27 thg 3, 2014

Ý NGHĨA ĐÍCH THỰC CỦA DẤU LẠ CHỮA LÀNH NGƯỜI MÙ TỪ THUỞ MỚI SINH (P.1)



Deacon Duy Thạch, SVD

Dẫn nhập

Tin Mừng thứ tư được chia thành 3 phần rõ rệt như ba cuốn sách. Thứ nhất là “Lời Tựa”(1,1-51); thứ hai, “Sách các dấu lạ” (2 – 12) [Tin Mừng thứ tư chỉ dùng “Dấu lạ” (sign), không dùng “phép lạ” (miracle)][i] và thứ ba là “Sách Giờ tôn vinh” (13 – 21). “Sách các dấu lạ” ghi lại tất cả 8 dấu lạ Đức Giê-su. Dấu lạ 1 ở Cana, nước hóa thành rượu; dấu lạ 2 ở Cana, chữa con trai một quan chức; dấu lạ 3, chữa người bệnh 38 năm; dấu lạ 4, bánh hóa nhiều; dấu lạ 5, Đức Giê-su đi trên biển; dấu lạ 6, chữa lành người mù từ thưở mới sinh; dấu lạ 7,  chết và sống của La-da-rô; dấu lạ 8, mẻ cá lạ lùng ở hồ Ti-bê-ri-a.[ii] 
Tất cả những dấu lạ do Đức Giê-su làm không phải là “dấu lạ vì dấu lạ” nhưng mỗi dấu lạ đều có một điều kiện là tin và một mục đích là dẫn đến đức tin. Dấu lạ “Chữa lành người mù từ thuở mới sinh” (9,1-41) là dấu lạ thứ 6 trong loạt 8 dấu lạ Đức Giê-su đã làm. Theo tác giả Rudolf Schnackenburg, dấu lạ này cùng với dấu lạ làm cho Anh La-za-rô sống lại (ch.11) đánh dấu đỉnh điểm công trình của Đức Giê-su qua những dấu chỉ.[iii] Như thế, hẳn đây là dấu lạ có ý nghĩa hết sức đặc biệt? Đức Giê-su đã chữa lành “người mù từ thuở mới sinh” như thế nào? đâu là thái độ của những người nghe biết về dấu lạ này? Dấu lạ này có ý nghĩa gì đối với “Anh mù”? Anh phải làm gì để được chữa lành hoàn toàn? Đó là những vấn nạn có thể tồn tại trong trình thuật về dấu lạ này và dự kiến sẽ được làm rõ sau khi nghiên cứu bản văn 9,1-41.

I.      LÝ GIẢI LÝ DO BỊ MÙ TỪ THUỞ MỚI SINH
Phần phân tích bản văn, cũng là phần chính của tiểu luận sẽ được khai triển thành 5 mục chính dựa trên cấu trúc đã được nói đến ở trên. Phần I sẽ là phần dẫn nhập của đoạn văn; dấu lạ chữa lành anh mù sẽ được phân tích trong phần II; các phần tiếp theo sẽ là các cuộc tranh biện xung quanh dấu lạ chữa lành anh mù; đặc biệt là việc “người được chữa lành” tuyên xưng niềm vào Đức Giê-su.
1.     Đức Giê-su  thấy Anh mù từ thuở mới sinh (9,1)
Đây là lần duy nhất người ta thấy lối diễn tả “đi ngang qua” trong Tin Mừng thứ tư dẫu rằng đó vốn là lối mở đầu rất thường thấy trong các Tin Mừng Nhất Lãm (Xc. Mc 1,16; 2,14; Mt 9,27; 20,30).[iv] Động từ “đi ngang qua” được chia ở hiện tại phân từ và thuộc mệnh đề phụ trong câu cho nên phải dịch là: “đi ngang qua, Người thấy một anh mù từ thuở mới sinh”.[v] Điều đó cho thấy rằng, hành động “đi ngang qua” chỉ là nền cho một hành động chính phía sau đó là hành động “thấy” hay “để ý đến”.  Việc đi qua chỉ là một hành động bình thường của một lộ trình thường ngày nhưng để mắt đến người khác, nhất là người đau khổ đã cho thấy một sự khác thường của lòng trắc ẩn. Có thể đã có nhiều người đi ngang qua đó nhưng chỉ có Đức Giê-su để ý và nhìn đến anh mù này.
Tình trạng mù của anh này cũng khá đặc biệt. Anh ta không phải mới mù, hay mù do tai nạn nhưng là “mù từ thuở mới sinh”. Đây cũng là lần duy nhất trong các sách Tin Mừng nói đến một tình trạng mù từ thuở mới sinh. Lối diễn tả này, theo tác giả J. Moloney, sẽ có ý nghĩa rất lớn về mặt thần học cho toàn câu chuyện. Điều diễn ra nơi quà tặng ánh sáng và đức tin cho người đàn ông này là một cuộc sáng tạo mới (“what happens in the gift of sight, light, and faith to the man is a new creation”). [vi]
2.     Câu hỏi của các môn đệ (9,2)
Tình trạng của anh mù gây cho các môn đệ một thắc mắc: “Thưa Rap-bi, ai đã phạm tội, anh ta hay mẹ anh ta, để anh ta sinh ra đã mù?”. Chủ từ “môn đệ” được dùng ở số nhiều cho thấy đây là mối quan tâm chung của các môn đệ. Câu hỏi này giả định rằng các môn đệ đã có quan điểm rằng tình trạng “mù từ thuở mới sinh” là hậu quả của sự việc ai đó đã phạm tội vì thế đại từ các môn đệ dùng để hỏi là “ai?”. Quan niệm của các môn đệ phản ánh quan điểm quen thuộc của người Do thái vẫn còn tồn tại cho đến thời của Đức Giê-su: bệnh tật hay rủi ro, bất hạnh nói chung là những trừng phạt do lỗi lầm cá nhân (Xc. G 4,7-8; 2Mcb 7,18), hoặc do lỗi lầm của cha mẹ giáng xuống trên con cái (Xc. Tb 3,3).
Qua mạc khải (Xc. St 3,16-19; Rm 5,12…), chúng ta biết rằng nguồn gốc của mọi nỗi bất hạnh làm cho con người đau khổ là tội lỗi – tội nguyên tổ và tôi riêng. Tuy vậy, điều này không có nghĩa rằng mọi bất hạnh và bệnh tật có nguyên nhân trực tiếp là tội, như thể là Chúa giáng hoạ hay cho phép sự dữ xảy ra khi người ta phạm bất cứ tội nào. Đau khổ, yếu tố thường thấy trong cuộc đời người công chính, có thể là nguồn mà Thiên Chúa gửi đến nhằm thanh tẩy họ khỏi mọi bất toàn, tôi luyện nhân đức của họ, và kết hợp với đau khổ của Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Độ, Đấng vô tội nhưng đã chịu khổ hình vì tội lỗi chúng ta. Thánh Giuse, Đức Mẹ và nhiều vị thánh cũng đã đi con đường khổ giá ấy.[vii]
Vậy, quan điểm của các môn đệ là có cơ sở và mang tính truyền thống. Tuy nhiên, không nhất thiết mọi sự dữ trên trần gian này đều do lỗi lầm cá nhân hay lỗi lầm người khác. Điều quan trọng hơn nằm ở ý nghĩa của những đau khổ đó mà Đức Giê-su đã cho các môn đệ biết qua câu trả lời của mình.
3.     Câu trả lời của Đức Giê-su (9,3)
Đức Giê-su không theo quan điểm nối kết sự bất hạnh và bệnh tật của anh mù với hậu quả của tội lỗi nhưng Người cho thấy một ý nghĩa lớn lao hơn của tình trạng “mù từ thuở mới sinh” ấy: “để công việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh ta” (9,3). Qua câu trả lời của mình, Đức Giê-su đã giúp các môn đệ định hướng lại lối suy nghĩ của mình thay vì quan tâm đến ai là người đã phạm tội “để anh ta sinh ra đã bị mù” thì nên để ý đến đâu là ý nghĩa của sự mù loà ấy cho cuộc đời anh ta. Các môn đệ hỏi về căn nguyên nhưng câu trả lời của Đức Giê-su lại mang ý nghĩa mục đích. Thánh Kinh nhiều lần nhắc đến những đau khổ thể xác như những sửa dạy vì lòng yêu thương của Chúa (Cn 3,11-12; Gđt 8,25-27; Hr 12,5-11). Nếu người bị bệnh chấp nhận đau khổ cách quảng đại thì họ sẽ được cuộc sống dài lâu và được Thiên Chúa thưởng công xứng đáng.
Tuy nhiên, đó dường như không phải là điều mà Đức Giê-su muốn nói ở đây hoặc trong Ga 11,4 ("Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh"). Đúng hơn, Đức Giê-su muốn đề cập đến công việc của Thiên Chúa nhằm tôn vinh danh Người. Một ví dụ điển hình cho ý tưởng này là lời Chúa nói cùng vua Pharaoh trong Xh 9,16 và cũng đã được  Rm 9,17 trích lại: “Nhưng sở dĩ Ta còn cho ngươi sống, là để ngươi nhìn thấy sức mạnh của Ta, và để thiên hạ loan truyền danh Ta trên khắp mặt đất”.[viii]
Cấu trúc không …và cũng không cho thấy Đức Giê-su phủ nhận cả hai căn nguyên mà các môn đệ đề xuất. Rõ ràng, Đức Giê-su đặt người bệnh trong tương quan với ý định quan phòng và kế hoạch của Thiên Chúa. Lối nhìn này rất tích cực và xem ra có ý nghĩa hơn cho người bệnh. Bệnh tật đã xảy ra với anh mù trong khoảng thời gian dài và việc biết căn nguyên căn bệnh ấy không phải là điều đáng quan tâm cho bằng làm thế nào để qua căn bệnh ấy “công việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh” (9,3b). Câu trả lời của Đức Giê-su hé lộ ý tưởng chính yếu của đoạn văn miêu tả dấu lạ chữa lành “anh mù từ thuở mới sinh” này.
4.     Bổn phận của “chúng ta”: “phải làm công việc Đấng đã sai Thầy” (9,4)
Ngay sau khi nói đến mục đích của việc tình trạng bị “mù từ thuở mới sinh” của anh mù là “để công việc Thiên Chúa được tỏ hiện” (9,3b), Đức Giê-su nói tiếp là “chúng ta phải làm công việc của Đấng đã sai Thầy” (9,4a). Trong đoạn 9,1-41 danh từ công việc được sử dụng 2 lần (được chỉ định rõ là công việc của Thiên Chúa, việc của Đấng đã sai Thầy, không lẫn lộn vào một công việc nào khác). Động từ “phải” (dei) được đặt trước động từ chính cho thấy tính khẩn thiết của hành động “làm công việc của Đấng đã sai Thầy” của Đức Giê-su và các môn đệ. Chủ từ ở ngôi thứ nhất số nhiều cho thấy nhiệm vụ ấy là của cả Đức Giê-su và các môn đệ. Câu 4 có cấu trúc đồng tâm như sau:
A.         Chủ thể: Chúng ta
B.         Hành vi: phải làm công việc của Đấng đã sai Thầy
C.         Thời gian: khi còn là ngày
C’. Thời gian: đêm đến
B’. Hành vi: không thể làm việc
A’. Chủ thể: Không ai

Nhìn vào cấu trúc có thể thấy rất rõ các chi tiết đối lập nhau. Theo lẽ thường, người ta làm việc vào thời gian ban ngày còn ban đêm thì không làm việc nữa. Tuy nhiên, thuật ngữ chỉ thời gian “ngày” và “đêm” được dùng trong câu này có thể được hiểu theo một nghĩa sâu xa hơn như có một nhà chú giải đã lý giải: “Ngày” ám chỉ cuộc đời Đức Giê-su trên trái đất. Y tưởng này nối kết với ý tưởng của câu 5a: “bao lâu Thầy còn ở trong thế gian” xem ra hợp lý. Đó là khoảng thời gian Đức Giê-su khẩn cấp thi hành ý muốn của Cha Người cho đến khi “đêm đến”, ám chỉ đến cái chết của Người. Thuật ngữ “đêm” ở đây cũng có thể được hiểu rộng ra như là ngày tận cùng của thế giới. Ơn cứu độ của Đức Giê-su phải được Giáo hội tiếp tục mang đến cho ngày tận thế.[ix]
5.     Đức Giê-su “là ánh sáng thế gian (9,5)
Đến đây, Đức Giê-su không chỉ trả lời cho thắc mắc của các môn đệ nhưng đã đi xa hơn khi tuyên bố Người là “ánh sáng thế gian” (c.5). “Anh sáng” là chủ đề rất nổi bật trong Tin Mừng thứ tư.  Danh t “ánh sáng” xuất hiện 23 lần và có hai nghĩa: nghĩa đen và nghĩa thần học. Nghĩa thần học xuất hiện trong kiểu nói “thấy ánh sáng của thế gian này” (11,9) và “không có ánh sáng nơi mình” (11,10). Đặc biệt có đến 3 lần Đức Giê-su tuyên bố Người là “ánh sáng”[(2 lần “Thầy là ánh sáng thế gian” (8,12; 9,5) và 1 lần “Tôi là ánh sáng đến trong thế gian” (12,46)].[x]
Thuật ngữ “thế gian” cũng được dùng với khá nhiều lần trong Tin Mừng thứ tư (ít nhất là 71 lần) với nhiều sắc thái ý nghĩa không giống nhau. Theo tác giả Lê Minh Thông hạn từ thế gian có ít nhất bốn nghĩa khác nhau: “thế gian-vũ trụ”, “thế gian-nhân loại”, “thế gian-chưa tin”,  và “thế gian-thù ghét”.[xi] Hạn từ “thế gian” trong kiểu nói “Thầy ở trong thế gian” có thể được hiểu là “thế gian-nhân loại” như cách hiểu ở 17,3:“Nhưng bây giờ con đến cùng Cha và Con nói những điều này trong thế gian”.[xii] Tuy nhiên, “thế gian” trong kiểu nói “Thầy là ánh sáng thế gian” ở đây hay ở 8,12 có thể được hiểu theo nghĩa “thế gian-nhân loại” bởi lẽ nơi đây Đức Giê-su nhắm đến mục đích làm ánh sáng cho toàn thể nhân loại không trừ một ai.
Trong bối cảnh của chương 9 lời tuyên bố “Thầy là ánh sáng thế gian” là một tiền đề hết sức quan trọng cho câu chuyện tiếp sau đó: dấu lạ chữa lành “người mù từ thuở mới sinh”. Tiền đề này báo trước Người sẽ mang lại ánh sáng cho anh mù.
II.    HAI GIAI ĐOẠN TRONG TIẾN TRÌNH CHỮA BỆNH NGƯỜI MÙ (9,6-7)
Trình thuật dấu lạ này gồm có hai nhân vật Đức Giê-su và Anh mù. Đức Giê-su chủ động còn Anh mù cộng tác. Tiến trình chữa lành này bao gồm hai giai đoạn: (1) Hành động của Đức Giê-su trên mắt Anh mù; (2) Anh mù đi rửa ở hồ Si-lô-am.
1.     GIAI ĐOẠN I: CHỮA LÀNH BỆNH MÙ VỀ THỂ LÝ
1.1  Đức Giê-su Xức Bùn Vào Mắt Anh Mù (9,6)
Hành động của Đức Giê-su khá cầu kỳ trong dấu lạ này. Người nhổ nước bọt xuống đất, làm thành bùn từ nước miếng và xức bùn vào mắt anh ta, rồi sai anh ta đi rửa. Tin Mừng Mác-cô có ghi lại hai lần Đức Giê-su dùng nước miếng để chữa bệnh (Mc 7,33; 8,23), còn việc làm thành bùn để chữa bệnh thì chỉ có tác giả Tin Mừng này nói đến và một lần duy nhất.
Câu giải thích mà tác giả để trong ngoặc đơn (điều được dịch là người được sai phái) khá đặc biệt. Nhiều tác giả lý giải rằng “người được sai phái” này chính là ám chỉ đến danh hiệu mà tác giả Tin Mừng thứ tư dùng cho Đức Giê-su. Tác giả Raymond E. Brown nói như sau: người mù, đã rửa trong nước hồ Si-lô-am (danh xưng được dịch thành “người được sai phái”, tước hiệu của Gioan dành cho Đức Giê-su) minh họa cho người được khai sáng trong cuộc gặp đầu tiên, nhưng thực sự tiến tới khám phá ra Đức Giê-su thực sự là ai sau đó – sau khi trải qua những thửa thách và bị trục xuất khỏi hội đường.[xiii] Tác giả Diannane Bergant & Robert J. Karris cũng nói rằng: người được sai phái là tên hiệu thật sự dành cho Đức Giê-su trong Tin Mừng thứ tư.[xiv] Cùng quan điểm ấy, tác giả của “The Navarre Bible” cũng lý giải: thánh Gioan, dùng nguyên ngữ của từ “Si-lô-am” rộng hơn, người là “người được Cha sai phái”.[xv]
Như vậy, câu ghi chú của tác giả về ý nghĩa của hồ Si-lô-am được đặt trong ngoặc đơn có một ý nghĩa ẩn dụ rất đặc biệt trong dấu lạ này.
1.2  Đi Rửa Ở Hồ Silôam (9,7)
Từ đầu đến giờ Đức Giê-su hoàn toàn chủ động và bây giờ Người mời gọi Anh mù cộng tác bằng cách đáp lại lời mời gọi của Người “đi rửa ở hồ Si-lô-am”. Hành động đáp lại của Anh được mô tả trong một câu ngắn gọn nhưng rất cầu kỳ bởi vì tác giả sử dụng đến bốn động từ. Trong đó, có đến 3 động từ chính chia ở thì aorist [đã đi; đã rửa; đã đến] và một động từ phụ ở dạng hiện tại phân từ [nhìn thấy]. Dấu hiệu về mặt cú pháp của bản văn cho thấy dường như theo dụng ý của tác giả, hành động “nhìn thấy” chỉ là một hành động thứ yếu trong toàn bộ tiến trình này của Anh và của toàn dấu lạ chữa lành. Các hành động “đi”, “rửa” và “đến” quan trọng hơn nhiều vì cả ba động từ này đều được chia, tương đương với 3 hành động mà Đức Giê-su làm trước đó: “nhổ xuống”, “làm thành bùn với nước miếng”, và “xức”.
Dấu lạ chữa lành chỉ được mô tả trong hai câu vắn vỏi nhưng nó cho thấy cái khung của toàn bộ công trình của Thiên Chúa mà Đức Giê-su “phải” thực hiện khi “còn là ngày”. Như đã đề cập phía trên, tiến trình chữa lành gồm hai giai đoạn cũng chỉ là tiền cảnh, là nền cho một tiến trình chữa lành căn bệnh mù loà về đức tin của Anh mù.


[ii] Phân chia này lấy lại trong Lê Minh Thông, Bản văn Gio-an, Tin Mừng và Ba Thư Hy lạp – Việt (Hà Nội: Tôn Giáo, 2011), tr. 34-38.
[iii] Xc. Rudolf Schnackenburg, Bản Việt Ngữ Đức Giê-su trong Các Sách Tin Mừng Ki-tô học Kinh Thánh, (nguyên tác Jesus in the Gospel: A Biblical Christology, Lousisville: 2005, Nguyễn Luật Khoa và Phạm Thị Huy chuyển ngữ), tr. 263.
[iv] Xc. Raymond E.Brown, The Gospel According to John I-XII (New York: Doubleday, 1966), p. 371.
[v] Xc. Lê Minh Thông, sđd., tr.148.
[vi] Xc. Francis J. Moloney, sđd., p.296.
[vii] Xc. The Navarra Bibble: Gospel & Acts, Revised Standard Version with a Commentary by members of the Facculty of Theology of the University of Navarre (Dublin: Scepter Publishers, 2000), p.618.
[viii] Xc. Raymond E.Brown, sđd., p.371.
[ix] Xc. The Navarre Bible, sđd., p.618.
[x] Xc. Lê Minh Thông, Yêu và Ghét trong Tin Mừng Gio-an, phần II (TpHCM: TTHVĐM, 2009), tr.52-53.
[xi] Xc. Lê Minh Thông, Yêu và Ghét trong Tin Mừng Gio-an, phần I (TpHCM: THVĐM, 2009), tr.78.
[xii] Xc. Ibid., tr.82.
[xiii] “the blind man, having washed in the waters of Siloam (the name is interpreted as “the one sent”, a Johannine designation for Jesus), exemplifies one who is englightened on the first encounter, but comes to see who Jesus really is only later – after undergoing trials and being cast out of the synagogue.”[Xc. Raymond E. Brown, An Introduction to the New Testament (New York: Doubleday, 1996), p.348].
[xiv] “sent is veritable nickname for Jesus in the fourth gospel” [Xc. Diannane Bergant & Robert J. Karris, The Collegeville Bible Commentary (Minnesota: Liturgy Press, 1992), p.997].
[xv] “Saint John, using the broader etymology of word ‘Siloam’, who is the “Sent One” by the Father (Xc. The Navvarre Bibile, Gospels and Acts, p. 619).

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét