13 thg 11, 2012

Đóng khung Thiên Chúa


Pietro Nguyễn
“Quý vị thừa biết: giao du hay vào nhà một người khác chủng tộc là điều cấm kỵ đối với người Do thái. Nhưng tôi thì Thiên Chúa đã cho tôi thấy là không được gọi ai là ô uế hay không thanh sạch” (Cv 10,28).
Trước đây, tôi thường chịu ảnh hưởng tư tưởng của ông bà để lại, khi cho rằng: “Những người không theo đạo Công giáo là những kẻ ngoại đạo, thờ bụt thần hay nặng hơn nữa là mọi rợ”.
Vấn đề này tôi biết rất rõ, vì xứ đạo của tôi nằm bên cạnh một làng kia không theo đạo Công giáo. Vì có những khác biệt trong văn hóa địa phương, nên hai làng này thường xảy những xung đột của cá nhân, có khi liên quan đến gần như cả làng.

Có những vụ bắt trộm gà, trộm vịt, trộm trâu bò, đốt đống rơm, nặng nề hơn là việc xúc phạm đến lễ hội giỗ cúng ông bà của những người không theo đạo Công giáo.
Vì thế, tương quan giữa hai bên làng có vẻ lạnh nhạt, khó tiếp xúc với nhau, có khi xung đột gây ra chia rẽ và dẫn đến đỗ máu.
Hôm nay bắt gặp lại câu chuyện lớn trong hành trình truyền giáo của Phêrô, các tình tiết trong câu chuyện đã làm cho tôi quay về với quá khứ, với thực tại mà tôi đã có cái nhìn sai lệch về những người không cùng tôn giáo với tôi.
Trước tiên, Phêrô cũng là người chịu ảnh hưởng của văn hóa Do thái nên ông không thể chấp nhận những gì được gọi là ô uế. Ông không muốn đến rao giảng cho dân ngoại. Tôi cũng là người bị chi phối văn hóa địa phương, óc cục bộ, nhìn vấn đề thiếu thiện cảm với những người không theo tôn giáo của mình.
Vì thế, tôi cũng nhìn Thiên Chúa với cái nhìn hẹp hòi của tôi. Tôi bắt Thiên Chúa phải đóng khung trong lô cốt chật hẹp và ích kỷ của những người “có đạo” như tôi.
Cho nên, tôi cũng không muốn giao du với những ai không thuộc về “phe ta”. Vì có những thiên kiến lệch lạc, thiếu “nhân loại bao dung tính” nên tôi chưa được Thánh Thần “mở mắt” để đến với người khác. Huống chi nói đến những gì tôi làm cho họ.
Ngay trong chính môi trường tôi sống, thử hỏi tôi đã mở lòng ra để đến với hết mọi người chưa? Hay tôi còn phân biệt những nét văn hóa khác nhau, về địa lý, giọng nói, sở thích…?
Khi bắt gặp lời giảng của Phêrô: “Quý vị thừa biết: giao du hay vào nhà một người khác chủng tộc là điều cấm kỵ đối với người Do thái. Nhưng tôi thì Thiên Chúa đã cho tôi thấy là không được gọi ai là ô uế hay không thanh sạch”, tôi có cảm tưởng là Chúa Thánh Thần đã thúc đẩy tôi đến với hết mọi người.
Tôi phải có cái nhìn bao dung, nhân loại hơn để mong ước nói Lời Chúa cho những người không cùng tôn giáo. Điều này còn giúp tôi nhận ra rằng ‘đối thoại tôn giáo là một vấn đề lớn’ mà Giáo hội Chúa Kitô và tất cả các tôn giáo khác đang mơ ước.
Như vậy, tôi nghiệm ra rằng ‘bản chất của Giáo hội là truyền giáo”, đi ra khỏi chính ‘pháo đài, lô cốt’ vững chắc của mình để đến với muôn dân. Giáo hội không thể là một tổ chức co cụm trong một vùng ‘địa lý’ hay chỉ có một số ít ‘nhân khẩu’ được cai quản dưới một số “công chức của Giáo Hội” (những người có chức quyền trong Giáo hội).
Giáo hội cần ‘xuất gia’ hay ‘đồng hành’ với hết mọi người để sống và nói Lời Chúa cho chính mình và cho cả thế giới.
Hành trình truyền giáo của Phêrô giúp tôi có cái nhìn can đảm hơn, cấp thiết hơn cho việc rao giảng Lời Chúa. Tôi nhận ra mình còn thiếu tự tin, quảng đại và dấn thân cho việc truyền giáo. Nhưng tôi tin chắc rằng, Chúa Thánh Thần sẽ là linh hồn và nguyên lý cũng như động lực thúc đẩy tôi “đi ra” trong tương lai.
Tôi phải đặt mọi hy vọng vào Chúa, chứ không thể cậy sức mình. Tất cả mọi cố gắng của tôi cũng chỉ là giọt nước hòa đại dương trong cánh đồng truyền giáo rộng lớn của Thiên Chúa.