Phạm Duy Thạch,SVD
1. Từ ngữ
Người Công Giáo Việt Nam thường dùng
động từ “sai đi” hay “nhận bài sai” để diễn giải hành động khi một bề trên hay
một Giám Mục “gửi” một thành viên đến một nơi nào đó thi hành sứ vụ. Trong
Tiếng Việt, Động từ “sai” có nghĩa là bảo người bậc dưới làm việc gì. Nó sinh
ra các từ kép như: sai bảo, sai khiến,
sai dịch, sai quan, đầu sai, sai phái… “Sai
phái” có nghĩa là sai đi làm nhiều việc: sai phái hết việc nọ đến việc kia.[i] “Sai phái” cũng có nghĩa là khiến một
người đi một nơi nào đó để làm việc quan (envoyer pour affaires officielles).[ii] Có
thể động từ “sai đi” hay danh từ “bài sai” được rút ra từ ý nghĩa này. Nếu
như vậy thì động từ “sai đi” mang một
nghĩa khá tiêu cực. Một người trên sai khiến người khác làm một việc của mình.
Hơn nữa danh từ “bài sai”, không tìm
thấy trong Đại Từ Điển Tiếng Việt, thì càng có nghĩa hàm hồ hơn. “Bài sai” có thể đối lại với “bài đúng”? Dẫu sao, việc dùng từ “sai”
trong Tiếng Việt để diễn tả việc trao ban sứ vụ cho một người nào đó có thể đưa
đến một cảm giác nặng nề cho người lãnh nhận. Người nhận cảm thấy mình bị sai,
bị khiến làm việc cho ai đó và buộc phải vâng lời chứ không mang ý hướng tự
nguyện đón nhận.
Trong Anh ngữ, động từ “to assign”
có nghĩa là trao cho ai một phần công việc phải làm, phân công, chia phần; hoặc
chỉ định cho ai một chức vụ hay một bổn phận, bổ nhiệm. Danh từ “an assignment”
nhiệm vụ hay bổn phận được phân cho ai. Như vậy, “to give an assingment” là
trao cho ai một nhiệm vụ một bổn phận và “to receive an assignment” là nhận một nhiệm vụ hay bổn phận được trao cho
mình.
Trong La ngữ, danh từ missio phát
xuất từ động từ mittere có nghĩa là: sai, phái, cử, gửi. Thần học sử dụng danh
từ này trong nhiều bối cảnh và có nhiều nghĩa khác nhau. Trong đó có một nghĩa
áp dụng cho sứ mạng Hội Thánh: Đức Giê-su sai các tông đồ tiếp tục sứ mạng của
Người. Hội thánh tiếp tục sứ mạng của các tông đồ rao giảng Tin Mừng cho muôn
dân.[iii]
Trong Thánh Kinh Tân Ước có hai động
từ Hy lạp được dùng mang nghĩa là “gửi” mà bản dịch của nhóm CGKPV dịch là
“sai”.[iv] Đó
là “apostellô” (Mt 13,41; 14,35;
Mc 8,26;
12,2.13;
Lc 1,19.26;
Ga 3,28;
Mc 9,37;
Ga 3,17.34) và
“pempô” (Mt 2,8;
Mc 5,12;
Lc 4,26;
Ga 1,22;
Cv 10,5;
Rm 8,3;
Ep 6,22;
Pl 4,16;
Tt 3,12;
1 Pr 2,14;
Kh 1,11). Hai động
từ này đều có nghĩa là “gửi” nhưng chủ thể của hai động từ hoàn toàn khác nhau.
Động từ dài hơn “apostellô” có chủ thể đặc biệt hơn đó là Thiên Chúa. Rất nhiều
ví dụ trích dẫn ở trên cho thấy điều đó. Và động từ ngắn hơn “pempô” có chủ thể
là con người. Rõ ràng cũng là gửi nhưng ý nghĩa thâm sâu của hai động thì hoàn
toàn khác nhau. Một đàng thì Thiên Chúa “gửi” ai đó đến để làm việc của Chúa,
một đàng là một người “gửi” một ai đó đến làm việc của con người.
Như vậy, phải hiểu thế nào về động
từ “gửi” và đón nhận “việc gửi” (bài sai) trong đạo Công Giáo? Xin được đề nghị
một khung cảnh để hiểu hành động “gửi đến”, thái độ trước “việc được gửi đến”
và thời điểm “được gửi đến”. Đó là khung cảnh Gia đình do Đức Giê-su xây dựng.
2. Gia đình do Đức Giê-su xây dựng
Trong
Tin Mừng Nhất Lãm, chủ đề “Nước Trời”
hay “Nước Thiên Chúa” là chủ đề chính
yếu trong sứ điệp của Đức Giê-su. Các tác giả Nhất Lãm, nhất là Máthêu đều cho
thấy, Đức Giê-su rao giảng và xây dựng một Nước Thiên Chúa ngay trên trần gian
này (Xc. Mt 4,17; 4,23; 5, 3-12; Mc 1,15; ). Tuy nhiên, bên cạnh đó, người ta
không thể bỏ quên một chủ đề khác gần gũi và nổi bật hơn. Đó là chủ đề gia
đình. Thiên Chúa là một gia đình gồm có Cha, Con và Thánh Thần nối kết mật
thiết với nhau bằng tình yêu. Chủ đề gia đình xem ra gần gũi và dễ hình dung
hơn đối với nhân loại. Đức Giê-su gọi Thiên Chúa là Cha (Xc. Mt 11,25.26;
26,39.42; Lc 10,21; 22,42; 23,34; 23,46) và dạy các môn đệ gọi Thiên Chúa là
Cha (Xc. Mt 6,9-14; Lc 11,1-4).[v] Ngài
gọi các môn đệ là bạn hữu (Xc. Lc 12,4; Ga 15,13; 15,15;). Ngài dạy các môn đệ
rằng: chúng ta có một Cha và mọi người đều là anh chị em với nhau (Xc. Mt
23,8-9). Bên cạnh đó, trong rất nhiều dụ ngôn Đức Giê-su sử dụng bối cảnh gia
đình. Dụ ngôn “tá điền sát nhân” (Mt 21,33-42, Mc 12, 1-12; Lc 20, 9-19), dụ ngôn “người Cha nhân hậu” (Lc 15,11-31), dụ
ngôn “cha sai con đi làm vườn nho”
(Mt 21,28-32), “Cứ xin thì sẽ được”
(Lc 11,9-13) …Từ gia đình Thiên Chúa, Đức Giê-su đã nhập thể trong một gia đình
nhân loại. Thế nhưng, Ngài không giới hạn gia đình dựa trên huyết tộc, linh
tông. Ngài đã xây dựng một gia đình dương thế gồm những người “biết lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa”
(Xc. Mt 12,50; Mc 3,35; Lc 8,21). Như vậy, thành phần gia đình do Đức Giê-su
xây dựng được mở rộng ra cho đến không biên giới. Thật khó để hình dung một
“vương quốc” mà tất cả dân chúng đều gọi vua là “Cha” và tất cả mọi người đều
xem nhau như là anh chị em. Càng khó hình dung một vương quốc mà kẻ làm lớn lại
làm người phục vụ anh em (Xc. Mc 9,35; 10,43). Trên thế gian này, không có một
vương quốc nào như thế. Thế nên, có thể nói đặc tính gia đình dễ hình dung hơn
là một vương quốc trong sứ điệp của Đức Giê-su. Đó là một gia đình có Thiên
Chúa là Cha và Đức Giê-su là Anh cả (Xc. Rm 8,29; Cl 1,15.18; Dt 1,6; Kh 1,5)
còn tất cả mọi người đều là anh chị em với nhau (Xc. Mt 23,8; Cv 7,26). Các
thành viên trong gia đình ấy phải yêu nhau như Chúa Giê-su đã yêu (Xc. Ga
13,34; 15,12). Trong gia đình ấy, người làm lớn, Đức Giê-su, đã hạ mình phục vụ
kẻ khác và hy sinh mạng sống vì kẻ khác (Xc. Mc 10,45).
Đức
Gioan XXIII, khi trở lại cuộc tiếp kiến ngày 4.12.1962 (thời điểm diễn ra Công
Đồng Vat.II, ngài bị bệnh bao tử và phải nghỉ ngơi một thời gian), trước mặt
đầy đủ các thành phần dân Chúa đã phát biểu như sau: “Cha thỏa mãn khi nhìn thấy một cộng đoàn đông đảo hôm nay, sự thỏa mãn
làm cha khỏe hơn lên. Trước mặt cha hôm nay mở ra một cảnh tượng thật tuyệt
với! Hội Thánh được nhóm họp tại đây, đầy đủ các đại biểu: Giám mục, linh mục
và dân ki-tô giáo, một đại gia đình đang nhóm họp tại đây, đại gia đình của Đức
Ki-tô”. Người ta bỗng ngạc nhiên trước cảm thức Tin Mừng của ngài bởi
người ta nghĩ ngài sẽ nói “các kim tự
tháp thật đầy đủ” (trước CĐ Vat.II, GH được ví như một kim tự tháp) thì
ngài lại nói “một đại gia đình thật đông
đủ, gia đình của Đức ki-tô”. Trong mầu nhiệm dân Thiên Chúa tất cả đều là
anh em. Và đó chính là tinh thần của CĐ Vat.II[vi]: “Thiên Chúa, Đấng chăm sóc mọi người với tình
phụ tử, muốn cho toàn thể nhân loại liên kết thành một gia đình và đối xử với
nhau như tình huynh đệ”.[vii]
3. Thái độ
trước “việc được gửi đến”
a. Chủ thể duy nhất “hành vi gửi”.
Như đã nói trên, chủ thể của động từ
“gửi đến” (apostellô) trong Tin Mừng chính là Thiên Chúa, Người Cha trong gia
đình do Đức Giê-su xây dựng. Thế nhưng, xưa nay, nói đến người gửi (người ra
bài sai), người ta thường nghĩ ngay đến các bề trên các Hội Dòng hay Đức Giám
Mục Giáo Phận. Các Ngài có quyền gửi ai đến đâu tùy ý. Đặc tính vâng lời được
nhấn khá mạnh, ít là trong suy nghĩ của “người được gửi”. Thế nhưng, chính vì
chỉ nghĩ đến “người gửi” là các bề trên và các Đức Giám Mục cho nên những người
sắp nhận “sự gửi” ấy ra sức làm đủ mọi cách để nhận cho được một “bài sai” hợp
với khả năng và “ý” của mình. Khi nhìn nhận “việc gửi đi” là của bề trên nên
khi gặp khó khăn, thất bại, nhiệm vụ bất khả thi, “người được gửi” dễ oán trách
bề trên và thoái thác trách nhiệm. Cũng thế, các bề trên cũng như Đức GM nghĩ
rằng mình là “người gửi” nên cũng đặt “ý” vào trong những “sự gửi” ấy và làm đủ
mọi cách để sắp xếp những người phù hợp với “ý” mình trong các “bài sai” mà các
ngài đưa ra. Chưa nói đến việc các ngài có thói quen dành những ưu tiên số một
cho những thành phần “CCÔC” (con cha cháu ông). Trong khi đó, đúng ra, họ được
mời gọi nhìn nhận đúng chính xác “người gửi” để rồi thi hành cho đúng chức phận
của mình. Khi nhìn nhận đúng “người gửi” ấy thì cả “người gửi” và “người được
gửi” không còn toan tính những chuyện riêng tư, lợi lộc cho mình nhưng cùng
hướng đến ý của “người gửi”. Trong kế hoặch cứu độ của Thiên Chúa, bề trên,
Giám mục hay các thành viên, hay bất kỳ một ki-tô hữu nào đều được nhìn nhận
bình đẳng. Khi xác tín “người gửi” duy nhất là Thiên Chúa thì các Giám mục, các
bề trên cũng như “người được gửi” sẽ không lo tìm ý mình để rồi tập trung vào
việc tìm kiếm ý của “người gửi” duy nhất ấy.
b. Thái độ trước “việc được gửi đến”.
