15 thg 11, 2012

Tôi mong muốn trở về lại giáo xứ này …



Josef Vũ  SVD
Không khí se lạnh và trong lành của ngày đầu đặt chân lên vùng đất cao nguyên luôn in sâu vào trong tâm trí của tôi. Niềm háo hức trào dâng trong tôi khi nhận được điểm mục vụ hè tại Giáo xứ An Mỹ, Gia Lai.
Tôi mơ ước một lần được đặt chân lên vùng đất cao nguyên đầy thơ mộng, với vùng đất đỏ bazan và rừng cây xanh ngát, với những con người Bana hiền hoà và quý khách mà tôi được biết qua các phương tiện truyền thông. Điều mơ ước nay đã thành hiện thực.


Thời gian hai tháng trôi qua thật nhanh với nhiều kỷ niệm vừa đẹp, vừa “kinh hoàng”, vừa… Nhớ lại ngày đầu đặt chân lên vùng đất cao nguyên, sự bỡ ngỡ và lúng túng thể hiện rõ ràng trên khuôn mặt của tôi, không biết đi đâu và làm gì và nơi ở ra sao.
Cảm giác này giúp tôi hiểu được tâm trang của những nhà truyền giáo khi ra đi đến một quốc gia khác, đến một nền văn hoá khác. Có lẽ tôi cũng giống như họ, cũng vượt qua được sự khó khăn trong việc làm quen khi mới đến.
Một ngày không phải là dài, nhưng cũng đủ để chúng tôi (tôi và thầy  bạn đồng hành trong chuyến mục vụ) có một lời chào hỏi đến giáo dân của giáo xứ An Mỹ, nơi chúng tôi ở và nhận sự tiếp đón ân cần và chu đáo của những con người dân quê đầy tình cảm.
Với một vài chuần bị tư trang và cho sinh hoạt hằng ngày và việc giảng day, chúng tôi bắt tay vào công việc mục vụ hè vào ngay ngày hôm sau. Công việc mục vụ ban đầu chỉ là dạy văn hoá cho các em dân tộc Bana.
Có lẽ, vì đây là niềm đam mê của tôi, nên tôi bắt tay vào ngay công việc mà không phải đắn đo gì. Khó khăn mà tôi gặp phải đó là sự không dứt khoát của vị hữu trách. Ngài vừa muốn chúng tôi làm việc nhưng cũng muốn đây là kỳ nghỉ hè cho chúng tôi.
Công việc đòi hỏi tôi phải làm việc liên tục các ngày trong tuần nhưng ý của ngài thì chỉ muốn công việc theo ngày. Thật sự, thời gian hai tháng với chương trình học hè cho các em dân tộc là không đủ giúp các em lấy lại kiến thức, chứ chưa nói đến việc cung cấp thêm kiến thức cho học kỳ mới.
Nhận thấy nhu cầu của công việc mục vụ nên chúng tôi tự quyết lấy công việc của mình, nhưng cũng thông qua trước với vị hữu trách. Dù ngài không vui nhưng cũng chấp nhận. Các buổi sáng trong tuần chúng tôi phải đến nhà thờ Phú Thọ, cách nơi tôi ở khoảng 3 cây số để dạy cho các em. Đây là chương trình mục vụ chung của các Sơ Phaolô đảm nhận việc mục vụ cho người dân tộc ở Gia Lai.
Qua thời gian dạy cho các em, tôi nhận thấy những lỗ hổng kiến thức nơi việc học hành của các em. Các em gần như đã bị phân biệt đối xử khi đến học chung với các em người Kinh. Có lẽ, sự hiện diện của một em dân tộc trong lớp là một điều không mấy vui lắm đối với một số thầy cô.
Dáng vẻ bề ngoài không mấy sạch sẽ, thích chơi chứ không thích học, dạy mãi nhưng không hiểu, vào lớp thì thích nói chuyện bằng tiếng dân tộc,… với những điều ấy mà các thầy cô giáo thường ít quan tâm giảng dạy cho các em. Hết năm này rồi đến năm khác, các em dần dần trở thành một học sinh cá biệt trong lớp và lỗ hổng kiến thức ngày càng lớn cho đến khi các em không theo kịp bạn bè nữa thì nghỉ học.
Với số lượng các em dân tộc làng Vâu theo học lớp 1 đến 6 khoảng 40-50 em một lớp, nhưng số lượng các em từ lớp 7-9 là khoảng 10 em /lớp và từ lớp 10 đến 12 là 1-2 em/lớp.
Một nhận định riêng của bản thân tôi về các em qua 02 tháng giảng dạy: các em không phải không có khả năng tiếp thu kiến thức nhưng khả năng ấy bị giới hạn bởi ngôn ngữ. Ngôn ngữ chính vẫn là tiếng dân tộc Bana của các em, còn tiếng Việt thì các em vẫn chỉ sử dụng khi nói chuyện với các thầy cô.
Điều này cũng giống như các em người Việt học ngoại ngữ vậy, các em học chỉ đối phó khi đến lớp, còn kiến thức thì không có gì hết. Do đó, việc dạy học cho các em dân tộc đòi hỏi một sự kiên trì nhẫn nại, bám theo các em, nói cho các em hiểu được vấn đề. Đây không phải là điều dễ dàng gì đối với một thầy cô đứng lớp, vì trung bình lớp học khoảng 40-50 em và chỉ có vài em dân tộc.
Nếu quá chú trọng để giúp các em dân tộc theo lớp thì đôi khi còn làm chương trình học của lớp bị tuột lùi và việc đánh giá giảng dạy của thầy cô sẽ được điểm xấu. Chính vì thế mà việc bỏ qua các em dân tộc trong lớp là điều mà các thầy cô thường làm.
Trong suốt hai tháng, tôi cố gắng việc dạy học không nghỉ ngày nào và việc chăm chỉ theo lớp của các em là niềm khích lệ cho tôi. Dù trời mưa tầm tã, các em vẫn đội những chiếc bạt nilông che mưa để đến lớp. Những ngày trời mưa bão, thời tiết lạnh hơn, nhìn các em co cụm lại với nhau ở góc phòng cho ấm để ngồi học làm tôi cảm thấy mình cần phải có trách nhiệm hơn với các em.
Điều làm tôi thích nhất là khi tôi học tiếng Bana do các em dạy. Giọng nói ngượng ngịu, đơn đớt của tôi làm thầy trò chúng tôi có những trận cười nức nở. Và tôi cảm thấy gần gũi với các em và các em cũng không sợ tôi như ngày mới gặp nữa.
Có thể, đây là những cảm nghiệm đầu tiên của con đường truyền giáo mà tôi sẽ phải bước đi khi đến một quốc gia không nói tiếng mẹ đẻ của mình, đến với một dân tộc có nền văn hoá và tư tưởng khác biệt với những truyền thống in sâu trong máu thịt của tôi.
Khó khăn và sốc văn hoá là điều không tránh khỏi nhưng có thể vượt qua được hay không thì phải do bản thân tôi có chịu hoà mình vào trong sự khác biệt đó không?
Nếu tôi cứ giữ những cái gì của riêng mình thì người khác cũng không thể đến với tôi và tôi không thể hoà nhập với mọi người. Tôi cố gắng diễn tả để các em có thể hiểu hết điều tôi muốn nói,
Công việc mục vụ chính của tôi là giúp cho các em dân tộc, tuy nhiên, chỗ tôi ở lại là Giáo xứ An Mỹ. Tôi hơi khó xử trong vấn đề giữa nơi ở và nơi mục vụ: ở trong một giáo xứ nhưng lại đi giúp một giáo xứ khác.
Giáo xứ An Mỹ được xây dựng hơn 10 năm mà thiếu vắng hình bóng của người Mục Tử. Với khoảng 500 giáo dân, giáo xứ rất cần một vị Mục tử quan tâm dìu dắt họ trên con đường tâm linh. Và giáo xứ được Cha Tổng Đại Diện muốn giao cho Dòng Ngôi Lời chăm sóc.
Hoàn cảnh giáo xứ khá phức tạp, giáo dân đã ít nhưng lại bị rối rất nhiều vì địa bàn của giáo xứ khá rộng và xen lẫn những người lương dân nên vấn đề rối hôn phối khá nhiều. Bên cạnh đó, do nhiều năm không có Cha (có một số cha đến cử hành thánh lễ ngày Chủ Nhật, nhưng xong rồi về) nên vấn đền an ninh trong giáo xứ khá bất ổn.
Các thanh thiếu niên luôn tụ tập ăn nhậu trong khuôn viên nhà thờ và giáo xứ hay mất trộm. Vì sống trong khuôn viên nhà sứ, nên chúng tôi cảm thấy mình cần phải cho trách nhiệm với giáo xứ nhiều hơn.
Dù lúc đầu có nhiều sự không hiểu giữa Cha và chúng tôi, nhưng chúng tôi cũng muốn góp một phần nhỏ công sức cho giáo xứ qua những công việc hằng ngày: Vào ngày chủ nhật, thăm viếng những người già trong giáo xứ và tìm hiểu những khó khăn của những gia đình.
Với thời gian gần 10 năm không có vị Mục tử quản xứ, nên việc đào tạo các giáo lý viên dạy giáo lý cho các lớp dường như không còn, do đó chúng tôi chia nhau đảm nhận các lớp trong thời gian rảnh vào các buổi chiều trong tuần.
Bên cạnh các lớp giáo lý, chúng tôi cảm thấy nhu cầu bồi dưỡng kiến thức văn hoá cho các em trong giáo xứ cũng cần thiết nên chúng tôi mở thêm các lớp văn hoá từ lớp sáu cho đến lớp 12 cho cả các em có đạo, cũng như không có đạo.
Tôi cảm thấy những người giáo dân già rất vui khi thấy chúng tôi đồng hành với họ trong những việc đạo đức hằng ngày, đọc kinh ở đài Đức Mẹ cuối tuần. Có lẽ trong thời gian 2 tháng Đài Đức Mẹ luôn là nơi tôi cảm thấy vui  hơn vì đó chính là nơi tôi thường tìm đến sự bình an nơi Chúa và Mẹ và cũng là nơi tôi lắng nghe những tâm sự của những cuộc đời đau khổ.
Thật sự đây không phải là những công việc được giao, hay “làm để lấy điểm” hoặc bổn phận chúng tôi phải làm, nhưng chúng tôi làm để bù đắp phần nào sự khao khát một vị mục từ của những người giáo dân khi sự khát khao đó bị xem nhẹ.
Vị Mục tử được phân về quản xứ thì lại ở nơi khác và “quan tâm” tới con chiên ở nơi khác nhiều hơn, “cơm nhà không muốn ăn nhưng thích lấy rác mang về nhà” (có nghĩa là không quan tâm đến giáo dân, nhưng có việc khó thì lại mang về nhờ vả giáo xứ).
Hơn nữa, thái độ của người mục tử không mấy lắng nghe tâm sự của đoàn chiên của mình, mọi việc đều quyết định theo ý mình. Vì thế, họ cảm thấy không hài lòng và đã có một số người bất bình nên đã bỏ các công việc phụ giúp nhà thờ.
Dù hơi thất vọng về người đàn anh đi trước nhưng đây cũng là bài học cho bản thân tôi, những kinh nghiệm sống ở đây sẽ là những bài học quý giá cho tôi khi ở vào cương vị như thế.
Thời gian 2 tháng trôi qua thật nhanh, tôi cảm thấy hơi nuối tiếc khi bị gọi về trước thời hạn vì con một số công việc còn dang dở. Lớp giáo lý rước lễ của tôi chưa được hoàn thành dù còn ít ngày nữa. Chúng tôi vẫn chưa thăm hết những người già, giáo dân trong giáo xứ, chưa nghe được hết những nỗi lòng của họ muốn chia sẻ việc sống đạo. Tôi vẫn chưa mở được lớp bồi dưỡng cho các em giáo lý viên về giáo lý cũng như sinh hoạt.
Nếu được tiếp tục đi xứ, tôi mong muốn trở về lại giáo xứ này để có thể hoàn thành được những khao khát của họ.
Tôi biết không phải cái tôi cho đi là tốt nhất, nhưng tôi biết đó thật sự là những gì tốt nhất mà tôi có thể cho người khác. Và khi cho đi không phải là tôi mất tất cả nhưng là tôi được nhiều hơn: kinh nghiệm cuộc sống, tình thương của giáo dân.
Kinh nghệm về truyền giáo cho các dân tộc khác không thể học được trên sách vở nhưng chỉ học được qua kinh nghiệm sống mà thôi. Tôi rất hy vọng trong những lần mục vụ tới sẽ được tiếp tục công việc mục vụ ở Tây Nguyên, đến với những người dân tộc “có mùi khét của nắng cháy”.
Tất cả những gì có được đều nhờ ơn Chúa giúp: “Đừng lo, Ơn Ta đủ cho con” (2Cr 12,9). Đó là điều tôi thật sự cảm nghiệm được trước những điều bỡ ngỡ, ngại ngùng trong chuyến mục vụ vừa qua. Xin tạ ơn và xin dâng Chúa mọi sự đời con.