3 thg 11, 2011

"LẠ” trong những bước chân truyền giáo

Triều Ca Nguyên, SVD.

Khi nói đến chữ “lạ”, người ta thường hỏi cái gì lạ và “lạ” đối với ai? Câu hỏi này vừa chợt đến với tôi khi tham dự thánh lễ Mission Sunday ngày 23/10/2011 tại Divine Word College. Đây là một sự kiện thường niên diễn ra khá ngắn ngủi vào một buổi chiều cuối tháng 10. Tuy nhiên mỗi người đều có những cảm nghiệm khác nhau để ấp ủ, nâng niu và dưỡng nuôi những bước chân truyền giáo.
    Từ sự kiện…

Hai sự kiện lớn trong ngày Mission Sunday là Ẩm thực quốc tế và Thánh lễ đa ngôn ngữ.





    Công việc chuẩn bị cho sự kiện này bắt từ một tháng trước với những chuẩn bị công phu của ban nhạc và các nhóm hát chính cho từng ngôn ngữ trong Thánh lễ. Hai ngày trước khi sự kiện này diễn ra, các buổi tập có phần dày hơn. Đúng 13 giờ 00, Thánh lễ bắt đầu với bài hát tiếng Tây Ban Nha, nghi thức thánh lễ Tiếng Anh, tiếp theo là các tiếng Indonesia, Pháp, Chinese, Sedang,… Không khí nhộn nhịp rộn ràng với tiếng kèn, sáo, trống, piano, organ, đàn tranh,… hỗ trợ thêm cho Bộ lễ Caribean của Cha Ho Lung, M.O.P. thêm sinh động. Cha Bang Tran, SVD chủ tế thánh lễ và chia sẻ đề tài truyền giáo tại Togo rất dí dỏm và ý nghĩa.
   
Song song đó, các đầu bếp cũng săn tay áo để chuẩn bị cho các món ăn đặc biệt của mình từ hai ngày trước. Mọi người đều có thể trở thành đầu bếp và không khí nhà bếp vui nhộn hẳn lên. Năm nay, các đầu bếp (là sinh viên, giáo viên, linh mục,…) đã tham gia nấu 46 món ăn thuộc 18 quốc gia trên thế giới. Khoảng 500 người đã có dịp thưởng thức những hương vị lạ tại phòng thể dục thể thao lớn của nhà trường lúc 15 giờ 00. Tất cả mọi người đều hân hoan trong những trang phục truyền thống và nếm những món ăn đặc trưng quê nhà tại xứ người. Mission Sunday 2011 đã để lại nhiều ấn tượng cho khách tham dự.
     …Đến suy nghĩ
Nhà truyền giáo “lạ”
    Rời bỏ quê hương hay vùng lãnh thổ để đến với một nhóm người hoặc dân tộc khác là một “chuyện lạ”. Đối với nhà truyền giáo (NTG), sứ vụ là một sự ngỡ ngàng trong những mối quan hệ, văn hóa, ẩm thực, sức khỏe, thời tiết, ngôn ngữ,… và theo Thầy Chí Thánh Giêsu thì “lang thang không có chỗ tựa đầu”. Hành trang lớn nhất giúp vượt qua những thử thách đó là lý tưởng giao rắc tình yêu trong niềm tín thác rồi “chính Thánh Thần sẽ dạy cho biết phải nói gì” và làm gì. “Sai đi, anh em cứ ra đi. Gian nguy, anh em chớ lo chi”. Hết cái lạ này đến cái lạ khác qui về chữ “tinh thần từ bỏ” vị kỷ cá nhân cho tình yêu cứu độ. Tinh thần ấy cũng chính là cái lạ và ngỡ ngàng cho những người dân địa phương nơi nhà truyền giáo phục vụ. Những cách cư xử khác biệt với người dân địa phương rồi cũng là dấu chấm hỏi lớn cho biết bao khác biệt đang đến. Tuy nhiên, đúng như Cha Thánh Joseph Freinademetz, SVD đã từng nói: “Ngôn ngữ mọi người đều hiểu đó là ngôn ngữ tình yêu”. Chính Chúa Giêsu đã là người dạy ta nói và sống ngôn ngữ kỳ lạ đó để mọi người đều có thể nhận ra chúng ta là môn đệ của Ngài. Tình yêu dạy cho nhà truyền giáo biết về một thế giới không biên giới để sẵn sàng tiến bước trong tự do của Tin Mừng.
    Món quà “lạ”
    Tin Mừng là món quà lớn nhất giữa người cho và người nhận. Đối với NTG (người cho) đôi lúc họ cứ tưởng rằng mình cần phải thực hiện được những công trình vĩ đại như xây dựng cơ sở vật chất với những chương trình tầm cỡ thì mới xứng đáng với danh nghĩa truyền giáo. Trái lại, điều cần quan tâm nhất là xây dựng những mối quan hệ tình thương trong lòng con người. Khi mối quan hệ đó lớn dần lên cũng là lúc món quà “lạ” đang dần dần được mở. Cứ ngỡ rằng mình là người đến để cho đi nhiều hơn, làm được nhiều hơn; tuy nhiên, thực tế lại khác, sự hiện diện trong tình yêu chính là món quà quí giá nhất. Tiếp theo, tình yêu cho đi sẽ được đền đáp bởi niềm vui, tinh thần hiệp nhất trong mối thâm giao với Thiên Chúa và Dân Người. Đó là món quà tinh thần cao quí được bao bọc trong ân sủng tình yêu “anh em đã nhận nhưng không thì cũng hãy cho nhưng không”. Trong sự bao bọc của Thiên Chúa, NTG đang âm thầm gieo những hạt cải Tin Mừng rồi đến một ngày sẽ gặt hái muôn vàn hoa trái Nước Trời.
    Tinh thần “lạ”
    Với cái nhìn hân hoan của con người NTG lạ và món quà lạ, ta không khỏi suy nghĩ về một thái độ tích cực cho tinh thần truyền giáo không biên giới. Tôi nhận được lời khuyên này từ vị phụ trách nhóm. Ngài nói rằng mỗi người đều có tên và khi gọi nhau hãy nói tên của họ, đừng nói theo kiểu Sister Trung Quốc, Frater Indonesia, Father Togo,… nhằm tránh hết sức những phân biệt có thể gây chia rẽ cộng đoàn, đặc biệt trong những tình huống nhạy cảm khó kiểm soát được. Đời sống cộng đoàn là một sự giao thoa giữa muôn vàn khác biệt và nếu biết tinh ý một chút chúng ta có thể biến sự giao thoa ấy thành một bản nhạc để ngợi ca tình hiệp nhất của Thiên Chúa. Trái lại, một sự đố kỵ nhỏ nhem, gièm pha tính toán, hay lườm nguýt vô tâm đều là những nốt nhạc phá bè phá vỡ bầu khí của cộng đoàn. Khi tham gia những sinh hoạt chung của cộng đoàn quốc tế tôi nhận ra rất nhiều tinh thần đáng trân trọng. Đành rằng mỗi người đều có trách nhiệm riêng nhưng khi ta để ý đến nhau một chút (không phải là can thiệp) sẽ giúp cho gánh nặng trở nên nhẹ nhàng hơn. Đặc biệt, những công việc “vô danh” rất cần sự tự nguyện trong phạm vi có thể, nhờ đó cộng đoàn sẽ thêm phần vui hơn, tốt hơn. Tại Divine Word College, tôi thích tinh thần tự nguyện được triển khai thường xuyên hơn là những công việc mang tính chất chỉ định ép buộc. Ví dụ, chúng ta cần tổ chức một sự kiện nào đó, trưởng ban tổ chức sẽ liệt kê tất cả những công việc cần làm để trống phần người làm. Khi tờ giấy này được dán lên, mọi người tùy khả năng của mình có quyền tự ký tên của mình và nhận trách nhiệm lo cho công tác đó. Tập thói quen tự giác này sẽ giúp người được đào tạo có ý thức trách nhiệm vì chính họ đã tự nguyện ký tên vào công việc. Cũng cần nói thêm rằng, cách làm này chỉ hiệu quả khi đừng ai trở thành vô cảm hay chơi bài MACKENO (mặc kệ nó). Vô cảm vì sợ bị liên lụy là thái độ đáng được báo động cho xã hội Việt Nam hiện nay. Vì vậy, thủ thế sống yên thân vô cảm sẽ không thể thích hợp với tinh thần truyền giáo. Vô cảm + Sợ hãi = Ăn bám.
    Sự lạ sẽ không xảy ra nếu chúng ta không biến đổi để có một tinh thần “lạ”. Tinh thần lạ là tinh thần của sự từ bỏ chính mình, dám nghĩ, dám bàn hỏi, dám làm, dám nhận trách nhiệm, dám hy sinh. Trong sự tự do của con cái Thiên Chúa, chúng ta không thể chôn vùi sự thật, bẻ cong sự thật, trốn tránh sự thật hoặc lạm dụng sự thật. Ước mong trong từng ngày sống chúng ta xin Chúa đủ khôn ngoan để nhận ra những gì đẹp lòng Chúa phải làm. Những gì tốt đẹp chúng ta hãy làm chứ đừng từ bỏ.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét