uy hiếp các kitô-hữu và ép buộc các ngài bỏ đạo, các vua quan ngày xưa đã tìm đủ mọi cách để thuyết phục để dụ dỗ điển hình như  tại Nghệ An, ông quan tỉnh đã nói với người công giáo:

"Các ông thật dại dột để mình phải khổ sở. Làm sao chống lại được với lệnh vua? Đạo ở trong lòng chứ đâu có ở bên ngoài. Tạm chối đi, rồi hai ba tháng sau theo trở lại. Hãy xem thánh Phêrô đã chối đạo ba lần mà vẫn còn được cất nhắc lên cao".

Thuyết phục, dụ dỗ không được, họ áp đặt những cực hình man rợ và khủng khiếp để uy hiếp các ngài: bắt mang gông cùm nặng nề, nhốt trong ngục tối với rắn rết như trường hợp của nữ thánh Anê Lê Thị Thành, thiêu sống, thắt cổ, chém đầu, phanh thây, lăng trì (tức bị chặt tay, chặt chân trước rồi mới chém đầu sau).

Và khủng khiếp hơn cả là án bá đao như trường hợp của cha cố Du phải chịu: tới giờ hành hình, 5 tên lính.., xẻo từng miếng thịt theo tiếng trống, cho đủ trăm miếng rồi mới chém đầu, moi ruột gan.. Trong 117 vị tử đạo, 79 vị bị chặt đầu; 18 vị bị thắt cổ; 8 vị chết rũ tù; 6 vị bị thiêu sống; 4 bị lăng trì; 1 bị tử thương và 1 bị bá đao.

Chưa hết, các thánh Tử đạo Việt Nam năm xưa còn lãnh nhận cái chết bởi chính những con người mang danh ky-tô hữu. Họ đã tố giác anh em vì một chút bổng lộc. Họ đã bán đứng anh em vì cố chấp trong tội lỗi.
Như trường hợp thánh An-rê Kim Thông, ngài đã bị tố giác bởi chính người cháu tội lỗi, ngang ngược của mình. Thánh Phaolô Hạnh cũng thế. Ngài là một thanh niên nổi tiếng về sự quen biết những tay anh chị trong giới giang hồ tại chợ Quán.
Một lần, chứng kiến một phụ nữ bị đàn em bóc lột không thương tiếc. Thánh nhân đã ra tay can thiệp. Vì hành động nghĩa hiệp này, ngài đã bị họ tố cáo, bị bắt, bị cầm tù, sau cùng bị trảm quyết tại Chí Hoà ngày 28-5-1859.
Đứng trước những lời dụ dỗ, những tố giác giả tâm và những khổ hình man rợ đó, các bậc tiền nhân của chúng ta đã hiên ngang nêu cao lòng hiếu trung, đã kiên cường giữ vững đức tin trước mọi thử thách đau thương, mọi giông tố của cuộc đời. Các ngài đã dám đánh đổi điều cao quí nhất là mạng sống mình để làm chứng cho niềm tin vào Thiên Chúa mà các ngài tôn thờ.
Đến lược chúng ta ngày hôm nay, chúng ta thể hiện niềm tin của mình thế nào khi phải đối diện với những thách đố, những nghịch cảnh đã và đang diễn ra trong cuộc sống của chúng ta?
Vì vẫn còn đó những bách hại về niềm tin đang diễn ra đó đây trên đất nước chúng ta. Vẫn còn đó những tang thương do thiên tai bão lũ gây ra cụ thể như cơn bão số 12 với hậu quả nặng nề cho miền trung nước ta.
Gần hơn nữa, siêu bão Hải Yến gieo biết bao tang thương cho thành phố Tacloban – Philiphin, nơi mà hơn 90% là người công giáo. Và còn biết bao những nghịch cảnh đau thương, oan nghiệt khác mà chúng ta đã từng chứng kiến hay đã từng là người trong cuộc.
Là những người ngoài cuộc thì dễ rồi: thông cảm, chia sẻ, cầu nguyện cho họ. Còn nếu chúng ta là người trong cuộc thì quả thực là một thách đố lớn đối với niềm tin của chúng ta.
Hè vừa rồi tôi thực tập ở Quản Bình. Sau khi về lại Sài Gòn được 3 tuần thì bão số 12 càn quét Quản Bình. Tôi gọi điện để thăm hỏi cha sở cùng một vài anh chị em. Sau lời thăm hỏi của, câu trả lời là “Tan nát hết rồi thầy ơi!”, tôi nặn đầu để tìm một lời an ủi họ không ra, muốn kết thúc cuộc điện thoại cũng không biết nói lời gì để kết thúc mà có thể làm cho họ nhẹ lòng hơn.
Tôi cũng muốn lắm nói với họ rằng: thôi ông bà cứ vững tin vào Chúa, Chúa sẽ có cách. Con sẽ cầu nguyện nhiều cho giáo xứ cho gia đình ông bà… Nhưng lúc này có phải là lúc để nói những lời an ủi đạo đức này không? Họ có chấp nhận nỗi không?
Vì trước sự mất mát tan thương, quá sức chịu đựng đó, con người ta có thể gào lên “Chúa đâu rồi” kia mà! Thách đố của niềm tin trước những nghịch cảnh là thế.
Đến đây, tôi nhớ lại một câu nói hơi khó nghe, của một cha giáo nhưng nó lại là niềm hy vọng cho những ai tuyệt vọng. Cha nói rằng: “Khi chúng ta rơi xuống tận đấy của sự tuyệt vọng, thấy nhột nhột dưới mông, Giêsu đó”. Thiên Chúa xuống tận đáy tuyệt vọng của con người để nâng con người lên.
Thật may mắn cho người Kitô hữu chúng ta vì trong tuyệt vọng, chúng ta vẫn còn một điểm tựa vững chắc là chính Thiên Chúa. Giữa những đau thương, đắng cay của cuộc sống làm chứng nhân cho đức tin cho Tin Mừng, chúng ta vẫn có đó một lời hứa chắc chắn xuất phát từ môi miệng Đức Giêsu: “Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét; nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ".
Giáo Hội dạy rằng: các thánh ở trên trời hằng cầu thay nguyện giúp chúng ta trước toà Chúa. Vì thế chúng ta hãy chạy đến và cầu nguyện với các ngài mỗi ngày. Nhất là khi gặp gian nan thử thách.
Nhờ lời chuyển cầu của các ngài Chúa sẽ ban cho chúng ta được can đảm thắng vượt thử thách, được bền lòng giữ đức tin và sống đức tin cho đến cùng.

<

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét