27 thg 3, 2014

Ý NGHĨA ĐÍCH THỰC CỦA DẤU LẠ CHỮA LÀNH NGƯỜI MÙ TỪ THUỞ MỚI SINH (P.2)



2.     GIAI ĐOẠN II: CHỮA LÀNH BỆNH MÙ ĐỨC TIN
Toàn thể tiến trình làm cho Anh mù sáng mắt có thể được coi như giai đoạn một của tiến trình gồm hai giai đoạn chữa lành nội tâm Anh mù. Giai đoạn hai là toàn bộ quá trình anh mù đối đáp với các nhóm người khác nhau, từ những người láng giềng bình dân cho đến giáo quyền Do thái, rồi cả những người Pha-ri-sêu, để lãnh lấy hậu quả bị trục xuất, sau đó gặp lại Đức Giê-su để tuyên xưng đức tin vào Người. Giai đoạn này ứng với hành động “đi, rửa ở hồ Si-lô-am, trở về” của “Anh mù đã sáng mắt”.
Giai đoạn 2 anh mù sẽ đi qua các cuộc chất vấn về những cảm nghiệm của mình về Đức Giê-su, để rồi từng bước nhận ra và tuyên xưng niềm tin vào Người.
Các nhóm người tranh luận cùng “Anh mù đã sáng mắt”[i] được thay đổi theo khuynh hướng từ ít quyền lực cho đến nhiều quyền lực hơn; Từ các nhóm đơn lẻ cho đến tập thể; từ nhẹ nhàng cho đến gay gắt. Đối lại, xác tín của Anh về Đức Giê-su ngày càng rõ ràng và mạnh mẽ hơn. Hậu quả anh phải chịu cũng tiến triển từ thắc mắc, đến khiển trách, và đến “trục xuất”.

2.1  “Anh mù đã sáng mắt” với nhiều nhóm người (9,8-12)
Có ít nhất bốn nhóm người đã băn khoăn, bàn luận với nhau về “Anh mù đã sáng mắt”. “Những người láng giềng” và “những người thấy anh ta trước kia là người ăn xin” đều thắc mắc cùng một câu hỏi: “Anh ta không phải là người vẫn ngồi ăn xin sao?” (9,8). “Những người khác” nói rằng: “Chính anh ta”(9,9a). Nhưng “những người khác nữa” lại nói: “không phải đâu, nhưng là một người giống anh ta” (9,9b). Trước những bàn luận ấy anh ta khẳng định: “Chính tôi đây” (9,9c). Trong trường hợp này thuật ngữ “eigo eimi’ chỉ được dùng theo nghĩa thông thường chứ không phải là công thức diễn tả sự thần linh siêu việt. Câu trả lời này đã đánh tan mọi thắc mắc về của những nhóm này về thân phận của Anh. Tuy nhiên, nó lại dẫn họ đến một thắc mắc khác: “Làm sao mắt anh được mở ra”? Động từ “mở ra” được dùng ở thể bị động, lối trình bày, thì aorist diễn tả đôi mắt đã được mở do một tác nhân khác chứ chúng vốn không tự mở. Anh đã tường thuật lại toàn bộ câu chuyện. Còn về người đã làm nên dấu lạ ấy Anh chỉ nhắc đến một cách khá giản đơn: “Người đó tên là Giê-su” (9,11). Khi họ hỏi thêm về nơi ở của Đức Giê-su, Anh trả lời: “Tôi không biết” (9,12).
Thật ra, đây chưa phải là một cuộc tranh luận. Có thể nói đây đơn thuần chỉ là một sự thảo luận để xác định thân phận của “Anh mù đã sáng mắt”; nhằm biết bằng cách nào mắt anh đã mở ra và để biết Đấng chữa lành cho anh ở đâu. Các nhóm này thuộc trong số những người láng giềng, hoặc dân thường nên  thoạt tiên những thắc mắc của họ cũng chỉ là những tò mò, ngạc nhiên và quan tâm mà thôi. Tuy nhiên, khi họ quyết định dẫn Anh đến với những người Pha-ri-sêu thì sự việc đã vượt ra khỏi những tò mò bình thường. Họ muốn có sự thẩm định từ giới lãnh đạo của họ. Như vậy, Từ một người “ngồi ăn xin” không đáng để ý, “Anh mù đã sáng mắt” trở thành trung tâm chú ý của nhiều nhóm người. Các nhóm này đã bắt đầu chú ý đến Đức Giê-su khi họ tìm hiểu: “Ông ấy ở đâu?”
2.2  “Anh mù đã sáng mắt” với những người Pha-ri-sêu (9,13-17)
Cuộc tranh luận chính thức được bắt đầu khi Anh được dẫn đến với những người Pha-ri-sêu. Đây là nhóm người có thế giá và được dân chúng kính trọng vào thời bấy giờ vì chính đời sống đạo đức của họ. Hầu như mọi kinh sư đều là Pha-ri-sêu.[ii]
Trước khi nhóm Pha-ri-sêu đặt câu hỏi tác giả đã đưa vào một thông tin khá quan trọng và có thể nó là trọng tâm của cuộc tranh luận giữa nhứng người Pha-ri-sêu và “Anh mù đã sáng mắt”: “Nhưng là trong ngày Sa-bát, Đức Giê-su đã làm ra bùn và đã mở mắt cho anh ta” (9,14). Trước đó, trong câu chuyện chữa lành người bại liệt (5,1-18), Đức Giê-su đã bị những người Do thái bách hại vì Người chữa bệnh trong ngày sa-bát (5,16), thậm chí tìm Người để giết (5,18).
Câu hỏi của những người Pha-ri-sêu được tác giả tường thuật lại. Động từ hỏi được chia ở thì imperfect diễn tả một hành động vẫn tiếp tục. Sau khi nghe Anh nói rằng Đức Giê-su đã “thoa bùn vào mắt” Anh, một số người Pha-ri-sêu đã kết luận: “Ong ta không phải là người đến từ Thiên Chúa vì Ong ta không giữ ngày sa-bát” (9,16a). R.E. Brown lý giải lý do mà những người Pha-ri-sêu đưa ra như sau. Thứ nhất, Đức Giê-su có thể đợi đến ngày hôm sau chữa cũng được vì tính mạng Anh mù cũng không đến nổi nguy cấp. Thứ hai, trong số 39 công việc bị cấm trong ngày sa-bát có công việc nhào (bột, bùn), Đức Giê-su đã trộn đất với nước miếng để làm thành bùn. Thứ ba, theo truyền thống Do thái muộn thời hơn có một ý kiến cho rằng không được phép xức (dầu) trên mắt trong ngày sa-bát.[iii]
Nhưng vấn đề là không phải tất cả những người trong nhóm Pha-ri-sêu đều đồng lòng với nhau vì nếu Đức Giê-su là người tội lỗi thì không thể làm được dấu lạ như thế (9,16c). Từ “dấu lạ” ở đây được chia ở số nhiều “các dấu lạ”,cho thấy rằng họ liên tưởng đến dấu lạ ở chương 5 (chữa người bại liệt ở hồ Bết-đa-tha). Sự gợi nhớ này cùng với sự không chấp nhận Đức Giê-su đến “từ Thiên Chúa” chứng tỏ rằng họ đã từ chối giáo huấn của Đức Giê-su trong bài giảng hai phần (5,19-47). [iv]
Một số người trong nhóm Pha-ri-sêu không nghĩ rằng Đức Giê-su đến từ Thiên Chúa. Còn chính Anh mù đã được sáng mắt thì sao? Không giống như lần trước (chỉ nói rằng một người tên là Giê-su), Anh đã cho thấy sự tiến triển trên con đường nhận biết Đức Giê-su qua lời tuyên xưng: “Người ấy là một ngôn sứ” (9,17).
Như vậy cuộc tranh luận thứ nhất kết thúc với 3 suy nghĩ trái ngược nhau: Những người Pha-ri-sêu chia rẽ thành hai nhóm: một nhóm khẳng định Đức Giê-su không đến từ Thiên Chúa; một nhóm tỏ ra hoài nghi “một người tội lỗi làm sao làm được những dấu lạ như thế?”, còn Anh mù thì quả quyết “Người ấy là một ngôn sứ”. Trong Cựu Ước chỉ có hai ngôn sứ làm dấu lạ cứu chữa đáng kể là Ê-li-a và Ê-li-sha. Có lẽ tương tự như cách Ê-li-sha bảo ông Na-a-man rửa ở sông Gio-đan. Tất cả chỉ để nói lên rằng “Anh mù đã sáng mắt” tin rằng Đức Giê-su có quyền năng thần linh.[v]
2.3  Cha mẹ “Anh mù đã sáng mắt” với “những người Do Thái” (9,18-23)
Tiếp theo là một cuộc tranh luận khác giữa hai nhóm người khác: cha mẹ “Anh mù đã sáng mắt” và “những người Do thái”. “Những người Do thái” trong Tin Mừng thứ tư là một nhóm nhân vật khá đặc biệt và rất khó để xác định cụ thể nhóm này là ai. Theo tác giả J. Moloney, nhóm này không đại diện cho người Do thái. Mâu thuẫn giữa Đức Giê-su và “những người Do thái”  phản ánh một cuộc tranh luận về Ki-tô học cuối thế kỷ thứ nhất hơn là cuộc chạm trán giữa Đức Ki-tô và đồng bào Ít-ra-en vào những năm 30 của thế kỷ này.[vi] Có lẽ chính vì thế mà bản dịch đại kết (TOB) thì chọn cách dịch “những người Do thái” ở đây có nghĩa là giáo quyền Do thái (les autorités juives).[vii]
Những người Do thái “không tin về anh ta là người mù mà đã nhìn thấy” (9,18) và họ đã chất vấn cha mẹ của Anh nhiều câu hỏi nhưng cha mẹ Anh chỉ trả lời một câu duy nhất. Ong bà chỉ xác nhận: “Chúng tôi biết nó là con chúng tôi, và nó mù từ khi mới sinh” (1,20). Các câu hỏi còn lại ông bà đều trả lời là không biết. Người thuật chuyện giải thích sở dĩ cha mẹ “Anh mù đã được sáng mắt” nói không biết vì “sợ những người Do thái. Thật vậy, những người Do thái đã quyết định: nếu kẻ nào tuyên xưng ông ta là Đấng Ki-tô sẽ trở thành người bị khai trừ khỏi hội đường” (9,22). Sau đó, người thuật chuyện lại nhấn mạnh lại một lần nữa: “vì điều này cha mẹ anh ta đã nói rằng: ‘nó đã khôn lớn, các ông hãy hỏi nó’”(9,23).
Cụm từ “người bị trục xuất khỏi hội đường” (aposunagogos) là cụm từ rất đặc biệt và chỉ có trong Tin Mừng thứ tư (hapax johannique). Từ này chỉ xuất hiện 3 lần (9,22; 12,42; 16,2). Từ này cũng không tìm thấy trong văn chương Hy-lạp thời đó. Cách dùng từ aposunagogos trong Tin Mừng thứ tư có những đặc điểm riêng. Nó nói đến một biện pháp trừng phạt mà giới lãnh đạo Do thái áp dụng cho những ai tuyên xưng niềm tin vào Đức Giê-su. Theo mạch văn, thì những người có khả năng trục xuất cha mẹ “Anh mù đã sáng mắt” ra khỏi hội đường là “những người Do thái” (9,22). Tuy nhiên, theo tác giả Lê Minh Thông, những người có quyền áp dụng biện pháp aposunagogos thuộc cả hai nhóm Pha-ri-sêu và và “những người Do thái” vì dường như không có sự phân biệt giữa hai nhóm trong chương này. Đại từ “họ” trong 9,24 vừa chỉ “những người Do thái” vì theo mạch văn họ vừa trao đồi với anh mù trước đó (9,18-23), vừa chỉ “những người Pha-ri-sêu” vì 9,24 cho biết: “họ gọi anh ta lần thứ hai” (lần thứ nhất ở 9,13-17). Nạn nhân trực tiếp của nỗi sợ bị trở thành “kẻ bị trục xuất khỏi hội đường” là cha mẹ “Anh mù đã sáng mắt”. Tuy nhiên, liên kết với 16,2: các môn đệ sẽ trở thành “những người bị khai trừ khỏi hội đường”, cho phép kết luận đó là tình trạng chung của cộng đoàn những người tin vào Đức Giê-su thế kỷ thứ I.[viii]
Cuộc tranh luận giữa cha mẹ “Anh mù đã sáng mắt” và “những người Do thái” khép lại với một thực trạng chung của cộng đoàn người tin vào cuối thế kỷ thứ nhất: không dám tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô vì sợ bị trở thành “người bị trục xuất khỏi hội đường”.
2.4  “Anh mù đã sáng mắt” với “Họ” (9,24-34)
       Như đã nói ở trên, đại từ “Họ” trong 9,24: “Vậy họ gọi người ấy lần thứ hai” thay thế cho cả hai nhóm: “những người Pha-ri-sêu” và “những người Do thái”. Đây là cuộc tranh luận dài nhất (10 câu) và gay cấn nhất dẫn đến việc anh mù bị “Họ” “trục xuất”.
Câu nói “Nó đã khôn lớn, các ông hãy hỏi nó” (9,23) của cha mẹ làm cho “Họ” hướng mủi dùi vào một mục tiêu duy nhất. Từ đây, một mình anh mù đương đầu với những chất vấn của “Họ”.
Cuộc tranh luận bắt đầu lại với câu nói “anh hãy tôn vinh Thiên Chúa”. Khi được sử dụng trong các cuộc điều tra, câu này có ý rằng “hãy nói sự thật trước sự hiện diện và nhân danh Chúa”. Trong Cựu Ước, ông Giô-suê chất vấn Akhan về tội đã làm hại cho dân Ít-ra-en rằng: "Này ngươi, hãy tôn vinh Đức Chúa, Thiên Chúa của Ít-ra-en, và hãy suy tôn Người! Hãy thú thật với ta những gì ngươi đã làm, đừng giấu giếm gì cả." (Gs 7,19). Điều này cho thấy “Họ” vẫn tiếp tục nghi ngờ về dấu lạ mà “Anh mù đã sáng mắt” kể và khẳng định rằng Đức Giê-su là người tội lỗi vì Người vi phạm luật sa-bát. Họ gây áp lực lên “Anh mù đã sáng mắt” để mong anh chối từ việc Đức Giê-su đã chữa cho anh. Câu này cò thể diễn ý ra như sau: anh hãy nói sự thật trước sự hiện diện và nhân danh Thiên Chúa đi, chúng tôi biết rằng ông ấy là người tội lỗi, ông ấy không thể làm dấu lạ đâu. Tuy nhiên, “Anh mù đã sáng mắt” vẫn tiếp tục giữ vững lập trường của mình: “là người mù nhưng bây giờ tôi thấy được” (9,25c).
 Câu trả lời của Anh làm cho “Họ” dường như trở lại câu hỏi lúc đầu (9,15) nhưng một cách chi tiết hơn, cụ thể hơn. ở 9,15, nhóm Pha-ri-sêu chỉ muốn biết “làm sao anh nhìn thấy được” thì ở đây “Họ” lại hỏi “ông ấy đã làm gì cho anh? Ông ấy đã mở mắt cho anh thế nào?” (9,26). Những câu hỏi này làm cho Anh dường như mất kiên nhẫn và biểu lộ bằng một giọng điệu mĩa mai: “tôi đã nói.. các ông đã không nghe…tại sao lại muốn nghe thêm một lần nữa?” (9,27). Câu nói của “Anh mù đã sáng mắt” diễn tả một tâm trạng mâu thuẫn nào đó của “Họ”. “Họ” đã không nghe nhưng lại muốn “nghe thêm một lần nữa”. Lẽ ra, sẽ hợp lý hơn nếu “Anh mù đã sáng mắt” nói: tôi đã nói và các ông đã không nghe, tại sao lại bắt tôi nói thêm một lần nữa? bởi vì “Họ” đã chưa từng nghe thì sao lại bảo là “nghe lại một lần nữa” (pa,lin qe,lete avkou,ein)? Phải chăng Anh muốn ngụ ý rằng: “Họ” đã không muốn chấp nhận rằng Đức Giê-su đã chữa lành Anh nhưng lại cũng rất muốn nghe Anh kể về dấu lạ ấy? muốn nghe kể về việc làm của ai đó có thể là muốn trở thành môn đệ của người đó?
Câu hỏi bâng quơ của “Anh mù đã sáng mắt” đã làm cho “Họ” khó chịu và mắc nhiếc Anh khiến cho cuộc tranh luận càng trở nên gay gắt hơn. Cuộc tranh luận giờ đây không còn là “dấu lạ đã diễn thế nào” nhưng tập trung vào nguồn gốc của Đức Giê-su.
“Họ” khẳng định rằng họ là “môn đệ của ông Mô-sê” (9,28) và Thiên Chúa “đã nói với ông Mô-sê” (9,29a) còn Đức Giê-su thì “Họ” không biết từ đâu đến (9,29b). Theo tác giả R.E. Brown thì khẳng định Thiên Chúa nói qua ông Mô-sê được căn cứ trên Xh 33,11: “Đức Chúa đàm đạo với ông Mô-sê, mặt giáp mặt, như hai người bạn với nhau”. Trước đó, trong chương 7 những người Giê-ru-sa-lem đã nghĩ rằng họ biết Đức Giê-su từ đâu đến, ý nói là Ga-li-lê và họ cũng nói thêm “còn Đấng Ki-tô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả” (7,41). Điều này ngụ ý rằng họ không nghĩ Đức Giê-su là Đấng Ki-tô. Trong chương 8, khi tranh luận với những người Pha-ri-sêu, Đức Giê-su cũng đã nói rằng: "Tôi có làm chứng cho chính mình đi nữa, thì lời chứng của tôi vẫn là chứng thật, bởi vì tôi biết tôi từ đâu tới và đi đâu. Còn các ông, các ông không biết tôi từ đâu tới và đi đâu” (8,14). Đức Giê-su ngụ ý rằng Người đến từ bên trên và từ Cha, điều “Họ” không biết chính là nguồn gốc “từ trời” của Người.[ix]
Cho đến lúc này, “Họ” đã ba lần chối từ nguồn gốc thần linh của Đức Giê-su (9,16.24.29). “Anh mù đã sáng mắt” cũng đã hai lần khiêm tốn nhìn nhận rằng mình không biết: “tôi không biết” (9,16) "Ông ấy có phải là người tội lỗi hay không, tôi không biết” (9,25). Và sau này khi gặp lại Đức Giê-su anh cũng tỏ ra ngu ngơ như vậy: "Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin?" (9,36). Điều đó chứng tỏ rằng “Anh mù đã sáng mắt” cũng chưa hiểu rõ về Đức Giê-su nhưng rõ ràng Anh có một kinh nghiệm hết sức quý báu để không chối từ Người: “Ong ấy đã mở mắt tôi” (9,30). Chính kinh nghiệm ấy đã giúp anh luôn đứng trong tư thế khác với “Họ” - tư thế của người luôn suy nghĩ, tìm hiểu về nguồn gốc của Đức Giê-su.

Trong cuộc tranh luận này dường như tồn tại “hai sự hiểu biết” mâu thuẫn với nhau. Đối lại với “chúng tôi biết” của “Họ” (9,24) là “chúng ta biết” (9,31) của “Anh mù đã sáng mắt” và của cộng đoàn người tin. “Họ” khẳng định: “chúng tôi biết rằng ông ấy là người tội lỗi” (9,31) và “chúng tôi biết Thiên Chúa đã nói với ông Mô-sê” (9,29). “Anh mù đã sáng mắt” khẳng định: “Chúng ta biết rằng Thiên Chúa không lắng nghe người tội lỗi” mà chỉ lắng nghe “ai kính sợ Người và làm theo ý Người” (9,31).
Lý luận của “Họ”: “Ông ấy không giữ ngày sa-bát” ð “Ông ấy là người tội lỗi” ð “Thiên Chúa nói với ông Mô-sê” ð “Chúng tôi không biết Ông ta từ đâu đến” ð Ông ta không đến từ Thiên Chúa. Lý chứng của “Anh mù đã sáng mắt”: “Ông ấy đã mở mắt tôi”- dấu lạ chưa từng nghe nói ð “Thiên Chúa không lắng nghe những kẻ tội lỗi” ð “nếu Ông ấy không đến từ Thiên Chúa, Ông ấy đã không làm được điều gì” ð Ông ấy đến từ Thiên Chúa.[x]
Anh mù trong tư thế người cảm nghiệm được những gì Đức Giê-su đã làm cho mình đã tỏ ra là người hiểu biết về Đức Giê-su hơn “Họ” (những người Do thái và những người Pha-ri-sêu). Anh có vẻ mĩa mai “Họ” khi họ thừa nhận rằng “Họ” không biết Đức Giê-su từ đâu đến: “điều này kể cũng lạ, các Ong không biết Ong ấy từ đâu đến mà Ong ấy đã mở mắt tôi” (9,30). Việc họ là những bậc thầy trong dân không biết “Đức Giê-su từ đâu đến” trong khi “Anh mù đã sáng mắt” lại biết Đức Giê-su đã mở mắt cho mình quả là một chuyện lạ.
Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn phù hợp với diễn tiến của câu chuyện. Khởi đầu “những người Do thái” đã nhận Đức Giê-su “không phải là người đến từ Thiên Chúa” (9,16a). Sự phủ nhận này đã được “Họ” cũng cố  (9,24: “Ong ấy là người tội lỗi”) và bảo vệ (9,29: “chúng tôi không biết Ong ta từ đâu đến”). Còn “Anh mù đã sáng mắt” thì đi theo chiều hướng ngược lại. Anh từng bước khám phá nguồn gốc Đức Giê-su. Từ một hiểu biết đơn sơ: “một người tên là Giê-su” (9,11), Anh tiến lên bước nữa: “Người ấy là một ngôn sứ” (9,17c), và đi đến kết luận ngược hẳn với “Họ”: ông ấy phải đến từ Thiên Chúa (9,33). Hay nói khác đi Anh đã nhìn nhận Đức Giê-su chính là Đấng Chúa Cha sai đến. Trước đó, Đức Giê-su đã rất nhiều lần mạc khải cho các lãnh đạo Do thái rằng Người là “Đấng được Cha sai đến”[xi] nhưng “Họ” vẫn không chịu tin.
Lập luận của “Anh mù đã sáng mắt” thật khôn ngoan và chặt chẽ khiến “Họ” cảm thấy dường như Anh hiểu biết hơn họ và đang dạy họ về “nguồn gốc của Đức Giê-su”, điều mà “Họ” không hề biết. “Họ” đáp trả bằng cách kết án “Toàn thân anh sinh ra trong tội” (9,34). Đây là điều mà các môn đệ đã giả định lúc ban đầu và đã hỏi Đức Giê-su “ai đã phạm tội, anh ta hay cha mẹ anh ta?” (9,2) và Đức Giê-su đã cho biết là không phải do tội của ai cả. Khi không thể thắng bằng lý luận thì đương nhiên quyền lực được sử dụng. “Họ” dùng quyền để “trục xuất” Anh. Đó là cái giá Anh phải trả cho việc bày tỏ quan điểm về nguồn gốc của Đức Giê-su. Trong ch.9 động từ “trục xuất” xuất hiện hai lần. Trong bối cảnh chương này, dưới ánh sáng của lời ghi chú của tác giả ở (9,22): cha mẹ anh mù sợ bị trở thành “những người bị trục xuất khỏi hội đường”, chúng ta có thể hiểu “Họ” trục xuất Anh ra khỏi hội đường.
Giai đoạn thứ hai “đi, rửa ở hồ Si-lô-am (người được sai phái), trở về” của “Anh mù đã sáng mắt” đã tiến triển đáng kể đánh dấu bằng việc Anh nhận ra “Đức Giê-su đến từ Thiên Chúa” và đồng thời Anh cũng phải trả giả bằng việc “bị trục xuất”. Tuy nhiên tiến trình được chữa lành về mặt tâm linh của Anh chưa đến hồi kết. Anh vẫn phải tiếp tục chặng cuối của tiến trình “rửa trong hồ Si-lô-am” nữa.


[i] Từ đoạn này về sau xin được dùng  danh xưng “Anh mù đã sáng mắt” thay cho danh xưng Anh mù”
[ii] Xc. Phần dẫn nhập trong Kinh Thánh Tân Ước, bản dịch của nhóm CGKPV (Hà nội: Tôn Giáo, 2008), tr.31.
[iii] Xc. R.E.Brown, The Gospel According to John I-XII, p.373.
[iv] Xc. Francis J. Moloney, sđd., p. 298.
[v] Xc. R.E.Brown, The Gospel According to John I-XII, p.373.
[vi]The expression “the Jews” in this Gospel must always be placed within quotation marks because it does not represent the Jewish people… the conflicts between Jesus and “the Jews” are more a reflection of a christorical debate at the end of the first century than a record of encounters between Jesus and his fellow Israelites in the thirties of that century”. (Xc. Francis J. Moloney, sđd., p.12).
[vii] Xc. La Bible TOB, (Paris, 2011), p. 2320.
[viii] Xc. Lê Minh Thông, Yêu và Ghét trong Tin Mừng Gioan, Phần I, tr. 264-251.
[ix] Xc. Raymond E.Brown, The Gospel According to John I-XII, p. 374.
[x] Xc. Alain Marchadour, Bản Việt ngữ Tin Mừng Gioan (L’Evangile de Jean, Centurion),1992, tr. 212-213.
[xi] Xc. Ga 3,34; 4,34; 5,23.30.36.37.38; 6,29.38.39.44.57; 7,16.18.28.29.33; 8,16.18.26.29.42; 9,4.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét