22 thg 4, 2013

Hòa giải, chặng đường khổ giá


Của Ai SVD
Một phóng viên nọ gặp một nhóm du khách, anh ta liền xin phỏng vấn họ một câu hỏi:
-Xin lỗi, các anh có thể cho ý kiến về tình trạng thiếu hụt lương thực?
Du khách người Somali hỏi lại:
-Lương thực là gì?
Trong khi đó du khách người Mỹ lại hỏi:
-Thiếu hụt là sao?
Anh chàng Afghanistan thì gãi đầu:
-Ý kiến là gì?
Người Việt Nam thì đặt câu hỏi:
-Xin lỗi là gì?
Trên đây là câu chuyện biếm mà tôi tình cờ đọc được cách đây nhiều năm, nhưng tôi không thể quên được. Vâng, hai từ “xin lỗi” rất khó thốt ra trong miệng người Việt Nam.
Văn hóa Việt Nam với “1000 năm đô hộ giặc Tàu, 100 năm đô hộ giặc Tây, 20 nội chiến từng ngày”, đã nuôi dưỡng trong tâm hồn người ta với ý nghĩ phải đấu tranh, vùng lên, lật đổ, loại trừ … kéo từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Là “con chim trong lồng văn hóa Việt và con cá trong chậu của dòng máu Việt”, tôi không thể đi xa hơn những gì mình được thụ huấn.
Trước khi đặt chân vào nhà Dòng, tôi có những lý tưởng rất đẹp về đời tu. Với suy nghĩ và ước muốn sẽ trở thành sứ giả của bình an, của yêu thương, của công bằng, chính trực … Nhưng với thời gian, những hoài bão ấy trở nên chết dần và gần như “tuyệt chủng” trong tôi.
Nguyên do nằm ở câu chuyện tôi sắp kể ra đây.
Vài năm trước, trong lớp học Anh văn tại một trung tâm “danh tiếng” được Ban Đào Tạo tin tưởng gởi anh em đến học đã xảy ra một câu chuyện như sau:
Trong giờ học Anh văn thầy giáo lại nói đến những từ tiếng Việt, đặc biệt là từ Hán Việt và Thuần Việt. Lúc ấy, trong lớp học chẳng ai ý kiến gì, thầy giáo liền bảo anh em hãy đưa ra ý kiến và tranh luận vấn đề.
Sau khi 2, 3 người ý kiến nhưng vấn đề vẫn không sáng tỏ, tôi liền ý kiến.
Sau một hồi tranh luận thì thầy giáo đuối lý, trong cơn tức giận, thầy đập bàn và bảo: “Anh im, sai mà cứ cãi”. Lúc ấy, máu nóng trong tôi trào lên tới mặt nhưng tôi ráng nhịn và chịu đựng. Hôm sau thầy gặp riêng tôi và nhận sai.
Vài ngày sau, trong bữa ăn, một cha trong Ban Đào Tạo hỏi tôi về vấn đề tại lớp Anh văn, tôi bảo: “Em là nhân vật chính đây”. Sau đó, tôi kể lại toàn bộ câu chuyện, lúc đó có “cha già dân tộc” ngồi kế bên nghe. Hôm sau, “cha già” gặp tôi và nói: “Cha tra Từ Điển Tiếng Việt và thấy con lý luận đúng”. Những tưởng chuyện dừng lại ở đây. Nhưng không, vẫn còn hồi sau khá dài, và đây mới là nguyên nhân khiến tôi “hận người, hận mình” đến hôm nay.
Hận mình, vì bản thân quá tin người, quá thật trong suy nghĩ và lời nói. Hận người, vì họ nói ngọt, nói hay nhưng lại “thọc bánh xe”.
Trong kỳ lượng giá năm đó, một người trong lớp đã lượng giá ở phần khuyết điểm của tôi là: “Không nên cãi thầy trong lớp học”.
Khi tôi phản hồi: “Nhưng tôi không sai!”, anh ta liền nói: “Dù mình không sai nhưng làm vậy là mất mặt thầy giáo”. Tôi định nói tiếp thì cha phụ trách lượng giá hôm đó lên tiếng: “Nếu em đi dạy giáo lý cho học sinh mà em nói sai, học sinh cãi lại em có chịu không?”
Đến đây thì tôi cứng miệng. Bởi nếu tôi tiếp tục lên tiếng thì sẽ bị “chụp mũ” ngoan cố, cứng đầu, thiếu khiêm nhường… Tội chồng tội, thật là “khẩu không phục mà tâm cũng chẳng nể”.
Dường như cuộc đời tôi luôn chịu sự bất công như vậy, đây chỉ là một điển hình trong nhiều trường hợp mà tôi phải đối diện.
Các thư của Tổng quyền luôn đề cao việc đối thoại, nhưng tôi lại không được đối thoại một cách chính đáng, công bằng mà phải chấp nhận kiểu như “cá không ăn muối cá ươn”.
Hằng ngày chúng ta vẫn lên án xã hội bất công, thiếu dân chủ, không thành thật … vậy mà trong môi trường đào tạo thì tôi lại được thụ huấn lối sống, lối suy phải chịu đựng, chấp nhận bất công, vô lý.
Phải sống chung với hành động “cả vú lấp miệng em”, mạnh được yếu thua, phải chấp nhận quy luật “cá lớn nuốt cá bé”, đồng thời công nhận “ chân lý nằm trong tay kẻ mạnh”.
Nhiều lúc tôi muốn “nổi loạn” với chính mình và người khác, bất chấp hậu quả đến đâu. Bởi chưng tôi không thể hòa giải được mâu thuẫn nội tại của bản thân cũng như với những người liên quan. Nhiều lúc tôi sống “không là chính tôi”, phải chăng đây là “thành quả” của sự chịu đựng, chấp nhận số phận?
Còn nhớ, ngày cuối kỳ tĩnh tâm năm năm ngoái. Sau khi họp cộng đoàn, khi được hỏi: “Anh em có ý kiến, góp ý. Cứ tự nhiên, không có gì phải sợ?”, thì cả hội trường im phăng phắc. Lúc ấy, cha giảng phòng đã hài hước phá tan bầu không khí ngột ngạt: “Khi nói thì không sợ, nhưng nói xong rồi tiếp tục sợ”.
Sợ hãi khiến tôi sống hèn nhát, chấp nhận những gì người khác mớm và vẽ ra để tôi cứ thế mà theo. Tôi biết như thế là tội, là thói xấu nhưng hiện giờ “mốt” này đang thịnh hành và mọi người ưa chuộng thì tôi đâu dám đi ngược dòng.
Trên đây chỉ là kinh nghiệm và suy tư cá nhân của tôi, khi viết những dòng này tôi vẫn sợ một điều gì đó không hay sẽ đến với tôi. Nhưng viết rồi thì vẫn thấy thoải mái hơn là đeo nặng trong lòng.
Lạy Cha, hòa giải là một ân huệ lớn lao mà Cha đã ban cho nhân loại. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, Đức Giêsu-Con Cha đã kêu xin Cha tha tội cho những kẻ bách hại Người và cũng chính Người là Đấng Trung Gian hòa giải nhân loại với Cha. Xin thêm sức mạnh và lòng tin nơi con, để con can đảm hòa giải với chính bản thân, tha nhân và với Cha. Amen.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét