4 thg 11, 2011

Hiểu truyền giáo hôm nay

Truyền giáo là sứ vụ của Thiên Chúa, là Missio Dei, và chúng ta được mời gọi tham dự vào công việc truyền giáo của Thiên Chúa. Giáo hội cũng được hình thành từ sứ vụ thiên thánh đó. 
Ai là Kitô hữu và thuộc về Giáo hội thì người đó là một „nhà truyền giáo“, và vì thế không thể trốn chối nhiệm vụ cao quý này. Công việc truyền giáo không chỉ được trao cho một số „chuyên gia“ mà thôi, bởi nó thuộc bản chất của Giáo hội. 

Truyền giáo không được hiểu như là việc mở rộng vùng quyền lực của Giáo hội, mà là mở rộng sự phục vụ sự sống và hạnh phúc của con người. Mục đích của truyền giáo là việc thực hiện Nước Chúa. Chính vì thể mà chúng ta bênh vực người nghèo, người bị tước đoạt quyền lợi và bị xã hội ruồng bỏ. Vậy, truyền giáo có nghĩa là dấn thân cho nhân phẩmsự sống của con người – nhất là những người không thể tự bào chữa và tự bênh vực cho mình.
  
Truyền giáo trong một thế giới đầy dối gian và bạo lực, thì loan truyền một lối sống không sợ hãiphi bạo lực, cũng như làm chứng cho sự thật giải thoát là những khía cạnh cần thiết và hợp thời của Tin Mừng Đức Giêsu Kitô.

Truyền giáo bao trùm cả mọi tạo vật của Thiên Chúa. Mọi thực tại, mọi lãnh vực của cuộc sống con người và của thiên nhiên, cần được tình yêu Thiên Chúa chạm đến và biến đổi: từ tâm lý, nếp nghĩ, đời sống chung của con người cho đến các cơ cấu xã hội, kinh tế và chính trị. Các bối cảnh khác nhau của thế giới đòi hỏi sự đa dạng của các hình thức diễn đạt truyền giáo.

Truyền giáo sống từ viễn ảnh, rằng Thần Khí thổi nơi nào Người muốn, và rằng  trong Đức Kitô mọi sự được hòa giải. Từ đó xuất phát thái độ quý trọng sâu đậm các tôn giáo và văn hóa khác nhau. Thực hiện đối thoại trong tôn trọng và sự sẵn sàng học hỏi với các tín hữu của các tôn giáo và văn hóa khác, là một phần căn cốt cho việc truyền giáo hôm nay. Tôn trọng và quý mến sự đa dạng của con người, của các văn hóa và các tôn giáo là phong cách căn bản của nhà truyền giáo.

Truyền giáo kitô đọc „các dấu chỉ thời đại“ và giải thích chúng trong ánh sáng Phúc âm. Khi làm việc đó, các nhà truyền giáo không bi quan, mà cố gắng khám phá ra những dấu chỉ cho sự khởi đầu của Vương Quốc Thiên Chúa trong thế giới. Họ tiếp nối công việc của mình từ cách nhìn lạc quan tin tưởng đó, và cộng tác với „tất cả những người thành tâm thiện chí“. Các nhà truyền giáo Ngôi Lời nhìn thấy lối đi (phương pháp) của mình trong việc đối thoại. 
    
Truyền giáo hôm nay được hiểu như là cuộc đối thoại với con người trong nhiều bình diện khác nhau. Những nhận thức, hiểu biết và khôn ngoan của các dân tộc vẫn giữ giá trị của mình hôm nay như hàng ngàn năm trước. Chúng ta không thể xóa bỏ và thay thế bằng những giá trị của một nền văn hóa phương tây được. Điều ước muốn thực hiện là một cuộc đối thoại, trong đó mọi người tham dự được coi trọng.

Bởi thế các nhà truyền giáo Ngôi Lời cần phải có kiến thức về các phong tục tập quán và các truyền thống của văn hóa xa lạ, cho công việc hằng ngày của mình. Để chuẩn bị cho công việc đối thoại, Dòng Ngôi Lời thành lập nhiều viện nghiên cứu trên thế giới. Những nghiên cứu trong các lãnh vực Dân tộc học, Nhân chủng học, Khoa học tôn giáo và Khoa học truyền giáo trao cho các nhà truyền giáo nhận thức cần thiết, để loan truyền một Kitô giáo biết thích nghi tích cực vào vào các dân tộc khác nhau.

Truyền giáo kitô muốn dẫn con người gặp gỡ Đức Giêsu Kitô, Đấng là bí tích của tình yêu Thiên Chúa trong thế giới. Muốn thế, chúng ta cần đi với Người đến với người nghèo, người bịnh và người bị cô lập. Và quan trọng không kém là việc tìm hiểu giáo lý và mừng các bí tích. Hơn thế nữa: Nơi nào mà việc học Giáo lý và mừng các bí tích không dẫn đến việc cùng bước theo Đức Giêsu, trở thành môn đệ, thì đó là việc làm không mang hoa trái.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét