19 thg 11, 2012

VÀI CẢM NHẬN VỀ ĐẠO ĐỨC NHÀ GIÁO – NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM


 Thanh Tâm
Từ xưa đến nay, Nhà giáo có sứ mạng thiêng liêng là dạy dỗ các thế hệ trẻ để truyền đạt kiến thức từ đời này sang đời khác, giúp xã hội tồn tại và không ngừng phát triển. Họ đã dạy dỗ bằng tấm gương cao quý để học sinh học hỏi và noi theo. Họ đã dạy dỗ bằng tất cả lương tâm và tình yêu nghề nghiệp của mình.
Nhờ đó, họ đã gây ấn tượng mạnh mẽ, sâu sắc và gieo những hạt giống tốt trong thế hệ trẻ, đánh thức và làm nảy nở các tài năng một cách âm thầm, góp phần đào tạo nên những thế hệ tương lai cho đất nước. Đó là những Nhà giáo có đạo đức.
Nhưng trong thời đại hôm nay, đạo đức Nhà giáo đã đi đến đâu khi mà chúng ta đang sống trong một xã hội xô bồ, một xã hội mà mọi giá trị bị đảo lộn? Xã hội đã lên hồi chuông báo động vì sự xuống cấp trầm trọng của đạo đức Nhà giáo. Đạo đức Nhà giáo đã xuống cấp đến mức mà có người gọi rằng đây là căn bệnh của xã hội, của cả một nền giáo dục…

Người thầy có ảnh hưởng đến cả một thế hệ trẻ, bởi họ là những con người không những truyền đạt kiến thức cho học sinh mà còn góp phần tạo nên nhân cách sống nữa. Cho nên, đạo đức Nhà giáo là một vấn đề quan trọng không riêng gì của những con người hoạt động trong Ngành giáo mà nó còn liên quan đến cả một xã hội. Nói như thế để thấy được đạo đức Nhà giáo quan trọng đến mức nào.
Trong bài viết này, chúng tôi xin điểm qua đôi chút về sự xuống cấp của Nhà giáo trong xã hội Việt Nam hiện tại. Đồng thời, bài viết cũng sẽ khẳng định lại vai trò, trách nhiệm của Nhà giáo, cũng như những định hướng mà một Nhà giáo phải có để có thể nâng cao phẩm chất đạo đức của Nghề mình.
1. Đạo đức Nhà giáo là gì?
Theo sách từ điển Tiếng Việt: “Đạo đức là những phép tắc được xã hội thừa nhận, qui định quan hệ giữa người với người, giữa cá nhân với tập thể.” Nếu hiểu theo tính chất thì nó có nghĩa là “Phẩm chất tốt của con người: Người có đạo đức.” (Xuân Huy & Đồng Công Hữu, Từ điển Tiếng Việt (Hà Nội: NXB trẻ, 2007), tr. 302).
Theo trang Wikipedia thì định nghĩa về đạo đức một cách cụ thể và chi tiết hơn:
-                Đạo: Đường đi, hướng đi, lối làm việc, ăn ở.
-                Đức : Sống theo đúng luân thường.
-                Đạo đức thuộc hình thái ý thức xã hội, là tập hợp những nguyên tắc, qui tắc, nhằm điều chỉnh và đánh giá cách ứng xử của con người trong quan hệ với nhau, với xã hội, với tự nhiên trong hiện tại hoặc quá khứ cũng như tương lai chúng thực hiện bởi niềm tin cá nhân, bởi truyền thống và sức mạnh dư luận của xã hội.[1]
Theo Tiếng Hy Lạp, đạo đức xuất phát từ chữ ethos. Chữ này có 2 nghĩa: nghĩa thứ nhất là “cách hiện hữu, đường lối”, nghĩa thứ hai có thể được hiểu là cách thể hiện hữu nhờ tập luyện. Hiểu theo nghĩa này có nghĩa là tập quán, là thói quen, cách ứng xử và hành xử của con người trong xã hội (Xin xem thêm Nguyễn Thái Hợp, OP. Đạo đức học (Trung tâm Học vấn Đa Minh, 2008), tr. 3-13.).
Không có một định nghĩa cụ thể nào về đạo đức Nhà giáo.
Nhưng Nhà giáo là những con người dạy học (Giáo viên, Giảng viên), tức là những con người hoạt động trong ngành giáo dục nên đạo đức Nhà giáo cũng có thể coi là đạo đức con người, đạo đức của một ngành nghề cụ thể với những tiêu chuẩn riêng của nghành nghề đó mang lại.
Khi xem Nhà giáo là con người hoạt động trong nghề giáo dục thì đạo đức Nhà giáo chứa đựng những “quy tắc kỹ thuật’ và những ‘quy luật đạo đức’ để xác định giá trị chuyên biệt, cũng như nghĩa vụ, quyền lợi và trách nhiệm của các thành viên trong khi thi hành ngành nghề chuyên môn.” (Sđd, tr. 212-13).
Như vậy, đạo đức Nhà giáo là những tiêu chuẩn đạo đức đối với những con người tham gia vào sự nghiệp giáo dục, “hướng tới những cách ứng xử của người dạy học đối với một thế hệ, trong hiện tại và cả tương lai.”[2]
2. Thực trạng đạo đức Nhà giáo Việt Nam
Mấy chục năm qua, người ta ít bàn đến đạo đức, đạo đức Nhà giáo. Điều này có nhiều lí do.
Thứ nhất: Do Việt Nam có truyền thống tôn sư trọng đạo, người thầy có một vị trí đặc biệt trong xã hội và tâm thức của mọi người. Cho nên, khi nghĩ đến Nhà giáo, người ta nghĩ ngay đến những điều tố đẹp, đến những chuẩn mực, đến nhân cách cao thượng của người, của nghề chứ ít người nghĩ đến những điều xấu cho Nhà giáo. Khi nhắc đến Nhà giáo, ai lại có thể nghĩ rằng những con người đào tạo thế hệ tương lai cho đất nước lại có thể làm những điều sai trái.
Thứ hai: Việt Nam là Xã hội Chủ nghĩa. Mà đã là Xã hội Chủ nghĩa là “tốt đẹp” thì nền giáo dục cũng “là số 1”. Thế nên, những Nhà giáo phải là người có phẩm chất đạo đức tuyệt hảo rồi. Quan niệm sai trái này đã đẩy tình trạng giáo dục xuống cấp đến mức báo động, biến đạo đức Nhà giáo xuống cấp một tệ hại vì chế độ này đã quá phô trương thanh thế, hình thức chủ nghĩa mà quên đi cái ruột bên trong.
Xã hội nào cũng có người tốt, người xấu; ngành nghề nào cũng có người hay, kẻ dở; nếu quan niệm con người dưới một chế độ chính trị nào đó là hoàn hảo là một sự sai lầm. Cũng vì quan niệm đó mà Xã hội Chủ nghĩa ít bàn và ít quan tâm đến phẩm chất đạo đức của Nhà giáo, có chăng chỉ là trên giấy mực và chỉ dừng lại ở mức độ “ghi nhận”.
Thứ ba: Chỉ mấy năm gần đây, hệ thống giáo dục mới đưa lại môn đạo đức vào trường học chứ có một thời người ta “quên” hẳn môn học này. Nhưng hiện nay, môn đạo đức cũng chỉ được dạy ở trường cấp 1 với những bài học chưa thực sự chú trọng đến sự giáo dục đạo đức. Còn lại ở các lớp phổ thông và đại học, học sinh, sinh viên chỉ học môn Giáo dục công dân, hay các môn Giáo dục chính trị, phục vụ cho chế độ, chứ vấn đề giáo dục đạo đức một cách hệ thống như môn đạo đức thì chưa có. Vì thế, cả một thế hệ đã không biết môn đạo đức học là gì… Điều này dẫn đến sự quên lãng về đạo đức học, trong khi đó, xã hội chỉ được biết đến một “chế độ hoàn hảo và những con người hoàn hảo trong chế độ đó.”
Thứ tư: Khi có những vấn đề sai phạm đến đạo đức xã hội cũng như đạo đức Nhà giáo, vì mặt sĩ diện của chế độ, của ngành nghề mình khiến cho các tổ chức cá nhân không dám nhìn thẳng vào sự thật mà cố tình tránh né hoặc bao che khiến cho dư luận xã hội im lặng và chẳng ai biết ra sao. Tổ chức, cá nhân vi phạm đạo đức thì được che dấu khiến cho họ không những không có cơ hội sửa chữa mà còn có cơ hội vi phạm thêm. Một số người vi phạm kỷ luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp thì được luân chuyển đi một nơi khác và được giao một chức vụ cao hơn. Giả như khi dư luận xã hội lên tiếng hay báo chí phanh phui thì cơ quan cũng có xử lí vi phạm nhưng chỉ ở mức độ hình thức hoặc với chiêu bài “thí tốt”…
Một khi đạo đức đã không được đề cập và học hỏi một cách đúng nghĩa, một khi không dám nhìn thẳng vào sự thật, không dám đối diện với sự thật thì vấn nạn suy đồi đạo đức của xã hội, của Nhà giáo là điều tất yếu. Trong đó, đạo đức Nhà giáo đang lên đến mức báo động đỏ. Phải đợi đến năm 2008, khi ông Nguyễn Thiện Nhân lên chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục thì ngành Giáo dục mới có cái tạm gọi là quy định về đạo đức Nhà giáo – một sự tạt nước vào bể lửa.
Trong “Quy định về đạo đức Nhà giáo”[3] đã trình bày một cách lý tưởng để xây dựng một nhà giáo có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất và lương tâm nghề nghiệp trong sáng, có tính tích cực học tập, không ngừng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và phương pháp sư phạm, có lối sống và cách ứng xử chuẩn mực, thực sự là tấm gư­ơng cho người học noi theo.[4] Nhưng nhìn vào qui định này, người ta dễ có cảm tưởng là Bộ giáo dục đang cố xây dựng một Nhà giáo vững vàng về tư tưởng chính trị hơn là xây dựng một Nhà giáo có phẩm chất của người làm thầy dạy người. Hơn nữa, đạo đức là cái gì được hình thành từ nhỏ, nó phải có cơ sở và phải xuất phát từ con người chứ không thể hình thành trên những quy định.
Tác giả Nguyễn Chung trên diễn đàn dân trí đã có ý kiến rất xác đáng: Quy chế đạo đức Nhà giáo, dù trong đó có những chế tài xử phạt nghiêm khắc thì cũng chỉ có tác dụng răn đe, ngăn chặn phần nào thói hư tật xấu, chứ không có ý nghĩa quyết định đến nền tảng đạo đức Nhà giáo. Sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng chỉ cần ngồi thảo luận, rồi biên soạn và ban hành một quy chế về tác phong, thái độ Nhà giáo là có thể yên tâm: Từ giờ trở đi vấn đề đạo đức Nhà giáo vậy là ổn rồi.[5]
Dẫu biết quy định là cơ sở pháp lý để mọi người noi theo nhưng một khi nền tảng đạo đức đã không được chú trọng từ trước thì những quy định có tính chất thời vụ như vậy chỉ có tác dụng làm cho xã hội yên tâm trên mặt bằng giấy tờ chứ thực trạng sự xuống cấp của đạo đức Nhà giáo vẫn không khá hơn trước khi bản quy định này ra đời là bao nhiêu.
Chỉ cần lướt qua trên các trang báo điện tử, trên các trang báo hàng ngày chúng ta sẽ thấy vô số những bê bối của ngành giáo dục, của các Nhà giáo. Nào là thầy giáo gã tình lấy điểm[6], nào là thầy giáo vòi tiền học sinh, nào là thầy giáo nhận hối lộ[7], nào là thầy giáo gian lận, nào là thầy giáo vi phạm pháp luật, nào là thầy giáo vi phạm đạo đức, nào là thầy giáo bê bối chuyện tình cảm, gia đình… Khi đọc và chứng kiến đến điều này, nhiều người cho là “quốc nạn”.
Có lẽ mấy chục năm trước đây, ít có ai nghĩ những con người trồng người này lại có thể vi phạm đạo đức nghiêm trọng đến vậy. Nhiều người cho rằng: xã hội xuống cấp về đạo đức thì giáo dục, Nhà giáo cũng xuống cấp theo là điều đương nhiên. Ý kiến này có phần đúng nhưng ít ai đặt vấn đề do đâu? Có lẽ do nhiều lí do mà người ta không lên tiếng, cũng có thể vì đại bộ phận tầng lớp nhân dân ít quan tâm đến tin tức, dư luận, hoặc thông tin nhiều khi chỉ có một chiều nên nhiều người cũng “ngán đọc”.
Ngày nay, dư luận cũng nói nhiều đến sự xuống cấp về đạo đức của học sinh nhưng mấy ai đặt lại vấn đề do đâu tình trạng học sinh lại xuống cấp đến mức như vậy. Chúng tôi nghĩ rằng: Thầy mà còn vậy thì trò cũng vậy thôi. Mới đây, dư luận mạng đang xôn xao vụ học viên cãi lại thầy giáo trong lớp học.[8] Thật bất ngờ, người lớn tiếng thách thức giảng viên – thầy dạy của mình - lại là một thầy giáo đang dạy học tại một trường Cao đẳng. Một người thầy mà có những biểu hiện và lời nói thiếu đạo đức, thiếu sự tôn trọng ông thầy của mình là vậy thử hỏi anh ta khi về trường sẽ dạy sinh viên mình những gì? Thật là một nghịch lí trớ trêu. Đây cũng là một minh chứng rõ ràng về sự xuống cấp về đạo đức Nhà giáo, cũng là một minh chứng để nói lên rằng sau 4 năm thực hiện “Quy định về đạo đức Nhà giáo” của ông Nguyễn Thiện Nhân đã đi được đến đâu.
Trong bài “Tham luận về đạo đức người thầy – Đại hội CNVC 2007 -2008”[9] đã chỉ ra những khiếm khuyết của các Nhà giáo như sau:
Thứ nhất: Thiếu thế giới quan khoa học: Có thái độ vọng ngoại […], có thái độ tiêu cực, thiếu lạc quan trong cuộc sống; thứ hai: Thiếu lý tưởng đào tạo thế hệ trẻ; thứ ba: Thiếu lòng yêu trẻ, ăn hối lộ, điểm số không trung thực, có thái độ thiên vị, có thái độ thành kiến […]; thứ 4: Thiếu lòng yêu nghề […]; thứ 5: Thiếu một số phẩm chất đạo đức và phẩm chất ý chí của người giáo viên như đi muộn, cờ bạc, hút thuốc, uống rượu khi lên lớp, đối xử không tốt với vợ, chồng, con cái, có tai tiếng xấu về vấn đề tình cảm (không chung thủy, không đứng đắn)…
Như thế, khi nhìn vào thực trạng giáo dục của nước ta, đặc biệt khi nhìn vào thực trạng nền đạo đức của những Nhà giáo khiến cho xã hội không thể không lo lắng. Thầy cô giáo là những con người có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của thế hệ trẻ, do đó, những Nhà giáo có phẩm chất đạo đức tốt sẽ cho ra những thế hệ học sinh tốt; những Nhà giáo có phẩm chất đạo đức xấu sẽ gây nên những thế hệ học sinh thiếu năng lực, đặc biệt thiếu phẩm chất.
Cho nên, xã hội cần nhìn lại, cần gây dựng lại để tạo nên đội ngũ Nhà giáo “lành nghề” cả về chuyên môn và phẩm chất đạo đức. Điều này cần phải xây dựng và đi lên từ gốc chứ không thể thực hiện một cách chắp vá, theo kiểu “đi theo dập lửa.”
Tuy nhiên, trong xã hội vẫn không thiếu những Nhà giáo có tấm lòng cao thượng, thể hiện một tấm lòng của người thầy, những con người đào tạo con người cho đất nước. Có những Nhà giáo một đời lo nghiên cứu chuyên môn để phục vụ cho việc giảng dạy đạt kết quả cao hơn. Có những người thầy một đời tận tụy vì bao thế hệ học sinh của mình. Có những người thầy thà chịu thiệt thòi để các thế hệ học trò của mình được thành đạt…
Cho nên, khi nhìn vào thực trạng giáo dục của Việt Nam hiện tại, nhìn vào những tai tiếng của những Nhà giáo vô đạo đức người ta vẫn thấy đâu đó những Nhà giáo chân chính. Đó chính là những điểm sáng mà mỗi Nhà giáo cần hướng tới.
3. Nâng cao đạo đức Nhà giáo
Nhà giáo phải tìm ra ơn gọi và sứ mạng cho đời mình
Để Nhà giáo thực sự có phẩm chất đạo đức, mỗi Nhà giáo phải tìm ra ơn gọi và sứ mạng của bản thân để có thể theo đuổi nó với một sự yêu thích và quí trọng. Cho nên, mỗi nhà giáo phải đặt cho mình câu hỏi: Ơn gọi và sứ mạng của tôi phải chăng là Nhà giáo, những con người đảm nhận trách nhiệm giáo dục?
Lẽ dĩ nhiên câu hỏi đó ai cũng có thể đặt ra. Nhưng câu trả lời và thực thi trách vụ cho câu hỏi đó thì mỗi đối tượng mỗi khác. Khi câu hỏi đó được đặt ra do chính chủ thể thực thi sứ mạng, và với một lương tâm trong sáng, một ý hướng rõ ràng, một hoài bão mạnh mẽ thì hẳn điều này sẽ có giá trị hơn.
Cho nên, để nhận ra ơn gọi và sứ mạng của mình có phải là Nhà giáo hay không, có phải là người sẽ đảm nhận trách nhiệm dạy dỗ thế hệ trẻ hay không, con người cần phải thực sự đi tìm – tìm ra sứ mạng đời mình.
Một câu hỏi nữa được đặt ra là: Điều này có quá mất thời gian không khi mà chúng ta đang sống trong xã hội với sự phát triển không ngừng của kỹ thuật số? Có thể trả lời rằng: Cuộc sống của con người chỉ thực sự có giá trị khi chính mình nhận ra sứ mạng của mình. Chỉ khi tôi nhận ra sứ mạng của tôi là NGHỀ GIÁO, lúc đó tôi mới có thể dấn thân một cách trọn vẹn, lúc đó đạo đức Nhà giáo mới vững bền. Đi tìm ơn gọi và sứ mạng của mình sẽ không mất thời gian chút nào nếu con người muốn hiến thân trọn vẹn trong sứ mạng ấy. Xã hội hôm nay đã lãng quên điều này, thay vào đó là sự thương mại hóa nghề nghiệp nên làm cho nền giáo dục bị xuống cấp, đạo đức Nhà giáo bị bôi nhọ. Nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Tuấn  có nhận xét rất chính xác của nền giáo dục và lý tưởng sống của con người trong xã hội Việt Nam hiện nay: Một xã hội coi trọng bằng cấp, phù phiếm với bằng cấp với những vẻ bề ngoài mà ít tập trung vào cái đích thực của con người như nội tâm hay cảm xúc, sự bình an và toại nguyện trong tâm hồn… Chúng ta sống mà thực sự rất khó biết điều gì là quan trọng nhất? Điều gì thực sự có ý nghĩa với đời sống? Bởi vì xung quanh mình đang có quá nhiều điều vớ vẩn và vô nghĩa.[10]
Như thế, để đời Nhà giáo thực sự ý nghĩa, để những ai đã  và sẽ sống trong sứ vụ là Nhà giáo có ý nghĩa cần một sự xác định rõ ràng, cần một sự tìm tòi nghiêm túc để khám phá ra sứ mạng bản thân. Đó cũng là sự tìm ra “Ý hướng triết lý của cuộc đời.”[11] (Nguyễn Trọng Viễn, OP., Triết học nhập môn (Học viện Đa Minh, 1995).
Chỉ khi con người khám phá ra rằng: sứ mạng đích thực của tôi là Nhà giáo bằng một sự tìm tòi nghiêm túc và chân thành, lúc đó, cuộc sống mới là cuộc sống. Và cũng chỉ lúc đó, những Nhà giáo mới thực sự dám tận tụy, dám hy sinh cuộc đời mình cho sự nghiệp giáo dục, cho Nghề giáo – một nghề cao quí của muôn đời.
Nhà Giáo phải khẳng định giá trị bản thân và nghề nhiệp
Xã hội Chủ nghĩa kìm nén giá trị bản thân, kìm nén sự phát huy giá trị bản thân. Đây không phải là một nhận định có tính định kiến nhưng đó là một sự thật. Những ai có suy nghĩ chân chính và có cái nhìn một cách khách quan đều có thể nhận ra điều này. Chế độ này đã dẫn đến sự thui chột của một nền giáo dục, làm hư một thế hệ.
Theo Nguyễn Anh Tuấn: Hệ thống giáo dục này rất ít quan tâm, nếu không muốn nói là không có sự quan tâm, được dành cho việc giáo dục con người thành người trước khi giàu có hay thành công.[12] Trong hỗn cảnh đó, Nhà giáo cũng chịu chung số phận. Cho nên, để Nghề giáo thực sự là một nghề góp phần đào tạo thế hệ trẻ, tương lai của đất, và để Nhà giáo là con người có đạo đức nghề nghiệp thì mỗi Nhà giáo trước hết phải khẳng định giá trị bản thân mình và nghề nghiệp của mình. Đây là điều tiên quyết và quan trọng nhất của Nhà giáo.
Tại sao nó lại quan trọng như vậy? Cần thấy rằng: khi giá trị bản thân không được khẳng định thì những việc làm của ta sẽ vô giá trị, mà có giá trị cũng chỉ là vụn vặt, chắp vá. Nhà giáo, trước hết cần khẳng định giá trị đời mình, khẳng định giá trị nghề mình. Văn hóa Phương Đông ít đề cao tính cá nhân, thế nhưng lại rất coi trọng ông thầy. Cha ông ta có câu:
Muốn sang phải bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy.
Xã hội xưa coi trọng những người thầy, vì thế giá trị của người thầy được nâng cao, và cũng vì thế những người thầy trước đây rất coi trọng thanh danh mình, coi trọng cái nghiệp của mình. Những Nhà giáo xưa thà sống nghèo chứ nhất định không chịu nhục, không chịu lụy. Họ không để vì miếng cơm manh áo mà ảnh hưởng đến cái nghề cao quí của họ. Nói chi xa, nhìn lại nền giáo dục của ta cách đây mấy chục năm, khi đất nước chưa thống nhất, chúng ta đã có một nền giáo dục vừa mang đậm phong cách truyền thống trọng thầy, trọng việc học, nhưng cũng có sự cách tân để theo kịp với thế giới. Trong hoàn cảnh xã hội ấy, trong truyền thống ấy, những Nhà giáo được xã hội coi trọng, và chính bản thân họ cũng coi trọng giá trị con người và sự nghiệp của mình.
Nhưng từ ngày đất nước thống nhất, Nghề giáo đã có những đổi thay. Song vẫn có những người thầy không vì hoàn cảnh mà đánh mất bản thân, đánh mất ý nghĩa cao quí của cái nghề mà mình đã chọn. Người thầy có ảnh hưởng lớn nhất trên đời tôi là một người như thế. Sau năm 1975, đất nước khó khăn, Nghề giáo bị coi là “nghề của cái đói”, bởi vì ai theo Nghiệp ấy đều đói cả. Lương không đủ nuôi thân huống hồ nuôi gia đình. Thời ấy có câu: Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm. Nghĩa là Nghề giáo được coi là nghề hèn nhất. Thật là tai hại. Giáo dục có ý nghĩa quan trọng là thế, vậy mà Nghề giáo lại bị xem nhẹ. Chả trách gì mà giáo dục mỗi ngày một xuống dốc. Trong hoàn cảnh ấy, thầy tôi vẫn trung thành với Nghiệp giáo. Dù lúc đó nhiều người bỏ dạy để đi làm nghề khác kiếm tiền nhưng thầy tôi vẫn nhất định giữ lấy nghề. Dù vợ con khuyên thầy nên đổi nghề nhưng thầy tôi vẫn giữ lấy nghề… Và chính những tâm huyết chân thành ấy, chính tình yêu nghề ấy, chính lòng trung thành với sứ mạng ấy thầy đã vượt qua được những giai đoạn khó khăn; thầy đã giữ lấy giá trị đạo đức của Nghề mình. Thầy đã đào tạo biết bao thế hệ, truyền cho họ không chỉ là kiến thức mà còn cả đức tính làm người…Đó chính là những người thầy, Nhà giáo đã coi và chọn con đường dạy dỗ là sứ mạng đời mình. Chỉ có tình yêu và sự tận tụy mới giúp họ đứng vững giữa một xã hội mà Nghề giáo bị đảo điên.
Sự khẳng định giá trị bản thân và nghề nghiệp của Nhà giáo còn thể hiện trong việc tìm ra phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất. Dạy học là một nghệ thuật, do đó Nhà giáo cũng phải là những nghệ sĩ. Phải chú trọng điều này vì thực tế chứng minh rằng: nhờ những phương pháp giảng hay, dạy tốt đã đào tạo nên những học sinh xuất sắc. Nghệ thuật giảng dạy thật quan trọng, đặc biệt trong thời đại hôm nay, ở bối cảnh Việt Nam hiện tại. Thực trạng giáo dục Việt Nam hiện nay là dạy cho qua chuyện để tính tiết lấy tiền, tuy vẫn có những tấm gương giáo viên dạy dỗ hết mình vì học sinh, dạy học mà không biết mình dạy gì. Một thực trạng hiện nay cũng dễ nhận ra là: học sinh chỉ được dạy những kiến thức sách vở mà thiếu tính thực tế. Cho nên không lạ gì học sinh cấp 3 tốt nghiệp mà một vài kiến thức phổ thông cũng nắm không vững; không lạ gì sinh viên tốt nghiệp nhưng không đủ năng lực làm việc; điều này còn phải kể đến việc đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ một cách tràn lan, thiếu chất lượng. Thậm chí người ta nói rằng: ở Việt Nam, sau một đêm ngủ dậy đã thấy tiến sỹ đầy đường. Một sự mỉa mai có căn cứ…
Thực trạng đó đòi hỏi mỗi Nhà giáo phải ý thức lại đạo đức của Nghề mình. Nhà giáo không chỉ dạy cho các em kiến thức khô cứng trong sách vở nhưng phải hướng các em đến những chân lí mới, chân trời mới, mà ở đó, các em có thể tự mình khám phá ra tri thức của nhân loại. Sứ mạng đích thực của Nhà giáo không chỉ là truyền thụ kiến thức nhưng phải khơi nguồn được ở học sinh tinh thần khám phá và khẳng định bản thân mình, khơi nguồn nơi các em tinh thần đi tìm tri thức và chân lí. Làm được những điều này, sứ mạng của Nhà giáo mới thực sự được khẳng định; ý nghĩa đời Giáo mới thực sự vẻ vang.
Một sự dấn thân tuyệt đối
Nhà giáo chỉ thực sự có đạo đức và gìn giữ bản chất đạo đức Đời Giáo khi coi bản thân mình, sứ mạng đời mình có giá trị tuyệt đối. Phải khẳng định được điều này thì sứ mạng của Nhà giáo mới thật sự cao quí như nó vốn có.
Xã hội này, thời đại này người ta coi cái gì cũng là tương đối. Điều này thật nguy hiểm, bởi khi chỉ xem mọi sự là tương đối, con người không thể sống hết mình với nó. Nhà giáo cũng chỉ xem mọi sự là tương đối sao có thể sống hết mình với sứ mạng cao quí của mình được. Đã có thời người ta thực sự sống hết mình với giá trị tuyệt đối của đời mình, cho dù sự sống hết mình đó sẽ mang lại những thiệt thòi. Có những người thợ may sẵn sàng vứt bỏ cái áo may dở, không giao cho khách vì cảm thấy xấu hổ nếu một món đồ do chính tay mình tạo ra lại không hoàn thiện. Họ coi trọng nghề của mình, vì họ xác định lương tri, phẩm giá của nghề mình. Có những Nhà giáo khao khát được dạy học, có thể không cần nhận lương, để truyền đạt kiến thức cho học sinh vì họ xác định được ơn gọi và sứ mạng của đời mình…
Nhưng xã hội này thì sao? Những con người được coi là những nhà đào tạo thế hệ tương lai cho đất nước lại cảm thấy mệt mỏi vì việc dạy. Có những người mong ước không dạy mà vẫn được nhận lương. Có những người chỉ dạy qua loa cho hết giờ chứ chẳng bao giờ thao thức về nghề, thao thức về sứ mạng của đời mình. Một cuộc đời như thế đâu còn ý nghĩa. Nghiệp giáo mà như thế còn gì là cao quí, còn gì là đạo đức nghề nghiệp. Đành rằng trong cuộc sống ta không thể coi mọi sự là tuyệt đối. Chẳng hạn không thể xem đồng tiền là tuyệt đối, không thể xem Đảng là tuyệt đối, nhưng những sứ mệnh cao cả như Nghề giáo mà không xem là tuyệt đối thì hậu quả thật không lường. Nền giáo dục của xã hội này đang chứng minh điều đó. Nhưng chỉ khi Nhà giáo quyết tâm hoàn thành sứ mạng đời mình bất chấp phải trả giá, Nhà giáo sẽ cảm nghiệm được ý nghĩa cao quí của đời mình. Chỉ những Nhà giáo dám dấn thân mới tìm ra giá trị ngọt ngào ấy.
Mấy lời kết:
Sự phát triển của một quốc gia, dân tộc không thể thiếu vắng giáo dục, bởi giáo dục là nền tảng để xây dựng nên những nhân tố góp phần làm cho đất nước phát triển. Trong nền tảng ấy, những Nhà giáo đóng một vai trò quan trọng, vì chính họ là người kiến tạo nên những thế hệ sẽ là tương lai của đất nước. Cho nên, mỗi Nhà giáo cần ý thức xây dựng cho mình một nền tảng đạo đức ngề nghiệp một cách vững chắc. Ý thức thôi chưa đủ nhưng mỗi Nhà giáo phải thể hiện ý thức đó bằng những hành động cụ thể để Nghề của mình thực sự là Nghề đào tạo CON NGƯỜI.
Nền tảng đạo đức của Nhà giáo chỉ thực sự đúng nghĩa của nó khi Nhà giáo dám dấn thân cho sứ mạng giáo dục một cách trọn vẹn cho dù sẽ gặp những chông gai. Những chông gai của Đời giáo sẽ là những giọt nước ươm mầm những thế hệ tương lai. Một sự hời hợt trong Nghề mình sẽ phá đi những giá trị cao quí của Nghề giáo. Tiền bạc, địa vị, chức tước, danh vọng sẽ qua đi nhưng cái tâm của mỗi Nhà giáo trong ý thức thực thi sứ mạng của mình sẽ không tàn phai.
Cuối cùng, cần thấy rằng, những bê bối, bệ rạc và xuống cấp trầm trọng của đạo đức Nhà giáo có lỗi một phần của xã hội, của chế độ. Nhưng như thế không có nghĩa là mỗi cá nhân Nhà giáo không có trách nhiệm gì. Vẫn còn đó những Nhà giáo chân chính; có phẩm chất đạo đức tốt; vẫn còn đó những Nhà giáo tận tụy vì học trò; vẫn còn đó những Nhà giáo có tấm lòng và lương tâm nghề giáo… thì mỗi cá nhân Nhà giáo cũng có thể vươn lên để giữ lấy “cái thiên lương của nghề mình.” Trong quá trình phát triển của đất nước, của xã hội, của con người, mỗi Nhà giáo đóng một vai trò quan trọng trong dự nghiệp trồng người. Nhưng sẽ trồng lên những con người ra sao, đạo đức của mỗi Nhà giáo sẽ có ý nghĩa quyết định.





Tài liệu tham khảo

- Nguyễn Thái Hợp, OP. Đạo đức học. Trung tâm Học vấn Đa Minh, 2008.
- Nguyễn Trọng Viễn, OP. Triết học nhập môn. Học viện Đa Minh, 1995.
- Xuân Huy & Đồng Công Hữu. Từ điển Tiếng Việt. Hà Nội: NXB trẻ, 2007.
- http://f.tin247.com
- http://giaoan.violet.vn
- http://thinhdailoc.blogspot.com
- http://ussh.vnu.edu.vn




[1] http://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BA%A1o_%C4%91%E1%BB%A9c
[2] http://thinhdailoc.blogspot.com/2011/08/9-ban-ve-ao-uc-nha-giao.html

[3] http://ussh.vnu.edu.vn/quy-dinh-ve-dao-duc-nha-giao/100
[4] http://ussh.vnu.edu.vn/quy-dinh-ve-dao-duc-nha-giao/100
[5] http://dantri.com.vn
[6] http://vietbao.vn/Giao-duc/Thay-giao-ga-nu-sinh-doi-tinh-lay-diem/30132212/202/
[7] http://f.tin247.com
[8] http://giaoduc.net.vn/Ban-doc/Soc-Hoc-vien-lon-tieng-thach-thuc-thay-giao-ngay-tren-lop-hoc/149296.gd
[9] http://giaoan.violet.vn
[10] http://www.hoclamgiau.vn/clubs/clubcontentdetail.aspx?id=66913&clubid=109&catid=98
[12] http://www.hoclamgiau.vn/clubs/clubcontentdetail.aspx?id=66913&clubid=109&catid=98