19 thg 5, 2012

Để thấy đời bao la …


Hạt Bí.svd
Có lẽ ai trong chúng ta cũng có hơn một lần cảm nghiệm được niềm vui của sự gặp mặt và nỗi buồn của ngày chia tay. “Hội ngộ rồi chia ly, cuộc đời vẫn thế…” là lời trong bài hát Điều Giản Dị mà nhạc sỹ Phó Đức Phương đã viết để nói về quy luật hợp, tan của cuộc sống.
Con người đến trong cuộc đời rồi có lúc phải ra đi khỏi trần thế để về với nơi mình đã sinh ra. Chết! Một sự thật mà tất cả chúng ta đều phải trải qua. Thử hỏi mấy ai trong chúng ta chuẩn bị sẵn sàng cho sự kiện trọng đại ấy.
Sau thời gian có dịp ghé thăm các bênh nhân tại Viện Tim Thành Phố, tôi đã cảm nhận nhiều hơn về giá trị của sự sống.

Không đông đúc, chen chúc như các bệnh viện khác trong thành phố nhưng đây cũng địa chỉ “được ghé thăm” của rất nhiều người. Các phòng khám, các khu bệnh được bố trí hợp lý tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh.
Lần đầu tiên bước vào cổng, tôi thấy nơi đây sự yên bình. Có lẽ đó là điều hết sức cần thiết cho những bệnh nhân tim.
Hình ảnh của những em nhỏ bị tim bẩm sinh đang phải chống chọi với đau đớn để lại trong tôi niềm cảm thương. Cuộc sống của các em không có một ngày mạnh khỏe. Cơ thể còm coi vì bệnh tật, hơi thở yếu ớt, mệt mỏi nhưng khuôn mặt các em vẫn toát lên vẻ thơ ngây, hồn nhiên.
Trong sự bảo bọc và chăm sóc của người thân, các em đang cố vượt qua khó khăn để hy vong sống và hy vọng mai sau có một “trái tim” khỏe mạnh. Một lần bước ngang nhà xác, tính tò mò đã đưa tôi dán mắt vào khe hở của cánh cửa.
Một không gian vắng lặng, u buồn. Cảm giác ớn lạnh chạy dọc xương sống làm tôi ghê rợn. Sau phút khám phá “đáng sợ” đó, tôi vội vàng bước đi và trong đầu miên man nghĩ về “chết”.
Khi chúng ta bắt đầu thành hình trong bụng mẹ, một sự sống được ươm mầm. Ngày chào đời trong tiếng khóc ban sơ, mọi người vui mừng đón chúng ta đến với trần thế. Trên vòng tay yêu thương của mẹ, trong sự âu yếm bảo bọc của cha, với niềm thương mến của người thân, chúng ta lớn lên để lãnh nhận cho mình sự sống tròn đầy.
Nhưng chúng ta không thể mãi mãi là một thanh niên cường tráng hay mãi là một người trung niên khỏe mạnh. Sinh, lão, bệnh, tử là những giai đoạn mà chúng ta phải đối diện nơi cuộc sống dương gian. Được sinh ra rồi có ngày chúng ta cũng sẽ phải chết đi.
Chào đời trong tiếng khóc và rồi chúng ta cũng sẽ ra đi trong tiếng khóc. Chết là trở về với cát bụi, với nơi mà chúng ta đã phát xuất. Cuộc chia ly nào cũng thường để lại những buồn đau, bùi ngùi và thương tiếc. Đứng trước cái chết, trước sự ra đi của người thân, chúng ta cũng không thể không xót xa.
Một khi chúng ta đã xác nhận rằng sống chết là quy luật của cuộc đời thì chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhận và cảm thấy an bình hơn khi nó đến. Hơn nữa, nếu khi sống, sống sao cho có ý nghĩa thì khi chết chúng ta không còn cảm thấy hối tiếc.
Chúng ta đã thấy không ít trường hợp người sống không ra sống và chết là sự giải thoát đối với bản thân và người khác.
Như Đức Kitô đã chết và đã rời bỏ ngôi mộ để về với Chúa Cha, chúng ta cũng sẽ được sự Phục Sinh vinh hiển của Ngài làm cho hiển vinh trong ngày sau hết. Để được diễm phúc sống lại và tận hưởng quê hương đời đời với Ngài, ngay từ khi con đang sống chúng ta luôn được mời gọi sống như Ngài đã sống, yêu như Ngài đã yêu.
Chúng ta đã được đón nhận tình yêu cách nhưng không thì chúng ta cũng phải biết dùng chính tình yêu ấy để trao ban cho mọi người với tất cả tấm lòng. Tình yêu nếu chỉ ở trên môi miệng thì đó là tình yêu giả dối. Tình yêu đích thực luôn gắn liền với sự phục vụ.
Không ai trên đời là một hồn đảo, một con người không thể làm nên nhân loại. Chúng ta sống là sống cùng, sống với và luôn được mời gọi sống cho người khác. Vì vậy, trong mối tương quan với tha nhân, chúng ta hãy hoàn thành trách nhiệm và bổn phận của mình với tất cả tâm tình. Mỗi người hãy biết yêu thương, sẻ chia với người xung quanh.
Có như vậy, cuộc sống đời này của chúng ta sẽ là dấu ấn tốt, là tấm gương sáng cho người khác. Và rồi khi ra đi, chúng ta để lại trong lòng mọi người niềm thương nhớ, sự quý mến.
Mỗi người hãy sống làm sao để sự ra đi của chúng ta không là lối thoát cho mình và bớt đi gánh nặng cho người khác. Hơn nữa, chúng ta hãy sống để vươn đến cùng đích hạnh phúc của mỗi người chúng ta ở đời sau.
Với thân phận xác thịt, con người chúng ta không thể vượt ra khỏi quy luật của sự sống là cái chết. Điều quan trọng, chúng ta phải biết chấp nhận nó và biến nó thành niềm hy vọng để bước tới.
Muốn như vây, chúng ta hãy chuẩn bị cho tương lai bằng cuộc sống hiện tại, hãy đón nhận cái chết từ sự sống hôm nay. Xin mượn lời bài hát Khát Vọng của nhạc sỹ phạm Minh Tuấn để thay cho lời kết: “Hãy sống và ước vọng để thấy đời bao la…”.
Chúng ta hãy sống cho ngay mai, cho những mong ước tươi sáng, hãy biến mình thành nốt nhạc vui trong bản nhạc nhân loại để làm rung động lòng người và để lại cho đời niềm nhung nhớ khi chúng ta không còn nữa.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét