6 thg 12, 2011

Đấu tranh tìm sự sống

Mục vụ bệnh viện
Peter Hải Hà, SVD


Tình cờ nghe hai vợ chồng nói chuyện với nhau đầy vẻ thất vọng, thỉnh thoảng kèm theo những tiếng thở dài, tôi đoái chắc họ đang gặp khó khăn về tiền bạc để chữa bệnh cho con mình. Đợi cho cuộc trò chuyện của họ kết thúc tôi mới tìm cách tiếp cận với người chồng và hỏi ra mới biết hoàn cảnh của họ thật đáng thương tâm.
Hai vợ chồng đều là công nhân trong một nhà máy thủy sản ở Cà Mau. Cuộc sống tuy khó khăn vất vã, nhưng họ cũng cảm nhận được hạnh phúc khi sinh được một đứa con trai kháu khỉnh.


Một hôm khi thấy con mình bị sốt, họ đã đưa tới bệnh viện để khám và hoảng hốt khi nghe tin dữ: đứa con trai duy nhất của họ bị bệnh ung thư máu, người ta thường gọi là “bạch huyết cầu” hay bệnh “máu trắng”.

Anh cảm thấy rụng rời chân tay nhưng vẫn giữ được bình tĩnh, còn chị đã ngã lăn xuống đất và ngất lịm đi hồi lâu vì không chịu nỗi cú sốc đó.

“Máu trắng” là căn bệnh khủng khiếp đã giết chết hàng triệu người. Những ai mắc phải căn bệnh này thường rơi vào tình trạng tuyệt vọng. Họ tuyệt vọng, vì số tiền dùng để chữa trị rất lớn, thời gian điều trị rất dài trong khi tỷ lệ được cứu sống lại thấp.

Người ta thường gọi nó là “bệnh nhà giàu”, vì chỉ có những người giàu mới có đủ tiền để chữa trị. Chi phí điều trị và ăn uống cho cả bệnh nhân và người nhà tối thiểu là 1000.000đ/1 ngày.  Thời gian điều trị thường kéo dài từ một đến hai, ba năm.

Những trường hợp được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì thời gian điều trị ngắn hơn. Còn những trường hợp phát hiện muộn nghĩa là bệnh quá nặng thì chỉ còn cách là kéo dài sự sống mà thôi.
Có nhiều gia đình nghèo ở nông thôn thấy con bị bệnh thì vội vã đưa vào bệnh viện để chữa trị. Nhưng chỉ được vài tháng hay nửa năm thì gia đình đã kiệt quệ mà bệnh không thuyên giảm chút nào, nên đành phải ngậm ngùi cuốn gói về quê trong nỗi đau tuyệt vọng.
Phần lớn các nạn nhân của căn bệnh này đang ở trong độ tuổi thiếu nhi. Những đứa bé ngây thơ và vô tội đang độ tuổi đến trường phải từ biệt thầy cô, bè bạn; từ biệt mái trường thân yêu cùng với bao ước mơ tươi đẹp để vào bệnh viện sống những ngày đau thương.
Mặc dù chưa đến tuổi trưởng thành nhưng các em cũng cảm nhận được nỗi đau, nỗi lo sợ và thất vọng. Vì hầu hết những bệnh nhi vào điều trị ở đây tóc cứ rụng dần theo thời gian và sự sa sút của tình trạng sức khỏe.
Rụng hết tóc nên các em phải cạo trọc đầu như các “tiểu sư phụ”. Đáng thương nhất là những em bé gái đã biết làm đẹp, thường khóc than rầu rĩ khi không còn mái tóc để vuốt ve.
Điều làm tôi cảm động nhất là tình cảm và sự hy sinh của các bậc cha mẹ dành cho con cái, qua việc cố gắng để chạy chữa cho con mình.
Hầu hết những gia đình khó khăn đều rơi vào một hoàn cảnh gần giống nhau: bỏ việc làm, bán tài sản, vay mượng, nợ nần… nói chung là “tan gia bại sản”. Mặc dù biết rằng thời gian điều trị rất dài, kinh phí cao…nhưng họ vẫn một lòng giữ câu châm ngôn còn nước còn tát.
Thậm chí có nhiều gia đình biết không còn hy vọng cứu sống con mình do việc phát hiện căn bệnh quá trễ, họ vẫn cố gắng bán tài sản để đấu tranh tìm sự sống từng ngày thậm chí từng giờ, từng phút cho con.
Có những gia đình rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Thí dụ như trường hợp của một gia đình ở Tỉnh An Giang. Hai vợ chồng chỉ là nông dân bình thường. Họ đã dốc hết tài sản trong gia đình để để đi “tìm sự sống” cho đứa con gái yêu quý của mình.
Gần một năm cho con mình điều trị ở bệnh viện, họ đã bán cả ruộng nương là vốn sống của họ. Và số nợ đã lên đến vài trăm triệu, nhưng đứa con gái 12 tuổi bệnh vẫn chưa có dấu hiệu gì thuyên giảm. Họ còn lưỡng lự không biết nên tiếp tục hay nên dừng lại, khi đã cạn kiệt tài sản và ngã lòng với cơn bệnh hiểm nghèo.
Những trường hợp trên đây xảy ra khá phổ biến ở Bệnh viện Huyết học, nơi tôi đang mục vụ chiều thứ bảy hàng tuần.
Tôi cảm thấy xót xa và thương cảm vô cùng, vì những đứa bé ngây thơ và xinh đẹp như thiên thần cứ lần lượt ra đi về cỏi thiên thu.
Sự ra đi của các em để lại cho gia đình không chỉ là nỗi thương tiếc mà còn là sự phá sản. Chẳng biết đến bao giờ họ mới nguôi ngoai được nỗi đau và tìm lại được sự cân bằng trong cuộc sống.
Những nỗ lực đấu tranh giành lại sự sống (thậm chí kéo dài sự sống) cho con cái của các bậc làm cha làm mẹ gợi cho tôi suy nghĩ về giá trị của sự sống, suy nghĩ về ân huệ làm người - một ân huệ hết sức cao quý mà Thiên Chúa đã ban cho con người.

Có nhiều người ý thức về giá trị của sự sống đã nỗ lực để đấu tranh để kéo dài sự sống từng giờ, từng phút. Nhưng tiếc thay có những kẻ thất đức, thiếu hiểu biết đã hủy hoại sự sống cách điên cuồng như ma túi, tự tử, phá thai…rất đáng lên án.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét