ELEGANCE IS AN ATTITUDE.
Quang Phan SVD
Tình cờ lướt qua tạp chí Heritage Fashion nói về thời trang, tôi thấy có một quảng cáo về đồng hồ longines. Hình một nam tài tử ăn mặc rất bảnh bao để lộ chiếc đồng hồ longines ở cổ tay, phía trên tấm hình là câu khẩu hiệu ‘Elegance is an Attitude’, một câu khẩu hiệu đơn sơ nhưng ấn tượng: Sự thanh nhã là một thái độ. Điều làm cho một con người trở nên thanh nhã lịch thiệp không phải là giá trị vật chất, chẳng hạn như chiếc đồng đắt giá trên tay, nhưng là THÁI ĐỘ.
Nói về quảng cáo, chúng ta phải phục sự sáng tạo trong nghệ thuật xử dùng từ ngữ cũng như hình ảnh của công nghệ này. Một quảng cáo thành công phải có những yếu tố: đơn giản đủ để công chúng nhìn vào HIỂU. Sau khi hiểu thì còn phải gây ấn tượng đủ để công chúng NHỚ. Và quan trọng nhất là đưa công chúng đến HÀNH ĐỘNG, tức là mua sản phẩm. Cho nên, một quảng cáo được xem là thành công, khi thông điệp gởi đi, phải đạt được các yếu tố hiểu, nhớ và hành động.
Như vậy điều làm cho một con người thanh nhã ngay cả sang trọng không nhất thiết ở giá trị vật chất sở hữu, mà là thái độ sống của chính con người đó. Có những người cố làm ra vẻ ta đây sang trọng bằng cách đeo vàng bạc nữ trang, đi xe mắc tiền, ở nhà villa biệt thự, tiêu xài ở chốn xa xỉ…nhưng ta vẫn thấy ở họ có cái gì sến sến, quê mùa. Những thứ đó không tẩy đi được cái mùi quê quê nơi họ. Dù có lấy vàng lấy bạc mà đắp lên đầy người thì cốt khỉ vẫn hườm cốt khỉ. Họ giàu mà không sang. Trái lại, có những người mà thiên hạ thấy nghèo mà chơi sang. Không giàu có những vẫn chơi sang được! Cái mà ta cho là thanh nhã hay quí phái thật ra là ở thái độ sống chứ không phải ở giá trị vật chất mà ta có.
Cho nên cuộc sống cũng có thể được xem như là một thái độ của sự lựa chọn. Chọn cho mình một thái độ sống, sống sao cho ý nghĩa. Không phải sự lựa chọn nào cũng mang tính thanh lịch hay sang trọng. Anh hùng hay tiểu nhân, thánh nhân hay tội đồ cũng chỉ khác nhau ở thái độ sống. Sự thanh nhã trang trọng hay quí phái là ở đó.
Steve Jobs người sáng lập và cũng là chủ tịch của tập đoàn Apple ra đi để lại bao nhiêu là sự thương mến cho nhân loại. Người ta tưởng nhớ đến Steve không phải vì ông ta là người tỷ phú giàu có nhưng là vì thái độ sống đơn giản nhưng thâm thuý của ông ta đã ảnh hưởng đến bao nhiêu là con người, nhất là các bạn trẻ vốn đầy tham vọng thành công trong cuộc sống. Steve cho rằng “Làm một người giàu có nhất trong nghĩa trang không có ý nghĩa gì đối với tôi… mỗi tối khi lên gường và nói được là tôi đã làm được một điều gì đó tuyệt vời…đó là điều quan trọng nhất đối với tôi.” Những điều Steve nói tuy thâm thúy nhưng không có gì là đột phá hay mới mẻ cả, nhưng nó được nói ra từ miệng một người nổi tiếng và thành công làm cho thiên hạ chú ý hơn. Nhưng đó cũng là một thái độ sống đáng trân trọng.
Đức Giêsu có phải là một nhà quảng cáo tài ba? Tin mừng của Ngài có bán chạy không? Cách quảng cáo của ngài có làm cho chúng ta HIỂU, NHỚ và HÀNH ĐỘNG? Trong những câu chuyện dụ ngôn và bài giảng, ngài dùng những ngôn từ và hình ảnh rất quen thuộc trong cuộc sống, không xa lạ gì với người nghe, nói lên sự tài ba của ngài như là một nhà truyền thông.
Lựa chọn sống cuộc đời như đức Giêsu, nhất là cuộc đời của người truyền giáo, không phải ai cũng chọn đuợc. Vì nó đòi hỏi một thái độ dứt khoát “Kẻ tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đằng sau, thì không thích hợp với nước Thiên Chúa.” (Lk 9:62).
Tám mối phúc thật, bát phúc, được xem là hiến chương của Nước Trời cũng là một thái độ sống. “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó vì nước Trời là của họ…. Phúc thay ai bị bách hại vi sống công chính vì Nước Trời là của họ.” (Mat 5:3-10). Làm sao có thể thấy mình là có PHÚC khi phải sống kiếp nghèo hay bị đày đọa bắt bớ? Chỉ hiểu được khi người ta chấp nhận được cái nghịch lý của thái độ sống nơi con người đức Kitô.
Sự thanh nhã là một thái độ. Thái độ sống của người Kitô hữu, nhất là nhà truyền giáo, khi chấp nhận từ bỏ mọi sự một cách triệt để, có là một sự thanh nhã trang trọng? Còn tuỳ vào thái độ sống của mỗi người.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét