17 thg 11, 2012

Để đốt lên trong tôi ngọn lửa truyền giáo



DÂN LÀNG HỒ- ĐỌC VÀ CẢM NHẬN
Antonius Binh-Sắc SVD
Tôi đã từng được nghe nói về cuốn sách “Dân Làng Hồ” bởi một vài người, nhưng hầu như tôi chẳng để tâm. Mãi cho đến khi một anh bạn già tận tay trao cho tôi quyển sách và nói rằng, đó là quyển sách tuyệt vời, tôi mới đón nhận như một phản ứng tự nhiên.

Được trao cho và được xem là sách quý, điều này đã kéo tôi đến với những ý nghĩ kì diệu, buộc tôi phải đào sâu và đọc nó như một người tiếp nhận tác phẩm chân chính.
Quả thực, cuốn sách đã chinh phục tôi ngay từ những trang đầu. Cái gì đặc sắc đến vậy? Hoàn toàn P. Dourisboure không đề cập gì đến nghệ thuật câu chữ hay những mâu thuẫn nổi cộm trên bề mặt lịnh sử của các tộc người vùng cao; cũng không phải là những bất ngờ trong truyện trinh thám…
Từng lời văn nhẹ nhàng, nhẹ nhàng dẫn người đọc đi đến từng trang giấy, tâm hồn nặng trĩu bởi cả một nỗi niềm về tình yêu, sứ vụ, về nổ lực của các nhà truyền giáo, về phận người vùng sâu vùng xa, về những sự lặp lại của khó khăn, chông gai, bệnh tật, cái chết…
Tôi buộc phải khựng lại để suy ngẫm, để cầu nguyện và để tìm ra ý nghĩa đích thực của tác phẩm: Lòng nhiệt thành và nghị lực, niềm tín thác tuyệt đối, sự khéo léo trong hành xử, sự yêu mến các linh hồn, tình yêu Thiên Chúa của các nhà truyền giáo thật đáng khâm phục.
Các  vị đã biến những đau thương của bản thân thành nụ cười tin tưởng. Các vị nghĩ đến một ngày mai hạnh phúc. Ngày mai ấy sẽ đến khi cái ngày mai của toàn nhân loại đến. Thật, đúng là những chứng nhân của Tin Mừng Tình Yêu!
Các nhà truyền giáo đã đến với dân tộc bán khai trong tinh thần “không giày dép, không bao bị” cồng kềnh và đủ thứ tài liệu phải bận tâm. Hành trang của họ thật đơn giản, chỉ có trái tim dạt dào tình thương, một đôi tay rộng mở tỏa hơi ấm tình người, với nụ cười niềm nở với mọi người.
Không phải là nụ cười xã giao theo kiểu chào hàng, nhưng là nụ cười biểu lộ niềm vui nội tâm sâu xa. Tất cả, nói lên một tình yêu cao thượng và một lẽ sống đẹp đẽ.
Một cuộc truyền giáo được nói đến với nhiều gian lao, vất vả là lẽ đương nhiên, nhưng hôm nay thực sự tôi mới đọc, mới cảm, mới hiểu. Ý tứ như đọng lại, nhiệt thành và nghị lực, niềm tin và hy vọng của các  thừa sai ấy cứ cháy lên trong tôi.
Và có lẽ  tất cả những ai đang cầm cuốn sách “Dân Làng Hồ” trên tay đều không ngoại lệ. Có những người đang sống bình thản trong những ngôi nhà cao sáng và rộng thoáng, khi họ đọc cuốn sách này họ sẽ suy nghĩ, phải suy nghĩ và có thể họ sẽ tiến đến một cuộc ra đi như thế.
Có những người đang mãi miết trong hành trình truyền giáo, khi đọc cuốn sách này họ sẽ thêm tin và yêu hơn cái ơn gọi to lớn của mình. Ơn gọi của chính họ, ơn gọi của những người khác.
Diệu kì và thân thương biết bao các nhà truyền giáo đáng kính.
Các ngài như vị thần hiển hiện. Có khi hiện lên bằng sự gợi nhớ gợi thương, có khi hiện lên lung linh trong ánh lửa Cao Nguyên ấm áp, tỏa sáng trong đêm gió rét.
Nghĩa là các ngài đã ở trong tim tôi, trong tim mọi người, luôn ngời lên khóe mắt, thúc giục động viên. Cao quý biết bao hình ảnh các nhà truyền giáo. Cuộc sống của các ngài cắt nghĩa tất cả, đơn giản, logic, dễ hiểu. Yêu sao các nhà truyền giáo, tôi biết.
Trong hành trình đến với muôn dân, có biết bao nhà thừa sai đã ra đi và có người không trở về. Niềm tin và lòng yêu mến các linh hồn, các ngài đã giữ trong mình trọn vẹn. “Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo Tin Mừng” (Rm 10,15).
Vậy mà tôi, tôi lại sợ những cuộc ra đi như thế hoặc tương tự như thế. Từ kinh nghiệm bản thân, tôi hiểu rằng cũng có bao người như tôi cũng đã nghĩ và hiểu không đúng về ơn gọi của mình. Và một lúc nào đó cũng sẽ được một cuốn sách như thế này cảm hóa, tôi không còn cảm thấy sợ sự ra đi nữa.
Tôi tự hỏi không biết điều gì đã giúp tôi thay đổi, để đốt lên trong tôi ngọn lửa tôi yêu và gọt rửa trong tôi những vết hằn của thời gian?
“Dân Làng Hồ” với hình ảnh của các nhà thừa sai vừa chân thật vừa sinh động, đã gợi mở trong tôi những gì chưa có. Hình ảnh ấy mãi mãi là hình ảnh đẹp nhất đối với tôi. Hình ảnh của các ngài đã đi vào lòng tôi một cách nhẹ nhàng, tinh tế mà thấm sâu hơn nhiều tiếng nói khác.
Đọc sách tôi biết được cái đẹp của những bước chân người sứ giả loan báo Tin Mừng, tôi thấy được trái tim nhiệt thành và nghị lực sắt đá của các nhà thừa sai. Thấy rồi tôi sẽ yêu, yêu cái đẹp của những bước chân, yêu những con người đơn sơ lầm lủi nơi núi rừng, yêu tiếng cười trẻ thơ, yêu nhịp sống chảy cuồn cuộn trong lòng thời đại.
Đó là tiếng nói và mệnh lệnh của mỗi trái tim nhà truyền giáo.
Tôi suy nghĩ nhiều về nhiệm vụ của bản thân và nhiệm vụ của những người đọc những dòng chữ quý giá đó. Thay mặt các thừa sai năm xưa, Cha P.Duorisboure đã ghi lại rất chân xác đời sống, sinh hoạt của các ngài.
Để rồi hôm nay đây tôi vui mừng như nhận được ánh sáng soi dẫn bởi, mỗi một vị trong các nhà thừa sai đều cho tôi một mẫu gương tuyệt vời về sự quảng đại, lòng vị tha, tính hiền hòa, đức kiên nhẫn… Hơn thế, các ngài là những mẫu mực về nhà truyền giáo, đã tác động tích cực đến các thời đai, các thế hệ chúng tôi hôm nay.
Cha P. Duorisboure và các bạn của ngài đã ngã xuống, nhưng biết bao thế hệ sẽ đọc và yêu mến các ngài. Câu hỏi đặt ra là điều gì đã làm cho các vị thừa sai luôn sống mãi với thời gian? Và điều gì đã giúp các ngài có đủ nghị lực và sức mạnh trải qua biết bao con đường sỏi đá?
Đó là tình yêu thiết tha, sôi nỗi và điên cuồng đối với Thiên Chúa và các linh hồn. Bằng tình yêu ấy, các nhà thừa sai đã làm nên những trang sử, hào hùng, sáng lạn. Những cống hiến của các vị được lịch sử ghi nhận. Nó chứng tỏ sức mạnh bất diệt của Tình yêu.
Hồi ký là ghi lại những sự kiện, những sinh hoạt, những cảm xúc của bản thân một thời đã qua. Vì vậy, tác giả có điều kiện nhìn lại rõ hơn, sâu sắc hơn những gì đã làm mình rung động trước đó.
Nó kì diệu ở chỗ phát hiện được cái khác lạ trong những cái vốn bình thường mà khi gặp phải có thể tác giả chưa nhận ra đó là phép lạ, là sự can thiệp của Thiên Chúa. Với đặc trưng ấy, tập hồi ký “Dân Làng Hồ” đã được chuyển hóa sang một ý nghĩa khác có giá trị cao hơn so với những cuốn hồi ký khác.
Tạ ơn Thiên Chúa, qua cuốn hồi ký Dân Làng Hồ của . Dourisboure mà chúng con thấy được Ngài yêu thương các nhà truyền giáo của Ngài biết bao.
Điều làm cho tôi xúc động nhất là cái rừng rực lửa mến, cái khát khao tử đạo và bóng dáng khiêm nhường của các vị thừa sai. Tuổi trẻ và khát vọng truyền giáo. Không thể không xúc động về sự đặt bên nhau hai khái niệm này.
Trên chặng đường truyền giáo nhiều khi rất ngắn ngủi, tôi biết có những người không bao giờ trở về với mẹ, với quê hương … Tuổi trẻ của các ngài được gửi lại ở những cánh rừng, những thôn làng xa xăm, heo hút.
Thật ngậm ngùi nhưng cũng thật hoan hỹ. Khát vọng lớn nhất của nhà truyền giáo có lẽ là được chết trên cánh đồng với nhiều bông hạt do thành quả mình đã gieo xuống. Đó là niềm lạc phúc vô biên mà bât cứ nhà truyền giáo nào cũng mong ước.
Một tác phẩm hay thì có muôn vàn tầng bậc ý nghĩa, “và quy luật muôn đời” là không thể chiếm lĩnh hết tất cả nó. Vì thế, ở đây chỉ là một vài cảm nhận vụng về, riêng tư của cá nhân tôi mà thôi. Cuốn sách còn nói lên ý nghĩa gì nữa đây?
Mỗi người có cách cảm nhận và thẩm định nó theo cách của riêng mình.
Chúa gọi con đi mỗi tháng ngày
Nụ cười xen lẫn với đắng cay
Đây chút tình con, hương thoảng bay
Dâng lên Cha, nhân từ, khả ái.