Dưới lăng gia đình như đã nói trên: Thiên Chúa
là Cha và tôi là con, tha nhân là anh chị em của tôi thì thái độ người ki-tô
hữu cần phải có là thái độ của một người con chung chia nỗi niềm lo lắng của
người Cha trên trời, nhằm đưa anh chị em của mình về “đoàn tụ” với gia đình.
Như vậy “việc gửi” không còn là “một sự sai phái” từ người Cha nữa nhưng phát
xuất từ tâm tình của những người con muốn “nhận lấy trách nhiệm” của chính mình
như thành viên của gia đình Thiên Chúa. Một khi Thiên Chúa phải gửi có nghĩa là
“những người con” không biết tâm tư nguyện vọng của Người Cha, hoặc đã biết rồi
nhưng vẫn làm ngơ không muốn dấn thân. Đức Giê-su đã nhận ra nỗi lòng củ người Cha
muốn cứu độ nhân loại nên Người đã vui lòng đón nhận sứ mệnh và xem như là một
điều nhất thiết phải chung phần trong tình Cha – Con. Nếu nhìn nhận mình là
thành viên của gia đình do Đức Giê-su xây dựng thì việc đón nhận phận vụ rao
giảng Tin Mừng, chung chia nỗi lo lắng của người Cha là chuyện hiển nhiên,
không cần người Cha phải sai khiến hay ép buộc. Hiến pháp Dòng Ngôi Lời nói đến
một tinh thần “sẵn sàng đi đến bất cứ nơi
đâu mà bề trên sai họ tới, để làm chu toàn sứ vụ thừa sai của chúng ta, cho dù
việc bổ nhiệm này đòi hỏi phải rời bỏ quê hương xứ sở, tiếng mẹ đẻ cũng như nền
văn hóa của mình”. Ngoài ra, Hiến pháp còn nói đến “quyền tự nguyện đi truyền giáo tại một quốc gia hay một nền văn hóa
khác”.[viii]
Mỗi thành viên phải luôn sẵn sàng và xem việc tự nguyện đi truyền giáo như một
quyền phải đòi chứ không chỉ là một bổn phận hay thi hành một lệnh truyền. Như
vậy, việc gửi đi của bề trên chỉ còn là thủ tục và để xác định một nơi chốn cụ
thể, còn “việc ra đi” có sẵn trong ý muốn của mỗi thành viên rồi.
c. “Thời điểm được gửi”.
Khi nào tôi mới “được gửi” đây? Nó
bắt đầu ngay khi một người được kể là một người con trong gia đình Thiên Chúa.
Giáo lý GHCG dạy rằng ngay từ khi lãnh Bí Tích Thánh Tẩy, chính thức gọi Thiên
Chúa là Cha thì mỗi người đều lãnh nhận đầy đủ 3 chức vụ: ngôn sứ, tư tế và
vương đế.[ix] Đó
là ân huệ mà người Cha tra ban cho con mình. Hễ ai là Con Chúa thì đương nhiên
được lãnh nhận những ân huệ ấy ngay từ thời điểm mà mình chưa nhận thức được
mình là Con. Còn thi hành như thế nào, và khi nào, nơi nào thì còn tùy vào khả
năng, ý muốn của đương sự và đặc biệt là dưới tác động của Thánh Thần. Tác động
của Thánh Thần rất quan trọng trong hành trình thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng
của mọi người. Không có ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta không thể làm gì được.
Tạm kết
Như vậy, việc chấp nhận “được gửi
đến” với một nơi nào, đặc biệt là những nơi nghèo đói, khí hậu khắc nghiệt trên
thế giới được thêu dệt như những chọn lựa ghê gớm, vĩ đại, khủng khiếp của
những con người đặc biệt, lại chỉ là sự đón nhận hiển nhiên, phổ quát của tình
con thảo. Thế nhưng, lâu nay nó vẫn là một chọn lựa bất thường đáng sợ đến ngại
ngùng trong suy nghĩ và cảm xúc của người ra đi cũng như người ở lại. Đó cũng
lại là chuyện hết sức bình thường có thể lý giải được. Một khi con người chưa
có được mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa như là Người Cha, một khi bức
tường ngăn cách giữa Thiên Chúa Cha với con người còn quá lớn, thì chọn lựa ấy
vẫn chưa là một điều hiển nhiên và bất khả kháng trong lòng họ. Cũng thế, một
khi bức tường ngăn cách giữa họ và tha nhân, giữa họ với thế giới còn quá dày
thì việc đến với người khác vẫn còn là một “mệnh lệnh” hơn là một “quà tặng”,
một điều gì đó “phải làm” hơn là được làm. Họ có thể hiện diện, bên cạnh tha
nhân nhưng không gặp gỡ tha nhân. Họ có thể sống trong nhà Cha và có mọi sự
nhưng vẫn cảm giác như mình chỉ là một kẻ làm công như tâm trạng của người Anh
Cả trong dụ ngôn “người Cha nhân hậu” (Xc. Lc 15,11-31). Thiết nghĩ, tất cả mọi
thêu dệt về một sự ghê gớm, đáng sợ, đáng ngại ngùng của ơn gọi “được gửi đến”
bất kỳ một nơi nào đó chỉ được bình thường hóa khi con người có thể nhìn nhận
thế giới này như một gia đình do Đức Giê-su thiết lập. Đó là một lý tưởng và là
một điều đáng theo đuổi, đáng ước mơ… lúc ấy bước chân người Rao giảng Tin Mừng
sẽ đẹp biết bao như Isaia đã ca ngợi: “Đẹp
thay trên đồi núi bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người
loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ và nói với Xi-on rằng: "Thiên Chúa
ngươi là Vua hiển trị." (Is 52,7).
[i] Xc. Đại Từ Điển Tiếng Việt, Nguyễn Như Ý- chủ biên (Hà Nội: Văn hóa
Thông Tin, 1998), tr.1424-1425.
[ii] Xc. Đào Duy Anh, Hán – Việt Từ Điển (Hà Nội: Khoa Học Xã
Hội, 1992), tr.182.
[iii] Xc. Phan Tấn Thành, Loan báo Tin Mừng, Tái Loan báo Tin Mừng,
Loan Tin Mừng cách mới mẻ: Những bài học lịch sử [trong Hiệp Thông số 73: Tân Phúc Am Hóa để Thông Truyền Đức Tin
Ki-tô giáo (tháng 11& 12, 2012), tr. 55-56].
[iv] Bản dịch Anh Ngữ New Revised Standard Version dùng hai động
từ khác nhau: “apostellô” = to send out và “pempô” = to send.
[v] Đây là khác biệt cơ bản giữa mạc
khải của Cựu Ước và Mạc khải của chính Đức Giê-su về Thiên Chúa.
[vi] Xc. Th. Rey – Mermet, bản Việt Ngữ: Sống Đức Tin theo Công Đồng Vatican II [(Croire, Tome
3: Vivre La Foi Avec Le Concile Vatican II, Droguet – Ardant, 1979), (Hà nội,
2008), tr. 207-208].
[vii]
Vatican II, Gaudium et Spes, số 24.
[viii] Xc. Hiến Pháp Dòng Ngôi Lời, số 102.