Hồ Anh Tuấn, SVD
Tính đến ngày ngồi viết những dòng chia sẻ này thì tôi cũng đã ở
Đức được 2 năm 2 tháng tròn. Thời gian trôi thật nhanh, mới đó đã hai năm. Hai
năm hai tháng, một khoảng thời gian không hẳn là dài, nhưng cũng không có nghĩa
là ngắn đối với một ai đó khi lần đầu đến một đất nước xa lạ, sử dụng một ngôn
ngữ xa lạ, ăn những món ăn xa lạ, và sống với những người trông có vẻ xa lạ về
màu da,, màu tóc… thì khoảng thời gian này có lẽ đủ dài để thấm thía nỗi nhớ
quê hương, cũng như học được những bài học lớn của cuộc đời về … Tình trời,
tình đời, tình ta…
Vừa qua Thầy Trường có lời hỏi thăm đến và có nhã ý xin tôi
chia sẻ vài điều về nước Đức cũng như kinh nghiệm học tập tại Đức với các anh
em. Do vậy, trong bài chia sẻ này tôi xin chia sẻ về việc học cũng như những
kinh nghiệm học tập trong hai năm qua mà tôi đã tích luỹ được khi học tại Đức.
Đây là cái nhìn có tính khái quát và mang tính chủ quan của tôi,
vì vậy nó chỉ là một sự chia sẻ mang tính cá nhân. Chính vì thế, tôi mong sẽ có
thêm nhiều anh em đến Đức để học tập, từ đó sẽ có thêm nhiều kinh ngiệm hay và
bổ ích hơn.
1. Hệ thống giáo dục Đức và tiếng Đức
Hiện nay thay vì tiếp tục chương trình Thần học tại Học viện Ngôi
Lời – Sankt Augustin thì tôi đang thực hiện chương trình ngoại khoá tại thành
phố Munich của Đức, nơi có hãng xe BMW nổi tiếng và đội bóng đá Bayern Munich
được hàng triệu người trên khắp thế giới hâm mộ.
Nơi đây tôi học tại phân khoa Thần học của Đại học LMU Munich.
Trường có nhiều phân khoa khác nhau, phân khoa Thần học có khoảng 3000 sinh
viên. Theo chương trình, tôi sẽ học tại một trường Đại học khác trong một năm
và sống bên ngoài khuôn viên của Nhà Dòng. Tôi phải tập tự tổ chức cuộc sống
như một nhà truyền giáo thực thụ. Chính vì lý do như vậy mà hiện nay tôi ở một
ký túc xá dành cho sinh viên. Ký túc xá có khoảng 120 sinh viên nam và nữ đến
từ các quốc gia khác nhau, trong số đó 50% là sinh viên Đức.
Hệ thống giáo dục của Đức tương đối chặt chẽ và phân chia năng lực
từ khi các học sinh tốt nghiệp tiểu học. Những học sinh giỏi thì sẽ học tiếp
tục tại các trường được gọi là Gymnasium để sau này lấy bằng tú tài và vào Đại
học. Các học sinh khá hoặc yếu hơn thì sẽ vào các trường gọi là Realschule hay
Hauptschule để sau này tốt nghiệp sẽ học nghề đi làm.
Tuy nhiên, với những học sinh được học ở Realschule thì vẫn có khả
năng học tiếp lên Đại học, nhưng thời gian sẽ dài hơn so với học sinh ở
Gymnasium. Tôi phác hoạ về hệ thống giáo dục Đức như vậy để thấy được rằng
những học sinh học đại học của Đức có thể nói là những tinh hoa của nước Đức.
Họ thực sự giỏi, thông minh và nhạy bén. Đặc biệt khả năng ngoại ngữ của những
sinh viên này thì chắc chắn là không chê vào đâu được. Do đó khi cùng học với
những sinh viên Đức, nhiều lúc cảm thấy mình như đang bơi ngoài đại dương mà
không thấy bờ bến.
Tại Đức có những hệ thống học tập dành cho sinh viên như sau:
1) Universitaet bao gồm nhiều phân khoa khác nhau. 2) Hochschule thường
chỉ có một ngành (ví dụ Học viện Ngôi Lời chỉ có chuyên ngành Triết và Thần
học. 3) Institute: tập trung nghiên cứu vào một vài nhóm
ngành cụ thể và cũng không nhiều phân ngành như Đại học.
Các hệ thống này đều có thể cấp bằng cử nhân (3 năm), thạc sĩ (2
năm) và tiến sĩ hoặc hệ Diplom (5 năm) cho các sinh viên. Hiện nay tôi vẫn theo
học hệ Diploma của Đức. Tuy nhiên trong những năm gần đây, hầu như các trường
cũng dần bỏ hệ thống này để chuyển sang hệ thống cử nhân và thạc sĩ như nhiều
nước trên thế giới.
Thực sự học tại Đức, nếu xét về tính Hàn lâm thì tôi có thể khẳng
định, giáo dục của Đức thuộc đẳng cấp cao của thế giới. Chính vì thế, một sinh
viên của Đức khi ra trường thường làm chủ được một hệ thống kiến thức cơ sở
vững chắc. Từ nền tảng này các sinh viên tiếp tục nghiên cứu trên những cấp cao
hơn. Sinh viên và học sinh của Đức luôn nhận được nhiều ưu đãi của chính phủ,
chính vì thế họ luôn tận dụng những ưu đãi này như tham gia một chương
trình ngoại khoá để làm giàu thêm vốn sống của mình.
Tiếng Đức là một ngôn ngữ khó, tôi không phủ nhận điều này. Tuy
nhiên đây là một ngôn ngữ mang tính logic cao, vì vậy trong quá trình học
tiếng, các giáo sư thường nhấn mạnh đến các qui luật về logic của văn phạm để
sinh viên có thể dễ dàng tiến xa hơn trong việc sử dụng tiếng Đức. Điều này rất
quan trọng khi học tiếng Đức, tiếng Đức cũng gần giống với tiếng Anh, hai ngoại
ngữ này luôn bổ trợ cho nhau.
Dĩ nhiên khi học tiếng Đức phát âm thực sự là một trở ngại lớn với
người Việt Nam. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của tôi thì hằng ngày cứ mang Kinh
Thánh hoặc một đoạn trong tờ tạp chí nào đó ra tập đọc thì chắc chắn sẽ nhanh
nói được tiếng Đức (dĩ nhiên là nhờ người sửa phát âm khi tập đọc), và điều
trên hết là đừng bao giờ mắc cở khi học ngoại ngữ, điều này có lẽ ai cũng biết
nhưng thực hiện lại khó vô cùng.
2. Văn Hoá và con người Đức
Người Đức rất có tính kỷ luật và văn hóa đối thoại rất cao và thân
thiện với môi trường. Nơi đâu cũng thấy cây xanh. Cây xanh chạy dài hai bên
dường cao tốc có lễ là một điều đáng tự hào của nước Đức. Những người bạn Đức
của tôi, họ làm việc cật lực trong tuần và cuối tuần họ thư giãn và nghỉ ngơi.
Giờ nào việc nấy có lẽ là tính cách của người Đức.
Khả năng đối thoại và tinh thần cởi mở là yếu tố hàng đầu khi làm
việc với người Đức (kể cả trong Nhà Dòng). Chẳng hạn trong cộng đoàn đào tạo
tại St. Augustin, trước khi làm việc gì chúng tôi thường bàn cãi rất lâu, Bề
trên cũng tham gia vào tranh luận. Tuy nhiên, nếu ý kiến của chúng tôi có những
lý lẽ chính đáng thì Bề trên cũng nghe theo. Tất cả mọi hoạt động trong cộng
đoàn đều do chúng tôi tự bàn thảo và Bề trên chỉ là người định hướng. Do vậy,
khả năng đối thoại, nhận định và nêu ý kiến cá nhân là một điểm sáng trong tính
cách của người Đức.
Sự tranh luận này cũng được thể hiện trong việc học. Các sinh viên
trong thời gian học sẽ phải tham gia các khóa hội thảo theo từng chủ đề khác
nhau có liên quan đến ngành học của mình, đồng thời phải viết bài trình bày đề
tài cũng như là bảo vệ đề tài của mình khi các sinh viên khác hỏi.
Có thể là khởi đầu không dễ dàng cho anh em đặc biệt từ các nước
Châu Á khi tham gia tranh luận, nhưng khi đã quen thì lại cảm thấy rất lý thú.
Một điều đặc biệt rất hay là dù có tranh luận gay gắt đến đâu nhưng bước ra
khỏi phòng họp hay lớp học, chẳng có ai ghét ai cả. Mọi người đều rất vui vẻ.
Những người bạn Đức bảo rằng: “Tôi mâu thuẫn với quan điểm và ý
kiến của anh không có nghĩa tôi đối đầu với con người anh.” (Tôi khác anh trong
suy nghĩ, nhưng tôi vẫn yêu mến anh. Đôi lúc anh có thể thấy tôi tranh luận các
ý kiến với anh, nhưng nếu anh thuyết phục được tôi ý kiến đó là đúng, thì chắc
chắn tôi sẽ theo anh). Nghe có vẻ triết học, nhưng ngẫm lại tôi lại thấy rất
hay và rất gần gũi với thực tế cuộc sống.
3. Giáo hội Đức và người Đức
Có thể nhận định một điều rằng: rất khó tìm thấy được nhiều người
trẻ tại một thánh lễ của Đức. Dĩ nhiên là vẫn có những người trẻ thao thức và
khắc khoải cùng sự phát triển của Giáo hội. Nhưng con số ấy thực sự không
nhiều. Những bạn trẻ mà tôi quen, họ nói rằng: họ vẫn tin vào Chúa, nhưng để họ
quay lại với nhà thờ thì Giáo hội cần phải làm một điều gì đó mới mẻ và thuyết
phục hơn. Có thể nhận định một điều rằng, rất khó tìm thấy được nhiều người trẻ
tại một Thánh Lễ của Đức. Do vậy, những người trẻ này và nhiều người Đức trưởng
thành, họ tìm đến với các công tác từ thiện như là một giải pháp để họ gặp gỡ
Chúa qua tha nhân.
Để làm việc với người Đức thực sự không dễ, bởi lẽ người Đức là
những người có trình độ nhận thức cao. Do vậy, nếu truyền giáo theo kiểu tranh
luận thì tôi thấy rất khó đi vào lòng của họ. Có một thời gian, tôi thực tập
tại một giáo xứ Đức, tôi thấy một điều rằng, họ không cần một cha xứ giỏi tranh
luận nhưng họ cần một cha xứ hiểu họ và cùng đồng hành với họ.
Nhất là khi làm việc với giới trẻ, nếu lấy uy quyền của một ông
cha hay một ông thầy thì họ chẳng bao giờ đến với mình. Phải là bạn thì mới có
thể nghe được họ nói gì và biết họ làm gì. Nhưng hành trình trở thành bạn của
những người trẻ này thì chẳng dễ chút nào. Thời gian và sự quan tâm dành cho họ
chính là yếu tố để chấp nhận mình như là một người bạn. Tôi thấy người Đức, họ
rất chân thật, vì vậy nếu một nhà truyền giáo thực sự có lòng đến với họ bằng
cả sự chân thành thì việc họ đón tiếp mình vào nhà của họ là điều đơn giản.
4. Cuộc sống đời du học
Trong hai năm qua, để có thể sống học tập và làm việc tại nước
Đức, có lẽ hai từ mà tôi phải thuộc nằm lòng đó là từ “CHẤP NHẬN”. “Chấp Nhận”
ở đây hoàn toàn không có nghĩa tiêu cực. Nếu không biết chấp nhận hoàn cảnh
mới, từ đó làm quen với hoàn cảnh mới để nỗ lực đi tiếp thì chẳng thể nào….
- Chẳng thể nào học tập và làm việc tại Đức mà cứ hằng ngày ngồi
mơ được ăn món Việt Nam!
- Chẳng thể nào học tập và làm việc tại Đức mà hằng ngày cứ
lải nhải phai chi mình đừng đi, đừng đi qua đây để học cái thứ tiếng gì đâu mà
khó đến vậy!!
- Chẳng thể nào học tập và làm việc tại Đức khi vẫn nghĩ mình là
ông Thầy được nhiều người quan tâm thương mến như hồi ở Việt Nam!
- Chẳng thể nào học tập và làm việc tại Đức nếu không thể tự sống
tự lập một mình mặc dù bên cạnh vẫn có Hội Dòng hỗ trợ.
- Chẳng thể nào học tập và làm việc tại Đức nếu không chịu
hằng ngày ngồi thư viện đến tận khuya và đọc những quyển sách nhiều lần mà
chẳng hiểu nó viết gì!!!
- Chẳng thể nào học tập và làm việc tại Đức nếu không bao
giờ chịu cúi mình xuống để nhờ người khác giúp mình, dạy cho mình những điều
mới.
- Chẳng thể nào học tập và làm việc tại Đức nếu cứ luôn cho
mình là đúng!!!!
- Chẳng thể nào học tập và làm việc tại Đức nếu cứ thu vào
trong cái vỏ ốc văn hóa và không chịu đến với người khác (đặc biệt là người bản
địa)
“Chấp nhận” để biết mình yếu đuối, chấp nhận để lớn lên và chấp
nhận để đi tiếp. So với anh em ở các nước khác cùng khoa tại Đức, thì tôi là
người lớn tuổi. Vì vậy để nhanh nhạy trong học tập có lẽ tôi không bằng họ. Do
vậy phải chấp nhận cái mình đang có để đi tiếp là một điều tưởng chừng như đơn
giản nhưng lại không đơn giản chút nào. Vì vậy, nhiều lúc tôi cảm thấy cái tôi
của mình sao lớn thế, muốn dẹp bỏ đi nhưng không được,….
Khi ra nước ngoài học tập nếu mình không thực sự năng động, thì
chắc chắn mình sẽ bị thụt lùi. Chẳng ai dạy cho mình gì cả nếu mình không trực
tiếp đi tìm hiểu và học hỏi. Năng động là một vốn sống cần có, tôi nghĩ không
chỉ riêng gì khi du học mà tất cả các nhà truyền giáo đều phải có.
Và điều cuối cùng tôi muốn nói là trong hơn hai năm qua, thực sự
tôi luôn bám vào Chúa trên con đường đi, đặc biệt là hành trình ơn gọi của tôi.
Vì thật sự ở Đức có nhiều cám dỗ. Có những lúc thực sự can cảm thấy mệt mỏi, có
những lúc tôi cảm thấy muốn buông xuôi… Nhưng rồi lại phó thác trong Chúa mà đi
tiếp. Tôi chẳng biết diễn tả như thế nào về một Thiên Chúa mà tôi vẫn bám víu
và tin tưởng trong hơn hai năm tại Đức. Liệu có khác với Thiên Chúa trong những
năm tôi ở Việt Nam hay không? Tôi nghĩ Thiên Chúa thì không khác nhưng có lẽ
trong bản thân tôi có gì đổi khác, dường như niềm tin của tôi đằm thắm hơn, sâu
lắng hơn và mật thiết hơn trong tương quan với Chúa chăng!!!
◊