13 thg 2, 2012

Chuyện những ngày cuối năm …

n.huysvd


Sáng
Bác T. à. Thật là khó nói quá, vì anh em mình từng làm ăn với nhau lâu rồi.
Chú cứ nói. Chuyện tiền nong phải không?
Dạ, số tiền mà bác mượn em cũng lâu rồi. Bà xã em, bà…
Ừ, tôi cũng áy náy lắm chú ạ. Nhưng chú có thể nào cho tôi khất một thời gian nữa không, trong nhà tôi hiện nay không có một đồng?
Chiều
Chị có nhà không anh?
Không cô ạ. Nhà tôi đi bán ngoài chợ chưa về. Có chuyện gì không cô? Mời cô vào nhà uống nước.
Thôi khỏi anh ạ. Tết nhất đến rồi, anh chị thanh toán nợ nần cho em dùm cái.
Thế bà nhà tôi nợ cô nhiều không?
Bà ấy mượn không nhiều, nhưng lâu rồi anh ạ. Tiền thuốc thang gì đó.
Cô có thể cho nhà tôi khất thêm ít thời gian nữa không?
Không anh ạ. Anh chị cố gắng lo cho em trước Tết.
Vậy, cô từ từ cho chúng tôi xoay nhé.
Nhưng phải trước Tết.
Đêm
Bà ạ. Ngân hàng lại gửi giấy thông báo gần hết hạn mình phải thanh toán rồi. Tôi lo quá.
Tôi cũng đang như người ngồi trên lửa đây ông à.
Chắc mình phải tìm cách xoay thôi, chứ tình trạng này không xong bà ạ.
Xoay. Có mà xoay từ đằng trước ra đằng sau. Đất nhà mình thì người mua nào cũng chê. Hết chỗ trông rồi.
Bà nói nhỏ chứ con nó nghe được, nó làm sao có tâm trí mà tu được.

Những ngày cuối năm, về quê sum họp với gia đình, “may mắn” biết được những chuyện như thế, người tu sĩ trẻ như dại người và ít nói hẳn đi.
Những lần về quê là những lần cả nhà rộn rã bởi những chuyện tu, chuyện học trong nhà Dòng mà thầy tíu tít kể. Nhưng mấy hôm nay, thầy chỉ lủi thủi làm những công việc lặt vặt trong nhà rồi lại ngồi thườn mặt ra, lúc ngồi ngoài bờ ao, lúc tựa gốc cây.
Chẳng ai biết thầy suy nghĩ gì.
Giờ kinh của thầy lâu hơn bình thường, nhưng không phải đọc thêm kinh mà tiếng kinh dâng Chúa của thầy bị nghẹn lại nhiều lần vì dòng chữ nhòe đi bởi mắt thầy bồng bềnh những sương trắng.
Mỗi lần đọc Thánh ca Tin Mừng, là những Thánh ca đã thuộc lòng, nhưng thầy không nhớ để đọc vì trong đầu thầy luôn nghĩ ngợi đâu đâu ấy. Thầy thường nói với các thầy cùng trang lứa là điều hạnh phúc nhất là được về nhà để đọc kinh.
Hạnh phúc vì thầy cảm thấy tiếng suối, tiếng chim, ánh bình minh và hoàng hôn… như đang hòa chung với lời kinh của thầy. Cả vũ trụ này là lời kinh tuyệt vời nhất dâng Chúa.
Nhưng mấy ngày cuối năm thì tiếng suối róc rách, tiếng chim véo von của ngày mới, tiếng chim gọi bầy về tổ… cùng tiếng kinh của thầy không còn hòa nhịp nữa.
Từ ngày ba thầy lâm bệnh, gia đình thầy lâm phải cảnh tan gia bại sản vì tiền thuốc thang chạy chữa. Nguồn lực kinh tế của gia đình không còn nữa, mẹ thầy phải buôn ba chợ búa mặc cho cái tuổi mà theo Hiến pháp nhà nước đã nghỉ hưu cách đây cả chục năm rồi.
Cái ngày ba thầy lâm vào cơn bệnh thập tử nhất sinh và gia đình rơi vào cảnh khó khăn, thầy không có diễm phúc được chia sẻ vì mọi người đều giấu và vì thầy đang trong giai đoạn Tập kỳ.
Chỉ khi về đến nhà sau ngày Khấn, thấy ba mình gầy guộc ngồi lọt thỏm trong xe lăn, thầy mới vỡ lẽ và nước mắt mặn chát chảy ngược vào trong. Thầy thấy cái giá phải trả của người theo Chúa.
Tàn tro năm tháng trắng đầu cha,
Bụi hồng vấn vương mòn mắt mẹ.
Ngang dọc con về. Tìm sau trước.
Bềnh bồng mây trắng mắt quặn đau.
Thầy tâm niệm rằng một trong những điều hạnh phúc nhất của người theo Chúa là thấy cha mẹ luôn mạnh khỏe và gia đình hạnh phúc. Đó là động lực, là chỗ dựa cho bước đường thầy đang đi. Nhưng cuộc đời thường không được trọn vẹn như chính cái không trọn vẹn của kiếp người.
Nhiều đêm thầy trằn trọc vì câu chuyện đối thoại giữa cha mẹ về nỗi khốn nỗi khó, tiếng ho khan của ba, hay vì đợi đứa em đi làm khuya cố kiếm từng đồng cho năm học mới trong những ngày gần Tết để đỡ gánh nặng cho cha mẹ, thầy thấy lòng quặn đau, bờ môi khô khốc và nước mắt lăn dài chát đắng.
Nếu có dịp thức cùng thầy một trong những đêm như thế có lẽ sẽ hiểu được phần nào tâm trạng của thầy. Tâm trạng của đứa con bất lực trước nỗi khốn khó của gia đình. Tâm trạng dằn vặt với bao nhiêu suy tính chẳng theo đường lối Chúa. Tâm trạng của người tu sĩ chưa trọn vẹn.
Nhiều lúc thầy nghĩ, có lẽ những nỗi khốn khó của gia đình là do tội lỗi thầy phạm, vì từ ngày Khấn, chưa lúc nào thầy cảm thấy mình sống thực sự xứng đáng là tu sĩ của Chúa cả ...
Nhưng Chúa nào có giáng phạt, Chúa ban thêm nghị lực để ta vượt qua những nỗi khốn khó trong cuộc sống hằng ngày đấy thôi. Những khó khăn trong cuộc sống là kết quả của một chuỗi những nguyên nhân trước đó.
Và nó đến như một lẽ tất nhiên. Cuộc sống mà!
Những khó khăn trong cuộc sống sẽ trui rèn ý chí của ta. Và hơn hết những khó khăn trong cuộc sống cho ta biết ta cần Chúa.
Ngồi đón Giao thừa giữa đất trời, giữa tiếng ngân nga hòa điệu của ếch, của dế, của côn trùng… lòng người tu sĩ trẻ thấy hân hoan và bừng cháy niềm vui vì cảm nhận được rất rõ lòng yêu thương vô bờ của Thiên Chúa. “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương.”
Được nhận biết và bước theo Chúa là một ơn ban nhưng không của Chúa, không phải một ưu quyền bên ngoài, nhưng là một phẩm giá cao quý mà con người nhận được chỉ vì được yêu thương.
Như hai môn đệ trên đường về làng Emmau được bừng cháy niềm vui lên đường sau khi đã được đồng hành với Chúa, thầy cũng thấy lòng mình hân hoan như muốn tiến bước trên bước đường mới trong những giây phút đầu tiên của năm mới dù bước đường đã qua của thầy và gia đình ngập tràn những gian nan.
Cùng với đất trời, thầy dâng lời cầu nguyện cho thầy và cho mọi người đã, đang và sẽ gặp phải những khó khăn, thử thách và bóng tối đừng bao giờ ngã lòng, nhưng biết luôn chạy đến để nương tựa vào Chúa, Đấng luôn hiện diện cách lặng lẽ và kiên nhẫn trong mọi phút giây đời ta.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét