21 thg 11, 2012

Cầu nguyện luôn, không được nản chí


Vincent Đức Khanh, SVD
Thật khó cho những ai có thể sống đời Kitô hữu hay đời tu cho tốt mà không có đời sống cầu nguyện. Vì cầu nguyện là hơi thở và nhờ đó, đức tin của mỗi người ngày càng trưởng thành và mạnh mẽ, đề từ đó mà biểu lộ niềm tin trong cuộc sống. Nhưng chúng ta phải hiểu cầu nguyện là gì và cầu  nguyện thế nào cho đẹp lòng Chúa.
Một câu chuyện kể lại: Có 3 người bị kẹt trong một căn phòng tối tăm và các cửa bằng sắt rất chắc chắn. Họ làm thế nào để thoát khỏi tình trạng bế tắc này?
- Người thứ nhất là một nhà văn. Anh không có đức tin. Anh ngồi đấy và luôn miệng nguyền rủa.
- Người thứ hai là một tín hữu sốt sắng. Anh đã quỳ gối cầu nguyện rất lâu, sau đó ngồi xuống chờ phép lạ.

- Người thứ ba cũng là một tín hữu làm nghề thợ xây, vừa đạo đức nhưng cũng rất thực tế. Sau khi cầu nguyện, anh lấy từ túi đồ nghề ra một cây búa và một chiếc đục, rồi bắt đầu đục tường. Công việc rất lâu lắc và cực nhọc. Bụi bắn vào mặt anh, vào cả mắt anh. Mồ hôi anh nhễ nhại. Nhưng anh vẫn kiên trì đục. Thỉnh thoảng dừng lại nói "Lạy Chúa, xin cứu giúp chúng con". Đang  lúc đó người thứ nhất vẫn ngồi ở một  góc, vừa hút thuốc vừa nguyền rủa; người thứ hai  ở một góc khác tiếp tục cầu nguyện. Cuối cùng người thứ ba đã mở được một lỗ lớn trong vách tường và cả 3 người đã thoát ra khỏi căn phòng.
Trên đây là 3 thái độ khác nhau đối với sự cầu nguyện:
- Người thứ nhất coi cầu nguyện là mất giờ. Vì anh không có đức tin nên thái độ của anh cũng hợp lý thôi. Nếu chúng ta không tin Chúa thì cầu nguyện với Ngài sao được?
- Người thứ hai coi cầu nguyện là một sự thay thế cho làm việc, vì  thế sau khi cầu nguyện xong,  người  ấy ngồi  chờ Chúa giúp.
 - Người thứ ba tin tưởng vào hiệu quả của cầu nguyện, hiệu quả ấy không thay thế làm việc, mà là trợ lực cho làm việc. Cầu xin điều gì thì đồng thời cũng cố gắng làm bất cứ việc gì có thể để đạt được điều đó. Sự cầu nguyện này khơi lên niềm hy vọng và khuyến khích lòng can đảm. Anh ta đã hết mình làm việc và Thiên chúa đã giúp anh ta tìm được lối thóat cho cả ba người.   
Qua câu chuyện trên, tôi bắt gặp mình trong thái độ của người thứ hai. Tôi có thể sẵn lòng cầu nguyện thật nhiều, thậm chí năn nỉ Chúa hết lòng và biểu lộ một đức tin theo tôi là tốt nhất để dâng lên Chúa hòng tìm được cho mình một ơn trợ lực cần thiết trong lúc tôi đang nguy khó. Nhưng hiển nhiên là tôi không có một quyết tâm làm một điều gì để giải quyết vấn đề.
Tôi phó mặc cho Thiên Chúa định liệu và Ngài cho tôi điều gì cũng được tùy ý Ngài nhưng phải theo điều kiện của tôi là giúp tôi vượt qua khó khăn trước mắt. Nếu Người chậm đáp ứng hoặc đáp ứng chưa đủ "chỉ tiêu" tôi  đưa ra, thì tôi lại tỏ ra khó chịu, và đôi khi điều đó khiến tôi ươn lười trong cầu nguyện nữa.
Đó là việc cầu nguyện cho chính bản thân tôi, còn khi tôi cầu nguyện cho người khác, dường như tôi cũng lập lại một công thức trên. Xin Chúa ban ơn này ơn kia cho người nhờ tôi cầu nguyện mà tôi thì không quan tâm đến hoàn cảnh thực sự của họ. Chỉ là những lời nói, và những lời đó trở thành một cái cớ để tôi khỏi phải đụng tay trợ giúp cho tha nhân.
Một ví dụ rất thực tế trong cộng đoàn Học viện, nếu anh em nào đó đang gặp khó khăn hay khủng hoảng trong cuộc sống, nếu tôi biết thì tôi chỉ có thể nói là tôi sẽ cầu nguyện cho người anh em đó. Sau này tôi có cầu nguyện hay không thì có Chúa mới biết. Thoạt nhiên tôi không hề biết người anh em đó đang gặp bắt trắc về điều gì. 
Cho nên tôi vẫn hay tự nhủ rằng tại sao mình vừa sẵn lòng cầu nguyện cùng Chúa cho ngừơi anh em của mình vượt khó, nhưng đồng thời cũng biết chia sẻ, thấu hiểu và đồng hành trong những thời khắc gian nan đó. Điều đó có tốt hơn không? Vì một hành động như vậy là biểu lộ một tinh thần cầu nguyện sốt mến, thể hiện một niềm tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa đã được cụ thể hóa trong cuộc sống. Tuy nhiên tôi vẫn chưa hết mình và hết tình để làm tốt điều tự nhủ trên.
Chúa Giêsu dạy các môn đệ: "Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí" (Lc 18, 1). Một cách nào đó Người đang muốn tôi hãy liên lỉ cầu nguyện và cầu nguyện cách kiên trì. Nhưng thực tế cuộc sống của tôi lại quá thiếu kiên nhẫn trong cầu nguyện. 30 phút nguyện gẫm thì hơn nửa thời gian đó tâm trí tôi đang dạo chơi hay tập trung suy nghĩ những điều vô bổ.
Nếu có phải cầu nguyện lâu giờ thì thời gian đó với tôi như gáng nặng. Ngược lại, với gấp nhiều lần thời gian như thế, tôi có thể giành cho việc vui chơi mà không thấy tiếc hay than dài. Quả thật, việc cầu nguyện của tôi chỉ có thể sốt mến và hết mình khi tôi đang gặp khó khăn hay khủng hoảng. Những lúc như vậy, tôi mới thật lòng cảm nhận được một tương quan thật gần gũi với Chúa.
"Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí" (Lc 18, 1). Lời Tin Mừng này nhắc nhở một việc căn cốt cho đời tu: phải học cầu nguyện một cách kiên trì hơn. Cũng như Môsê quì giang tay suốt ngày cầu nguyện cho dân Do thái thắng trận, như bà goá suốt bao ngày tháng cầu xin quan toà minh xét cho bà, như thánh Mônica ròng rã 20 năm trường cầu nguyện cho người con là Augustinô trở lại. Thiên Chúa mong tôi hãy cầu nguyện liên tục và bền  chí, không hề nhàm chán, cả khi xem ra Chúa ngoảnh mặt làm ngơ.
Lạy Chúa, chúng con là những người yếu đuối, bất toàn và bất nhẫn, không biết phải cầu nguyện thế nào cho phải đạo. Xin cho chúng con  biết  khiêm tốn, vâng theo ơn soi sáng của Thánh Thần, để chúng con biết sống theo Thánh ý Chúa, hầu bền đỗ trong đức Tin và trung thành theo Chúa đến cùng. Amen.