Trần Niên SVD
Lời của anh mù Bartimê: “Xin cho tôi được
thấy” (Mc 10, 51), gợi cho tôi nhớ đến một nhân vật khác cũng trong Tin Mừng
của Thánh Luca là anh Gia kêu. Tin Mừng thuật lại: anh Gia kêu là một tên thu
thuế, người ta coi anh là kẻ tội lỗi không mấy ai ưa.
Vì con người của anh thì lùn vã lại
đường đi quá đông người, nên khi nghe tin Giê-su đi ngang qua, anh Gia kêu đã
nỗ lực hết mình, chạy bán sống bán chết và tới một cây lớn cao, anh leo lên để
được nhìn thấy Đức Giê-su.
Hai nhân vật tôi vừa kể trên xuất phát
từ những hoàn cảnh khác nhau. Hai con người hoàn toàn khác nhau. Một anh thì
sống có tiền, có quyền và là con người lành lặn; bên cạnh đó, một anh mù.
Tin Mừng ghi lại: anh mù nằm lê la bên
vệ đường người đi qua kẻ đi lại không mấy ai quan tâm. Anh không có tiền, không
có gì hết. Anh sống bằng tình thương của người khác.
Hai nhân vật hoàn toàn khác nhau về địa
thế, nhưng có một điều họ giống nhau đó là khao khát được thấy, được gặp Đức
Giê-su.
Đôi mắt Gia kêu mặc dù vẫn sáng, nhưng
anh chưa thấy Đức Giê su bao giờ, ngày hôm nay anh có tin vui. Đức Giê-su đi ngang
qua, anh đã tìm cách để thấy Người. Còn anh mù Bartimê, cũng chưa thấy Đức
Giê-su bao giờ, nhưng đôi măt của anh lại mù làm sao thấy gì! Nhưng anh cố gắng
hết mình để được thấy Đức Giê-su.
Có thể nói: cả hai người đều mù, một anh
thì mù mắt không thấy, còn người kia mù vì nhiều thứ bóng tối đã che đôi mắt
của anh.
Nói đến người mù, chúng ta hình dung cuộc
đời họ toàn là bóng đen, hay nói khác đi, cuộc đời của người mù bị bao vây bởi
những bóng tối. Bóng tối của thể lý, bóng tối của tâm lý và bóng tối của xã
hội:
Thứ nhất là bóng tối của thể lý: Người
mù thể lý là người không thấy được gì hết bằng đôi mắt, không thấy được ánh
sáng, không biết mình đang ở đâu và đi tới đâu. Họ không chiêm ngưỡng được
những kỳ công của thượng đế ban tặng xung quanh mình. Thậm chí, họ không thể có
được cái nhìn trìu mến của những người yêu thương và thân cận. Thế giới của
người mù thì chỉ là màu đen, một màu đen muôn thủa.
Thứ đến là bóng tối của tâm lý: Chúng ta
biết, người mù luôn bị đè nặng bởi tâm lý, bởi mặc cảm. Điều này đã làm nên một
cuộc sống khép kín, sống gò bó và thiếu tự tin. Cuộc đời của họ luôn nằm trong
vòng cô đơn và buồn chán.
Cuối cùng là bóng tối của xã hội. Người
mù thường bị người ta bỏ rơi. Xã hội loại trừ người mù ra khỏi cộng đoàn của
họ. Tin Mừng nói: người ta quát anh mù, không cho anh mù kêu lên, nhưng càng
cấm thì anh mù càng lớn tiếng kêu van.
Qua vài phân tích như trên, ta thấy
tưởng chừng như cuộc đời của người mù, cụ thể là anh Bartimê đã chấm hết. Tuy
nhiên, tình yêu của Thiên Chúa lớn hơn bóng tối, ánh sáng của niềm tin vào
Thiên Chúa nơi anh lớn hơn bóng đêm. Cũng thế, ánh sáng của niềm tin, của hy
vọng nơi một người có Chúa lại có thể xua trừ bóng tối của sự thất vọng; ánh
sáng của niềm tin có thể đẩy lùi những mặc cảm tâm lý và tống khứ nỗi cô đơn ra
khỏi lòng mình.
Anh Bartimê đã nhận ra mình là số không
để đặt niềm tin và hy vọng vào Đức Giê-su là tất cả. Và trong sâu thẳm của lòng
mình, Đức Giê-su đã nghe tiếng kêu cầu của anh giữa đám đông chen lấn. Ngài đã
quan tâm đặc biệt tới anh.
Và rồi điều gì đến sẽ đến, mọi cố gắng
của anh đã được đền đáp. Ngày hạnh phúc nhất trong đời của anh đã mở ra, khi
Đức Giê-su đi ngang qua, anh mù nài van: “Lạy Giê-su, xin thương xót con”.
Đức Giê-su cho gọi anh, anh Barti-mê
mừng rỡ khôn xiết! Anh bất chấp mọi lời quở trách của người xung quanh, thậm
chí chiếc áo choàng, vật che than, anh cũng chẳng màng tới để chạy tới với Đức
Giê-su.
Ngài hỏi anh: “Anh muốn tôi làm gì cho
anh?” Một cách nhanh chóng, người mù trả lời: “Xin cho tôi được thấy.” Đức
Giê-su đã động lòng thương trước niềm tin mạnh liệt ấy, Ngài phán: “Anh về đi,
đức tin anh đã cứu anh”. Ngay lập tức mắt anh thấy được, anh hòa vào dòng người
cùng đồng hành với Đức Giê-su.
Quả vậy, chính nhờ con mắt đức tin, cuộc
đời của anh mù Bartimê đã sang trang, tương lai của anh đã được mở ra. Anh mù
về thể lý nhưng đôi mắt của tình yêu, của niềm hy vọng nơi anh thật sáng rực.
Ánh mắt đầu tiên mà anh thấy đó chính là Đức Giê-su, Đấng đã đến thắp sáng đời
anh.
Với đôi mắt đức tin, anh đã chẳng sợ
người ta cấm cản, càng bị đe dọa, anh càng lớn tiếng kêu xin: “ Lạy Giê-su xin
thương xót tôi.”
Với đôi mắt đức tin, anh đã vất bỏ áo
choàng là tài sản cuối cùng để nhận quà tặng, cởi bỏ đời sống ăn mày, từ bỏ
thân phận mù lòa và tối tăm tiến đến miền ánh sáng của tình yêu và sự sống.
Theo tục truyền của người DoThái, chiếc
áo choàng là vật không thể thiếu đối với mỗi người, dù nghèo tới mức nào thì ai
ai cũng có một tấm áo choàng để che thân lúc nắng, lúc mưa, đặc biệt vào những
ngày lạnh giá.
Anh Bartimê sẵn sang đánh đổi tất cả để
được ánh sáng, đánh đổi tất cả để có tất cả vì anh đã nhận ra nơi người anh gặp
là một Thiên Chúa quyền năng và đầy yêu thương, có thể cho anh những gì anh
xin.
Hình ảnh người mù trong Tin Mừng hôm nay
có gì liên hệ với mỗi người chúng ta không?
Cuộc đời anh mù đã sang trang nhờ vào
lòng tin, nhờ vào sự nhạy bén của tâm hồn. Tình yêu của Chúa làm cho đời anh
bừng sáng, Chúa không nghe bằng tai nhưng Ngài nghe bằng con tim. Ngài không
những nghe thấy tiếng lòng khốn khổ của anh mù mà Ngài còn ưu ái gọi anh đi
theo Ngài.
Thật là một cử chỉ yêu thương đến tuyệt
vời mà Thiên Chúa đã, đang và sẽ lắng nghe những ai tin cậy vào Ngài.
Về phần chúng ta, chúng ta không bị mù
về thể lý tuy nhiên đời sống của chúng ta lắm lúc còn bị bao vây bởi nhiều bóng
tối: Bóng tối của hận thù và chiến tranh; bóng tối của quyền và tiền; bóng tối
của lòng ghen tương và đố kỵ; bóng tối của thái độ dững dưng trước những bất
hạnh của người khác. . .
Đời sống của ta lắm lúc bế tắc vì ta
chưa đặt niềm tin, hy vọng vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Hãy bất chước anh
mù thành Gê-ri-cô, vượt ra khỏi chính mình để đến với Chúa, vất bỏ áo choàng
như là một sự đổi mới thân phận cuộc đời để hoàn toàn tin tưởng vào sự an bài
của Thiên Chúa.
Như vậy, trước mặt Thiên Chúa, tất cả
chúng ta là bất toàn.
Ước gì lời cầu xin của anh mù trong Tin
Mừng ngày hôm nay cũng là lời cầu xin của mỗi người chúng ta dâng Chúa trong
mỗi giây phút của cuộc đời!
Xin ánh sáng tình yêu của Đức Giê-su chiếu rọi trên
mọi tâm hồn của chúng ta, hầu chúng ta nhận ra ý Chúa trong mọi biến cố của
cuộc đời và nhận ra hình ảnh Thiên Chúa nơi mỗi người chúng ta gặp gỡ, một
Thiên Chúa quyền năng, bao dung và yêu thương hằng chờ đợi mỗi người.
◊