5 thg 12, 2011

Đệ Tử Viện Tĩnh Tâm

HỌC THINH LẶNG

Hằng năm, cứ vào dịp đầu Mùa Vọng, gia đình Đệ Tử Viện SVD có một ngày tĩnh tâm để chuẩn bị tâm hồn mừng hai đại lễ: Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và Giáng Sinh. Năm nay cũng vậy, đúng 8 giờ sáng, ngày 04/12/2011, tất cả anh em Đệ Tử (nội trú cũng như ngoại trú) tập trung về Đan Viện Biển Đức Nữ để thực hiện hành trình sa mạc.
Chủ đề của ngày tĩnh tâm hôm nay không giống như những lần trước. Cha giảng phòng Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD chọn đề tài cho ngày tĩnh tâm là “Học Thinh Lặng”. Đọc qua đề tài nhiều anh em thắc mắc rằng, học cái gì chứ thinh lặng cần gì phải học?
Sau một vài lời giới thiệu về cha giảng phòng với anh em Đệ Tử của cha giám đốc Ant. Nguyễn Huy Quyền, cha giảng phòng bắt đầu hướng dẫn anh em đi vào bài “học thinh lặng”:
Thinh lặng là giúp con người dễ dàng gặp gỡ Thiên Chúa và gặp gỡ chính mình. Giá trị của thinh lặng rất cần thiết cho con người, cách riếng đối với người tu sỹ, đặc biệt hơn đối với tu sỹ truyền giáo quốc tế Ngôi Lời. Nếu một nhà truyền giáo quốc tế mà không có kinh nghiệm về sự thinh lặng thì rất khó để gặp gỡ Thiên Chúa và tha nhân. Vì nhờ có kinh nghiệm thinh lặng mà chúng ta thay đổi cách nhìn về cuộc đời, tha nhân và các dấu chỉ của thời đại. Từ thay đổi cách nhìn về cuộc đời chúng ta thay đổi lối sống của mình. Và bài học thinh lặng không phải một sớm một chiều là chúng ta học xong, nhưng phải học cả đời và mỗi ngày học.
Sau khi giải thích ý nghĩa và giá trị của sự thinh lặng, cha giảng phòng hướng dẫn anh em cách thức để thinh lặng đó là, ngồi yên lặng trong tư thế thẳng lưng (giống như ngồi Thiền) và lắng nghe tiếng động xảy ra chung quanh, có thể đó là những âm thanh mình không mong đợi. Anh em có ba mươi phút để thực hành điều này. Mỗi người tự do tìm cho mình một chỗ thích hợp. Anh em phấn khởi mỗi người đi tìm cho mình một cõi riêng để thực hành thinh lặng. Sau ba mươi phút thực hành thinh lặng, anh em tập trung về phòng hội, ngồi xuống ghi lại những kinh nghiệm mình có được. Kinh nghiệm đó có thể là chia trí, buồn ngủ, đau lưng…
Bài thực hành thứ hai là suy niệm về hình ảnh người con thứ trong dụ ngôn “Người cha nhân hậu” (Lc 15, 11-32). Sau khi giải thích về ý nghĩa của dụ ngôn, cha giảng phòng đưa ra hai câu hỏi gợi ý để giúp anh em suy niệm:
1/ Nếu  người con trở về mà cha nó không đón nhận, thì nó sẽ cảm thấy như thế nào? Phản ứng của nó sẽ ra sao?
2/ Làm người ai cũng có kinh nghiệm bị khước từ. Nếu chúng ta bị ai đó khước từ điều gì, cảm giác và phản ứng của chúng ta như thế nào khi bị người khác từ khước?
Anh em ngồi tại phòng hội đúng một giờ vừa suy niệm vừa ghi lại những kinh nghiệm của mình. Hết một giờ suy niệm, anh em có bốn mươi lăm phút, chia thành ba nhóm nhỏ để chia sẻ những kinh nghiệm mà mình có được. Anh em đã chia sẻ những thuận lợi và khó khăn trong thời gian một tiếng rưỡi ngồi thực hành thinh lặng. Nhìn chung lúc đầu tập thinh lặng anh em cảm thấy khó chịu và có phần căng thẳng, nhất là một tiếng đồng hồ ngồi trong phòng, với không gian tương đối chật và ngồi trên ghế cao. Nhưng sau khi cố gắng tập trung để quan sát những chuyển động trong con người, lắng nghe những tiếng động từ bên ngoài và nhìn lại các sự kiện xảy ra trong đời sống thì anh em cảm thấy thú vị và dễ dàng.
Từ kinh nghiệm của một kẻ bị người khác khước từ, cha giảng phòng hướng anh em nghĩ đến Thiên Chúa là một người đã bị chính chúng ta từ khước: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1, 11). Chúng ta hãy cố gắng tưởng tượng cảm giác và phản ứng của Thiên Chúa như thế nào khi bị con người từ khước. Rất tuyệt vời! Dù bị con người khước từ nhưng Thiên Chúa vẫn một mực yêu thương con người. Đó chính là sự cao cả của mầu nhiệm Ngôi Hai nhập thể mà chúng ta phải cảm nghệm được. Đây cũng chính là nội dung của bài giảng trong thánh lễ kết thúc và mục đích mà cha giảng phòng muốn gửi đến anh em Đệ Tử trong ngày tĩnh tâm.
Ngày tĩnh tâm của anh em Đệ Tử khép lại trong bầu khi trang nghiêm và sốt sắng. Anh em ra về ai cũng cảm thấy lưu luyến như muốn có thêm một khoảng thời gian nữa để kéo dài sự thinh lặng nội tâm vì bao ngày tháng anh em phải nghe những âm thanh ồn ào của cuộc sống. Hẹn gặp lại anh em trong kỳ tĩnh tâm Mùa Chay sắp tới.
Cám ơn cha Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD, người được gọi bằng một cái tên rất thân thương: “Vị Thiền Sư” của Học Viện, đã dạy chúng con một bài học tưởng chừng như đơn giản, xưa như quả đất; nhưng đó lại là bài học luôn luôn mới và cần thiết cho người tu sỹ, nhất là những người trẻ chập chững bước vào đời tu như chúng con. “Bài Học Thinh Lặng” học mãi không xong.

Đệ Tử Viện SVD

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét