17 thg 4, 2013

Khi nào tôi hết bại liệt?


ThanhTâm SVD
Đợt tĩnh tâm lần này ở trong khuôn viên thật yên tĩnh và thanh bình, thế nên trong tôi có chút gì háo hức và mới lạ.
Hơn nữa, tôi đang sống trong tâm tình Mùa Chay, lại đang trải qua những giây phút quan trọng trong lịch sử Giáo hội, khiến tâm hồn tôi dễ cảm hơn Lời Chúa, dễ bị đánh động hơn bởi những lời chia sẻ của cha giảng phòng và nhất là dễ đi vào thinh lặng nội tâm hơn.
Trong một số đoạn Tin Mừng mà cha Linh hướng đã gợi ý tôi đặc biệt thích nhất đoạn Tin Mừng Maccô 2, 1-12, kể lại việc Chúa Giêsu chữa người bại liệt tại Caphacnaum. Đoạn Tin Mừng này tôi đã đọc nhiều, đã nghe nhiều, đã suy niệm nhiều và cũng đã được chia sẻ nhiều nhưng lần này nó đánh động tôi một cách đặc biệt.
Khi so sánh hình ảnh anh thanh niên trong bài Tin Mừng và tôi, tôi thấy mình cũng đang sống trong sự bại liệt, ít ra là bị xem như bại liệt. Vì thế, tôi đã dành rất nhiều thời gian thinh lặng để đi tìm cho mình một câu hỏi: Nguyên nhân nào khiến tôi bại liệt?

Về thân xác, tôi tạ ơn Chúa vì Ngài đã cho tôi được mạnh khỏe. Nhưng trong đời sống tinh thần, dường như sự bại liệt đã tràn ngập trong tôi. Nó nhiều đến nỗi tôi coi đó là chuyện bình thường. Nói như Đức cha Hợp: Khi một xã hội ai cũng cởi truồng thì người mặc quần áo bị xem là vô văn hóa và đồi bại.
Vậy tôi đang bại liệt thế nào?
Khi tôi có tội, tôi xúc phạm đến Chúa và anh chị em, tôi đang bị bại liệt. Khi tôi sống trong sự gian dối, tôi đang bại liệt. Khi tôi không dám nói thật, vì sợ, tôi đang bị bại liệt. Khi tôi không được tự do trong suy nghĩ và hành động, tôi đang bị bại liệt.
Khi tôi không dám lên tiếng bảo vệ cho lẽ phải và chân lí, không dám bênh vực cho người thấp cổ bé họng, vì sợ mất quyền lợi, vì sợ liên lụy, tôi đang bị bại liệt… Hóa ra, lâu nay, tôi đang sống trong bại liệt mà tôi nào đâu có biết.
Những thứ bại liệt đó cứ đeo đẳng nơi tôi, cùng đồng hành với tôi, sống với tôi như hình với bóng mà tôi lại có cảm giác bình thường. Hóa ra, đời tôi đã coi những thứ bại liệt kia là chuyện bình thường, là chuyện đương nhiên phải có, là điều tồn tại hiển nhiên, là cái mà tôi phải quan tâm làm gì cho mệt.
Tới đây, tôi nhớ một câu nói của người bạn hiện nay đang làm trong một cơ quan nhà nước: Ở cơ quan mình, ai cũng ăn hối lộ, mình mà không theo họ thì bị xem là kẻ thiếu thức thời, là người ở thế giới bên kia; cho nên việc nhận hối lộ dường như là một chuyện bình thường, nó giống như ngày ăn ba bữa thôi…
Thì ra, tôi đang sống trong một bầu không khí như thế nên những thứ bại liệt kia đã làm cho tôi không nhận ra, nói đúng hơn là không muốn nhận ra. Điều này liệu có đúng hay chỉ là quan điểm cá nhân?
Tôi đã cố dùng thời gian thinh lặng cách đặc biệt để đi tìm câu trả lời cho vấn đề này. Cho dù nó chỉ là quan điểm cá nhân, tôi cũng xin nói ra vài cảm nhận.
Trước hết là sợ. Chính sự sợ hãi đã làm cho tôi sống trong tình trạng bại liệt mà không hay biết, hay có biết cũng không dám phản kháng, sửa đổi, chữa lành. Trong xã hội tôi sợ chính quyền. Chế độ này đâu cho ai nói thẳng, nói thật. Ở xã hội này, nói thẳng, nói thật đồng nghĩa với việc chuẩn bị cho mình tâm thế “bóc lịch” dài dài.
Từ nhỏ, tôi đã sống trong bầu khí này; tôi đã sống trong những khẩu hiệu mà khi lớn lên tôi biết rằng nó rỗng toác thế nhưng tôi vẫn phải sống, vì biết rằng đi ra khỏi quĩ đạo đó tôi sẽ giống như người bay vào không trung, mất thăng bằng…
Một bầu không khí như thế dần dần đã tôi luyện tôi thành người dễ thích nghi với hoàn cảnh, hơn là dám nói và sống những gì mình nghĩ.
Vào nhà tu, tư tưởng này trong tôi cũng chẳng hơn bên ngoài là bao nhiêu. Vẫn là sự sợ hãi: sợ không được khấn, sợ bị “đì”, sợ bị mang tiếng là kẻ hỗn xược… Mà vì tôi đã quen với lối sống này ngoài đời cho nên khi sống trong đời tu, dường như sự thích nghi với một vỏ bọc vững chắc của sự bại liệt lại càng dày hơn.
Tôi trở nên con người ngày càng “khôn khéo” trong sự luồn lách chứ không phải là người khôn khéo và thăng tiến trong đường đạo hạnh…
Thứ đến, văn hóa tôn tri trật tự của xã hội này cũng là một nguyên nhân khiến tôi dễ sống trong tình trạng bại liệt một cách “hữu hiệu”. Ở nhà tôi phải nghe lời bố mẹ; đến nhà thờ phải nghe lời cha xứ; ở ngoài xã hội tôi phải sống theo đường lối của đảng đã vạch sẵn.
Đi ra ngoài khuôn khổ này đồng nghĩa với những trận đòn, những lời chửi mắng, là sự cảnh cáo, có khi là đi “hầu chuyện” cán bộ… Vô nhà tu, tôi phải sống theo luật lệ, phải vâng lời Bề trên một cách tuyệt đối. Nếu tôi cãi lời Bề trên hay làm những điều trái với những qui định, nhẹ thì nhắc nhở, thẻ vàng, nặng thì “xách vali về nước”…
Những bầu không khí này không những khiến tôi luôn bị sống trong tình trạng bại liệt mà nó còn bắt tôi phải luôn luôn sống trong tình trạng bại liệt nếu muốn tồn tại.
Vậy khi nào tôi mới có thể hết bại liệt? Một câu hỏi thực sự trong tôi, giờ này, chưa có câu trả lời. Có lẽ khi nào tôi hết sợ thì tôi mới có khả năng để thoát khỏi tình trạng bại liệt này. Nhưng chẳng lẽ tôi cứ sống mãi, hay phải sống mãi với tình trạng này?
Lời Chúa hôm nay (Mc 2, 1-12) đã đánh động tôi, đã khơi dậy trong tôi một sự quyết tâm mới. Chỉ khi nào tôi dám sống theo lời Chúa dạy, chỉ khi nào tôi để cho Chúa chữa lành mình bất chấp những ngăn cản của người đời, chỉ khi nào tôi dám để cho tiếng Chúa vang dậy trong cõi lòng mình: “Đừng sợ!” Lúc đó tôi mới có thể thoát khỏi tình trạng bại liệt. Lạy Chúa, xin ban ơn cho con.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét